Phạm Thu Hà say sưa tập cùng dàn nhạc cho concert Nhà Thờ Lớn
Được Giáo xứ Chính tòa Hà Nội mời biểu diễn trong đêm Ca hòa nhạc Giáng sinh tối 20/12, Phạm Thu Hà cũng ghi tên mình trở thành nữ nghệ sỹ đầu tiên không phải người công giáo biểu diễn trong Nhà thờ.
Phạm Thu Hà cất cao giọng hát ‘họa mi’ trước đêm Ca Hòa nhạc Giáng sinh ở Nhà Thờ Lớn.
Hà Nội đang trong những ngày rét buốt của mùa Đông, hoàn toàn không phải điều kiện lý tưởng để các ca sỹ có giọng hát tốt nhất nhưng Phạm Thu Hà cùng dàn nhạc và hợp xướng tập luyện ròng rã nhiều tuần lễ trước đêm Ca Hòa nhạc Giáng sinh tối 20/12 tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội.
Sự đồng lòng và quyết tâm cống hiến một concert đẳng cấp và thiêng liêng nơi thánh đường Nhà thờ như tiếp lửa cho các nghệ sỹ có những giờ tập thăng hoa, hứng khởi, sẵn sàng trước đêm diễn.
Được Giáo xứ Chính tòa Hà Nội mời biểu diễn trong đêm Ca hòa nhạc Giáng sinh tối 20/12, Phạm Thu Hà cũng ghi tên mình trở thành nữ nghệ sỹ đầu tiên không phải người công giáo được biểu diễn trong Nhà Thờ Lớn Hà Nội.
Ê kíp nghệ sỹ tập rõng rã nhiều tuần lễ chuẩn bị thăng hoa cho đêm diễn
Thần tượng nữ nghệ sỹ Sarah Brightman, từng mê mẩn khi được xem concert của nghệ sỹ này trong Nhà thờ, Phạm Thu Hà đã nung nấu ước mơ trong cuộc đời ca hát của mình sẽ có cơ hội được hát trong không gian Nhà Thờ Lớn.
Giấc mơ này vừa đánh dấu một nấc mới khẳng định đẳng cấp và nội lực trong đường hướng âm nhạc classic crossover mà Phạm Thu Hà theo đuổi từ ngày bước vào làng nhạc, vừa là ước ao tìm về với ngọn nguồn tuổi thơ. Từ thuở tấm bé nữ ca sỹ thường xuyên theo mẹ đến Nhà thờ ở quê nhà Hải Phòng, dòng suối thiện lành trong trẻo đó đã nuôi dưỡng tâm hồn và tiếng hát của “họa mi bán cổ điển.”
Hát thánh ca trong không gian nhà thờ đòi hỏi kỹ thuật mực thước và giọng hát không tì vết. Phạm Thu Hà sẽ hát những bản thánh ca nổi tiếng như “Ave Maria,” “Oh Holy Night”… và cùng với hợp xướng hát những bài thánh ca gây xúc động.
Là khách mời duy nhất của đêm, Quang Dũng sẽ song ca với Phạm Thu Hà bài thánh ca “Dâng mẹ.” Bên cạnh đó, dàn nhạc sẽ chơi hòa tấu.
Phạm Thu Hà sẽ hát những bản thánh ca kinh điển.
Video đang HOT
Với nỗ lực của Giáo xứ chính tòa và các nghệ sỹ, đêm Ca Hòa Nhạc Giáng sinh sẽ không bán vé mà mở cửa đón công chúng yêu nhạc và các giáo dân.
Đêm Ca Hòa nhạc Giáng sinh do nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành đảm nhận trọng trách giám đốc âm nhạc, chỉ huy dàn nhạc thính phòng Hà Nội bởi Đồng Quang Vinh. Được trang bị một hệ thống âm thanh riêng, sân khấu cho đạo diễn Trần Vi Mỹ đảm trách, đêm Ca Hòa nhạc Giáng sinh sẽ mang lại không khí và tiêu chuẩn thưởng thức nghệ thuật hiếm có cho công chúng yêu nhạc.
Một số hình ảnh Phạm Thu Hà tập với dàn nhạc:
Dàn nhạc thính phòng Hà Nội và nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.
Hát thánh ca trong Nhà Thờ Lớn là giấc mơ của Phạm Thu Hà và ước ao của tất cả nghệ sỹ.
Giám đốc âm nhạc Nguyễn Khắc Thành.
‘Họa mi bán cổ điển’ thăng hoa trong tập luyện…
Bộ đồng trong dàn nhạc.
Phạm Thu Hà bên cây đàn piano.
… và cây hạc cầm.
Theo Báo Mới
Người hát trên đỉnh Tà Xùa
Sau khi trở thành gương mặt nghệ sĩ mở màn cho chuỗi chương trình 'Chân dung âm nhạc' do Đài Truyền hình VTC sản xuất hồi tháng 10, ca sĩ Phạm Thu Hà vừa ra mắt MV Opera Dance 'Vũ điệu bình minh' với nhiều cảnh quay trên đỉnh Tà Xùa.
Ca sĩ Phạm Thu Hà tạo dấu ấn qua các tác phẩm âm nhạc với phong cách cổ điển giao thoa.
Gặp lại mối lương duyên
MV "Vũ điệu bình binh" là sản phẩm của Phạm Thu Hà và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp sản xuất cho series VTV Bài hát tôi yêu, vừa được phát trên truyền hình ngày 15/12. Sở dĩ có sự phối hợp này là bởi lời mời của VTV đúng thời điểm Phạm Thu Hà muốn tung ra single "Vũ điệu bình minh" nằm trong dự án phòng thu Classic Meets Dance dự kiến ra mắt năm 2019, đánh giấu hợp tác trở lại giữa Phạm Thu Hà và nhạc sĩ - nhà sản xuất Võ Thiện Thanh.
Nói như thế là bởi, gần một thập kỷ về trước Phạm Thu Hà đã hợp tác với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và người nhạc sĩ này có công định hướng cho Phạm Thu Hà lựa chọn tiên phong theo đuổi phong cách Cổ điển giao thoa (Classical crossover hay Pop opera). Kết quả của mối lương duyên trong âm nhạc giữa họ đã cống hiến cho đời sống âm nhạc thời điểm đó sản phẩm phòng thu "Classic Meets Chillout" (Hát cổ điển trên nền nhạc Chillout) giành Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến năm 2012 cho hạng mục "Album của năm". Để từ đây, làng nhạc hiển hiện một phong cách và dấu ấn giọng hát "họa mi bán cổ điển" mang tên Phạm Thu Hà.
Nếu nói Phạm Thu Hà là "nàng thơ" trong miền âm nhạc trù phú và biến ảo của Võ Thiện Thanh thì ở chiều ngược lại, chính sự cách tân và giao thoa trong âm nhạc của nhạc sĩ này đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ để Phạm Thu Hà đi được vệt thử nghiệm dài, xuyên suốt qua các sản phẩm phòng thu "Classic Meets Pop" - "Tựa như gió phiêu du" (hợp tác với nhạc sĩ Đức Trí), "Classic Meets Jazz" - "Hà Nội... Yêu" và mới đây là đĩa than hát nhạc Phạm Duy "Đường em đi".
Vượt qua thử thách
Ở mỗi sản phẩm, Phạm Thu Hà đều bắt tay với các nhạc sĩ, nhà sản xuất hàng đầu để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc được đầu tư chỉn chu, sản xuất kỹ lưỡng, đề cao giá trị nghệ thuật, với nỗ lực cuối cùng là tiệm cận nhạc cổ điển tới đại chúng khán giả.
Nội lực của nữ nghệ sĩ này còn thể hiện ở chỗ, ngay cả khi đã định hình chỗ đứng trong làng nhạc là "họa mi bán cổ điển", Phạm Thu Hà vẫn không có dấu hiện chững lại. MV "Vũ điệu bình minh" tiếp tục là một thử nghiệm mới, cho thấy sự tìm tòi và khai phá về thể loại giao thoa khi hát cổ điển với các phong cách âm nhạc đương đại. Chính điểm này cũng là một thử thách đối với công chúng lẫn khán giả đang theo dõi con đường âm nhạc của Phạm Thu Hà.
Thử thách hát cổ điển trên nền nhạc dance đã nhấc đường hướng cổ điển giao thoa của Phạm Thu Hà lên nấc mới hiện đại, phá cách, biến hóa và mới mẻ hơn với ngồn cảm hứng mang tên Võ Thiện Thanh. Âm nhạc của Võ Thiện Thanh trong "Vũ điệu bình minh" là sự đặc thù của phong cách Classical crossover. Đó là sự pha trộn giữa nhạc điện tử với dàn nhạc giao hưởng, nhằm mở ra không gian rộng lớn về thiên nhiên, hiệu quả trong việc kích hoạt hiệu quả trí tưởng tượng bay bổng nhưng lại đặt ra thử thách cho cả ca sĩ và đạo diễn dựng hình.
Sản phẩm này cũng cho thấy sự trưởng thành và biến hóa của giọng hát Phạm Thu Hà cả về âm sắc lẫn kỹ thuật. Hát opera trên nền nhạc dance với dàn nhạc giao hưởng đầy đặn làm nền bên dưới, đòi hỏi nội lực, kỹ thuật và xử lý biến báo của ca sĩ. Phạm Thu Hà đã sử dụng kỹ thuật hát pha giọng (mix voice), kết hợp với phong cách hát belting, lối hát trong các vở nhạc kịch đương đại (musical theatre). Những nốt cao sử dụng chuyển giọng nhưng không theo phong cách cổ điển, mà âm thanh được đẩy ra khoảng vang trước mặt (mask resonal) theo phong cách hát đương đại.
Nhờ vận dụng kỹ thuật hát opera và cách hát cổ điển, Phạm Thu Hà đã để giọng hát cộng hưởng, tiếng hát như tiếng gọi thức tỉnh đầy xúc cảm và ám ảnh. Âm nhạc mang tính hiện đại nhưng lại có chút mộng mị. Cách hát đem đến cảm giác tràn đầy năng lượng và tình yêu.
Ca sĩ Phạm Thu Hà trên đỉnh Tà Xùa.
2 lần lên đỉnh Tà Xùa
Bên cạnh đó, một điều gây chú ý ở MV "Vũ điệu bình minh" đó là tiếng nói mạnh mẽ về câu chuyện bảo vệ môi trường. Thông điệp mà MV muốn lan truyền, đó là nếu cứ tiếp tục sống và phá hủy môi trường, con người sẽ không còn chốn dung thân. Con người đang tự hại chết chính mình bởi sự tham lam, vô ý thức. Nhưng nếu con người tỉnh ngộ và sám hối, mọi thứ vẫn còn cứu vãn được. Nói như PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, đây là MV đẹp, một tiếng kêu thất thanh của Phạm Thu Hà về môi trường nhưng đó là tiếng kêu thất thanh đầy duy mỹ.
Để thực hiện những cảnh quay trong MV này, đạo diễn Trần Xuân Chung- người từng đạo diễn nhiều MV cho các ca sĩ: Bùi Anh Tuấn, Bảo Trâm, Khánh Linh... đã quyết định chọn Tà Xùa- đỉnh núi cao thứ 10 của Việt Nam, nằm trên dãy núi Tà Xùa là ranh giới tự nhiên của 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La, để thực hiện những cảnh chính.
Theo vị đạo diễn này, đây là MV ca nhạc đầu tiên chọn đỉnh núi Tà Xùa để quay. Sở dĩ chọn Tà Xùa, bởi anh thấy nơi này mới đủ độ cao, đủ tạo cảm giác ấn tượng mà êkip muốn thể hiện. Tuy nhiên, để đưa thiết bị và con người lên đỉnh Tà Xùa không hề đơn giản. Với Phạm Thu Hà, chinh phục đỉnh Tà Xùa cũng là một trải nghiệm khó quên. Hát giữa biển mây núi khi bình minh vừa ló lại càng là một kỷ niệm đáng nhớ.
Tuy nhiên, để có những "kỷ niệm đặc biệt", đạo diễn Trần Xuân Chung tiết lộ, trong lần lên quay đầu tiên, êkip đã gặp mưa bão, mới bấm máy được một vài cảnh đã phải quay về để đảm bảo an toàn. Mấy tháng sau, lần thứ hai trở lại Tà Xùa, êkip mới có thể thực hiện được những cảnh quay quan trọng khi tiếng hát của Phạm Thu Hà vang lên và ánh bình minh bắt đầu ngày mới...
Cùng với những cảnh quay thực tế với thiên nhiên, MV "Vũ điệu bình minh" còn lập kỷ lục khác khi mất tới 2 tháng để thực hiện những kỹ xảo tái hiện lũ quét, cháy rừng... Nhiều hình ảnh sống động trong MV được sử dụng máy quay ARRI ALEXA (máy quay dùng để thực hiện những bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam và trên thế giới ); hệ thống đèn chiếu sáng công suất rất lớn, có những cảnh quay kết hợp kĩ xảo phức tạp. Toàn bộ quá trình sản xuất MV này cũng được thực hiện theo chuẩn sản xuất một bộ phim chiếu rạp...
* Đây là MV ca nhạc đầu tiên chọn đỉnh núi Tà Xùa để quay. Sở dĩ chọn Tà Xùa, bởi theo đạo diễn Trần Xuân Chung, nơi này mới đủ độ cao, đủ tạo cảm giác ấn tượng mà êkip muốn thể hiện. Tuy nhiên, để đưa thiết bị và con người lên đỉnh Tà Xùa không hề đơn giản. Còn với Phạm Thu Hà, chinh phục đỉnh Tà Xùa cũng là một trải nghiệm khó quên. Hát giữa biển mây núi khi bình minh vừa ló lại càng là một kỷ niệm đáng nhớ.
Theo Báo Mới
Phạm Thu Hà thấy thử thách lớn khi hát nhạc Võ Thiện Thanh Trong MV 'Vũ điệu bình minh', ca sĩ Phạm Thu Hà đã bắt tay với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh để thử nghiệm hát opera trên nền nhạc dance và nhạc giao hưởng. MV Vũ điệu bình minh là sản phẩm của ca sĩ Phạm Thu Hà và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất cho series VTV Bài hát tôi...