Phạm nhân chưa một lần đọc 50 lá thư vợ gửi
Bắt gặp vợ đang tằng tịu với người khác, Lê Đình Nin đã tước đi tính mạng tình địch rồi bước vào vòng lao lý mà không mảy may ân hận về tội ác của bản thân.
Thi hành bản án 13 năm tù về tội Giết người tại Trại giam Tống Lê Chân, Lê Đình Nin (27 tuổi) nói rằng anh ta có hai kỷ vật luôn để dưới gối khi đi ngủ, đó là tấm hình con gái và tập thư hàng chục bức của vợ gửi vào suốt thời gian qua, nhưng anh ta chưa một lần “thèm” đọc.
Phạm nhân Lê Đình Nin. Ảnh: An ninh thủ đô.
Lê Đình Nin sinh ra ở vùng quê nghèo của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Nin rất thích học các môn khối A và khao khát được vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, do kinh tế gia đình khó khăn nên ước mơ của Nin dang dở.
Năm 2001, Nin bỏ học khi mới lên lớp 10 để vào nam lập nghiệp kiếm tiền phụ giúp gia đình. Xin vào làm công nhân tại một công ty sản xuất giày da của Đài Loan ở thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), Nin rất chịu khó và thường xin làm thêm ca, thêm giờ để tăng thu nhập.
Năm 2007, trong lần giao ca, Nin quen Võ Thị Minh ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Ban đầu là chỗ đồng hương thân thiết, nhưng dần dần hai người cảm mến và yêu nhau. Sau một năm tìm hiểu, Nin quyết định ngỏ lời cưới Minh làm vợ và được cô bạn cùng tuổi đồng ý. Đám cưới tại quê nhà giản dị và ấm cúng. Họ hàng ai cũng mừng cho Nin và gia đình khi có con dâu đẹp người, đẹp nết.
Thời gian bên gia đình ngắn ngủi, vợ chồng Nin lại khăn gói vào Bình Dương tiếp tục công việc. Hai người làm cùng công ty, lương tháng chỉ gần 4 triệu đồng. Năm 2009, khi đứa con gái đầu lòng ra đời, Nin phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh.
“Lúc con lớn dần thì vợ chồng em cũng tính chuyện gửi con đi nhà trẻ nhưng tiền không có để trang trải khoản này. Thuê người trông cũng tốn kém nên thi thoảng con ốm, vợ lại xin nghỉ ở nhà để trông nom”, Nin tâm sự.
Hoàn cảnh hai vợ chồng thiếu thốn nên ngoài việc ở công ty, thi thoảng Nin đi phụ hồ cùng bạn bè ở ngoài. Sau một thời gian, thấy việc làm phụ hồ thu nhập còn khá hơn làm công nhân giày da nên Nin bỏ việc cũ, chuyển hẳn về TP HCM nhận công trình.
Bi kịch trong đêm
Thi thoảng Nin mới thu xếp công việc về nhà thăm vợ con sống trong căn phòng trọ nhỏ ở phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một. Trong khi Nin vắng nhà, vợ anh ta đã ăn nằm với người khác và bi kịch xảy đến khi Nin phát hiện ra sự việc.
Video đang HOT
Một đêm tháng 6/2010, Nin đi nhờ xe người bạn từ TP HCM về thăm vợ con với niềm vui vừa được lĩnh lương sau khi hoàn thành công trình. Muốn vợ bất ngờ, Nin không gọi điện báo trước. Về đến cửa phòng trọ, Nin thấy có đôi dép nam để ở ngoài nên tưởng mình vào nhầm phòng. Nhưng nhìn đi nhìn lại, Nin thấy đó đúng là “tổ ấm” của vợ chồng mình.
Nin từ tốn gõ cửa. Trong nhà vọng ra tiếng hỏi của vợ Nin: “Ai đấy?”. Nin trả lời: “Anh đây, mở cửa cho anh”. Chờ mãi, chờ mãi, Nin mới thấy vợ khẽ hé cửa nhìn ra ngoài. Tức giận đẩy mạnh cửa, Nin bước vào trong và càng nghi ngờ hơn khi thấy bộ dạng lấm lét của vợ. Đảo mắt nhìn quanh phòng, anh ta thấy vợ cứ thoáng chốc lại bất giác hướng ánh mắt nhìn về phía nhà tắm.
Xộc vào phòng tắm, Nin bắt gặp một gã đàn ông trên người chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi đang núp ở đó, trên tay ôm bộ quần áo dài chưa kịp mặc. Sau này, Nin mới biết đó là Hoàng Văn Dũng (29 tuổi, ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), anh này là công nhân làm cùng công ty giày da với vợ chồng trước đó.
Nỗi uất hận dâng lên, Nin túm tóc lôi Dũng ra ngoài để đánh. Thấy vợ khóc lóc van xin cho Dũng, Nin càng điên tiết hơn, bắt vợ đi gọi người nhà của vợ đến chứng kiến.
“Lúc đó có rất nhiều người đến xem và khuyên em bình tĩnh nhưng quả thực em không tài nào nguôi giận được. Nếu ai đặt địa vị vào em về nhà thăm vợ con và bắt gặp vợ ngoại tình thì làm sao có thể không tức giận cho được?”, Nin kể lại.
Không thể nuốt trôi nỗi nhục bị “cắm sừng”, Nin đạp cho Dũng vài cái nữa khiến điện thoại của nạn nhân rớt xuống đất. Ngó thấy hình nền điện thoại là ảnh con gái mình, Nin lồng lộn nghĩ rằng: “Chẳng nhẽ nó là bố của con gái mình?”.
Vớ được một chiếc gậy gần đó, Nin vụt liên tiếp vào người Dũng rồi cầm con dao gọt hoa quả gí vào cổ Dũng tra hỏi: “Mày ngủ với vợ tao mấy đêm rồi?”. Dũng trả lời: “Hai đêm, lần này là lần thứ hai”.
Tức thì Nin cầm tóc Dũng kéo đầu thanh niên này đập vào tường nhiều lần đến khi bất tỉnh. Thấy vậy, mọi người đã lao vào tước con dao của Nin và đưa Dũng đi cấp cứu khi trời đã tảng sáng.
Hoàng Văn Dũng đã tử vong do chấn thương sọ não. Còn Lê Đình Nin bị công an bắt giữ, khởi tố về tội Giết người.
Nỗi đau dần nguôi ngoai
Nhắc lại chuyện cũ, Nin ân hận nói: “Các cụ có câu ‘cả giận mất khôn’ nên em đánh mất tự chủ mà làm vậy. Lúc công an đến bảo lên trụ sở lấy lời khai, vợ em vẫn khóc lóc xin em tha thứ. Em chỉ hỏi: “Tại sao cô làm thế? Tại sao cô phản bội tôi?” rồi đi. Em nghĩ rằng tình nghĩa vợ chồng cũng đã hết sau câu nói ấy”.
Nghe tin Nin giết người và bị công an bắt giữ, bố anh ngất ngay tại chỗ. Sức khỏe yếu và huyết áp không ổn định, thời gian ngắn sau ông qua đời. Vào thăm con, mẹ Nin ban đầu không dám nói cho anh tin dữ về tang cha. Nhưng thấy em gái cứ thút thít khóc nên Nin đã gặng hỏi mới biết hung tin. Nin ngồi ngây người rồi bật khóc.
Nin không ngờ mình phải trả một cái giá đắt đến thế. “Em đã khóc rất nhiều, cả tuần liền em không thể động đũa ăn cơm. Em là đứa con bất hiếu, chưa báo ơn sinh thành đối với cha mẹ ngày nào mà lại còn gây ra việc tày đình. Quả thực, đến giờ em vẫn chưa quên cảm giác lúc đó. Nó phũ phàng và cay đắng quá”, Nin kể lại.
Ngày Nin bị quản thúc tại Trại tạm giam để phục vụ công tác điều tra, vợ Nin bế con lên thăm nhưng anh ta từ chối gặp. Lần thứ hai, vợ Nin lại bế con cùng với mẹ chồng và em chồng lên thăm gặp. Mẹ Nin bảo: “Có tha thứ được cho vợ thì tha, cái tình vợ chồng đã hết nhưng nghĩa thì vẫn còn. Con gái là con của con chứ không phải của ai khác, đừng có nghĩ lung tung mà phải tội”.
Sau câu nói này, Nin đồng ý gặp vợ nhưng vẫn không nói một lời nào. Nin tâm sự: “Cô ấy khóc, còn em thì thấy buồn quá. Cuộc đời đối với em cho đến bây giờ chưa lúc nào thấy hết cực”.
Sau lần gặp này, Nin cho biết, vợ anh dường như rất ân hận về tội lỗi ngoại tình của cô ấy. Trong lần thứ ba lên thăm chồng, cô đã gửi cho Nin một tấm hình của con gái. Liền sau đó, vợ Nin đều đặn gửi thư vào cho chồng bên ngoài phong bì đề chữ: “Em biết em sai, em nhất thời làm việc hồ đồ có lỗi với anh, không dám mong anh tha thứ, chỉ mong anh giữ gìn sức khỏe mà cải tạo cho tốt”.
Nhưng những lá thư vợ gửi vào, Nin chỉ để đấy mà không đọc. Từ ngày nhận lá thư đầu tiên cho đến nay đã gần 50 bức thư của vợ, Nin vẫn chưa đọc lá thư nào. Nin nói: “Vào trong trại, có người hỏi em nếu gặp lại cảnh đấy thì có hành xử thế không? Em khẳng định là em vẫn muốn làm vậy nhưng sẽ không làm vì sợ mẹ em đau lòng. Suốt mấy năm cực nhọc làm thuê, làm mướn đủ nghề, đủ nơi, không nghĩ cho mình, chỉ mong vợ con được tấm áo mới, có đủ cơm ăn, điều kiện sống sung túc hơn, vậy mà đổi lại em được cô ấy “báo đáp” như thế…”.
Các quản giáo rất đồng cảm với hoàn cảnh dẫn đến việc phạm tội của Nin nên họ thường xuyên động viên, chia sẻ và trò chuyện với phạm nhân này. Một cán bộ quản giáo Phân trại số 1 cho biết: “Trường hợp của Nin không ai trong chúng tôi không biết. Thấy phạm nhân này nhiều tâm sự và đôi khi hay buồn chán, chúng tôi phân công nhau động viên cho Nin yên tâm cải tạo để sớm trở về bên con và gia đình”.
Sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn của cán bộ quản giáo cuối cũng đã giúp phạm nhân Lê Đình Nin hồi tâm chuyển ý. Sau nhiều đêm suy nghĩ và trằn trọc không ngủ, Nin đã viết thư hồi âm cho vợ.
Lá thư ấy, theo lời Nin kể chỉ vẻn vẹn 3 dòng: “Cái gì nó qua rồi thì thôi, không nhắc lại nữa mà thêm buồn, thêm suy nghĩ. Em gắng nuôi con để bù đắp lại những ngày tháng đã qua”.
Nói về việc có thể tha thứ được cho vợ không vì cô ấy cũng đã biết lỗi rồi, đã rất ăn năn và có lẽ đó chỉ là một phút xao lòng không mong muốn đã xảy ra, Nin cười và nói rằng: “Em chưa nghĩ đến việc đó. Hiện giờ em chỉ quan tâm xem con mình thế nào thôi. Nó đã lên 3 tuổi và vừa mới vào thăm em đấy. Nghe tiếng con gọi “bố”, niềm vui ấy đã giúp em cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Cháu càng ngày càng giống em nên em cũng nguôi ngoai”.
Theo An ninh thủ đô
Người chồng ngồi tù 16 năm không một lần trả lời thư vợ
Giận vợ không nghe lời để rồi nối gót chồng vào tù nên suốt 16 năm cải tạo, Chuyền không một lần gửi thư cho vợ mặc dù tháng nào người đàn bà ấy cũng gửi thư thăm chồng.
Tâm sự với chúng tôi, Nguyễn Hữu Chuyền, người chồng "thù dai" ấy bảo còn một năm nữa là mãn hạn tù, lúc đó sẽ ra trại Xuân Nguyên thăm vợ để mắng chị ta một trận cho bõ tức.
Rao bán thuốc phiện, gặp đúng Công an
Nét mặt khó đăm đăm với đôi môi mỏng mím chặt, Chuyền đổ mọi tội lỗi lên đầu người vợ đang thi hành án chung thân ở trại giam Xuân Nguyên. Lý giải về việc tù tội của mình, Chuyền bảo tại mình ham giàu mà cũng vì gia đình, còn lỗi lầm của vợ anh ta thì không thể chấp nhận được. Theo anh ta, nếu vợ "cứ bám lấy cái quán hàng xén tại nhà, chăm chỉ nhặt nhạnh cũng đủ nuôi hai con khôn lớn". Đằng này, vợ Chuyền lại không cam chịu khiến hai đứa con phải dở dang chuyện học hành và đó chính là nguyên nhân khiến Chuyền giận, đến giờ vẫn không một lần hồi âm thư của vợ.
Chuyền là người xứ Thanh nhưng lại lập nghiệp ở Mộc Châu, Sơn La. Là công nhân nông trường nhưng sau khi chọn được vợ cũng là người Thanh Hóa, cả hai bỏ ra ngoài làm ăn, buôn bán nhỏ. Xuất thân từ vùng quê nghèo khó nên vợ chồng Chuyền rất chăm chỉ lao động. Thế nên, khi có với nhau hai mặt con, họ đã gây dựng được một căn nhà mái bằng kiên cố. Vừa chăn nuôi, trồng trọt lại mở quán bán hàng thêm, kinh tế gia đình Chuyền khá vững nhưng với Chuyền, như thế vẫn chưa đủ. "Tôi muốn trong nhà phải có tiện nghi đầy đủ, muốn con cái được học trường huyện và đó chính là lý do đẩy tôi vào tù", Chuyền kể.
Theo lời Chuyền thì khoảng giữa năm 1995, có một người đàn ông ghé vào quán tạp hóa nhà Chuyền, đề nghị mua giúp vài tạ lạc, nếu được sẽ trả công chênh lệch. Có thù lao là Chuyền đồng ý song chỉ một thời gian ngắn hợp tác làm ăn, người đàn ông trên đề nghị Chuyền mua hộ cả nhựa thuốc phiện, một món hàng mà ở thời điểm đó không phải là khan hiếm. Lần đầu tiên mua hộ anh ta 5kg nhựa thuốc phiện, Chuyền được trả công một triệu đồng. Nghĩ buôn thuốc phiện về xuôi chắc được giá nên ky cóp được bao nhiêu tiền, Chuyền dùng để mua thuốc phiện, mỗi lần một ít. Sau hai năm ky cóp, mua được khoảng 40kg nhựa thuốc phiện, Chuyền quyết định "xuống núi". Đó là năm 1997.
Không giống như suy nghĩ của Chuyền, sau chặng đường từ Mộc Châu về Hà Nội, Chuyền mới ngỡ ngàng khi nhận ra rằng giữa biển người tấp nập qua lại ấy, làm sao tìm được chỗ để tiêu thụ bao tải hàng quốc cấm. Vật vờ một đêm ở bến xe với chiếc bao tải khư khư bên mình vì sợ mất, anh nhà quê lần đầu xuống phố quyết định ra chợ Hôm, hỏi những người trong chợ xem ai có nhu cầu mua thuốc phiện thì bán. Người đầu tiên Chuyền chào hàng, trớ trêu thay lại là một trinh sát đang hóa trang thâm nhập địa bàn, thế là Chuyền bị bắt và phải trả giá bằng bản án 17 năm tù. Chuyền bảo lúc mới bị bắt không hình dung được bản án dành cho mình nên cứ khóc vì tiếc của. Số tiền mà Chuyền dành dụm rồi bán cả mảnh vườn đang tăng gia sản xuất để mua 37kg thuốc phiện tính ra ngót nghét 150.000.000 đồng, một gia tài lớn thời điểm bấy giờ.
Phạm nhân Nguyễn Hữu Chuyền
16 năm nhất quyết không viết thư cho vợ
Bị kết án 17 năm tù, Chuyền về trại giam Nam Hà cải tạo. Đang thi hành án thì người đàn ông hay lên Sơn La thu mua nông sản ngày nào bị bắt và từ lời khai của anh ta, Chuyền được tặng thêm 3 năm tù nữa, tổng hình phạt của hai lần phạm tội mua bán, vận chuyển ma túy là 20 năm tù giam. Bốn năm đầu cải tạo ở trại giam Nam Hà, Chuyền luôn được vợ xuống thăm nuôi.
Thấy vợ tháng nào cũng chăm xuống trại giam thăm chồng, Chuyền cũng sinh nghi, tìm cách khuyên vợ đừng có dính vào việc mình đã làm rồi tương lai của hai con lỡ dở nhưng vợ anh ta chỉ vâng vâng, dạ dạ. "Lần nào xuống thăm tôi, "nó" cũng bảo tiện đường đi Hải Phòng thăm người nhà thì ghé vào thăm tôi. Gia đình "nó" làm gì có người thân ở Hải Phòng, "nó" ra đấy để gặp nhân tình nhưng tôi không ghen, tôi lo điều khác cơ, vậy mà đúng thế", Chuyền kể, đôi môi càng mím chặt. Theo lời Chuyền thì sau 4 năm anh ta vào tù, vợ anh ta bị bắt vì tham gia vào một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Sơn La về Hải Phòng. Bị kết án chung thân, người đàn bà ấy về trại giam Xuân Nguyên cải tạo, còn hai đứa trẻ coi như chuyện học hành đứt đoạn.
"Tháng nào cô ấy cũng viết thư cho tôi, khóc rồi xin lỗi nhưng tôi không trả lời. Tôi giận lắm vì khuyên nhủ "nó" thế mà "nó" không nghe. "Nó" nghe tôi thì giờ này con tôi đâu phải lang thang, vất vưởng. Hai đứa trẻ học giỏi thế, vậy mà... Tại "nó" mà đời hai đứa con tôi khổ", Chuyền kể tiếp. Không xót vợ vào tù, Chuyền chỉ thấy thương và lo cho hai đứa con trai, không biết chúng sống ra sao với nỗi mặc cảm về bố mẹ. Bao xót xa, đau khổ, Chuyền dồn cả vào trang viết gửi về cho cha mẹ và hai con ở Thanh Hóa. Cũng may là hai đứa con Chuyền đều ngoan ngoãn, có nghị lực nên tuy không học hành đến nơi đến chốn song giờ đều có công việc ổn định. Chuyền bảo cả hai con đều lập nghiệp ở Sài Gòn, đợi bố về mới tính chuyện xây dựng gia đình.
"Tôi không viết thư trả lời nhưng sẽ ra thăm cô ấy để cho cô ấy biết mình là người đàng hoàng, không hão huyền, hứa hẹn", Chuyền tâm sự. Rồi Chuyền khoe về hai con trai, bảo vẫn còn may vì đó là cái đích để hy vọng và muốn sống. Hơn lúc nào hết, Chuyền mong sớm được mãn hạn để có mặt trong ngày vui của các con, coi như một lời chuộc lỗi với chúng.
Theo Công lý
Đem người yêu "chiêu đãi" bạn trong ngày sinh nhật Chếnh choáng hơi men, liếc nhìn Liên đang ngồi hát, Bào ghé tai Vĩnh nói nhỏ: "Mày có thích "chén" con người yêu tao không?". Hiểu ý bạn, Vĩnh đưa mắt nhìn về phía Liên rồi gật đầu đồng ý. Nơi xảy ra vụ việc và các bị cáo Khi Bào chưa đầy 10 tuổi thì bố anh ta chẳng may mắc bệnh...