Phận đời nghiệt ngã sau án tử
Bản án tử hình tuyên xong, người thân của bị cáo chạy theo gọi tên bị cáo trong nước mắt. Xe tù lặng lẽ rời sân tòa, bỏ lại những bước chân xiêu vẹo, ngã sụp xuống đất. Những số phận chênh vênh cũng bắt đầu từ đây.
Phiên tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM sáng 26-9 tuyên y án sơ thẩm tử hình về tội “Giết người” đối với Đoàn Văn Hùng. Hùng vội quay mặt lại phía sau tìm vợ con. Nhìn thấy 2 đứa con, một gần 2 tuổi, một tròn 11 tháng ngọ ngọe trong tay vợ, đôi mắt Hùng đỏ hoe. Người vợ trẻ lật đật bế con chạy theo gọi tên chồng.
2 đứa nhỏ sẽ ra sao?
Xe tù khuất dạng từ lâu, 4 người già trẻ ngồi ngẩn ngơ. Đứa con nhỏ trở mình bật khóc, vợ Hùng – Đoàn Thị Ngưu (SN 1992, ngụ tỉnh Bình Phước) – vén áo cho con bú. Cạnh bên, bà Trần Thị Xiêm, mẹ Ngưu, đút những mẩu bánh mì khô khốc mang theo từ sáng cho đứa cháu lớn. Bà Xiêm buồn bã kể lại cuộc đời cô con gái: “Nó vừa sinh ra thì bị hở hàm ếch, đã vậy tính còn gàn dở, học hết lớp 3 thì nghỉ.
Nó quen rồi lấy thằng Hùng khi chưa đủ 18 tuổi. Hai năm sau, tụi nó có 2 đứa con. Hùng ham chơi, không lo làm lụng… Tôi phải vất vả lo cho vợ chồng nó và 2 đứa nhỏ. Rồi thằng Hùng nói đi làm, tôi cũng không biết nó làm gì cho đến khi án mạng xảy ra…”.
Theo bản án, Hùng làm bảo kê cho quán karaoke Hương Tràm (thị xã Bình Long – Bình Phước). Đêm 10-10-2010, đang nhậu, Hùng nghe nói có khách quậy ở phòng 3 nên mang dao theo và kêu bạn chở về quán giải quyết. Vừa bước vào quán, nhìn thấy Trần Văn Tiến và bạn bước ra từ phòng số 3, không cần hỏi đầu đuôi, Hùng cầm dao chạy theo chém vào cổ Tiến làm anh gục chết.
Tháng 7-2011, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Hùng mức án tử hình, Hùng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngồi bên vệ đường chờ xe về quê, bà Xiêm quệt nước mắt, thở dài khi được hỏi về tương lai 2 đứa cháu nhỏ. “Lúc chúng mới chào đời, nhà chùa xin nuôi nhưng tôi không chịu. Bây giờ cha nó tù tội, tôi già yếu, mẹ nó gàn dở, không biết làm gì…, chắc phải gửi chúng cho nhà chùa nuôi dạy…” – bà Xiêm nghẹn ngào. Nghe mẹ nói, mặt Ngưu rũ xuống, cô ôm khư khư đứa con nhỏ đang ngủ mê.
Mẹ và vợ con Đoàn Văn Hùng lặng lẽ rời sân tòa
Video đang HOT
Dáng người phụ nữ nhỏ thó đứng nép bên gốc cây nhìn chằm chằm chiếc xe tù có con trai bà đang ngồi trong, khiến nhiều người phải chạnh lòng. Mai Quang Điệp và đồng bọn bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xét xử về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Rạng sáng 9-1-2011, sau khi nhậu xong, Điệp dùng xe máy chở bạn đi trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp – TPHCM), thấy nhóm anh Trần Tiến Dũng chạy xe lạng lách trước mặt, Điệp chạy tới lớn tiếng chửi thề, đôi bên dẫn đến cãi vã.
Thấy nhóm Điệp có dao, nhóm anh Dũng bỏ chạy. Anh Dũng chạy không kịp nên bị đâm vào cổ dẫn đến tử vong. Gây án xong, Điệp và đồng bọn lấy xe máy của anh Dũng mang đi bán và chia nhau tiêu xài. Với hành vi côn đồ trên, Điệp bị bác kháng cáo, y án tử hình.
“Nhà tôi và nhà cháu Dũng cùng ngụ TP Bảo Lộc – Lâm Đồng, cách nhau hơn 20 km. Lúc vụ án xảy ra, gia đình tôi không biết, đến khi ba mẹ Dũng tìm đến nhà báo tin, tôi sững sờ” – bà Trần Thị Nê, mẹ Điệp, nói. Vượt qua mặc cảm, bà quyết định vay nóng 1 triệu đồng với lãi suất 10.000 đồng/ngày, một mình bắt xe lên nhà người bị hại để xin lỗi, cúng viếng.
Xét xử sơ thẩm, tòa tuyên Điệp phải bồi thường khoảng 40 triệu đồng, bà Nê chạy vạy khắp nơi được 15 triệu đồng gửi gia đình người bị hại.
“Gia đình đã bán rẫy cà phê sau nhà để chạy chữa thuốc men cho ba Điệp vì ông bị bệnh khớp nặng. Nhiều năm nay, một mình tôi làm thuê lo thuốc thang cho chồng, lo cho đứa con gái út học cao đẳng, nay phải trả nợ thay con. Con dại cái mang, giá nào cũng cố bồi thường thiệt hại cho người ta… Những khoản tiền lãi của 1 triệu đồng trước đây và 15 triệu đồng sau này đến nay vẫn chưa trả được, chỉ sợ sức tàn, tôi ngã xuống rồi, ai sẽ trả nợ thay con?” – bà quệt nước mắt nói.
“Tội ác nào cũng đều phải trả giá. Mong sao những ai có ý định phạm tội hãy nhìn vào kết thúc cay đắng mà bị cáo và gia đình họ phải gánh chịu để kịp thời thức tỉnh, dừng tay trước khi quá muộn” – một người dân tham dự phiên tòa nói.
Theo Dantri
Phía sau bản án tử hình - Kỳ cuối: Tử hình và trắng án
Là nghi can của vụ giết người, phân xác nạn nhân một cách dã man, Denchai Nutiphanich (quốc tịch Thái Lan, làm ăn sinh sống tại VN) đã bị TAND TP.HCM tuyên bản án tử hình. Thế rồi sau nhiều lần bị hủy án, điều tra lại cơ quan tố tụng phải ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Luật sư Lê Hồng Nguyên (phải) và Denchai trong ngày Denchai được trả tự do (tháng 6-2009) - Ảnh: CHI MAI
Từ chỗ phải nhận bản án tử hình, nghi can đã được trắng án sau gần chín năm bị tạm giam. Vậy hung thủ thật sự đã gây cái chết đau đớn cho nạn nhân, để lại nỗi mất mát không thể bù đắp nổi cho gia đình của họ là ai? Câu hỏi này cũng chính là món nợ của cơ quan tố tụng đối với gia đình nạn nhân.
Vụ án đáng nhớ trong đời một luật sư
Theo luật sư Lê Hồng Nguyên, đây là vụ án đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm luật sư của ông. Khoảng giữa
năm 2003, luật sư Nguyên được người vợ VN của Denchai mời bào chữa cho bị cáo. Denchai là nghi can chính trong vụ án giết người, phân xác xảy ra tại khách sạn Quyền Thanh, quận 1 gây kinh hoàng dư luận vào tháng 6-2000. Lúc ông nhận vụ án này, Denchai đã bị xét xử sơ thẩm với mức án tử hình. Theo bản án thì Denchai được xác định là người đã giết chết ông Ngũ Lương, chủ một tiệm vàng tại quận 5, TP.HCM, vì mâu thuẫn tiền bạc trong cá độ bóng đá mùa bóng Euro 2000.
"Ngay khi bắt tay vào đọc hồ sơ vụ án, tôi suy nghĩ rất nhiều bởi cảm nhận vụ án có điều gì đó bất ổn" - luật sư Nguyên cho biết. Theo luật sư, vụ án thật đau lòng. Chiều 27-6-2000, ông Ngũ Lương ra khỏi nhà, có nói với vợ là đi lấy tiền thắng độ bóng đá với Denchai, còn hẹn tối sẽ về dự sinh nhật con gái. Sau đó, ông Ngũ Lương đã mất tích một cách bí ẩn khiến gia đình phải trình báo công an. Ba ngày sau, cơ quan công an nhận được tin báo từ khách sạn Quyền Thanh cho biết nhân viên dọn phòng đã phát hiện một thi thể nạn nhân bị cắt rời gói trong bốn bọc nilông để dưới gầm giường căn phòng 301. Đây là căn phòng mà Denchai đã thuê vào ngày 26-6.
Theo bản án thì Denchai là người đã đưa Ngũ Lương lên phòng khách sạn, sau đó giết chết và phân xác nạn nhân. Theo luật sư Nguyên, bản án kết tội Denchai chủ yếu dựa vào một số chứng cứ như: Denchai là người thuê căn phòng, có quan hệ tiền bạc trong cá độ bóng đá với Ngũ Lương, kết luận giám định dấu máu trong chiếc balô màu đỏ của Denchai là của nạn nhân Ngũ Lương. Cộng thêm một số lời khai của nhân chứng khác về việc Denchai có hỏi thăm nếu một người mất tích thì bao lâu công an sẽ tìm ra? Việc Denchai nhờ người mua 1kg bao xốp đen... Do đó bản án cho rằng Denchai là hung thủ giết ông Ngũ Lương để xù tiền thắng độ bóng đá. Trong khi đó Denchai lại kêu oan, cho rằng có một nhóm người Thái Lan bị Ngũ Lương nợ tiền cá độ nhưng không trả nên yêu cầu Denchai tìm cách đưa Ngũ Lương đến gặp nhóm người này để thanh toán nợ. Lấy lý do chung độ 441 triệu đồng nên Denchai đã đưa Ngũ Lương đến phòng để gặp nhóm đồng hương trên. Còn việc ai giết Ngũ Lương, giết ra sao thì Denchai không biết.
"Chứng cứ quan trọng mà tòa án buộc tội Denchai là vết máu của nạn nhân trong chiếc balô màu đỏ của Denchai. Bản thân tôi cho rằng nếu Denchai chính là người đã đem thủ cấp của nạn nhân đi phi tang thì có lẽ không bao giờ bị cáo lại đem cái balô ấy về nhà. Tôi tin lời khai của Denchai rằng lúc đưa Ngũ Lương lên phòng bị cáo đã bỏ quên balô lại, sau đó một người Thái Lan trong nhóm đã đưa trả lại balô cho bị cáo" - ông Nguyên nói.
Do khách sạn có nhiều đường đi nên nhân viên khách sạn không thể nhìn thấy những người Thái Lan này đã lên phòng của Denchai thuê để gặp Ngũ Lương. Hơn nữa, theo luật sư Nguyên: "Một chi tiết hết sức quan trọng là bao đựng xác nạn nhân được dán băng keo thì trên băng keo có nhiều dấu vân tay lạ, không phải của Denchai. Dấu vân tay này cũng trùng khớp với dấu vân tay để lại trên chiếc điện thoại của nạn nhân Ngũ Lương được tìm thấy sau".
Theo luật sư, về nguyên tắc, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, còn nghi can không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Thế nhưng trong vụ án này, ngoài một số lời khai nhận nghe có vẻ logic của những nhân chứng khác thì cơ quan tố tụng không thể chứng minh được rằng Denchai đã giết nạn nhân bằng cách nào. Giết bằng dao hay bằng gì khác, hung khí của vụ án là gì cũng không xác định được.
Theo luật sư Nguyên, những mâu thuẫn trên đã được tòa phúc thẩm TAND tối cao xem xét và tuyên hủy bản án để điều tra lại. Kết quả là sau hai lần điều tra bổ sung vẫn bị TAND TP.HCM hoàn trả hồ sơ để tiếp tục đề nghị xác minh nhóm người Thái Lan mà Denchai đã khai, đối chất lời khai nhân chứng mà không thể làm được, đến tháng 6-2009, cơ quan điều tra đã phải trả tự do cho Denchai, sau đó đã đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án. Tổng cộng Denchai đã bị tam giam gần chín năm.
Chia sẻ về vụ án này, luật sư Nguyên cho biết: "Tôi cũng rất đau lòng và chịu áp lực trước bức xúc của gia đình nạn nhân. Thế nhưng, để thực thi công lý đòi hỏi phải tuyệt đối chính xác, muốn buộc tội thủ phạm thì phải có đầy đủ chứng cứ, không thể thực hiện việc suy đoán có tội đối với nghi can. Một khi cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ để buộc tội thì phải ra phán quyết là bị can không có tội".
Món nợ của cơ quan tố tụng
Nhiều năm đã trôi qua nhưng vụ án Denchai từ bị kết án tử hình rồi được đình chỉ điều tra là một "kỳ án" còn nhiều quan điểm khác nhau của các cơ quan tố tụng. Chia sẻ về vụ án này, một số người tiến hành tố tụng đã từng tham gia truy tố, xét xử theo hướng buộc tội Denchai vẫn cho rằng với các chứng cứ trong hồ sơ vụ án, họ có đủ niềm tin nội tâm để cho rằng Denchai là người phạm tội.
Thế nhưng, quan điểm cuối cùng của cơ quan tố tụng về vụ án này thể hiện trong quyết định đình chỉ điều tra bị can của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đối với Denchai là: "Đã hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được bị can phạm tội giết người".
Chia sẻ về vụ án này, một kiểm sát viên cao cấp trầm ngâm: "Có thể nói vụ án này là món nợ của cơ quan tố tụng đối với gia đình nạn nhân. Nếu đủ chứng cứ để buộc tội Denchai thì bản án tử hình là hình phạt hiển nhiên phải áp dụng với bị cáo, bởi tính chất phạm tội quá tinh vi và man rợ với nạn nhân. Thế nhưng, không tìm đủ chứng cứ để chứng minh bị cáo phạm tội thì cơ quan tố tụng cũng đành chịu, không thể buộc tội bị cáo khi còn điều gì đó nghi ngờ, lấn cấn. Khi cho rằng không đủ chứng cứ để chứng minh Denchai, nghi can chính của vụ án, là người đã giết ông Ngũ Lương thì hung thủ thật sự là ai? Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tố tụng".
Thật ra, theo vị kiểm sát viên, trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm vẫn phải chấp nhận những trường hợp cơ quan tố tụng phải "chịu thua", không thể tìm ra hung thủ của vụ án mà theo cách nói của nhiều người là "lực bất tòng tâm". Chỉ mong những trường hợp cơ quan tố tụng phải "mắc nợ" người nhà nạn nhân như thế là những trường hợp hi hữu.
Vụ án đã xảy ra nhiều năm qua, nỗi đau của gia đình nạn nhân có thể đã phần nào nguôi ngoai, nhưng mong mỏi của họ về sự công bằng trong thực thi công lý vẫn là một dấu hỏi lớn dành cho cơ quan tố tụng.
Theo Tuổi Trẻ
Phía sau bản án tử hình - Kỳ 6: Sự sống từ ân huệ cuối cùng Từ khi án tử được tuyên tới khi bị cáo phải thi hành án là một quãng thời gian dài với rất nhiều hi vọng của cả tử tù, thân nhân lẫn nhiều người trong hội đồng xét xử. Cán bộ trại giam số 5 (Thanh Hóa) trò chuyện với một phạm nhân. Niềm tin được giảm án khiến nhiều người sống tốt...