Phận đời lênh đênh theo những chuyến…bùn
“Lặn xuống mới biết mình đang ở nơi mà bốn mặt đều là rác, mùi hôi theo mũi miệng đi cả vào ruột đấy chứ. Những ngày đó thì bộ đồ tui mặc chẳng lúc nào khô, vì cứ đi được 15 phút lại bị mắc kẹt”, ông Ba Giờ kể.
Chiếc xà lan đang chạy bỗng kêu soàn soạt rồi đi chậm dần. Ông Chích, 54 tuổi, quê Long An chặc lưỡi: “Rác lại quấn đầy chân vịt rồi”, ông tắt máy cất tiếng gọi con trai ra giữ lái. Cởi vội cái áo đang mặc ra, ông nhảy xuống dòng nước đen kịt bốc mùi hôi thối.
22h đêm, con nước kênh Rạch Miễu vẫn còn tiếng máy sèn sẹt phát ra từ những chiếc xà lan chở bùn từ công trình nạo vét lòng kênh. Từng chiếc cứ nối đuôi nhau theo ánh đèn xuôi mái về huyện Cần Giờ, họ cần mẫn chở niềm hi vọng về bữa cơm ấm áp xôm tụ lúc ngày đã tắt nắng từ lâu.
Lái bùn mưu sinh
8h sáng, khi con nước lên cũng là lúc công việc của những người làm nghề chở bùn bắt đầu. Sau khi ăn vội chén cơm nguội, hai cha con ông Chích lại thoăn thoắt lái xà lan cập sát vào cần cẩu. Giao tay lái cho con, ông đi như chạy về cuối tàu quăng dây thừng lên cột cần cẩu.
Xong việc, ông trở lại chỗ cũ uống vội ngụm nước chè đặc mà mắt không rời máy xúc đang nạo bùn từ dưới kênh lên. Trời nắng gắt, người con trai chui tọt vào hầm trú nắng. Ông vẫn bình thản ngồi chờ xà lan đầy bùn, giữa tiếng máy kêu ầm trên dòng kênh, ông Chích nói như hét: “Ngồi đây để biết có chuyện gì mình còn xoay sở kịp, nắng này đi riết thành ra quen rồi”.
Khuôn mặt sạm đen, khắc khổ, những nếp nhăn trên trán nom ông Chích già hơn cái tuổi 54. Ông cho biết: “Mỗi chuyến ăn theo khối lượng, cứ 1m3 tính 1600 đồng, trung bình xà lan tui chở được 70m3/chuyến. Nếu con nước hôm ấy xuống ít, tui chở được 4-5 chuyến ra Vòm (huyện Cần Giờ) đấy”.
“Lặn xuống mới biết mình đang ở nơi mà bốn mặt đều là rác, mùi hôi theo mũi miệng đi cả vào ruột đấy chứ. Những ngày đó thì bộ đồ tui mặc chẳng lúc nào khô, vì cứ đi được 15 phút lại bị mắc kẹt”- Ông Ba Giờ kể.
Mặt nước đen ngòm, khi cần cẩu xúc bùn vào xà lan, nước và bùn bắn tung tóe phả cả vào người cầm lái. Trời về trưa, cái nắng như thiêu như đốt muốn ngoạm lấy họ. Ngồi ở cuối mạn chẹt (khoang xà lan), nghe tiếng chúng tôi gọi, ông Ba Giờ, 56 tuổi, quê Cần Thơ nở nụ cười đưa tay chào.
“Ông hiền lắm, nói gì làm đấy, kể từ ngày ở quê lên, chưa thấy ông lên bờ đi cà phê như người ta bao giờ. Suốt ngày chỉ biết làm việc, ăn rồi sinh hoạt luôn trên sà lan”- Ông Nguyễn Văn Thanh (Giám sát công trình) cho chúng tôi biết.
Video đang HOT
Vào những ngày nước cạn hơn bình thường, rác đọng lại dưới bùn khiến chân vịt kẹt cứng không đi nổi. Đó là những ngày cực nhất của người chở bùn, khi đó họ phải lặn xuống dòng kênh lôi rác ra.
“Lặn xuống mới biết mình đang ở nơi mà bốn mặt đều là rác, mùi hôi theo mũi miệng đi cả vào ruột đấy chứ. Những ngày đó thì bộ đồ tui mặc chẳng lúc nào khô, vì cứ đi được 15 phút lại bị mắc kẹt”- Ông Ba Giờ kể.
Hai cha con ông Chích lênh đênh theo con nước gần 1 năm qua
Không chỉ hôi thối, những lần gỡ rác dưới làn nước đen ngòm ông còn bị đỉa, mòng mòng.. cắn sưng vù sau đó để lại những vết sẹo trên tay, mình ông.
Chiều, dòng người đổ về đây xem cảnh nạo bùn mỗi lúc một đông. Người thanh niên trạc 30 tuổi vừa tấp chẹt vào máy xúc, anh vớ vội ca nước xối thẳng lên người trước nhiều ánh mắt đang hướng về mình. Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ kinh ngạc, ông Ba Giờ nói mỗi chuyến theo sà lan cả đi lẫn về mất hơn gần hai tiếng đồng hồ. Lúc nghỉ chờ xúc bùn cũng là thời gian để sinh hoạt nên phải tắm vội, ăn vội và ngủ cũng vội luôn.
Nhọc nhằn đường về quê
Lớn lên ở vùng quê nghèo Long An, ông Tư Xích, 60 tuổi luôn phải cật lực làm việc từ bé khi phải bỏ học giữa chừng để kiếm tiền. Cuộc sống khó khăn, ông theo ba mẹ làm đủ nghề để kiếm sống từ lúc 10 tuổi. Sau khi lấy vợ, ông có 2 người con, tích cóp được căn nhà nhỏ cứ tưởng ông sẽ được an nhàn hưởng tuổi hưu ở vùng đất bạc màu này.
Nhìn cảnh hai người con xâu xé nhau chỉ vì mảnh đất và căn nhà nhỏ, không nỡ thấy tình cha con rạn nứt, ông chia hết phần đất cho chúng rồi 2 vợ chồng cùng phiêu bạt lên Sài Gòn kiếm sống. Ông Tư Xích trầm ngâm: “Hai cái tết rồi vợ chồng tui đâu có về quê, xà lan như nhà vậy, nên vợ chồng tui có chỗ để đón tết. Không biết sau khi công trình kết thúc, vợ chồng tui sẽ làm gì nữa”.
Không chỉ hôi thối, những lần gỡ rác dưới làn nước đen ngòm ông còn bị đỉa, mòng mòng.. cắn sưng vù.
Cuộc sống người cầm lái trôi nổi, lên xuống như con nước. Nước trong và lên cao, họ chở được nhiều chuyến. Con nước xuống, họ mới cho phép mình cập vào bờ và chợp mắt nghỉ chờ nước lên. Sống với con nước từ nhỏ, ông Chích nói như tự hào: “Ngày trước tui chở củi thuê ở quê hơn 20 năm, nhưng ngày có ngày không. Lên đây tôi được lái chiếc xà lan to nhất, mới đầu cũng thấy khó lái và nặng lắm. Phải mất một thời gian tui mới điều khiển nó được thuần thục đấy”.
Ông Chích bảo dưới quê còn vợ già coi sóc nhà cửa, cả 3 người con lớn đều lập gia đình và ra ở riêng. Để có tiền sửa cái nhà xiêu vẹo và tích cóp cho thằng út lấy vợ, ông cùng đứa út khăn gói vào Thành phố. Khi nghe chúng tôi hỏi chừng nào về quê nghỉ, ông cười bảo chừng nào còn sức thì cứ làm. Đôi lúc xa nhà nhiều, ông cũng thèm bữa cơm nhà lắm chứ, nhưng bây giờ chưa về được.
Cuộc sống người cầm lái trôi nổi, lên xuống như con nước. Nước trong và lên cao, họ chở được nhiều chuyến.
22h đêm, trong bóng đêm mịt mờ, những chiếc sà lan vẫn tiếp tục hành trình chở bùn không biết mệt. Những người lái sà lan lại xuôi theo con nước với những nhọc nhằn cơm áo gạo tiền.
“Có làm thì mới có ăn cô à, thôi thì có cái nghề để mình làm ra đồng tiền chân chính là vui rồi. Cứ cố gắng làm việc thì nghề cũng không phụ mình”. Ông Ba Giờ cười hiền lành.
Theo Bưu Điện Việt Nam
"Phập phồng"... tuổi thơ
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (đại lộ Nguyễn Văn Linh, KP6, P7, Q8, TPHCM) đã và đang là đất sống của không ít trẻ em nghèo tứ xứ. Trong khu chợ đêm nổi tiếng phức tạp của đất Sài Gòn này, đằng sau câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn là máu, nước mắt và những tệ nạn đang từng ngày ăn mòn tuổi thơ hồn nhiên lẽ ra phải được yêu thương và đến trường với khát vọng con chữ của các em.
Lấy đêm làm ngày
Cuối tháng 12- 2010, Sài Gòn trở lạnh. Những cơn mưa bất chợt lúc chiều muộn khiến khuôn viên chợ đầu mối ngập nước.
Trong bộ quần áo nhàu nhĩ, gương mặt phờ phạc vì mất ngủ, chúng tôi có dịp len lỏi vào đám đông dân lao động tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền suốt mấy đêm trắng. Cũng như người lớn, khi chọn khu chợ cá làm nơi mưu sinh, các em nhỏ phải lấy đêm làm ngày. Tại đây, có hai khu vực tập trung đông trẻ em là khu hàng đông lạnh (chuyên bán cá biển) và khu hàng tươi sống (chuyên bán cá đồng). Bọn trẻ bắt đầu công việc từ 7 - 8 giờ tối và chỉ trở về lúc rạng sáng của ngày mới. Thời gian theo chân đám trẻ đi mót cá, phụ kéo hàng trong chợ, chúng tôi đã gặp không ít hoàn cảnh éo le và thật sự ái ngại trước những cám dỗ, tệ nạn đang từng ngày làm phai mờ nét hồn nhiên, ngây thơ của những em nhỏ mà tuổi đời chưa quá 15.
Ngồi co ro trong bộ quần áo mỏng manh giữa cái lạnh buốt của Sài Gòn ngày cuối năm, một cậu bé có có gương mặt gầy gò, hốc hác, dáng người nhỏ thó bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về đời em bằng giọng bình tĩnh, mắt ráo hoảnh như thể việc phải bỏ học đi mót cá ở chợ đêm là một sự sắp xếp hiển nhiên vì cái nghèo của gia đình. Cậu bé tên Trần Văn Sang, 12 tuổi. Từ đất mũi Cà Mau, gia đình em đưa nhau lên Sài Gòn mưu sinh với bộn bề khó khăn. Cái nghề bán ốc bươu dạo của ba và đi làm thuê của mẹ không nuôi nổi mấy anh em Sang đến trường. Vừa hết lớp 1, Sang bỏ hẳn sách vở để lăn lộn kiếm sống. Ban ngày em đi lượn ve chai, đêm vô chợ Bình Điền mót cá. Ngày qua ngày, cuộc sống của em cứ quẩn quanh trong những giấc ngủ chập chờn trên vỉa hè, xe chở hàng và nỗi lo bị đánh, bệnh, đói. Đôi tay Sang bé xíu nhưng lại có thừa vết thương. Cậu bé trầm ngâm: "Con không sợ mệt mà chỉ lo bị các anh lớn đánh để cướp cá. Có lần, con bị ba anh chặn đánh trong lúc tranh giành cá với nhau. Con đau lắm nhưng không dám đánh trả".
Để có những mớ cá ít ỏi này, các em đã phải vạ vật trong chợ đầu mối Bình Điền
Mỗi khi có xe chở cá chạy vào bãi, lũ trẻ lại ùa tới bất kể trời mưa nặng hạt. Với bộ đồ nghề đơn giản gồm túi ni lông, đôi ủng là đủ cho một đêm trắng mót cá, xúc cá, kéo hàng... của các em ở khu chợ đêm này.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem kết quả sau một đêm vạ vật mót cá của mình, cậu bé Nguyễn Văn Vui (8 tuổi) đã vui vẻ trút hẳn túi cá ra đất. Nhìn cảnh Vui đưa mắt tìm từng con cá nhỏ còn đang giãy giụa để cho vào túi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Còn nhỏ tuổi, có khuôn mặt sáng sủa, dễ thương và trò chuyện rất ngoan ngoãn, lễ phép nhưng đường đến trường của Vui đã dang dở. Đêm nào Vui cũng túc trực ở chợ Bình Điền, dáng người nhỏ bé của em luôn lọt thỏm giữa những chiếc xe hàng và đội quân bốc vác hùng hậu ở đây.
Xen lẫn giữa những hồi còi inh ỏi của xe chở hàng, tiếng la mắng cộc cằn, chửi tục của chủ vựa, phu hàng, hình ảnh lam lũ trong đêm như Sang, Vui không hiếm ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. Điều đáng nói là đám trẻ này có tuổi đời còn rất nhỏ. Nhiều em chỉ mới 6, 7 tuổi đã lao vào cuộc mưu sinh vốn không dễ dàng trong khu chợ đêm nổi tiếng phức tạp này. Ông Ngô Văn Việt, Trưởng phòng an ninh - bảo vệ, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Diền, cho biết: "Hiện nay, có khoảng 20 em dưới 15 tuổi ra vào chợ cá mưu sinh. Nhiều em có hoàn cảnh rất đáng thương. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp các em bị chính cha mẹ ruột "ép buộc" đi mót cá về bán lấy tiền đưa cho họ tiêu xài".
Tương lai mù mịt
Không biết có phải vì vào đời kiếm sống quá sớm hay phải thường xuyên đối mặt với lọc lừa, tranh giành, đánh đấm trong những chuyến mót cá đêm mà lũ trẻ ở đây có phần chai lì, sẵn sàng văng tục, đánh nhau để giành đất sống. Những băng nhóm nhí của Tuấn "gầy", Minh "tàng", Phúc "nhí" đã không còn quá lạ lẫm ở khu chợ này. Với các em, cuộc sống là những đêm vạ vật ở chợ cá, còn tương lai là một khái niệm xa vời.
Len lỏi giữa những xe cá hay chui hẳn xuống gầm xe để mót cá bị rơi vãi, kéo những thùng phuy cao quá đầu người để được chủ trả công bằng cá là cách kiếm tiền lương thiện nhất của đám trẻ sống bám vào chợ Bình Điền. Đằng sau những gương mặt ngây thơ, non nớt còn có cả các "ngón nghề" cướp, trộm cá để có thêm tiền phụ giúp gia đình, chơi game online và hít keo chó (loại keo Dog X-66 có hình con chó, dạng lon), keo voi (keo dạng tuýt, hình con voi). Những loại keo nêu trên thường dùng để dán đồ gỗ, ống nước, động cơ xe máy..., rất dễ mua trên thị trường. Các em chỉ cần đốt keo đến khi có khói trắng đục bay lên và hít vào cái mùi thơm độc hại của chúng để tìm cảm giác lạ. Game online và các loại keo độc hại nêu trên đã khiến không ít đứa trẻ trở nên liều lĩnh. Thay vì cần mẫn mót cá, có em chuyển sang trộm cá của chủ hoặc chặn đánh những em nhỏ hơn để cướp chiến lợi phẩm của chúng. Ông Ngô Văn Việt cho biết: "Trường hợp các em trộm cắp cá của các tiểu thương hoặc đánh nhau, lập băng nhóm cũng có xảy ra quanh khu vực chợ. Thời gian qua đã có 10 em ngỗ ngược được đưa vào trường giáo dưỡng học tập, rèn luyện tư chất đạo đức".
Gần 12 giờ đêm, trong bộ quần áo ướt sũng, cậu bé Đỉnh run rẩy vì lạnh. Nhìn cơ thể gầy ốm, xanh xao của Đỉnh không ai nghĩ cậu bé ở tuổi 13. Quê tận Cần Thơ, học hết lớp 2, em nghỉ học theo cha mẹ lên thành phố mưu sinh. Hằng đêm tại chợ cá Bình Điền, Đỉnh gồng mình kéo những thùng phuy cá cao lớn gấp hai lần cơ thể em. Bắt đầu công việc lúc 7 giờ tối đến tận rạng sáng ngày hôm sau, Đỉnh mới về ngủ. Mỗi thùng phuy em kéo được các chủ hàng trả công 1.000 đồng. Quẹt những giọt nước mưa trên mặt, Đỉnh bộc bạch: "Có hôm em kéo được cả trăm thùng. Phụ người ta mệt thật nhưng được trả cả tiền lẫn cá". Câu chuyện giữa chúng tôi và cậu bé liên tục đứt đoạn mỗi khi có những chuyến xe cá xuống hàng. Nhanh như sóc, Đỉnh luồn lách sau những chiếc xe tải. Thi thoảng có những con cá rơi rớt ra ngoài, cậu bé chui xuống dưới gầm xe lượm. Hơn một giờ đồng hồ làm việc cần mẫn, Đỉnh cầm bịch cá rô khoảng 2kg trên tay phấn khởi khoe: "Tiền công của em đây. Em sẽ bán số cá này lấy tiền gởi về quê cho ngoại mua đồ ăn. Nhà ngoại em dưới đó nghèo lắm". Nhắc đến việc đến trường, cậu bé trả lời gọn lỏn: "Ba mẹ làm phụ hồ, lấy đâu ra tiền mà đi học".
Nghe chúng tôi hỏi đến bé Hồng tóc ngắn, đám trẻ mót cá ở chợ Bình Điền đều gật gù ra chiều quen biết. Học hết lớp 5, bé Hồng (12 tuổi) nghỉ học đi mót cá ở chợ đêm. Còn cha mẹ nhưng không khác trẻ mồ côi, Hồng được bà nội đưa về nuôi nấng từ khi còn tấm bé. Em không biết rõ quê mình ở đâu bởi bà nội đã đưa hai chị em Hồng đến Sài Gòn từ rất lâu. Mỗi tháng, tiền phòng trọ của ba bà cháu khoảng 700.000 đồng. Bà nội già yếu, nay ốm mai đau, Hồng phải phụ giúp nội kiếm tiền nuôi em. Bé Hồng chia sẻ: "Bây giờ con được như vậy là sướng rồi. Hồi trước có nhiều bữa mấy bà cháu con còn không có cơm mà ăn. Tờ mờ tối, Hồng bắt đầu công việc đến tận sáng hôm sau em mới trở về phòng trọ. Mỗi đêm vắt kiệt sức quanh các xe cá, Hồng kiếm được khoảng 60.000 đồng. Vắt hai ống quần ướt sũng nước, Hồng bước đi tập tễnh. Dưới chân em, dòng nước đen đặc, tanh tưởi từ những chiếc xe cá chảy ra xối xả. Không mang ủng, ngày nào cũng dầm nước bẩn nên hai bàn chân Hồng bị nước ăn tróc lở. Được đi học lại đã trở thành giấc mơ xa xỉ với Hồng. Trong nếp nghĩ còn non nớt của em, chỉ có nỗi lo cơm áo và bị tranh giành cá. Đang trò chuyện với chúng tôi, Hồng chợt giật mình như vừa nhớ ra chuyện gì quan trọng lắm: "Nhà hết gạo rồi, tối nay con phải tranh thủ mót cá bán lấy tiền đưa cho nội mua đồ ăn".
Chúng tôi rời chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền mang theo hình ảnh lam lũ, những nét ngây thơ còn lại trên gương mặt Sang, Vui, Đỉnh, Hồng... và cả những trăn trở về chuyện đánh đấm, lập băng nhóm nhí nhằm tranh nhau đất sống của trẻ em mưu sinh trong chợ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Văn Việt chia sẻ: "Ban quản lý chợ gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Vì đa phần các em chưa đến tuổi vị thành niên. Đối với những em tổ chức trộm cắp, lập băng nhóm đánh nhau, chúng tôi sẽ mời lên lập biên bản. Nếu thường xuyên tái phạm, buộc lòng chúng tôi phải giao cho công an xử lý. Các em nhỏ này nếu không được gia đình quan tâm, dạy dỗ tốt, khi đến độ tuổi 17 - 18 sẽ rất khó bảo".
Theo Báo Công An
Nhọc nhằn đời nữ cửu vạn già Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn những ngày cuối năm, hàng hoá qua lại kìn kìn, người xe tấp nập. Bởi sự đông đúc ấy nên người ta "quên mất" sự hiện hữu của một đội nữ cửu vạn già... Trẻ cậy sức, già cậy... chăm Năm giờ sáng, khi mọi người còn ngon giấc trong chiếc chăn ấm sực giữa tiết trời...