Phân cấp để các địa phương thông báo ca bệnh Covid-19
Nếu công bố dịch thì Bộ Y tế công bố, nhưng mức độ thông báo ca bệnh xác định (kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19) thì nên phân cấp đến địa phương.
Các cơ quan chức năng đang khử khuẩn, cách ly người liên quan bệnh nhân 45 tại TP.HCM – Ảnh: Duy Tính
Việc địa phương không có thẩm quyền công bố ca dương tính Covid-19 mới đã tạo khoảng trống thông tin, không những khiến dư luận hoang mang mà người tiếp xúc với bệnh nhân cũng không chủ động cách ly kịp thời.
TP.HCM phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19, từng ăn tối với bệnh nhân thứ 34
Hà Nội, Đà Nẵng đề xuất
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên sáng 13.3, khu vực có bệnh nhân (BN) số 45 cư trú ở đường Bành Văn Trân (P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM), Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) và các cơ quan chức năng Q.Tân Bình tiến hành khử khuẩn, làm việc với những hộ xung quanh nhà BN. Nhiều người đóng cửa, mang khẩu trang dù ở trong nhà.
Chị P.L (ngụ khu vực này) cho biết hai ngày nay thấy nhiều người trùm kín mít vào nhà hàng xóm và qua theo dõi thông tin trên báo đài nên lo lắng, nghi có người nhiễm bệnh và đã thành sự thật.
Từ mối lo lắng của người dân, hôm qua 13.3, Hà Nội cũng có đề xuất tương tự Đà Nẵng về việc trao thẩm quyền cho địa phương công bố ca dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Hiện nay, Hà Nội đã có những cơ sở được làm xét nghiệm thẩm định (xét nghiệm lần 1) và TP.Hà Nội đang xin Bộ Y tế thẩm quyền xét nghiệm khẳng định đối với các ca dương tính. Như vậy sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho địa phương trong việc áp dụng các biện pháp chống dịch, đặc biệt là trong việc thông tin kịp thời đến tất cả những người tiếp xúc với người dương tính để có biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Việt Nam đã có 47 bệnh nhân nhiễm Covid-19
Thậm chí, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.Hà Nội sáng 13.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trung tâm y tế, các bệnh viện… nếu xét nghiệm xác định dương tính phải thông báo ngay cho các phường, các quận để kịp thời xác minh làm rõ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với tất cả các trường hợp như BN.
“Chúng ta không chờ kết quả thông báo từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư mà phải thực hiện ngay lập tức, sau đó phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư kiểm tra lại để khẳng định và công bố sau. Bởi vì nguyên tắc là chúng ta phải có xét nghiệm chéo, đối chứng để khẳng định, nhưng khi chúng ta đã phát hiện dương tính thì cứ tiến hành các biện pháp phòng ngừa, không chờ T.Ư thông báo”, ông Chung chỉ đạo và cho rằng chỉ cần phát hiện BN dương tính lần 1 thì phải hành động ngay. “Chứ nếu chờ T.Ư (công bố) thì mất 7 – 8 tiếng, mất khả năng giảm nguy cơ cho rất nhiều người”, ông Chung nói.
Chủ động thông tin đến cộng đồng
Liên quan việc một số địa phương đề nghị tự thông báo ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn, PSG-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cho rằng tại thời điểm này, việc công bố các ca dương tính do Bộ Y tế công bố để đảm bảo sự thống nhất, phù hợp về thông tin. Việc Bộ Y tế công bố ca bệnh dương tính có thể sau địa phương, do có thể cần tái xét nghiệm tại các viện tuyến T.Ư, nhưng không làm chậm công tác xử lý ổ dịch (nếu có), vì tại thời điểm có dịch, các ca bệnh nghi ngờ đều được xử lý như ca bệnh xác định; việc điều tra dịch tễ, khoanh vùng, xử lý ổ dịch đều được thực hiện ngay, chứ không chờ đến khi có kết quả xét nghiệm dương tính.
Virus corona chủng mới tồn tại trong không khí 3 giờ, trên nhựa và inox đến 3 ngày
Trong khi đó, một cán bộ nhiều năm làm công tác chống dịch ( cúm A/H1N1, cúm gia cầm H5N1 trên người) cho rằng, nếu công bố dịch thì Bộ Y tế công bố, nhưng mức độ thông báo ca bệnh xác định (kết quả xét nghiệm dương tính) thì nên phân cấp đến địa phương.
Theo cán bộ trên, việc công bố như vậy cũng chủ động thông tin đến cộng đồng tại địa bàn, vì người dân quan tâm đến các ca bệnh xác định, do có liên quan đến những người tiếp xúc gần, việc thực hiện các mức độ cách ly phù hợp. Việc phân cấp để các địa phương thông báo ca bệnh căn cứ trên năng lực xét nghiệm của địa phương đó, cũng là giảm bớt thủ tục hành chính. Các địa phương thông báo ca bệnh vẫn tuân thủ việc báo cáo về Bộ Y tế để theo sát diễn biến dịch.
Thêm 3 bệnh nhân nhiễm Covid-19
BN Covid-19 thứ 45, 46 và 47 tại Việt Nam được Bộ Y tế thông báo chiều 13.3. Trong đó, BN thứ 45 (nam, trú P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM) là trường hợp tiếp xúc gần BN thứ 34 tại Bình Thuận. BN thứ 46 (nữ, 30 tuổi, ở P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) là tiếp viên hàng không trên chuyến bay từ London (Anh) về Hà Nội ngày 9.3. BN thứ 47 (nữ, 43 tuổi, ở phố Trúc Bạch, Q.Ba Đình, Hà Nội) là giúp việc trong tòa nhà của BN thứ 17 (đã được công bố nhiễm Covid-19 hôm 6.3), có tiếp xúc gần.
Hiện tại, các BN thứ 46 và 47 có sức khỏe ổn định. Trong số 47 BN Covid-19, đã có 16 BN khỏi bệnh, ra viện.
Vũ Hân – Liên Châu
Nguồn lây nhiễm mới
Với sự xuất hiện của BN thứ 46, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội đã phải triệu tập cuộc họp gấp vì xuất hiện nguồn lây nhiễm mới ngoài chuyến bay VN54 ngày 2.3. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, chuyến bay VN54 về Nội Bài ngày 9.3 có 211 người, trong đó có 195 khách và 16 thành viên phi hành đoàn.
Với nguồn lây nhiễm thứ 2 xuất hiện, Hà Nội chuẩn bị tinh thần cho việc đây không phải 2 nguồn duy nhất. Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nguy cơ lây nhiễm từ khách du lịch, người Việt Nam về từ các vùng dịch, đặc biệt từ châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á, lây nhiễm chéo từ các BN về nước, là rất lớn. Do đó, TP.Hà Nội phải chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài chứ không được tính ngắn hạn.
Bên cạnh đó, ông Chung đề nghị: “Cần phải chú ý và tuyên truyền người cách ly, sau 14 ngày rồi vẫn cố gắng hạn chế tối đa đi lại, đầu tiên là phòng cho mình, cho gia đình, bạn bè người thân, sau đó là cộng đồng, xã hội”.
Ông Chung kêu gọi nhân dân trên địa bàn TP.Hà Nội, bất cứ ai có liên quan đến yếu tố châu Âu, Mỹ, về Hà Nội từ ngày 1.3 đến nay, nếu có dấu hiệu bệnh, phải tự cách ly, không đi lại, kịp thời thông tin đến Trung tâm cấp cứu 115 để nhân viên dịch tễ điều xe đến đưa đi. Hà Nội cũng tạm đóng cửa các quán bar, karaoke, các điểm di tích lịch sử… kể cả ở ngoại thành đến hết tháng 3, để đề phòng dịch Covid-19 lây lan.
Vũ Hân – Liên Châu (thanhnien.vn)
Sẽ cưỡng chế người không tuân thủ cách ly
Bộ Y tế khẳng định, cách ly là biện pháp quan trọng giúp khống chế Covid-19, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch quy định: "Với các đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế thì sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly".
Theo Bộ Y tế, nếu tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 thì bắt buộc phải chuyển đến cách ly tại bệnh viện (BV). Ở Hà Nội, các BV được Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, điều trị, quản lý, theo dõi cách ly triệt để tại chỗ khi có người nghi ngờ mắc Covid-19 gồm: BV Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Saint Paul, Bắc Thăng Long, Hà Đông. Trong trường hợp có ca bệnh diễn biến nặng vượt quá khả năng chuyên môn, sẽ chuyển bệnh nhân tới tuyến cuối theo phân tuyến của Bộ Y tế; hoặc báo cáo Bộ Y tế để điều động đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch Covid-19 hỗ trợ.
Miễn phí cho người cách ly tập trung
Tại nhiều nước trên thế giới, người cách ly phải chi trả một khoản chi phí y tế khá tốn kém. Tại Việt Nam, chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 tại BV do bảo hiểm y tế chi trả và miễn chi phí cho người đi cách ly tập trung. Đối với khu vực bị phong tỏa, kinh phí từ ngân sách nhà nước giúp cung cấp thực phẩm miễn phí.
Sở Y tế Hà Nội đã có tờ trình khẩn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc hỗ trợ tiền ăn đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Theo đó, đối với các trường hợp cơ sở cách ly y tế (không phải là nhà, nơi cư trú) đã bố trí cung cấp suất ăn cho người bị cách ly, cưỡng chế cách ly thì không thu tiền của người bị cách ly. Tiền ăn đã thanh toán sẽ được ngân sách thành phố bố trí theo thực tế phát sinh, tối đa không quá 80.000 đồng/người/ngày. Trong trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bố trí kinh phí, ngân sách thành phố sẽ không thanh toán, tránh trùng lặp.
Quy định mới nhất về cách ly
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, nơi ở của người cách ly tốt nhất là ở phòng riêng, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình hoặc trong cùng nơi ở, nơi lưu trú ít nhất 2 mét và xa khu sinh hoạt chung.
Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế số lượng đồ đạc, vật dụng trong phòng. Nếu có điều kiện, nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại; có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch, có thùng rác có nắp đậy.
Người được cách ly cần chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương. Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hằng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hằng ngày và thông báo cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở. Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
Thành viên trong hộ gia đình, nơi ở, nơi lưu trú hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc. Lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa nơi ở, nơi lưu trú hằng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử trùng. Cung cấp suất ăn riêng cho người được cách ly...
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết, cách ly kịp thời giúp phát hiện, khoanh vùng, ngăn chặn Covid-19, tiến tới dập tắt dịch bệnh này. Tuy nhiên, việc cách ly còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức tự nguyện cách ly của người dân, ý thức với chính bản thân mình, với gia đình và cộng đồng xung quanh.
THÁI HÀ
Theo TPO
Lào Cai công bố kết quả xét nghiệm 13 người tiếp xúc gần bệnh nhân nhiễm Covid-19 Sở Y tế tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với 13 mẫu bệnh phẩm của công dân tỉnh Lào Cai và 2 du khách người Pháp có tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 34 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Lào Cai đang tích cực kiểm soát du khách, người trở về từ vùng dịch để phòng...