Phần đa người gốc Việt ở Mỹ ủng hộ Trump tái đắc cử
Người gốc Việt là nhóm gốc Á duy nhất ở Mỹ ủng hộ Trump nhiều hơn Biden trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, theo khảo sát của các nhóm gốc Á.
Tổ chức Bầu cử Người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (APIA Vote), tổ chức cung cấp dữ liệu về Người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (AAPI Data) và tổ chức Thúc đẩy Công lý Người Mỹ gốc Á (AAJC) hôm 15/9 công bố kết quả khảo sát về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới với 1.569 cử tri Mỹ gốc Á.
Khảo sát được tiến hành từ ngày 4/7 đến 10/9, bằng tiếng Anh, Trung, Hàn và Việt, với những người gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Philippines.
Kết quả cho thấy người gốc Á rất hào hứng về cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới và 54% trong số đó nói rằng lần này họ háo hức hơn nhiều so với những cuộc bầu cử trước đây. 54% người Mỹ gốc Á được hỏi dự định bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, trong khi chỉ 30% ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Nhóm điều hành tổ chức Người Mỹ gốc Á Hành động ở Newport Beach, quận Cam, bang California, vận động cho các ứng cử viên người Mỹ gốc Á tiến bộ và các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng hồi tháng 7. Ảnh: Orange County Register / SCNG.
Video đang HOT
Biden được ưu ái hơn ở tất cả các nhóm, ngoại trừ người gốc Việt. Trong số những cử tri gốc Việt đã đăng ký đi bầu, tỷ lệ ủng hộ dành cho Trump là 48%, trong khi cho Biden là 36%. Người gốc Ấn là nhóm nghiêng về Biden nhất, với 65% ủng hộ ứng viên Dân chủ.
14% cử tri gốc Á, hầu hết là người gốc Trung, chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai.
Phần lớn cử tri gốc Á cũng cho biết sẽ ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ ở các cuộc chạy đua vào Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, một lần nữa nhóm người gốc Việt lại nằm ngoài xu hướng này với tỷ lệ ủng hộ các ứng viên Cộng hòa cao hơn. Họ là nhóm gốc Á duy nhất trong khảo sát nghiêng về đảng Cộng hòa với 38% so với Dân chủ với 23%, 34% là những người xác định mình không theo đảng phái nào.
Tỷ lệ ủng hộ Biden (màu xanh), Trump (màu đỏ), ứng viên khác (màu vàng) và không có ý kiến (màu xám) trong các nhóm người gốc Á ở Mỹ. Đồ họa: Asian American Voter Survey 2020.
Người gốc Á đang là nhóm sắc tộc gia tăng nhanh nhất ở Mỹ và là nhóm cử tri tham gia kỷ lục vào cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018. Họ tạo thành một khối quan trọng ở nhiều bang chiến trường, bao gồm Arizona, Pennsylvania và Bắc Carolina. Họ có khả năng gây ảnh hưởng tới các cuộc chạy đua vào nghị viện ở Nam California, Texas và New Jersey, cùng những bang khác.
Người gốc Á có khuynh hướng tiến bộ, ủng hộ người nhập cư không giấy tờ trở thành công dân Mỹ, ủng hộ bảo vệ môi trường, kiểm soát súng đạn và hành động quyết đoán. Họ tin rằng đảng Dân chủ xử lý hầu hết các vấn đề tốt hơn đảng Cộng hòa, ngoại trừ thuế, việc làm và kinh tế.
Dù hào hứng với cuộc bầu cử tháng 11 tới, người Mỹ gốc Á cũng bày tỏ lo ngại về khả năng can thiệp vào kết quả phiếu bầu. Bên cạnh đó, gần một nửa lo lắng về sức khỏe và an toàn khi bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm giữa đại dịch Covid-19. Hầu hết họ nghiêng về bỏ phiếu qua mail hoặc bỏ phiếu vắng mặt.
Tuy nhiên, các đảng chưa thực sự khai thác hết sức mạnh của nhóm cử tri tiềm năng này. Cuộc khảo sát cho thấy khoảng một nửa những người được hỏi chưa hề được đảng nào liên hệ. Với một tỷ lệ cử tri lớn chưa đăng ký theo đảng nào, việc tiếp cận nhóm người gốc Á này sẽ rất quan trọng.
Người gốc Việt trở thành lãnh đạo Cơ quan Di trú Mỹ
Tony Pham, một luật sư gốc Việt, được bổ nhiệm làm lãnh đạo mới của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ.
Ông Tony được bổ nhiệm hôm 25/8 và sẽ rời vị trí cố vấn pháp lý để trở thành quan chức cấp cao thực hiện các nhiệm vụ của giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS), chịu trách nhiệm về giam giữ, trục xuất người nhập cư và hoạt động chống tội phạm xuyên quốc gia. Người tiền nhiệm của ông, Matthew Albence, đã thông báo rời vị trí trên cuối tháng trước.
"Là một lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm của DHS, ông Tony sẽ đảm bảo ICE tiếp tục bảo vệ biên giới của đất nước chúng ta khỏi tội phạm và nhập cư bất hợp pháp", người phát ngôn của cơ quan này cho biết trong một thông cáo.
Ông Tony Pham. Ảnh: ICE.
Tony Pham sang Mỹ định cư cùng gia đình sau chiến tranh Việt Nam và trở thành công dân Mỹ năm 1985. Sau khi tốt nghiệp trường luật, ông làm công tố viên ở bang Virginia 8 năm và làm luật sư cho các văn phòng chính quyền địa phương tại thành phố Richmond. Trước khi tham gia ICE dưới chính quyền Tổng thống Trump, ông là lãnh đạo của Nhà tù Khu vực Bán đảo Virginia.
ICE là tâm điểm của cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư tại Mỹ. Trong tháng đầu tiên đương nhiệm, Trump đã giao cho ICE quyền giam giữ và trục xuất bất kỳ người nhập cư nào ở Mỹ thiếu tư cách pháp nhân, tập trung vào những người có tiền án tiền sự.
Dù đã giảm thiểu các vụ bắt giữ và giảm đáng kể lượng người bị giam giữ trong đại dịch Covid-19, ICE tiếp tục là cơ quan chủ chốt trong nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm trấn áp tình trạng nhập cư trái phép. Việc ICE mở rộng hệ thống giam giữ và tăng cường trấn áp thường xuyên bị các nghị sĩ Dân chủ chỉ trích, trong đó một số người thậm chí kêu gọi bãi bỏ cơ quan này.
Giống như các quan chức cấp cao khác tại các cơ quan thuộc DHS, ông Tony sẽ phục vụ trên cơ sở là quyền giám đốc, do không được đề cử lên Thượng viện xác nhận làm lãnh đạo thường trực.
Trump nói Harris là 'phiên bản tệ' của Hillary Clinton Trump cho rằng ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris là "kẻ cơ hội nông cạn" và còn tệ hơn đối thủ Hillary Clinton năm 2016. "Bà ta là phiên bản tồi tệ của Hillary. Bà ta là người sẽ nói bất cứ điều gì cần thiết và cuối cùng tự chuốc lấy rắc rối", Tổng thống Mỹ Donald Trump...