“Phạm Thùy Dung trong mắt tôi là một người khiêm tốn”
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng làm Giám đốc âm nhạc cho live-concert “Trăng Hát” của ca sĩ Phạm Thùy Dung
Sau thành công với concert của ca sĩ Đăng Dương, ca sĩ Lan Anh, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng lại rục rịch chuẩn bị làm Giám đốc âm nhạc cho live-concert “Trăng Hát” của ca sĩ Phạm Thùy Dung diễn ra ngày 29/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh bảo, sau mỗi một concert của ca sĩ như “Trăng Hát”của Phạm Thùy Dung, anh thấy mình “được rất nhiều”.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng
Với “Trăng Hát”, các khán giả có thể kỳ vọng gì ở anh để Phạm Thùy Dung tự tin, thăng hoa và trở nên ấn tượng trong cột mốc concert lớn trong đời – đánh dấu tuổi 30 đẹp đẽ của cô ấy?
Phạm Thùy Dung trong mắt tôi là một người khiêm tốn. Cô ấy hoàn toàn có thể theo đuổi dòng nhạc dân gian nhưng lại quyết định theo đuổi âm nhạc giao hưởng thính phòng, tôi cho rằng đó là sự quyết tâm và liều lĩnh. Làm việc với Phạm Thùy Dung, tôi hiểu có thể cô ấy còn mong muốn những cái lớn hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời lần này. Điều quan trọng tôi nhìn thấy ở Phạm Thùy Dung một sự quyết tâm cao. Và hơn cả là sự tôn trọng tuyệt đối với những góp ý, gợi ý đường hướng của tôi cho con đường mà Phạm Thùy Dung sẽ đi. Bạn ấy đã không ngại bay vào Sài Gòn học về hòa âm, piano thậm chí cả học trống. Mua bộ trống về nhà tập như Phạm Thùy Dung tôi thấy cũng hiếm ca sĩ nào đầu tư và chịu khó như thế, có lẽ một phần là bởi Phạm Thùy Dung muốn hướng mình theo thể loại cross-over.
Tôi chưa biết Phạm Thùy Dung đi đến đâu nhưng tôi tin rằng cô ấy có một tố chất của một nghệ sĩ có sự thôi thúc từ bên trong với ý chí biến nó thành hiện thực. Phạm Thùy Dung đón nhận những kiến thức mới, những gợi ý mới một cách hào hứng chứ không phải làm cho xong chuyện. Tôi, Tùng Dương hay Đăng Dương như những đồng nghiệp hỗ trợ để Phạm Thùy Dung tự tin bước tiếp con đường mình đã hoạch định ra và chúng tôi mong Phạm Thùy Dung sớm tới đích.
Phạm Thùy Dung chắc chắn sẽ được nhiều điều sau concert “Trăng Hát”. Còn anh lại không giấu giếm khi nói mình tự soi gương và thấy có vẻ như đã già đi vài tuổi sau quãng thời gian làm việc với cô ấy. Nếu ai đó đặt câu hỏi: Trần Mạnh Hùng được gì sau sự kết hợp lần này với Phạm Thùy Dung, anh sẽ nói gì?
Có lẽ tôi phải cảm ơn Đăng Dương – người đầu tiên tin tưởng bảo tôi hãy làm concert “Mặt trời của tôi” từ A-Z. Sau đó tôi cũng có cơ hội thứ hai với Lan Anh. Những yêu cầu về âm nhạc và những bài hát của cô ấy rất khác khiến cho tôi tiến bộ hơn.
Ở Phạm Thùy Dung, tôi thấy có sự chắc chắn. Những bài đơn ca mà Tùng Dương yêu cầu tôi làm cho concert Phạm Thùy Dung lần này nó rất là khác với thói quen tôi đã làm. Cách làm việc và tư duy của tôi phải liên tục cập nhật, bài làm sau phải đòi hỏi những kỹ thuật khó và mới hơn lần trước bởi vậy nên gần đây trên trang cá nhân tôi có chia sẻ rằng khi tình cờ xem lại những bản tổng phổ cũ chỉ cách đây vài năm thôi nhưng tôi thấy hãi hùng và tự hỏi: Tại sao mình lại làm như thế?… Mình phải vứt ngay và xóa sổ nó đi. Nhiều hôm tôi phải gọi điện cho những người lưu trữ các bản tổng phổ trong dàn nhạc bảo là tác phẩm này tác phẩm kia tôi có phiên bản mới rồi hãy bỏ cái cũ đi. Ở nước ngoài, dàn nhạc giao hưởng của họ chơi liên tục và đòi hỏi nhạc sĩ mỗi tuần phải sáng tác một bài mới. Còn ở Việt Nam, chúng tôi học xong có được thực hành gì mấy đâu vì vậy khi thực hiện các concert như của Phạm Thùy Dung lần này là cơ hội tôi thấy mình được rất nhiều, được gặp gỡ bạn bè, được làm nhạc, được sống trong âm nhạc những cái mình rất yêu thích.
Video đang HOT
Những năm qua khi vào TP.HCM lập nghiệp anh lại đắt sô làm giám đốc âm nhạc, phối khí các album cho các ca sĩ Hà Nội. Dù vào mảnh đất màu mỡ nhưng anh vẫn kiên định đi theo con đường đã chọn đó là chủ yếu chuyển soạn, phối khí các tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng. Có khi nào anh nghĩ mình sẽ trở về lại Hà Nội?
Phải thú thật rằng các dàn nhạc ở TP.HCM không được như ở Hà Nội đâu, dàn nhạc ở Hà Nội giỏi hơn, ý thức của họ làm những sản phẩm âm nhạc phục vụ nhân dân và chính đam mê của họ chứ không làm theo xu hướng chung. Những đơn hàng về nhạc giao hưởng thính phòng trong Sài Gòn nhiều nhất mặc dù kinh phí ở Hà Nội có nhiều hơn nhưng lại hay dàn dựng theo quy mô biểu diễn của thế giới và cuối cùng nó cũng là câu chuyện của họ. Tôi nghĩ, mình phải làm nên những câu chuyện của mình.
Tôi học được một điều trong Sài Gòn đó là “Việt Nam hóa” các chương trình biểu diễn âm nhạc giao hưởng thính phòng càng nhiều càng tốt. Tôi không khá hơn những nhạc sĩ ngoài Bắc nhưng tại sao lại giúp cho chương trình của Đăng Dương thành công? (concert “Mặt Trời của tôi” của ca sĩ Đăng Dương từng giành giải Chương trình của năm của giải Cống Hiến – PV). Đó là chúng tôi mất rất nhiều công vào trong Nam để mang ekip từ âm thanh, ánh sáng dàn dựng là những người tốt nhất trong Sài Gòn ra. Khi mọi người thấy ca sĩ tỏa sáng chỉ nghĩ chúng tôi làm việc với nhau, nhưng không biết có rất nhiều sự hy sinh phía sau.
Anh đánh giá thế nào về sự tiếp nhận của khán giả đối với dòng nhạc giao hưởng những năm gần đây?
Cái thiệt thòi của khán giả Việt quan trọng nhất là khi đi học phổ thông họ không được giới thiệu dòng nhạc giao hưởng nên khó khăn trong việc tiếp thu. Khán giả của mình so với thế giới không có sự trải nghiệm âm nhạc một cách phong phú và sâu rộng, họ chỉ có được một số thông tin như ở trường chỉ có mấy bài hát quen thuộc mà mấy chục năm nay rồi, còn lại là những nhạc bên ngoài thị trường người lớn vẫn hay nghe. Khó khăn ở chỗ không chỉ riêng khán giả, mà nghệ sĩ cũng vậy. Nếu là họ biết xây dựng môi trường âm nhạc như việc trẻ đi học, được cho nghe thôi chứ chưa cần phải học, ví dụ nay nghe rock, mai bảo Jazz, ngày kia là dance, đây là thính phòng, cải lương… thì khi được trải nghiệm, thưởng thức nhiều, lớn lên chúng sẽ có nền tảng âm nhạc nhất định. Tôi cũng vậy thôi, hồi bé khi học đàn bầu, mình nghe những bản nhạc của Mozart không chịu nổi, bảo “sao nó dài thế?”. Lúc lớn lên thích nhạc nhẹ, đến một ngày người ta yêu cầu tôi phải có bằng đại học mới được vào biên chế, lúc ấy đang làm Đài tiếng nói Việt Nam, tôi đi học giao hưởng và mê luôn, từ đó buông bỏ hết những nhạc khác chỉ đi theo dòng nhạc này.
Những năm qua nhiều đồng nghiệp vẫn coi anh là người tiên phong và kiên định với việc phối khí, chuyển soạn các tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng. Nhưng thường thường người tiên phong thì luôn đơn độc. Anh đối diện với điều đó như thế nào?
Thực ra phối khí và chuyển soạn là hai trong số nhiều kỹ năng của tất cả các nhà soạn nhạc. Với tôi đây cũng là hai trong số nhiều môn học tôi đã dạy cho nhiều thế hệ sinh viên sáng tác của Việt Nam. Trong những năm qua, rất nhiều ca sĩ thính phòng đã yêu cầu tôi phối khí và chuyển soạn các phần đệm cho nhiều ca khúc Việt Nam, bởi dàn nhạc giao hưởng là biên chế dàn nhạc đồng bộ và thoả đáng nhất với tính chất của phong cách hát opera và thính phòng. Trước đây, điều kiện kinh tế và nhiều yếu tố khách quan đã không thuận lợi cho việc tổ chức biểu diễn hoặc thu âm với dàn nhạc giao hưởng, nhưng giờ đây ước mơ được hát với một dàn nhạc phù hợp với phong cách của các ca sĩ opera thính phòng đã dần trở thành hiện thực.
-Xin cảm ơn anh!
PV
Theo baodatviet
Ca sĩ Phạm Thùy Dung: "Tôi chọn đi chậm"
Bất ngờ khi trở lại sau 6 năm vắng bóng bằng một concert quy mô và đẳng cấp, ca sĩ Phạm Thùy Dung khiến khán giả không khỏi ngỡ ngàng, hào hứng. Cùng trò chuyện với nàng họa mi xinh đẹp trước thềm sự kiện đặc biệt này!
- PV: Sáu năm trước khi Thùy Dung giành được ngôi Á quân Sao Mai 2013, khán giả đã chuẩn bị đón nhận một ngôi sao mới trong dòng nhạc dân gian. Thế nhưng cái tên Thùy Dung lại hoàn toàn vắng bóng trên thị trường âm nhạc, vì sao thế?
Ca sĩ Phạm Thùy Dung: Mỗi ca sỹ sẽ có một sự lựa chọn cho riêng mình, có người sẽ ngay lập tức chạy sô và tạo dựng hình ảnh, trở thành ca sỹ chuyên nghiệp ngay sau khi đoạt giải thưởng, có người lại lựa chọn cách "đi chậm", vừa đi vừa trau dồi hoàn thiện bản thân. Phạm Thuỳ Dung chọn cách thứ 2. Vì thế, 6 năm sau khi đoạt giải Á quân Sao Mai, Thùy Dung đã lựa chọn hoàn thành chương trình học về nhạc cổ điển thính phòng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, rồi tiếp tục học lên cao học để có thể hoàn thiện kỹ thuật cũng như trau dồi kiến thức và chỉ khi tốt nghiệp rồi Thùy Dung mới quay trở lại để chinh phục khán giả.
- Và Thùy Dung đã chuẩn bị cho concert đầu đời "Trăng hát" như thế nào?
Kể cả việc thực hiện concert "Trăng hát" lần này, em cũng đã phải chuẩn bị gần 2 năm sau khi tốt nghiệp thạc sỹ thanh nhạc, để mình có thể "chín" hơn và bản lĩnh hơn khi thực hiện concert riêng đầu tiên của sự nghiệp.
Trước khi quyết định làm live-concert, em đã trăn trở và lo lắng rất nhiều. Dòng âm nhạc cổ điển thính phòng vốn đã kén người nghe nên nếu làm không hiệu quả sẽ có rất nhiều "tác dụng phụ". Nhưng từ rất lâu trước đó, em đã luôn mơ ước được đứng trên sân khấu của chính mình, được toả sáng. Muốn thế thì phải trau dồi về kỹ thuật, học thuật cũng như cảm xúc và kinh nghiệm biểu diễn. May mắn cho em là trong suốt 2 năm học cao học, dưới sự hướng dẫn của GS-NSND Trung Kiên, em đã được hát và trau dồi rất nhiều.
Tốt nghiệp Cao học cũng chính là thời điểm em chào đón tuổi 30. Sau một quá trình rèn luyện liên tục, em nghĩ mình phải làm một cái gì đấy để đánh giá lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo. Từ suy nghĩ ấy, em quyết định làm concert "Trăng hát".
- Được khán giả biết đến với thành công từ dòng nhạc dân gian, nhưng lại chọn theo đuổi dòng nhạc cổ điển, liệu Thùy Dung có đang đi đúng hướng?
Dân gian là sự yêu thích của Thùy Dung từ bé. Hồi còn nhỏ xíu, em đã nghe cô Thanh Hoa, Thu Hiền và lớn lên chút xíu thì là giọng ca của cô Anh Thơ,... có lẽ vì tiếng hát của họ đã ngấm sâu vào máu thịt của Phạm Thuỳ Dung nên khi cất lên những tiếng hát đầu tiên thì đều là những bài dân gian. Song hành với âm nhạc dân gian còn có một điều rất đặc biệt nữa khiến Thuỳ Dung sau này có cú "lội ngược dòng" sang âm nhạc cổ điển thính phòng, đó chính là "âm nhạc nhà thờ".
Ngày bé Thùy Dung đã được hát Thánh ca trong nhà thờ, cứ mỗi tuần em đều theo các anh chị đi lễ và sau thánh lễ thì được tập hát, ngày đó cũng chưa hiểu thế nào là "âm nhạc nhà thờ" mà chỉ thấy khi những giai điệu đó vang lên em cứ đắm say ngân nga, cảm giác âm nhạc đó có một sức lôi cuốn kỳ lạ, càng hát càng thấy mê. Đó chính là nguồn gốc của âm nhạc cổ điển.
Sau này ra Học viện Âm nhạc quốc gia học thanh nhạc, Thùy Dung được cô Anh Thơ dạy dỗ, chỉ bảo nên dòng nhạc dân gian lại càng thấm vào máu nhiều hơn, đấy cũng là lý do Dung dự thi Sao Mai dòng nhạc này và đoạt giải. Trong quá trình thi Sao Mai, Dung được NSND Thanh Hoa hướng dẫn chỉ bảo tận tình. Cô bảo: " K hông kể ngày hay đêm, mưa hay nắng chỉ cần con có niềm đam mê lớn với âm nhạc thì c ô sẽ chỉ bảo cho con".
Thùy Dung cảm nhận rằng mình là một người vô cùng may mắn. Tuy nhiên sau khi đoạt giải Sao Mai, Thùy Dung tiếp tục hoàn thành hệ đại học và Cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đó cũng chính là thời điểm Thùy Dung hát nhiều tác phẩm opera kinh điển nhất từ trước tới giờ, càng học càng thích, càng hát càng mê.
Trong 6 năm "ở ẩn" tu luyện. Bên cạnh chương trình ở Việt Nam, những lúc có cơ hội, em lại tranh thủ bay sang nước ngoài theo học những khoá ngắn hạn, vì đây là một trong những cái nôi của nhạc cổ điển thính phòng thế giới. Quãng thời gian học tập bên Nga, Thùy Dung cảm thấy rất vui và hạnh phúc thấy mình thật sự rất may mắn khi được sống và học tập bên cạnh các nghệ sĩ hàng đầu về âm nhạc cổ điển, từ đó thôi thúc em càng ngày càng yêu càng say mê với âm nhạc cổ điển.
- "Trăng hát" là một concert rất đặc biệt khi đồng thời có sự góp mặt của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, hai tên tuổi nổi tiếng Đăng Dương và Tùng Dương. Thùy Dung có cảm thấy áp lực không?
Em vẫn nghĩ, trên đời này sẽ không có việc gì không tồn tại áp lực, nhất là đối với những quyết định quan trọng. Thế nhưng, em lại hơi khác với mọi người ở chỗ càng áp lực thì em lại càng tập trung và cố gắng đạt được điều mình mong muốn.
Bên cạnh đó, rất may mắn cho em là hai nghệ sỹ, hai người anh lớn là Đăng Dương và Tùng Dương đều nhận lời tham gia với vai trò khách mời trong live-concert sắp tới. Anh Đăng Dương luôn nói: "Em đừng quá lo lắng. Điều quan trọng là em phải tập luyện thật kỹ. Khi mình kỹ bài, gửi được cảm xúc vào đấy sẽ không còn sợ nữa". Trong khi đó, suốt thời gian chuẩn bị cho show, ca sĩ Tùng Dương luôn bên cạnh em như một người anh trai bảo ban cho em gái từng bước từng bước.
Thùy Dung tin rằng, bất cứ một ca sỹ opera nào ở Việt Nam cũng sẽ ước mơ được hát với một dàn nhạc giao hưởng "xịn" như Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời. Khi biết tin Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời sẽ đồng hành cùng mình trong live-concert "Trăng hát", em vui sướng vô cùng, không có từ gì có thể diễn tả được cả. Bởi em không nghĩ mình sẽ được hát với một dàn nhạc mang tầm vóc quốc tế ngay trong live-concert đầu tiên của mình. Thành viên của dàn nhạc ấy đều là những nghệ sỹ giỏi trong nước và thế giới. Với em, đó vừa là điều may mắn, cũng vừa là động lực để cá nhân mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.
Với sự đồng hành của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời cùng sự hỗ trợ của hai nghệ sỹ đàn anh nổi tiếng là Tùng Dương và Đăng Dương, em mong rằng live concert đầu tiên của mình sẽ thành công tốt đẹp, đồng thời góp sức nhỏ của mình mang âm nhạc cổ điển như một làn gió mới đến gần hơn với khán giả Việt.
- Xin cảm ơn Thuỳ Dung!
P.V
Theo Anninhthudo
Sao Mai Phạm Thuỳ Dung vào mùa "Trăng hát" Á quân dòng nhạc dân gian Sao Mai 2013 Phạm Thuỳ Dung làm liveshow đầu tiên của mình theo phong cách thính phòng cổ điển Sở hữu giọng hát soprano đẹp, trong trẻo, cao vút, cùng một ngoại hình sáng sân khấu, Phạm Thuỳ Dung từng đạt giải Á quân dòng nhạc dân gian và ca sĩ được yêu thích nhất tại cuộc...