Phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản của dân
Trong phiên thảo luận chiều qua về dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cần phải đặc biệt tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người dân, tạo sự thuận lợi trong chuyển đổi ngoại tệ.
Cấm giao dịch bằng ngoại tệ
Điểm đáng chú ý, Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các hoạt động: báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của cá nhân, tổ chức không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc cho phép một số trường hợp được ký hợp đồng, báo giá bằng ngoại tệ nhưng sẽ thanh toán bằng đồng VN để bảo vệ quyền lợi của người cư trú trước rủi ro tỷ giá trong các lĩnh vực được khuyến khích. Tuy nhiên, đa số ý kiến thành viên của Ủy ban Kinh tế khẳng định cần tạo khung pháp lý đồng bộ và thống nhất để giải quyết tình trạng đô la hóa, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán.
Cũng theo ông Giàu, có ý kiến nêu các khoản tiền chuyển một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng… có thể làm gia tăng tình trạng đô la hóa, gây ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Do vậy, cần phải có biện pháp siết chặt hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến nêu nên thận trọng vì có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của người dân.
Video đang HOT
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị việc sửa đổi không được làm ảnh hưởng tới quyền lợi tổ chức, cá nhân có dự trữ ngoại hối và không làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Hiển đề xuất trong thành phần dự trữ ngoại hối NHNN có thể nên bổ sung thêm đá quý. Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi còn một số điểm cụ thể chưa thống nhất và có sự mâu thuẫn giữa quyền sở hữu tài sản của người dân khi siết và chống đô la hóa, vàng hóa. Vì vậy, các bước đi cần thận trọng và tránh gây sốc cho người dân, cũng như nền kinh tế.
Sẽ chỉ có một số giao dịch được thực hiện bằng ngoại tệ – Ảnh: Đ.N.Thạch
“Hạn chế, đừng thắt chặt”
Giải trình thêm về những vấn đề trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết quan điểm của NHNN khi xây dựng dự thảo là không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với quyền của người dân trong sở hữu ngoại tệ, theo ông Bình, NHNN mong muốn được siết và thu hẹp lại hơn nữa, nhưng trong dự thảo cơ bản không sửa đổi gì, do đây là vấn đề nhạy cảm, đụng đến quyền của người dân. Vì vậy, NHNN sẽ dùng các công cụ khác để siết như đã áp dụng các quy định trần lãi tiền gửi bằng USD 2% cá nhân, doanh nghiệp 0,5%. “Năm 2013, NHNN xem xét lại mặt bằng lãi suất này và có thể điều chỉnh cho phù hợp với mặt bằng chung lãi suất”, ông nói.
Liên quan đến đề xuất của ông Hiển có thể dự trữ thêm đá quý, ông Bình cho biết trước kia Nghệ An có khai thác Rubi, nhà nước cũng định bổ sung thêm đá quý vào dự trữ, tuy nhiên qua thăm dò khai thác trữ lượng không nhiều, và thực tế vừa qua đá quý không có vai trò trong nền kinh tế nên không đưa.
Khép lại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận, việc chống đô la hóa và vàng hóa theo hướng chặt hơn là cần thiết, nhưng cần có lộ trình và phải tạo sự thuận lợi cho người dân trong giao dịch, chuyển đổi. Tôn trọng đồng nội tệ, nhưng cũng phải tạo sự thông thoáng cho người dân, thông qua các cửa hàng thu đổi ngoại tệ được phép. “Tôi đi nước ngoài mua cho các cháu áo, nhưng họ không lấy đô la, may mà có mấy đồng chí có thẻ mới mua được. Nếu chúng ta cấm giao dịch ngoại tệ, thì phải có kênh giao dịch chính thức thuận tiện. Nếu không, tôi có đô la trong túi tôi đi mua, bán trực tiếp, còn hơn đi đổi lấy VNĐ đi mua”, Chủ tịch nói.
Ưu tiên xử lý nợ xấu
Theo dự kiến, Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua lần cuối sau 2 tháng nữa, trước khi trình Quốc hội xem xét vào tháng 5.2013. Tuy nhiên, đến phiên họp sau – tức vào cuối 2013 mới được thông qua.
Về Đề án chống đô la hóa, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã thực hiện xong. Hiện tại, Chính phủ đang ưu tiên cho Đề án xử lý nợ xấu (đề án này được Chính phủ nghe báo cáo ngày 24 hoặc 25.12 tới và thông qua vào 28.12 để sau đó trình Bộ Chính trị). Sau khi xong đề án nợ xấu, Chính phủ sẽ nghe báo cáo Đề án chống đô la hóa.
Theo TNO
Công bố nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm
Ngày 7.12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật, 3 nghị quyết quan trọng và 1 pháp lệnh vừa được Quốc hội (QH) thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Trong đó có Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, có hiệu lực thi hành từ 1.2.2013. Theo nghị quyết, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng, bộ trưởng... Người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu QH đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, Văn phòng Chủ tịch nước cũng công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật: Hợp tác xã, Xuất bản, Thủ đô, Dự trữ quốc gia; các luật sửa đổi, bổ sung như luật Phòng chống tham nhũng; Điện lực; Luật sư; Quản lý thuế; Thuế TNCN; các nghị quyết như tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
Theo TNO
Việt Nam quyết liệt xử lý nợ xấu Chiều 6-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2012 (CG năm 2012) sắp tới. Thông báo về chính sách phát triển của Việt...