Phải thu hồi tiền lương của Dương Chí Dũng trong 2 năm ngồi tù
“Người phạm tội, trốn tránh pháp luật thì làm sao lại được hưởng chế độ… Về nguyên tắc anh bị khởi tố là đã bị tạm đình chỉ các chức vụ và khi đã bị tạm đình chỉ chức vụ thì việc giải quyết chế độ chính sách cần phải tạm ngừng.”, ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội nói.
Ngày 27/6, ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội đã trao đổi với phóng viên Dân trí về việc Bộ GTVT mới ra quyết định kỷ luật Dương Chí Dũng với hình thức buộc thôi việc do vi phạm pháp luật và trong khoảng thời gian 2 năm ngồi tù Dương Chí Dũng vẫn được nhận lương.
Theo ông Đinh Xuân Thảo khi tòa đã kết tội thì Dương Chí Dũng mất hoàn toàn quyền lợi (Ảnh Việt Hưng)
Chỉ cho thôi việc khi tòa tuyên có tội
Hơn 2 năm sau khi có quyết định khởi tố tội tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải), đến ngày 10/6 vừa qua Bộ GTVT mới chính thức ra quyết định kỷ luật Dương Chí Dũng với hình thức buộc thôi việc. Xin ông cho biết quyết định trên của Bộ GTVT ra có quá muộn hay không?
Theo quy định khi ai đó bị bắt giam, khởi tố thì cơ quan chủ quản ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ để phục vụ quá trình điều tra, xét xử. Nếu bị cáo đó bị oan, được tuyên bố vô tội thì được phục hồi lại toàn bộ. Còn nếu tòa tuyên có tội, lúc đó anh sẽ mất hết cả biên chế lẫn chức danh. Do vậy, quyết định thôi việc phải thực hiện sau khi bản án có hiệu lực.
Biết bị khởi tố, Dương Chí Dũng đã chạy trốn và buộc Cơ quan điều tra Bộ Công an phải phát lệch truy nã. Nhiều người cho rằng sau thời điểm cơ quan điều tra phát lệnh truy nã, Bộ GTVT có thể buộc thôi việc với Dương Chí Dũng rồi?
Khi đã gắn với hình sự thì việc chạy trốn của Dương Chí Dũng phải được cơ quan điều tra chứng minh rõ ràng đó là hành vi chạy trốn.
Nếu dựa vào mức độ nghiêm trọng của vụ án, Bộ GTVT cũng có thể đưa ra quyết định cách chức Dương Chí Dũng. Còn đợi đến khi tòa tuyên án mới đưa ra quyết định thôi việc Dương Chí Dũng, liệu đó có phải là việc áp dụng pháp luật một cách máy móc, thưa ông?
Theo văn bản cao nhất là Hiến pháp, một người được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh bằng trình tự do pháp luật quy định và bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Do vậy, dù có làm biện pháp gì đi nữa khi chưa đáp ứng được hai điều kiện đó thì vẫn được coi là chưa có tội. Thế nên, không thể thi hành các hình thức khác sớm hơn hai điều kiện đó và đặc biệt là bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, họ (Bộ GTVT – PV) đã làm đúng quy định.
Video đang HOT
Luật pháp quy định như vậy để tránh những trường hợp bị oan sai. Còn bản thân người đã bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ cũng chẳng có quyền gì nữa. Và khi đã ra tòa với tư cách là bị can, bị cáo rồi, họ cũng có được xưng danh nữa đâu.
Xét về mặt kỷ cương hành chính, căn cứ vào việc Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài rồi bị bắt, bị điều tra…, Bộ GTVT đã có thể buộc thôi việc?
Nếu chỉ là vi phạm kỷ luật hành chính, Luật Cán bộ, công chức thì đúng là có thể xử lý được như vậy. Tuy nhiên, trường hợp này lại liên quan đến tội hình sự. Về nguyên tắc không xử lý một hành vi hai lần mà phải căn cứ vào tội trạng, hay vi phạm ở mức độ nghiêm khắc nhất. Trường hợp này là vi phạm hình sự thì người ta sẽ xử lý theo hình sự. Mà hình sự thì phải có thời gian điều tra, làm rõ.
Tòa đã kết tội Dương Chí Dũng mất hoàn toàn quyền lợi
Từ thời điểm Dương Chí Dũng bị bắt (ngày 5/9/2012) cho tới khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, Dương Chí Dũng vẫn được Bộ GTVT trả lương. Điều đó có khiến ông băn khoăn?
Theo quan điểm của tôi, từ thời điểm bỏ trốn đến khi tòa kết tội, Dương Chí Dũng có một chuỗi liên tục các vi phạm vừa là về hành chính và vi phạm hình sự, căn cứ vào đó coi như anh đã mất tất cả. Do vậy, không thể trả lương hay hưởng bất cứ chế độ gì nữa.
2 năm trong tù Dương Chí Dũng vẫn được hưởng lương
Điều đó có nghĩa là thời gian 2 năm trong trại giam chờ các cấp toà xét xử, Dương Chí Dũng sẽ không được “ăn” lương theo quy định?
Theo tôi nghĩ là không được. Vì về nguyên tắc anh bị khởi tố là đã bị tạm đình chỉ các chức vụ và khi đã bị tạm đình chỉ chức vụ thì việc giải quyết chế độ chính sách cần phải tạm ngừng. Tuy nhiên, sau này nếu người bị tạm đình chỉ vô tội thì bên kia phải phục hồi chức danh và phải bồi thường cho họ. Còn nếu anh đúng có tội thì không có chuyện bồi thường nữa, coi như anh mất hoàn toàn chế độ, quyền lợi.
Ngay bây giờ nếu cán bộ công chức mà nghỉ không lương, anh vắng không có lý do, thì coi như anh không được hưởng cái gì, thời gian đó anh cũng bị trừ đi thời gian công tác liên tục. Điều đó cho thấy rõ ràng người phạm tội, trốn tránh pháp luật, bị truy tố, bị khởi tố thì làm sao được hưởng chế độ như vậy được.
Vậy theo ông có nên thu hồi số tiền đã trả cho Dương Chí Dũng trong khoảng 2 năm ngồi tù hay không?
Theo tôi đúng ra là phải thu hồi bởi vì kể từ lúc đó anh đã rời bỏ nhiệm sở. Thời gian đó anh không làm việc, lao động nữa, cái này do anh phạm tội chứ không phải do bị đình chỉ oan sai mà phải trả lương, phục hồi cho anh.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Dương Chí Dũng vẫn được nhận lương trong 2 năm ngồi tù
Từ khi bị khởi tố (tháng 5/2012), bắt giam (tháng 9/2012) đến khi bị TAND tối cao kết án tử hình, Dương Chí Dũng vẫn được trả lương.
Đó là xác nhận của đại diện Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ GTVT. Được biết, dù quyết định buộc thôi việc xác định thời điểm có hiệu lực thi hành là từ 10/6 nhưng thời điểm TAND tối cao tuyên án phúc thẩm là coi như có đủ căn cứ khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của Dương Chí Dũng.
Việc trả lương cho cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn duy trì trong 2 năm trước đó được giải thích là căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 34 năm 2011 quy định, trong thời gian tạm giữ tạm giam để thực hiện công tác điều tra truy tố xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xét kỷ luật thì cán bộ được hưởng 50% lương theo ngạch, bậc cộng với phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên.
Thậm chí, theo quy định, cùng với việc áp dụng thí điểm mức chi đặc thù cho cán bộ, công chức, viên chức tại Cục Hàng hải Việt Nam từ tháng 9/2013, cựu Cục trưởng Dương Chí Dũng có thể được tăng lương theo mức chung tại cơ quan này: tiền lương bình quân được áp dụng hệ số tiền lương 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định (lương ngạch, bậc và các loại phụ cấp).
Như vậy, tính toán sơ bộ, ít nhất mỗi tháng Dương Chí Dũng vẫn nhận được trên 5 triệu đồng tiền lương, trong suốt hơn 2 năm qua.
Dương Chí Dũng trước giờ nhận án tử hình "chung cuộc" tại phiên toà phúc thẩm.
Ngoài ra, sau khi bị buộc thôi việc, chế độ bảo hiểm của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải cũng vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định.
Theo phản ánh của Dân trí, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng không giấu thái độ không hài lòng với việc xử lý quá thận trọng của Bộ đối với quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc vì vi phạm pháp luật tại TCty Hàng hải (Vinalines) sau khi nhận án tử hình, của Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng.
Bộ trưởng Thăng giải thích, Bộ GTVT đã vận dụng đúng nguyên tắc quy định của pháp luật "một người chưa bị coi là có tội khi toà chưa tuyên án, bản án chưa có hiệu lực pháp luật".
Tuy nhiên, ông Thăng cũng đánh giá, cách hiểu như vậy hơi máy móc vì không cần chờ kết quả xử lý hình sự vẫn có thể xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ vi phạm.
"Quyết định thành ra vô duyên vì giờ mới thi hành kỷ luật buộc thôi việc với một người đã thành án tử hình thì rất hình thức" - ông thẳng thắn nhận xét. Bên cạnh đó, Bộ trưởng GTVT diễn giải thêm, ông bất bình khi cấp dưới trình ký quyết định buộc thôi việc với cựu Cục trưởng Dương Chí Dũng vì thấy chuyện quá vô lý.
Trước đó, ngày 23/6, Bộ GTVT vừa có quyết định buộc thôi việc với ông Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Hàng hải, Chủ tịch HĐQT Vinalines), 2 năm sau ngày bị khởi tố.
Chia sẻ thông tin với PV, ngày 23/6, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết:"Phải làm theo đúng quy định của pháp luật, khi tòa xử phúc thẩm tuyên án, sau đó Bộ mới có căn cứ đúng là phạm tội thì mới đủ điều kiện đưa ra quyết định thôi việc".
Cụ thể, theo ông Trường quyết định này, dựa vào quyết định của Tòa án, chứ nếu đưa ra quyết định khi tiến hành điều tra, giả sử Tòa kết luận vô tội thì hoàn toàn không chính xác. Có nghĩa là phải dựa trên kết luận của Tòa thì cơ quan nhà nước mới có quyết định liên quan đến việc bỏ chức vụ công chức.
Theo quyết định số 2191/QĐ-BGTVT về kỷ luật công chức, Bộ GTVT thi hành kỷ luật bằng hình thức "buộc thôi việc" đối với ông Dương Chí Dũng do vi phạm pháp luật và bị tòa án kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Hồi tháng 5, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước" và "Tham ô tài sản" trong thương vụ Vinalines mua ụ nổi 83M.
Bản án xác định ông Dũng và Phúc đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam trái với chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ đạo mua ụ nổi 83M cũ nát gây thiệt hại gần 367 tỷ đồng của nhà nước. Từ khi mang từ Nga về, ụ chưa từng được sử dụng do hư hỏng, hiện mỗi ngày mất khoảng một tỷ đồng chi phí bến bãi, sửa chữa.
Theo Báo Đất Việt
Lý do Dương Chí Dũng nhận án tử mới bị sa thải Bộ GTVT vừa có quyết định buộc thôi việc với ông Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Hàng hải, Chủ tịch HĐQT Vinalines), 2 năm sau ngày bị khởi tố. Chia sẻ thông tin với PV, ngày 23/6, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Bộ GTVT vừa ban hành quyết định "buộc thôi việc" đối với ông Dương Chí Dũng -...