Phan Đăng Di làm giám khảo Liên hoan phim Stockholm
Đạo diễn Phan Đăng Di được ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Stockholm (SIFF – Thụy Điển) 2015 mời làm giám khảo hạng mục phim truyện dự thi.
Liên hoan phim quốc tế Stockholm là liên hoan phim quan trọng hàng đầu ở khu vực Bắc Âu, được sáng lập bởi ba cá nhân có niềm đam mê với phim ảnh là Ignas Scheynius, Kim Klein và Git Scheynius (hiện vẫn là giám đốc của SIFF) từ năm 1990.
Đạo diễn Phan Đăng Di (phải) trong trường quay phim Cha và con và… Ảnh: T.T.D.
Từ chỉ với vỏn vẹn 45 phim của mùa liên hoan phim đầu tiên, cho đến nay sau 25 năm đã có hơn 3.000 phim từ khắp nơi trên thế giới được trình chiếu, giới thiệu tại đây với các đạo diễn tên tuổi như Dennis Hopper, Lauren Bacall, Gena Rowlands, Lý An, David Cronenberg, Roman Polanski, Terry Gilliam và Elia Kazan…
Năm nay, SIFF có 21 phim được lựa chọn vào vòng dự thi chính thức, trong đó có rất nhiều phim đã đoạt giải ở các liên hoan phim lớn như Son of Saul (đạo diễn László Nemes, đoạt bốn giải ở Liên hoan phim Cannes 2015), The diary of a teenage girl (đạo diễn Marielle Heller, đoạt giải thưởng ở Liên hoan phim Berlin 2015)…
Trước đó, bộ phim Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di năm 2010 đã đoạt hai giải tại SIFF 2010 là giải phim đầu tay xuất sắc nhất cho Phan Đăng Di và giải quay phim xuất sắc nhất cho giám đốc hình ảnh của phim Phạm Quang Minh.
Trưởng ban giám khảo năm đó là diễn viên Holly Hunter (từng đoạt Oscar với vai diễn chính trong phim Piano). Đạo diễn Phan Đăng Di sẽ có mặt tại Thụy Điển từ ngày 9 đến 17/11 để chấm giải, đồng thời bộ phim Cha và con và… của anh cũng được trình chiếu tại SIFF với bốn buổi trong hạng mục Asian Images (Hình ảnh châu Á) cùng 16 phim châu Á khác.
Theo Cát Khuê/Báo Tuổi Trẻ
Diễn viên Hải Yến: 'Từng muốn chết đi cho rồi'
Đỗ Thị Hải Yến có lẽ là một trường hợp đặc biệt của điện ảnh Việt Nam. Cô tình cờ đến với điện ảnh, nhưng lại ở với nó trong suốt quãng đời trưởng thành.
Năm 2015 là cột mốc quan trọng của điện ảnh Việt Nam khi lần đầu tiên điện ảnh Việt có Cha và con và... lọt vào danh sách tranh giải chính thức của LHP Berlin, một trong ba liên hoan phim uy tín nhất của điện ảnh thế giới bên cạnh Cannes và Venice.
Đội ngũ tạo nên điều kỳ diệu ấy bao gồm những cái tên đại diện của một thế hệ người trẻ làm điện ảnh không ngại những thử thách, đi sâu khám phá bản thân và tìm cơ hội bình đẳng ở đấu trường quốc tế: đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Nguyễn Thị Bích Ngọc, diễn viên tay ngang Lê Công Hoàng... và không thể không kể đến diễn viên Hải Yến với vai trò nữ diễn viên chính kiêm nhà sản xuất của bộ phim.
Xuất hiện lộng lẫy trên thảm đỏ Berlin ngày 13/2, khi mang bầu gần 5 tháng, Đỗ Thị Hải Yến đã cùng bạn bè chạm đến ước mơ chung và dần hoàn thiện mọi giấc mơ đàn bà nơi chính bản thân mình.
Video đang HOT
Diễn viên Đỗ Hải Yến.
- Cảnh quay nào trong bộ phim "Cha và con và..." lấy đi nhiều sức lực nhất của chị ở vai trò diễn viên/nhà sản xuất?
- Vân là vai diễn khá lạ lùng đối với tôi. Thoạt đầu, khi đọc kịch bản, tôi đã muốn từ chối. Tôi phân vân mãi câu hỏi mình sẽ phải làm gì với kiểu nhân vật thế này, không nằm trong xung đột, không rõ về số phận, xuất hiện và biến mất cứ như không, đọc cái là biết không phải kiểu nhân vật lấy được nước mắt của khán giả rồi.
Liệu có nên phiêu lưu, nhất là khi đang được an nhàn thế này, mà làm việc với Phan Đăng Di thì biết chắc sẽ cực khổ. Anh ấy ngay lập tức có thể yêu cầu mình giảm cân hay học lại ballet, cũng sẽ chẳng cho mình thời gian để thoải mái với ngoại hình mình đang sở hữu khi cứ nhắc đi nhắc lại về thần thái nhẹ nhõm và phiêu diêu mà nhân vật phải có.
Nhưng Di là người rất biết cách thuyết phục và có niềm tin vào bộ phim đến mức sau một thời gian tôi cũng đâm yêu cái vẻ "như không" của nhân vật. Tôi không lo về xung đột, kịch tính hay số phận của Vân nữa mà bắt đầu nghĩ đến "thần thái' của cô.
Việc giảm 7 kg và tập lại ballet là một thử thách vô cùng khó về thể chất, vì ballet nghĩa là tập cường độ cao. Tôi bỏ nó 17 năm rồi. Khi tập lại, các khớp đã cứng, đã thế tập suốt ngày mà chẳng được ăn nên một tháng trời người lơ lửng như trên mây. Sau này xem lại đoạn tôi tập ballet, nhiều người thích vì cái vẻ mặt mơ màng gần như say ma túy của tôi. Nhưng nói thật, lúc đó tôi cũng gần như hồn vía chẳng còn vì đói và mệt lử không thở ra hơi đấy.
Tôi tham gia vào việc vận động tài chính cho phim này vì quy và tin vào tài năng của Di, chứ công việc sản xuất chưa hẳn đã nằm trong kế hoạch lâu dài của tôi. Trước mắt, tôi sẽ bận bịu với việc làm mẹ đã.
- Vai diễn của chị trong phim là một vũ nữ trượt dài trong những con dốc cám dỗ của đời sống Sài Gòn thập niên 90. Thế nhưng cho dù có chuyện gì xảy ra với cô, người ta vẫn thấy bản năng yêu thương, che chở của người mẹ với cả hai người đàn ông mà cô gắn bó. Mối đồng cảm sâu sắc nhất chị chia sẻ với nhân vật là gì? Người mẹ của chị, người mà chị liên tục nói đến, có ảnh hưởng như thế nào đến cách sống và mục tiêu của chị?
- Tôi nghĩ Vân có cái hay của sự nhẹ nhõm, vượt thoát, cô ấy không đặt câu hỏi cho cuộc sống nữa. Nội tâm của cô ấy dường như bình lặng, vượt ra khỏi vòng đúng sai của suy nghĩ. Nhờ thế cô ấy có khả năng đón nhận người khác một cách nhẹ nhàng, với yêu thương và không thiên kiến.
Đó hình như là một nhân vật không có thực, một kiểu nữ tính ly tưởng mà đạo diễn hình dung ra. Nhưng tôi thích sự hình dung đó và tôi cũng ước giá lúc nào mình cũng đạt được đến trạng thái đó, không còn căng thẳng chuyện hơn thua, đúng sai nữa.
Thế nhưng chuyện này chắc khó, nhất là khi ta là phụ nữ, ta phải làm người yêu, làm vợ, làm mẹ, thì suốt cuộc đời chuyện yêu thương một người nào đó bao giờ cũng lớn đến mức sẽ làm lệch mọi sự cân bằng. Nói buồn cười một tí, tôi thấy trạng thái ấy nó yếu đuối giống con rùa khi bị lật ngửa ra, rất khó có thể tự lật úp lại, rất đáng thương.
Mẹ tôi là một người thương con đến mức sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ con, cũng là túyp phụ nữ Việt Nam truyền thống xem gia đình là tất cả, sống cho người khác hơn là cho mình. Nhưng mọi sự hy sinh bao giờ cũng làm người phụ nữ mệt mỏi sớm. Nhiều khi tôi tự hỏi giá như mẹ sống cho mình nhiều hơn thì đời mẹ sẽ vui hơn chăng. Tuy nhiên, để sống cho mình, nhiều khi chao ơi khó..., khó như là giữ được thăng bằng trong đời vậy.
- Khi bước chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp bắt đầu với vai trò diễn viên múa, chị có khát vọng nổi tiếng không? Khi đó chị mường tượng mình là người nổi tiếng theo cách nào? Điều đó có khác gì với thành công hôm nay của chị?
- Lúc vào trường múa tôi mới có 8 tuổi. Ở tuổi ấy, một bộ váy đẹp đôi khi đã là tất cả hào quang của danh vọng. Mẹ khi ấy cho tôi đi học múa đơn giản vì yêu văn nghệ, thấy con gái xinh xắn và yếu đuối thì gửi vào môi trường tập thể để con rèn tính tự lập. Mẹ cũng hy vọng múa làm con mình duyên dáng hơn, sau này dễ lấy chồng.
Đơn giản vậy thôi, không phải là thứ tham vọng hão huyền nào. Tôi học múa hơn 7 năm chỉ biết có ky túc xá với sàn tập, được nghỉ thì về nhà, không ra ngoài chơi bao giờ. Tôi cũng không bị ám ảnh bởi khát vọng phải nổi tiếng, nhưng tính tôi từ nhỏ đã tự lập, ghét cái gì nửa vời. Khi đã nhận việc gì tôi sẽ làm hết sức thì thôi, không bao giờ tôi bỏ cuộc. Tôi cũng chẳng ngại khó ngại khổ.
Cuộc đời làm phim ngay cả khi được cưng như bà hoàng lẫn khi phải ngâm mình trong bùn, cho đỉa cắn, ngủ gà ngủ gật nơi rừng thiêng nước độc với muỗi vắt tôi đều chấp nhận được, miễn điều đó là cần thiết cho vai diễn của mình. Cũng vì tôi tiến đến sự nổi tiếng qua những trải nghiệm như vậy nên với danh vọng, tôi cũng bình thản.
Nó đúng là kết quả cho những nỗ lực của mình thôi, chẳng phải hoa thơm từ trên trời rơi xuống hay bỗng dưng lượm được bên đường. Trong cuộc sống cũng vậy, tôi không tin vào cái gì mình có được một cách dễ dàng.
Hải Yến đang mang bầu.
- Điều gì tạo nên một ngày hoàn hảo với Đỗ Thị Hải Yến ở thời điểm hiện tại? Có nguyên tắc nào trong công việc và đời sống mà chị luôn giữ? Có điều gì so với trước đây, chị đã buông bỏ hay điều chỉnh nhiều rồi?
- Thức dậy nhìn vào gương thấy mình nhẹ nhõm. Ra vườn thấy hoa nở, chồng trước khi đi làm nói với mình một câu dịu dàng, bộ phim mình vừa làm nhiều người hỏi thăm, đó là những thứ làm mình vui... Nhưng nói thật, đang lúc có bầu thế này nhiều khi tâm trạng mình cũng thay đổi thất thường lắm, có lúc đang vui thoắt cái cáu bẳn được ngay chỉ vì mình mệt trong người... Cho nên, một ngày hoàn hảo là một ngày mình thấy khỏe và em bé cũng ngoan, không đạp bùm bùm.
Trong cuộc sống mình đơn giản là cần có trách nhiệm, đã nói là phải làm và làm cái gì thì làm cho tận tâm. Nguyên tắc này nghe thì đơn giản mà giữ được khó lắm. Như tôi, cũng phải cố lắm mới thực hiện được, nhưng làm được rồi thì ngủ mới ngon.
Trước đây, tính tôi cũng hay cố chấp, việc gì không vừa y tôi sẽ phải tìm cách chỉnh cho bằng được theo cách của mình, nhưng cùng với thời gian, tôi thấy thực ra mình chỉ có thể thu xếp đời sống của mình sao cho nhẹ nhàng thôi, còn với người khác, mình không thể thay đổi được. Để duy trì một mối quan hệ với ai đó, tốt hơn hết là tìm thấy điểm tốt ở họ mà chơi, nếu không thì im lặng mà chấm dứt, tuyệt đối không đôi co hay day dứt nữa.
- Ngoài trường quay, người ta có thể hình dung người vợ, người mẹ Đỗ Thị Hải Yến có điều gì khác biệt?
- Tôi yêu công việc diễn viên nên hễ ra trường quay là tôi vui, thậm chí đôi khi tôi háo hức quá nên bị nhiều người cho là trẻ con. Nhưng biết làm sao được, công việc này cho tôi niềm vui sống. Tôi thoải mái với mọi giao tiếp ở đây. Dù công việc căng thẳng đến đâu thì trường quay cũng làm tôi vui và dễ chịu hơn.
Nói thật tôi không được như thế khi ở ngoài đời thực đâu. Ngoài đời thực, tôi biết tôi cũng khó chiều và đôi khi chính tôi cũng không biết tôi muốn gì để người khác còn biết đường chiều nữa... (cười).
- Có mong ước nào của chị đến bây giờ vẫn chưa thành hiện thực, chị dự định sẽ hoàn thành điều ấy theo cách nào?
- Tôi đôi khi cũng thích mình có một chất giọng nữ trung, trầm khàn để hát nhạc jazz, cũng có thể uống chút rượu và hút thuốc được. Thế nhưng chỉ nghĩ thế thôi, chứ giờ bỗng dưng được như thế chưa chắc tôi đã dám nhận, vì dù sao cũng phải hỏi chồng trước đã.
- Mỗi phụ nữ đều có vài góc khuất tâm hồn. Có góc chỉ chờ mong được thổ lộ, có góc lại chưa thể đưa ra ánh sáng. Đối diện với bản thân, chị thấy điều đáng tiếc nhất từng làm trong quá khứ là gì?
- Đời mình có những chuyện nên để nó trong bóng tối cho nhẹ nhàng, nhưng với điều tệ nhất trong quá khứ tôi từng làm, tôi cũng không thấy mình phải giữ kín làm gì. Đó có thể là chuyện mà nhiều người chúng ta đã trải qua, nhất là khi còn trẻ.
Hồi đó, có những lúc tôi phải đối diện với những cú sốc rất lớn về niềm tin, lớn đến mức tôi nghĩ chẳng có cách nào có thể vượt qua ngoài việc chết đi cho rồi. Đó hẳn là một suy nghĩ rồ dại nhưng ngay lúc đó, mình nghĩ nó thật lẫm liệt. Nếu mình làm thế, mình sẽ đánh động được tâm hồn của ai đó.
Cũng may, tôi cũng là người ly trí để nhận ra mình không thể thay đổi được cuộc đời của ai hết, ngoài cuộc đời của chính mình. Muốn thay đổi, trước hết mình phải là mình đã, mình cũng phải biết thương mình.
Nghĩ vậy tôi mới thấy mình thật tệ, không phải chỉ tệ với mình mà còn tệ với những người yêu mình hơn hết thảy khi đã quên mất họ trong những giây phút quẫn trí ích kỷ. Cũng may, sau lần làm lành với cuộc sống này, những suy nghĩ tiêu cực không còn ở trong đầu tôi nữa. Tôi cũng thấy mình mạnh mẽ và trách nhiệm hơn sau lần ấy.
- Lúc này, hạnh phúc tình yêu của chị sẽ không thể thiếu những yếu tố gì?
- Niềm tin. Nếu thiếu sự tin tưởng tôi sẽ không yêu được, nói gì đến hạnh phúc.
Diễn viên Hải Yến tiết lộ
Quan điểm: Phụ nữ đẹp khi được yêu, chiều. Khi được yêu và chiều thì họ tự khắc sẽ có nhiều động lực để làm đẹp và theo đuổi đam mê.
Thời trang với cô là: Điều luôn luôn và đổi rất nhanh, nhanh đến mức đừng dại đuổi theo nó để người mình yêu không nhận ra mình nữa.
Yến thích: Uống trà, cắm hoa.
Bộ phim cô thích và chịu ảnh hưởng: Cuốn theo chiều gió.
Theo Lữ Chí Vũ/ Elle
Hải Yến giảm 7 kg cho phim dự tranh Gấu vàng LHP Berlin Bộ phim "Cha và con và..." của đạo diễn Phan Đăng Di và người đẹp Hải Yến nằm trong số 19 tác phẩm được lựa chọn vào vòng dự thi chính thức của LHP Quốc tế Berlin 2015. Cùng với Cannes và Venice, Berlin là một trong ba sự kiện Liên hoan phim Quốc tế danh giá nhất của năm và vòng dự...