Phạm Công Danh, Trầm Bê xin giảm án cho thuộc cấp
Trong phiên tòa xử Phạm Công Danh và đồng phạm chiều 1.2, ở phần nói lời sau cùng, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng VNCB đều đồng loạt xin HĐXX xem xét thu hồi các dòng tiền để khắc phục hậu quả, đồng thời nghẹn ngào xin giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo thuộc cấp khác.
Sau nhiều ngày diễn ra, chiều nay (1.2) phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm về hành vi gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB hơn 6.000 tỷ đồng đã tạm khép lại phần tranh luận, chuyển sang phần các bị cáo nói lời sau cùng.
Trong phần trình bày của mình, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) một lần nữa mong muốn HĐXX xem xét các dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền tăng vốn điều lệ (4.500 tỷ đồng) để cấn trừ vào tiền sai phạm cho bị cáo và các bị cáo khác. Bị cáo Phạm Công Danh thiết tha mong HĐXX làm rõ các dòng tiền sai phạm vì toàn bộ dòng tiền rất rõ và không sử dụng dòng tiền nào cho mục đích cá nhân, chỉ sử dụng đều vì mục đích phát triển ngân hàng.
“Nếu không có tiền chăm sóc khách hàng xuyên suốt 3 năm đến bây giờ Ngân hàng Xây dựng không còn ổn định. Kính mong cơ quan tố tụng tiếp tục làm rõ và thu hồi”, bị cáo Danh kiến nghị.
Bị cáo Danh xin lỗi thuộc cấp cũ vì đã làm mất lòng tin của họ nhưng ông cho biết không lợi dụng họ mà tất cả việc làm của ông là để phục vụ ngân hàng. Qua đó bị cáo xin HĐXX xem xét tạo cơ hội cho các bị cáo thuộc cấp mức án nhẹ nhất có thể bởi họ không có vụ lợi. Ngoài ra ông cũng mong muốn xin HĐXX, VKS tạo điều kiện để ông có thể điều trị bệnh bởi nếu không còn sức khỏe nữa thì không khắc phục được hậu quả.
“Tập đoàn Thiên Thanh tồn tại đã 60 năm, giờ không còn gì cả ngoài đất thuê và mấy nghìn nhân viên. Nên kính đề nghị HĐXX xem xét để Tập đoàn Thiên Thanh có cơ hội sống và những nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh có công ăn việc làm”, bị cáo Phạm Công Danh nghẹn ngào nói lời sau cùng.
Video đang HOT
Bị cáo Trầm Bê, Phạm Công Danh cùng các bị cáo khác tại tòa.
Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) cũng không kìm nổi nước mắt trong phần nói lời sau cùng. Bị cáo Mai cho biết, khi đến Đại Tín điều đầu tiên các bị cáo nhận thấy là mọi thứ không như những gì các bị cáo nghĩ nên đã làm mọi cách để tái cơ cấu ngân hàng. Bị cáo mong HĐXX thu hồi tất cả các khoản tiền mà các bị cáo gây sai sót để khắc phục hậu quả của vụ án.
“Muốn Ngân hàng CB phát triển được thì không cách gì hơn là thu hồi toàn bộ các khoản tiền sai sót để trả lại ngân hàng CB như khoản tiền trả lãi ngoài hay tiền chuyển cho bà Hứa Thị Phấn…”, Phan Thành Mai kiến nghị.
Nguyên tổng giám đốc VNCB cũng xin lỗi và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho thuộc cấp và các bị cáo tại các ngân hàng khác đã vì hành vi của bị cáo mà bị liên lụy.
Còn trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) đã chia sẻ rằng, phải sống trong giai đoạn đó mới biết được thanh khoản ngân hàng lúc đó khủng khiếp như thế nào. Vì ngân hàng nên các bị cáo đã gây ra sai phạm. Bị cáo Khương xin HĐXX xem xét cho các bị cáo là nhân viên ngân hàng khác, đồng thời xin lỗi nhân viên 3 ngân hàng đã vì các bị cáo mà vướng vào vòng lao lý. Bên cạnh đó, bị cáo Khương cũng đề nghị xem xét thu hồi các dòng tiền còn lại để khắc phục hậu quả, giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo.
Đáng chú ý, bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) trong phần nói lời sau cùng đã cảm ơn đại diện VKS vì đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo. Tại tòa ông cũng xin lỗi các cán bộ, nhân viên Sacombank vì sai sót của ông mà làm liên lụy đến ngân hàng và các nhân viên.
Nhiều bị cáo khác trong vụ án cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm để có cơ hội về với gia đình, làm người có ích cho xã hội. Nhiều bị cáo cho rằng có sai sót trong nghiệp vụ nên dẫn đến sai phạm, chứ không cố ý làm trái; bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công cách mạng… Riêng các bị cáo khác là nhân viên Thiên Thanh hoặc là người được bị cáo Phạm Công Danh nhờ đứng tên đều mong muốn được giảm nhẹ hình phạt để sớm về trở thành người có ích cho xã hội.
Dự kiến ngày 7.2, TAND TP.HCM sẽ tuyên án các bị cáo trong vụ án này.
Theo Danviet
Xử vụ Phạm Công Danh: Cán bộ BIDV xin rút kinh nghiệm
Cán bộ Ngân hàng BIDV cho rằng thực hiện việc cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay đúng theo quy trình, còn hậu quả vụ án xảy ra thì xin được rút kinh nghiệm.
Chiều 12.1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại 4 ngân hàng: VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV tiếp tục phần xét hỏi. Trong đó, HĐXX chủ yếu tập trung các câu hỏi xoay quanh hành vi Phạm Công Danh cùng các đồng phạm làm giả hồ sơ vay thông qua 12 công ty để vay của BIDV 4.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong phiên tòa chiều 12.1, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) tiếp tục vắng mặt để trả lời các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm trong việc cho các công ty của Phạm Công Danh vay tiền. Dù trước đó ngay từ khi bắt đầu phiên tòa, HĐXX đã yêu cầu triệu tập ông Trần Bắc Hà với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa thấy nhân vật này xuất hiện. Ngoài ra, ông Trần Lục Lang (Phó giám đốc BIDV) cùng nhiều cán bộ của BIDV với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng vắng mặt không lý do.
Trong phần trả lời của mình, ông Trần Hoài Lâm - đại diện BIDV hội sở - cho biết, trước đó ông phụ trách địa bàn TP.HCM. Tất cả các doanh nghiệp xin vay vốn mà có địa bàn tại TP.HCM do VNCB giới thiệu đều có gửi đến ông. Ông thừa nhận có đề xuất cấp tín dụng cho 12 trường hợp vay tiền của BIDV, do VNCB và BIDV có ký kết hợp tác thực hiện và do khách hàng có nhu cầu vay.
Bị cáo Phạm Công Danh.
Ông Lâm cho biết, khi ấy căn cứ vào quy định của BIDV và quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp. Các hồ sơ là do VNCB chuyển qua Ban khách hàng doanh nghiệp của BIDV và khi thấy đủ điều kiện thì ban này duyệt.
"Tức là anh không duyệt mà đưa xuống, nhưng chi nhánh lại hiểu là cấp tín dụng. Có khi nào là bên dưới hiểu là cấp trên chỉ đạo họ duyệt không? Sau việc xảy ra thì ông nghĩ trách nhiệm của mình thế nào?" - chủ tọa phiên tòa hỏi. Về điều này, ông Lâm cho rằng đã làm đúng quy trình, chức năng của phòng ban, còn sự việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì xin rút kinh nghiệm.
Còn bà Phương (Trưởng ban Pháp chế), đại diện BIDV giải thích các hợp đồng của 12 công ty vay tiền tại BIDV thực hiện theo quy trình của Quy định 1627 và Quy chế cho vay của BIDV, các quy định về giao dịch bảo đảm, quyền cầm cố thế chấp của các tổ chức tín dụng... Hợp đồng giữa BIDV và 12 công ty là hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự chứ không phải hợp đồng bảo lãnh. Do đó, có hai chủ thể trong hợp đồng là bên cầm cố và bên nhận cầm cố. Nội dung của hợp đồng thực hiện quy định theo mẫu chung BIDV, bao gồm các nội dung: Bên cầm cố là ai, nhận là ai, bảo đảm, xác định nghĩa vụ theo hợp đồng như thế nào, việc quản lý tài sản, nghĩa vụ VNCB, quyền BIDV...
Đại diện BIDV cũng cho biết đã lập hội đồng kỷ luật những người liên quan đến thiếu sót trong việc cho 12 công ty vay. BIDV đã nghiêm khắc kiểm điểm, thành lập hội đồng kỷ luật nhưng bà Phương vẫn khẳng định đây không phải trọng yếu. Việc cho 12 doanh nghiệp vay, BIDV yêu cầu doanh nghiệp phải có 30% vốn tự có, các doanh nghiệp đều đáp ứng nên đại diện BIDV vẫn khẳng định không có sai phạm.
HĐXX nêu: "Tiền các bị cáo phạm cố ý làm trái chuyển đi các địa chỉ được xác định là vật chứng của vụ án, theo quy định pháp luật cần thu hồi, BIDV có ý kiến gì không?". Đại diện BIDV cho rằng khi thu tiền khách hàng vay, BIDV không có nghĩa vụ chứng minh từ đâu. Chỉ biết rằng đó là tài sản sở hữu hợp pháp, nếu đi theo từng bị cáo thì sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm. Đại diện BIDV cho biết thêm, việc giao dịch với VNCB là giao dịch giữa hai pháp nhân, thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng. Bị cáo Phan Thành Mai, Phạm Công Danh là người đại diện theo pháp luật, chứ BIDV không giao dịch với các cá nhân trên.
Theo Danviet
Phạm Công Danh nhiều lần bị nhắc nhở, ngắt lời tại toà Trong phiên tòa chiều 10.1, mặc dù sức khỏe bị cáo Phạm Công Danh không đảm bảo, HĐXX vẫn tiến hành xét hỏi nhưng cho bị cáo này ngồi trả lời. Liên quan đến việc vay tiền tại 3 ngân hàng (Sacombank, TPBank, BIDV) gây thất thoát cho VNCB số tiền lên đến 6.126 tỷ, bị cáo Phạm Công Danh nhận phần sai...