Phải qua bao nhiêu lời hứa ta mới đủ tin yêu?
Phải chăng guồng quay của cuộc sống quá nhanh, khiến đôi khi ta quên trân trọng những điều nhỏ nhặt nhất, quên trau chuốt từng lời ta nói, cẩn thận từng điều ta làm, và quên đi giá trị đích thực của từng lời ta hứa?
Có bao nhiêu người hứa để rồi quên? Và bao nhiêu sự hứa hẹn được tạo ra nhưng rồi người hứa lại tìm mọi kẽ hở để lách qua? Lẽ nào “ lời hứa không có giá trị mãi mãi- giá trị duy nhất của nó là làm yên lòng người nghe vào lúc được thốt ra”?
Lời hứa- nó luôn có những giá trị rất thiêng liêng của riêng mình, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó, và càng không phải ai cũng hiểu được rằng mình cần làm gì khi những lời hứa đã được nói ra. Cuộc đời quá vội, bởi thế mà những lời hứa trao nhau cũng trở nên thật vội vã.
Có đôi khi suy nghĩ không theo kịp những lời đã nói, để rồi ta không kịp nhận ra mình đã hứa gì. Và lời hứa cứ thế trở thành gánh nặng cho nhau. Lời hứa đôi khi như một chiếc xích dây vô hình. Cho dù ta dùng chiếc dây lời hứa để giữ những hi vọng vào một người nào đó hay để cột chặt lấy mình thì điều đó cũng thật ngột ngạt, bức bối. Và ta lại đứng giữa hai bờ hứa và quên, lại ép mình hi vọng, chờ đợi về một điều nào đó, từ một người nào đó.
Trong cuộc sống thường nhật, người ta không lấy pháp luật làm quy chuẩn, mà hay lấy lời hứa làm thước đo. Vậy phải chăng lời hứa cũng là một dạng luật pháp, để khi một ai đó bội hứa, ta lại lấy những lời đã nói ra để làm chứng cứ, để oán trách, thở than?
Nhưng tại sao lại cần đến một lời hứa?
Có những lời hứa thật ngọt ngào, trở thành một thứ gia vị mới của cuộc sống. Thế nhưng suy cho cùng, dù là lời hứa vô tình thốt ra, hay lời hứa với tràn đầy sự chân thành, thì đó vẫn là một sự cam kết thực hiện đến cùng. Mà nếu là vậy, thì đâu có sự cam kết nào không là ràng buộc, là trách nhiệm? Phải dùng đến lời hứa để ràng buộc nhau, lẽ nào niềm tin ta trao nhau là chưa đủ?
Thường thì, những người trao lời hứa sẽ quên đi, còn người nghe sẽ giữ lời hứa đó lại để mà hi vọng. Có lẽ hứa ra sao, thực hiện lời hứa đó như thế nào lại là một trong những bài học căn bản nhất để trưởng thành. Một người dù đã 18, 25 hay 50 tuổi, nếu như vẫn quên đi những lời đã hứa, thì cũng vẫn chỉ như một đứa trẻ lên 5 đang học cách làm quen với cuộc sống.
Video đang HOT
Tôi nhớ từng đọc ở đâu đó một câu chuyện rằng, một cô bé 11 tuổi vẫn đòi mẹ mua một con búp bê, dù cho cô bé không còn thích món đồ chơi đó nữa. Nhưng đó là món quà mà mẹ cô hứa sẽ trao tặng khi cô vào lớp một. Cứ tưởng chừng thật là vụn vặt, nhưng câu chuyện đó lại khiến tôi bất giác giật mình. Lời hứa từ khi 6 tuổi, giờ đã qua bảy năm, nhưng niềm hi vọng về lời hứa đó vẫn lớn lên theo cô bé từng ngày, và cô vẫn luôn mong chờ một ngày điều đó thành hiện thực.
Có thể với cô gái nhỏ đó, giá trị không nằm ở con búp bê, mà giá trị nằm ở lời người mẹ hứa. Lẽ nào sức mạnh của lời hứa lại lớn đến vậy, khiến người ta luôn ghi sâu, rồi mong đợi dù điều đó không còn giá trị? Có lẽ vậy, chỉ nên hứa khi đã trả về cho nó những giá trị ban đầu. Bởi những khi như thế, ta mới có thể trưởng thành, và những tin yêu mới thực sự ý nghĩa.
Nhưng dẫu vậy, hãy chỉ tin vào những lời đã hứa để ta biết hi vọng, biết tin yêu, chứ đừng vin vào đó để làm cái cớ buộc tội người khác. Bởi những điều họ mất nếu quên đi lời đã hứa sẽ còn nhiều hơn ta: ta mất đi một lời hứa, nhưng họ lại mất đi một cơ hội để trưởng thành. Lời hứa chỉ có giá trị thực sự khi cả hai cùng muốn nhớ, và dấu chấm chưa được đặt sau bất cứ mối quan hệ nào.
Có lẽ cũng có một chút tàn nhẫn, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, dù là lời hứa mãi mãi, cũng chẳng bao giờ đi được đến điểm tận cùng. Có bao nhiêu người vẫn chờ đợi một lời hứa dù người còn lại đã quên? Bao nhiêu người mòn mỏi trách móc vì vẫn nhớ những lời hứa đã không còn giá trị? Và có bao nhiêu người đi gieo những hi vọng không thành?
Phải đi qua hết nỗi đau, phải tự cảm nhận sự giằng xé khi lời hứa xưa cũ nay không còn, phải một lần trở thành một kẻ bội tín ta mới biết được rằng, đằng sau những lời đã hứa, dù to tát hay bé nhỏ, dù được trao nhau như thế nào, dù còn nhớ hay đã quên thì vẫn cứ luôn là một trách nhiệm nặng nề. Đâu ai biết trước được rằng sau những lời hứa, những gì ta để lại cho một ai đó là một kỷ niệm ngọt ngào hay những vết sẹo trong tim?
Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà còn nhiều người nữa cũng muốn hỏi: hứa để làm gì? Để cho ta an lòng, cho những hoài nghi trong lòng người tan biến, hay lời hứa đã trở thành thói quen, trở thành một câu đùa cửa miệng? Không phải điểm kết thúc nào của lời hứa cũng là sự phản bội hay lãng quên của một người. Thế nhưng, tại sao ta phải cần đến một lời hứa mới có thể tin? Hay là vì trong lòng ta vẫn còn nhiều nghi ngại? Nếu thực sự cảm thấy yên lòng, sao lại cần hứa hẹn, để rồi ta lại hi vọng về nó, rồi lại đau khổ nếu lỡ một ngày, người đó quay lưng bỏ đi? Có phải ta đã sống quá gấp gáp không, khi phải cần đến ngôn ngữ mới có thể khiến ta chậm lại, để ta vững lại niềm tin?
Qua biết bao lâu rồi cái thời chỉ cần nhìn vào mắt nhau ta hiểu đó chính là một lời hứa? Và đã bao lâu rồi ta có thể cảm nhận sự cam kết của một người qua từng hành động? Là vì ta lười cảm giác, hay là vì ta chưa đủ hiểu nhau? Phải làm sao để quay về ngày đó, khi ta hứa và cảm nhận lời hứa bằng chính con tim?
Hãy cứ hứa đi, vì dù thế nào lời hứa vẫn luôn có những giá trị của nó. Nhưng hãy chỉ nên hứa khi hiểu ta đã hứa gì và sẽ có thể chắc rằng sẽ không bao giờ bỏ đi khi lời hứa chưa thành hiện thực. Và cũng hãy cứ tin vào những lời ai đó hứa, nếu như ta biết dùng lời hứa đó để nuôi lớn bản thân, chứ không dùng nó để quy trách nhiệm. Và dù lời hứa có đến từ ai, thì cũng đừng giữ lời hứa đó bằng sự cả tin của con tim, mà còn phải biết tin bằng sự tỉnh táo của lý trí. Nhưng nếu bạn không thể hoàn thành, thì cũng xin đừng cố ở lại và thực hiện lời hứa, vì điều đó càng khiến lòng người đau hơn.
Đừng cố ở bên một ai đó chỉ vì một lời đã hứa. Bởi cao hơn lời hứa, thứ người ta cần là sự yêu thương. Chỉ có sự sánh đôi giữa thương yêu và trách nhiệm mới có đủ tư cách để đền đáp lại những tin yêu và hi vọng.
Cảm nhận đi, cả những lời hứa mãi không là sự thực, cả những lời hứa xuất phát từ trái tim để hiểu hết những điều kỳ diệu của nó- để biết tin, biết yêu, biết hi vọng, biết sống có trách nhiệm một cách trọn vẹn hơn. Và hãy học cả cách bao dung cho những lời hứa không thành. Để mang lời hứa trả về đúng với những giá trị thiêng liêng ban đầu của nó. Để biết tin và biết hứa bằng chính lòng thành. Để khi đó ta không còn phải loay hoay tự hỏi mình rằng: phải qua bao nhiêu lời hứa, ta mới đủ tin yêu?
Theo Blogtamsu
Những sai lầm xảy ra khi mâu thuẫn với đồng nghiệp
Khi làm việc trong tập thể, chắc chắn không tránh được những lúc bạn bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, những va chạm, xích mích xảy ra khi phối hợp nhiệm vụ. Trong lúc tức giận lấp hết lý trí, nhiều sai lầm bạn dễ mắc phải mà đôi khi bạn không để ý.
Nhắm vào điểm yếu của nhau
Ai cũng có những điểm yếu mà không hề muốn người khác động vào, khi làm việc lâu cùng nhau tất nhiên bạn biết rõ điểm yếu của từng thành viên trong công ty và ngược lại. Trong lúc xảy ra xô xát, bạn thường muốn nói làm sao để khiến đối phương phải cảm thấy "đau" nhất. Lúc này, thứ bạn nghĩ đến đầu tiên là điểm yếu của đối phương.
Việc làm này dễ dẫn đến "việc bé xé ra to" khiến hiềm khích không đáng có lại gây nên thù hận giữa những đồng nghiệp công ty với nhau, và tự nhiên bạn có thêm một "kẻ thù".
Mang chuyện "ân nghĩa" ra kể lể
Có thể, trong quá khứ bạn đã giúp người đồng nghiệp một việc nào đấy, giờ đây có mâu thuẫn trong công việc chỉ vì cự cãi mà bạn kể lể ân nghĩa cũ khiến đồng nghiệp cảm thấy tức giận. Tất nhiên, bạn không có ý kể lể ơn nghĩa ngày xưa nhằm vụ lợi điều gì, mà đơn giản chỉ là bạn "thuận miệng" lôi ra. Chính điều này sẽ phá vỡ sâu sắc mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp.
Khi xảy ra bất đồng một vấn đề gì đó, tốt nhất bạn không nên đề cập đến chuyện cũ, bởi nếu nói đến chuyện cũ có khi khiến hiềm khích gia tăng mà thôi.
Khóc
Đây là sai lầm mà chủ yếu người mắc phải là phái nữ, khi gặp những xích mích, xung đột con gái thường hay khóc để giải tỏa nỗi ấm ức cũng như chứng tỏ mình đúng hoặc oan ức. Thật ra thì nước mắt chỉ có thể giải tỏa tâm lý của chính bạn, còn lại sẽ khiến cho những người xung quanh cảm thấy nặng nề và không mấy hài lòng.
Có thể sẽ có những đồng nghiệp khác đến an ủi bạn khỏi khóc, tuy nhiên sự đồng cảm là rất ít mà thay vào đó có khi lại là sự coi thường cho bản bản lĩnh của bạn.
Coi đồng nghiệp xung quanh như "người vô hình"
Khi xảy ra xích mích, bạn chỉ chú trọng vào việc hơn thua của mình mà quên mất rằng xung quanh bạn còn rất nhiều đồng nghiệp khác. Lúc này, thái độ của bạn, cách xử lý của bạn sẽ được mọi người theo dõi tỉ mỉ.
Lúc này, bạn không nên chỉ chăm chăm vào vấn đề của mình mà nên để ý xung quanh, bởi hành động, lời nói của bạn sẽ giúp bạn có được sự đồng thuận của mọi người hay không, thể hiện bạn có tôn trọng tập thể hay không.
Dùng "nắm đấm"
Hành động này lại hay xảy ra ở nam giới, trong các cuộc xích mích nhiều khi động đến lòng tự trọng của nhau họ lại dùng đến "nắm đấm" để giải quyết công việc. Tuy rằng sức mạnh của nam giới có thể giải quyết nhiều việc, nhưng nếu để giải quyết mâu thuẫn chốn công sở là sai lầm lớn nhất mà bạn mắc phải.
Hành động này sẽ không giúp bạn giải quyết mâu thuẫn, mà nó chỉ khiến người ta nhìn nhận bạn như một kẻ côn đồ, vô văn hóa.
Theo Blogtamsu
50 cách ứng xử hay phụ nữ hiện đại nên biết Đừng đòi hỏi phải được an ủi như là mình đã an ủi người khác, đừng đòi hỏi được hiểu như là mình đã hiểu người khác, và đừng đòi hỏi được yêu thương như là mình đã yêu thương người khác. 1. Trước khi bạn nói điều gì đó với ai đó, hãy tự hỏi mình 3 câu: - Điều đó có...