Phải nói để mọi người hiểu đúng & sâu sắc về biển
PGS, TS Nguyễn Chu Hồi là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về khoa học và quản lý biển.
Phóng viên (PV): Thưa PGS, TS Chu Hồi, ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu và truyền cảm hứng về biển, đảo cho các thế hệ. Vậy ông có thể chia sẻ cơ duyên dẫn ông đến với lĩnh vực này?
PGS, TS Nguyễn Chu Hồi (NCH): Không chỉ dành phần lớn mà là cả cuộc đời, đến nay có thể nói như vậy. Tôi không sinh ra ở vùng biển nhưng cả cuộc đời tôi gắn bó với biển, nghiên cứu và giảng dạy về biển. Biển cứ cuốn hút tôi từ khi còn trẻ và chắc đến tận lúc không thể làm việc được nữa mới đành “nằm yên nghĩ về biển”. Sau này ở trường đại học, tôi được học về khoa học trái đất, về biển. Lúc làm tiến sĩ ở Ba Lan, tôi thực hiện đề tài về vùng cửa sông – nơi gặp gỡ đất với biển. Đúng là cơ duyên đã dẫn tôi từ sông ra biển lớn.
Tôi luôn phải đọc, tìm tòi, viết, đi thực tế và đi nói chuyện về biển Việt Nam cả trên thế giới và trong nước, và càng thấy đại dương mênh mông, biển rộng dài, quan trọng và giàu đẹp với nhiều bí ẩn khoa học. Vì thế, tôi phải tranh thủ truyền cảm hứng biển cho lớp trẻ, hy vọng có lớp người thừa kế sự nghiệp lớn của đất nước; lại còn đi nói cho xã hội hiểu, nhân dân hiểu đúng và sâu sắc về biển.
PV: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có xác định mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh”. Trước mục tiêu đã đề ra, ông có chia sẻ gì từ góc độ nhà khoa học nghiên cứu về biển?
PGS, TS NCH: Tôi đã có mặt ở 65 quốc gia ven biển, quốc đảo trên thế giới, có dịp nhìn lại mới thấy biển Việt Nam quả là giàu và đẹp. Đặc biệt, nằm trong khu vực Biển Đông- “Ngã ba đường của Thế giới”, nên biển nước ta lại có vị thế địa chính trị đặc biệt quan trọng.
Video đang HOT
Ngay từ Nghị quyết số 09 Đảng ta đã xác định mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, đến Nghị quyết số 36, T.Ư tiếp tục khẳng định mục tiêu nói trên và bổ sung thêm: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển”. Đây là mục tiêu bao trùm, dài hạn, đòi hỏi phát triển toàn diện trên hướng biển trong bối cảnh quốc tế, khu vực Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, có yếu tố khó lường; trong tình hình biển tiếp tục bị “đầu độc” do gia tăng ô nhiễm và suy thoái; và trong khi nền kinh tế “biển nâu” đang là vật cản kinh tế “biển xanh”… Chính vì thế, chiến lược đã thực tế khi lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trục chính để giải quyết mối quan hệ với quốc phòng – an ninh; với bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; với giải quyết dài hạn các vấn đề xã hội biển, đảo; với tái cấu trúc nền kinh tế biển vốn còn không ít điểm yếu kém và với tổ chức lại không gian kinh tế biển. Các mối quan hệ nói trên luôn tác động qua lại và đa chiều để tạo ra một “Việt Nam mạnh về biển” cả về mặt quốc phòng-an ninh, cả về kinh tế-xã hội và sức khỏe của biển, đảo trước đe dọa của thiên tai, biến đổi khí hậu và con người.
Để Việt Nam mạnh về biển thì sứ mệnh cao cả đó thuộc về trách nhiệm của tất cả chúng ta, trong đó sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân là hết sức quan trọng. Điều này phù hợp với học thuyết “sức mạnh biển” trên thế giới và thích hợp với tình hình Biển Đông. Biển tạo ra “thế và lực” trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, cho nên việc xây dựng thế trận “kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh” trên biển và vùng ven biển phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là hai mặt của một vấn đề.
Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các khu quốc phòng-kinh tế, kinh tế-quốc phòng trên biển, đảo và vùng ven biển làm cơ sở kết nối quân-dân, trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ kinh tế biển và thực hiện “chủ quyền dân sự” trên biển.
Thời gian qua, sự hiện diện của các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc; tổ chức, phối hợp giữa Quân chủng Hải quân và các lực lượng trong tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai và nhân tai trên biển, triển khai thí điểm đưa thanh niên ra đảo lập nghiệp đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Nhiều công trình phục vụ dân sinh và quốc phòng-an ninh, phát triển cơ sở hạ tầng và hậu cần nghề cá được xây dựng ở các huyện, xã đảo giúp ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế… Ngoài ra, nhiều hiệp định liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải đã được ký kết. Sức mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng được nâng cao một bước nhờ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trục chính bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.
PV: PGS, TS có thể kể kỷ niệm của ông với Hoàng Sa, Trường Sa – vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc?
PGS, TS NCH: Tôi có nhiều kỷ niệm với Trường Sa, Hoàng Sa qua các nghiên cứu của cá nhân công bố quốc tế và trong nước; qua việc tổ chức hoặc tham gia tổ chức các chương trình, dự án, đề tài hợp tác quốc tế và quốc gia nghiên cứu về Trường Sa.
Theo tôi, giải pháp lâu dài để biển, đảo đất nước phát triển bền vững là phải tăng cường các hoạt động bảo vệ chủ quyền gắn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển. Do vậy, chiến lược và cơ chế chính sách của Nhà nước cũng cần linh hoạt theo hướng “vừa hợp tác, vừa đấu tranh; vừa bảo vệ, vừa khai thác”.
PV: Xin cảm ơn PGS, TS!
Theo Thoinay
Huấn luyện giỏi, kiên cường bám biển
Tròn 40 năm xây dựng và trưởng thành, Lữ đoàn 161 (Vùng 3 Hải quân) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và bình yên của Tổ quốc...
Chiều cuối năm nhưng không khí làm việc trên Quân cảng Đà Nẵng vẫn rất khẩn trương. Tốp thợ máy lấm lem dầu mỡ cặm cụi kiểm tra dưới khoang máy; bộ phận hậu cần tiếp thêm nhiên liệu; các thủy thủ vệ sinh mặt boong, sàn tàu. Những khẩu lệnh, tiếng còi, tiếng máy âm vang...
Hài lòng với không khí làm việc khẩn trương của đơn vị, Đại tá Đoàn Bảo Anh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 161 tâm sự : "Tàu ra khơi thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu trên vùng biển xa, đòi hỏi công tác huấn luyện phải đáp ứng yêu cầu cao; chuẩn bị chu đáo đến mấy cũng không thừa. Cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thời gian luyện tập nhiều phương án. Để thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đơn vị tập trung vào những khoa mục ứng dụng phức tạp, chuẩn bị cho các thủy thủ tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ ra khơi trong mọi điều kiện, tình huống".
Một buổi huấn luyện trên biển của Lữ đoàn 161.
Những năm qua, Lữ đoàn 161 luôn coi trọng huấn luyện sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, nhất là yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, có phương án tác chiến cụ thể. Để các biên đội tàu tác chiến được trên những vùng biển khác nhau, đơn vị thường xuyên cơ động lực lượng đến nhiều khu vực để thực hành huấn luyện. Các bài bắn trên biển đều được huấn luyện kỹ tại bến. Mỗi lần đơn vị tổ chức các biên đội cơ động bắn đạn thật, hoặc rà quét mìn, thả phá thủy lôi... thường thực hiện thêm nhiều nội dung huấn luyện bổ trợ khác. Hằng năm, lữ đoàn tổ chức huấn luyện trên biển đạt 100% kế hoạch; huấn luyện chuyên ngành đạt 100% khá, giỏi (hơn 50% giỏi); tổ chức kết hợp huấn luyện tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Các biên đội tàu đã thực hiện nhiều chuyến ra khơi, vận chuyển hàng trăm lượt người và hàng trăm tấn hàng hóa, lương thực, thuốc men cứu trợ nhân dân vùng bị lũ cô lập tại các tỉnh ven biển miền Trung... Lữ đoàn còn chú trọng rút kinh nghiệm huấn luyện trên biển, ở bến, từ đó giúp cán bộ, chiến sĩ tích lũy thêm những bài học bổ ích, bảo đảm kịp thời phát hiện, xử lý tốt các tình huống trên biển, trong diễn tập...
Nét mới của công tác huấn luyện trong những năm qua của lữ đoàn là huấn luyện cho bộ đội tinh nhuệ về tư tưởng, chiến thuật, hiệp đồng tác chiến và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... Huấn luyện tinh nhuệ về tư tưởng là giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi điều kiện tình huống, chấp nhận gian khổ, hy sinh; huấn luyện bộ đội nắm chắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng chỉ đạo của trên, nghệ thuật quân sự của cha anh, truyền thống của Quân chủng Hải quân và đơn vị vào xử trí các tình huống sao cho đúng đối sách, chủ động giành thắng lợi, giữ vững chủ quyền, môi trường hòa bình trên biển. Huấn luyện tinh nhuệ về chiến thuật cho các đối tượng là sĩ quan, cán bộ, lực lượng trên tàu, trong đó chú trọng huấn luyện khả năng điều động tàu để tạo thế chủ động chiếm ưu thế trong mọi tình huống. Muốn vậy phải huấn luyện tinh nhuệ về hiệp đồng giữa các vị trí trong tàu, giữa các tàu trong nhóm tàu, giữa các nhóm tàu với nhau trong toàn bộ lực lượng và phối hợp hiệp đồng giữa các quân-binh chủng. Huấn luyện tinh nhuệ về sử dụng vũ khí trang bị đặt ra yêu cầu phải sử dụng sáng tạo, hiệu quả các loại vũ khí sẵn có để chủ động giành thắng lợi.
Theo Đại tá Phạm Đình Thành, Chính ủy Lữ đoàn 161: Để phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy tàu và biên đội tàu, đòi hỏi yêu cầu cao đối với đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ; phát huy sức mạnh tập thể và tính chủ động, tích cực của từng cá nhân. Đơn vị thường xuyên duy trì đủ quân số thực hiện nhiệm vụ, trực SSCĐ, sẵn sàng làm nhiệm vụ trên biển khi có lệnh. Nhờ vậy, nhiều năm qua, Lữ đoàn 161 được Bộ Quốc phòng tặng cờ "Đơn vị huấn luyện giỏi".
Bài và ảnh: TÙNG LÂM
Theo QĐND
Huế từ chối cho doanh nghiệp đổ hơn 700.000 m3 bùn thải xuống biển Một doanh nghiệp xin nhận chìm xuống biển hơn 700.000 m3 bùn, cát thải nạo vét từ dự án ở vị trí cách bờ khoảng 3 km, tuy nhiên nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế từ chối. Ngày 4/11, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cơ quan này vừa có công văn trả...