Phải xác định ngưỡng an toàn trong vay ODA
Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xác định ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi vừa có chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành liên quan phải nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đảm bảo an toàn nợ công bền vững…
Đến tháng 7/2017, WB sẽ chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam
Theo đó, các ngành, các cấp quán triệt tinh thần, nguyên tắc chỉ đạo, những lĩnh vực ưu tiên sử dụng theo từng nguồn vốn (ODA không hoàn lại, ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi), lồng ghép những chương trình, dự án đề xuất đủ điều kiện theo quy định của pháp luật vào kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn để tổ chức thực hiện. Đảm bảo thực hiện các cam kết của phía Việt Nam, bao gồm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí nhân lực có chất lượng, bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng.
Để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, phê duyệt danh mục dự án, đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các dự án, các đơn vị cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời về những vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt là các dự án trọng điểm…
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính sớm hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về cho vay lại đối với chính quyền địa phương; sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho chương trình, dự án đầu tư vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.
Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ KHĐT nghiên cứu, xác định ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, không ảnh hưởng đến trần nợ công… Qua đó, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đồng thời đảm bảo an toàn nợ công bền vững.
Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi, cơ quan chủ quản, chủ dự án phối hợp với các nhà tài trợ định kỳ tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện chương trình, dự án. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra thực địa, giám sát và đánh giá để xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.
Video đang HOT
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 – 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân của các chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ thời kỳ 2011 – 2015 sang thời kỳ 2016 – 2020 hiện còn khá lớn, khoảng gần 22 tỷ USD.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành và địa phương, tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 là rất lớn, khoảng 39,5 tỷ USD.
Trong khi đó, về nợ công, quy mô nợ công hiện nay đang áp sát ngưỡng kiểm soát do Quốc hội đề ra và đặt ra thách thức trong việc đảm bảo an toàn nợ công nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo lộ trình, đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (World Bank) sẽ tuyên bố chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam và phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% – 3,5%.
Liên quan đến việc quản lý nợ công, trao đổi trước đó với Đất Việt, chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Thay vì đưa ra một hạn mức tương đối 65%/GDP là mức tối đa, Chính phủ nên đưa ra một hạn mức với con số tuyệt đối, chẳng hạn bao nhiêu tỷ USD để khi gần chạm đến hạn mức tuyệt đối này thì có báo động.
Nếu Việt Nam cứ đưa ra con số tương đối dựa trên GDP, hễ GDP tăng thì nợ công cũng tăng và không chạm vào điểm báo động. Việt Nam nên áp dụng chính sách tài khóa như nhiều nước vẫn làm, đó là con số nợ công phải có hạn mức bằng con số tuyệt đối để khi gần chạm là biết, Quốc hội và người dân có thể theo dõi được. Còn như ở Việt Nam, cái gì cũng tính theo phần thì vô cùng nguy hiểm”.
Minh Thái(Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Nợ công lên tới 2,7 triệu tỷ đồng: "Đóng băng" bội chi ngân sách?
Đây là số liệu được ông Trần Văn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách đưa ra trước Quốc hội chiều 3/11. Đồng thời, để góp phần giải quyết mất cân đối ngân sách, ông Văn đề xuất phải "đóng băng" bội chi ngân sách 2016 và biên chế nhà nước trong vòng 3 năm.
Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 3/11 "nóng" lên với vấn đề cân đối thu chi ngân sách nhà nước (NSNN).
Đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách cho biết, tình trạng mất cân đối ngân sách kéo dài liên tục ở mức trên 5% GDP/năm. Nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì đều tăng mạnh hàng năm, từ 112.000 tỷ năm 2011 lên 226.000 tỷ đồng năm 2015.
Đó là chưa kể nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư để ngoài cân đối ngân sách và giải ngân nguồn vốn ODA. Ví dụ năm 2015, vốn TPCP là 85.000 tỷ đồng, còn vốn ODA giải ngân vượt dự toán là 30.000 tỷ đồng.
Đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội
Do đó, nợ công tăng rất nhanh, bình quân 5 năm khoảng 20%/năm, từ khoảng 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011 lên dự kiến 2,7 triệu tỷ đồng năm 2015.
Trong khi đó, từ năm 2013 trở lại đây, Việt Nam không cân đối được đủ nguồn để trả lãi nợ gốc các khoản vay của Chính phủ đến hạn phải trả và phải vay nợ mới để trả nợ cũ, giá trị năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2013, lần đầu tiên phải vay để đảo nợ với mức 40.000 tỷ đồng thì năm 2014 là 77.000 tỷ đồng, năm 2015 khoảng 125.000 tỷ đồng.
"Khó có thể nói mọi việc đều suôn sẻ khi nợ đến hạn chúng ta không trả được mà phải cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài thời gian", ông Văn nhận xét.
Vị đại biểu cũng chỉ ra rằng, việc tăng chi đầu tư chủ yếu là vốn vay, chưa phải là tích lũy của nền kinh tế đã dần trở thành gánh nặng của ngân sách nhà nước, trong đó chi thường xuyên không giảm do bộ máy nhà nước cồng kềnh, nặng lực quản lý nhà nước, năng lực cán bộ công chức nhà nước chưa được cải thiện, thủ tục hành chính rườm rà, rắc rối; lễ hội nặng nề, tốn kém.
Theo đại biểu tỉnh Cà Mau, không thể để NSNN lâm vào thế bị động như hiện nay "khi chúng ta phải tìm mọi cách để cân đối, kể cả bán đi tài sản đang sinh lời, vay nợ mới trả nợ cũ, vay nước ngoài trả nợ trong nước và huy động cả cổ tức của doanh nghiệp Nhà nước để đưa vào cân đối NSNN".
Ông Văn đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét "đóng băng" mức bội chi ngân sách 254.000 tỷ đồng năm 2016 cho 3 năm liên tiếp, thay vì tăng hàng năm theo tỉ lệ phần trăm so với GDP để giảm dần tỉ lệ bội chi/GDP.
Đồng thời, "đóng băng" biên chế nhà nước trong 3 năm để xác định lại vị trí việc làm của cán bộ công chức, tiến tới giảm mạnh trong những năm tiếp theo, song song với lộ trình cải cách hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử. Dừng tuyệt đối xây dựng các công trình, dự án không thật cần thiết.
"Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải tự giác thắt lưng buộc bụng trước khi buộc phải thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các định chế tài chính nước ngoài", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách, tài chính phát biểu.
Cũng tại phiên thảo luận này, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá, trong chi tiêu ngân sách vẫn còn được sử dụng nhiều cho lễ hội, sự kiện, chi cho đi công tác nước ngoài vẫn chiếm tỉ trọng cao.
Trong khi đó, chi cho đầu tư phát triển, nhất là chi cho đầu tư cơ bản, các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn dàn trải, chưa có trọng tâm trọng điểm nên hiệu quả không cao, thậm chí là lãng phí.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho biết, ông không tán thành với đề nghị phương án sử dụng khoảng 10.000 tỷ đồng tiền bán bớt cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp để xử lý hụt thu ngân sách Trung ương.
Bởi theo ông Hùng, "như thế khác gì ăn vào vốn cố định, mục đích bán vốn là để đầu tư vào chỗ có hiệu quả hơn chứ không phải để tiêu".
Bích Diệp
Theo Dantri
Sau tiết lộ "sốc", Bộ Tài chính "trấn an" về tình hình ngân sách Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khi đánh giá về tình hình nợ công cho hay, hiện nợ công vẫn ở mức cao nhưng vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn và ngân sách vẫn đảm bảo chi cho đầu tư phát triển. (Ảnh minh hoạ). Ngân sách vẫn đủ tiền Trao đổi tại buổi họp báo chuyên đề diễn...