Phản đối tàu lạ đâm chìm tàu cùng 34 ngư dân ở Hoàng Sa
Chiều 4-5, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam ra tuyên bố phản đối tàu lạ đâm chìm tàu cá của 34 ngư dân ở Hoàng Sa, cho rằng đây là hành vi vô nhân đạo, đe dọa trực tiếp đến tính mạng ngư dân.
Tàu SAR 412 đã được điều đi cứu nạn – ảnh: Trần Thường
Chiều 4-5, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã có tuyên bố phản đối tàu lạ đâm chìm tàu cá của ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Quảng Nam.
Theo Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam, qua thông tin báo cáo nhanh từ Nghiệp đoàn nghề cá huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, vào đêm khuya ngày 3-5, tàu cá mang số hiệu QNa 95959 TS do ông Phạm Phú Thành làm thuyền trưởng đang khai thác thủy hải sản tại tọa độ 19 độ vĩ Bắc -114 độ kinh Đông thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bị một tàu lạ đâm trực diện và bị chìm sau ít phút.
Tàu lạ (theo mô tả của ngư dân nghi là tàu của Trung Quốc) sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam đã bỏ đi mặc cho toàn bộ ngư dân trên tàu cá Việt Nam phải vật lộn, chống chọi với sóng biển giữa đêm tối.
Sau đó, toàn bộ ngư dân trên tàu QNg 95858 TS đã được một tàu cá của Việt Nam đang khai thác thủy hải sản gần đó đến ứng cứu và đưa toàn bộ ngư dân gặp nạn lên tàu.
Hiện tàu cứu nạn của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (tại Đà Nẵng) đang tiếp cận cứu nạn. Dự kiến chiều tối 5-5, các ngư dân gặp nạn sẽ được đưa về đến đất liền.
Video đang HOT
Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam khẳng định đây là hành vi vô nhân đạo của tàu cá nước ngoài, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đang khai thác thủy hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam hết sức lên án và phản đối hành vi nói trên và đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam trong các hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân Việt Nam yên tâm vươn khơi bám biển lao động sản xuất.
Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam xin chân thành chia sẻ những thiệt hại của đoàn viên, ngư dân các nghiệp đoàn nghề cá. Đề nghị đoàn viên, ngư dân các nghiệp đoàn nghề cá cần tăng cường tình đoàn kết, tránh manh động, tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động trên biển; chấp hành đúng các quy định pháp luật trên biển của Việt Nam và các nước láng giềng, nhằm tránh những thiệt hại về tài sản, nguy hiểm cho tính mạng và quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước.
Trước đó, như đã thông tin, vào khoảng 23 giờ ngày 3-5, tàu cá QNa-95959 TS do ông Phạm Phú Thành (ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng cùng 33 lao động đang hành nghề câu mực trên vùng biển Hoàng Sa tại tọa độ 19010′ Vĩ bắc, 113050′ độ kinh đông (cách Đà Nẵng khoảng 350 hải lý về hướng Đông Bắc) thì bị tàu lạ đâm chìm. Do trời tối nên các ngư dân không nhận dạng được chiếc tàu này.
Theo Người lao động
Tàu cá Trung Quốc mang vũ khí ra Biển Đông
Trung Quốc đang sử dụng một hạm đội tàu cá để thu thập thông tin về các tàu nước ngoài hoạt động ở Biển Đông. Các tàu này được trang bị hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) để liên lạc với tàu phòng vệ bờ biển, nhiều tàu mang theo cả vũ khí.
Reuters đưa tin cho hay, đội tàu cá ở một thị trấn cảng tại đảo Hải Nam được huấn luyện quân sự, trợ cấp mọi thứ, kể cả nhiên liệu để thực hiện cái gọi là "lực lượng dân quân biển" tiến ra Biển Đông.
Đội tàu cá TQ được trang bị hiện đại, thậm chí mang cả vũ khí khi ra Biển Đông. Ảnh: Reuters
Hãng tin này dẫn lời quan chức Hải Nam, các nhà ngoại giao khu vực rằng, chương trình huấn luyện đội tàu nói trên còn bao gồm các hoạt động diễn tập trên biển, kỹ năng thu thập thông tin về tàu nước ngoài.
"Dân quân biển đang không ngừng mở rộng vì Trung Quốc muốn các ngư dân tham gia bảo vệ lợi ích quốc gia", một cố vấn cho chính quyền Hải Nam nói.
Tuy nhiên, lực lượng này cũng làm gia tăng nguy cơ xung đột với hải quân nước ngoài tại vùng biển chiến lược.
Theo cố vấn chính quyền Hải Nam, lực lượng quân sự cấp thành phố đảm nhận nhiệm vụ cung cấp, huấn luyện quân sự cho ngư dân Trung Quốc.
Hoạt động này diễn ra vào tầm tháng 5 và tháng 8, bao gồm hoạt động tìm kiếm cứu hộ, đối phó thiên tai trên biển, và "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc", vị cố vấn nói.
Thay tàu sắt công suất lớn
Theo các chuyên gia ngành công nghiệp đánh bắt Trung Quốc, nguồn trợ cấp từ chính phủ cho phép ngư dân sử dùng các tàu sắt công suất lớn thay vì tàu gỗ.
Hệ thống GPS được trang bị cho ít nhất 50.000 tàu, nhằm giúp đội tàu cá liên lạc với tàu phòng vệ bờ biển Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp, kể cả đụng độ với tàu nước ngoài.
Một số ngư dân Hải Nam còn cho hay, nhiều tàu mang cả vũ khí loại nhỏ. Cố vấn chính quyền Hải Nam nói rằng, khi "thực hiện sứ mệnh bảo vệ chủ quyền", các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với lực lượng dân quân biển.
Việc phối hợp này đã thể hiện rõ ràng trong một sự vụ xảy ra hồi tháng 3, khi Indonesia tiến hành bắt giữ một tàu cá Trung Quốc ở gần quần đảo Natuna. Một tàu phòng vệ bờ biển TQ khi ấy đã nhanh chóng can thiệp, ngăn cản lực lượng hải quân Indonesia.
Bắc Kinh trong khi không tuyên bố chủ quyền với Natuna thì vẫn ngang ngược nói rằng, con tàu trên hoạt động ở "vùng đánh bắt truyền thống của Trung Quốc".
Reuters dẫn nguồn tin công nghiệp đánh cá Trung Quốc rằng, các công ty đánh bắt nước này được chính phủ tài trợ thường xuyên đưa tàu ra Trường Sa.
Tập đoàn nhà nước mang tên Ngư nghiệp Nam Hải (Hải Nam) thường cung cấp cho ngư dân nhiên liệu, nước và đá, sau đó mua lại cá mà các ngư dân này đánh bắt được tại Trường Sa.
Theo Thái An (Vietnamnet)
Bị Nhật bắt tàu cá, Đài Loan điều tàu đến gần đảo Okinotorishima Chính quyền Đài Loan đã điều hai tàu đến tuần tra tại vùng biển xung quanh hòn đảo cực nam của Nhật Bản để phản đối việc Nhật bắt giữ một tàu cá Đài Loan. Tàu Đài Loan sẽ đến tuần tra vùng biển xung quanh đảo Okinotorishima Cả hai tàu này đã rời cảng Cao Hùng hôm 1-5 và hướng thẳng đến...