Phải lòng sông Gâm
Với phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hòa quyện, được mệnh danh là “ vịnh Hạ Long trên cạn”, sông Gâm trở thành chốn thiên đường mới của những ai mê xê dịch.
Sông Gâm à, người ta thường nói “gặp nhau một lần là duyên, hai lần là nợ… ba lần là định mệnh”, vậy là chúng ta có nợ với nhau rồi, khi chưa quá sáu tháng kể từ lần đầu biết nhau mà đã nôn nao chờ ngày gặp lại.
Nhắc đến vùng rẻo cao Đông Bắc, chắc chắn trong ký ức nhiều người sẽ là những cung đường dốc đá tai mèo chênh vênh, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những ngôi nhà trình tường cổ kính… hay các bé gái người Mông, Thái xinh xắn trong trang phục dân tộc đầy màu sắc.
Ở đó, du khách được thả mình bên dòng sông êm dịu, hai bên là vách núi đá vôi với nhiều hình thù kỳ lạ; chiêm ngưỡng những ngọn thác hùng vĩ… Với phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hòa quyện, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”, sông Gâm trở thành chốn thiên đường mới của những ai mê xê dịch.
Sông Gâm là một phụ lưu của sông Lô, bắt nguồn từ Quảng Tây (Trung Quốc) chảy vào miền Bắc Việt Nam. Trên đất Việt, sông Gâm có chiều dài khoảng 217km, quanh co chảy qua địa giới tỉnh Hà Giang. Đến đây, con sông len lỏi nhận thêm nước của dòng Nho Quế từ Lũng Cú, rồi buông mình theo hình cánh cung hòa vào dãy núi đá phiến thạch anh của tỉnh Bắc Kạn và gần 99 dãy núi đá vôi trùng điệp của Tuyên Quang (đoạn Na Hang, Lâm Bình) để tạo nên cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ giữa nơi sơn cùng thủy tận.
Trong lần trở lại vào đầu mùa hè này, tôi được trải nghiệm cung đường độc đạo từ bến thủy huyện Bắc Mê (Hà Giang) về huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) với hơn sáu giờ di chuyển bằng thuyền. Để đến được bến Bắc Mê, chúng tôi đi đường bộ qua các cung đường đèo quanh co, những vực núi đá nguy hiểm.
Giữa cái nắng oi bức của miền Bắc, dọc đoạn đường xuống bến thuyền (khoảng 800 mét), du khách sẽ được chào đón bởi nhiều đàn bướm trắng lượn lờ quanh chân. Chúng bay dập dìu trên những bụi cây dại, rồi dần mất hút phía bên kia sườn núi.
Video đang HOT
Lên thuyền, bắt đầu hành trình xuôi dòng sông Gâm, tôi được chào đón bởi những điệu hát Then của các bé gái dân tộc Tày và hòa mình vào những câu chuyện, vào nguồn cội văn hóa của các dân tộc sống ở đôi bờ sông Gâm (Tày, Mông, Dao, Nùng…) qua các câu hát, cung đàn, truyền thuyết, món ăn…
Nhìn về phía trước hay hai bên bờ, bạn sẽ thu vào tầm mắt hình ảnh những ngọn núi đá đang vào mùa cạn trơ nước (từ tháng Hai đến tháng Chín) làm lộ ra nhiều hốc đá, cù lao muôn hình muôn vẻ hay các ngọn núi phân thành từng tầng, bên trên phủ cây cối xanh rì, lớp lớp thực vật phong phú…
Đặc biệt hơn, ngoài cảnh quan rừng, núi, thiên nhiên cũng đặc biệt ưu ái khi “sắp đặt” nơi đây những con thác hùng vĩ như Nậm Me, Khuổi Pín, Khuổi Nhi, Khuổi Súng hay các cọc đá độc đáo như Vài Phạ… Các địa danh trên gắn liền với nhiều huyền thoại về tình yêu, con người và thiên nhiên. Đặc sắc nhất, có lẽ là câu chuyện về cọc Vài Phạ (cọc buộc trâu trời) nằm sừng sững ở đoạn xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) gắn với truyền thuyết về chàng Tài Ngào khỏe mạnh đắp đập, ngăn nước cho dân bản. Đến đây, bạn có thể đặt một tay lên cọc Vài Phạ (nữ tay phải, nam tay trái) và thành tâm ước nguyện về sức khỏe, bình an.
Tiếp tục hành trình, tôi dừng chân tại thác Khuổi Nhi – đoạn vào lòng hồ Na Hang thuộc huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) – một con thác vừa được đưa vào khai thác du lịch, vẫn còn nhiều nét hoang sơ. Thác Khuổi Nhi xếp thành từng tầng. Muốn lên được đoạn cao nhất, du khách phải đi bộ, men theo các vách đá. Trải nghiệm này mang lại cảm giác khá mạo hiểm. Điều đặc biệt ở Khuổi Nhi gây ấn tượng mạnh với tôi là có một điểm như ranh giới vô hình phân tách hai khu vực. Cách nhau chỉ một bước chân, đoạn từ bến thuyền lên thác, một bên tiết trời 37 0C, một bên chỉ xấp xỉ 28 0C.
Tại thác Khuổi Nhi, tôi được trải nghiệm câu cá, tắm thác, cho cá rỉa chân, nấu nướng ven hồ, cắm trại, chèo thuyền kayak… Bên tai là tiếng thác ầm ì, nước đổ dữ dội ở những đoạn thoải có độ dốc lớn tạo thành một chiếc máy phun sương mát lạnh khổng lồ. Con thác được ví như người phụ nữ khi yêu “trút giận” vào người tình của mình – sông Gâm – sau bao ngày xa cách. Bên dưới, “chàng” sông Gâm vẫn nhu hòa đón nhận cơn thịnh nộ của người tình – thác Khuổi Nhi – trước sự chứng kiến đầy bất ngờ của du khách.
Gửi ước nguyện nơi cọc Vài Phạ
Suốt chuyến đi, ngoài tìm hiểu về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ gắn với nét văn hóa của nhiều dân tộc sinh sống ở đôi bờ sông Gâm, tôi còn được trải nghiệm ẩm thực vùng cao Đông Bắc với thịt lợn bản, gà đồi, cá suối hay món bánh dày nhân mè đen, vỏ bánh được làm dẻo quẹo, nhân mè ngọt thanh. Đặc sắc nhất là cá lăng được nuôi ở hồ Na Hang với thịt chắc nịch, ngọt lịm; uống cùng rượu ngô, rượu men lá cay nồng… như đánh thức mọi giác quan của du khách.
Tôi kết thúc chuyến đi ở huyện Lâm Bình khi trời nhá nhem tối. Nếu đến đây vào buổi tối, có thể bạn sẽ được thưởng thức tục nhảy lửa của bà con dân tộc Pà Thẻn – một tục cúng truyền thống diễn ra từ giữa tháng 10 âm lịch đến tháng Giêng năm sau cầu cho mùa màng bội thu, dân làng gắn kết.
Một ngày nào đó khi quay cuồng với cuộc sống nơi phố thị, dán mắt vào màn hình máy tính, bên tai cứ vang vang tiếng còi xe… có thể bạn sẽ chợt nhớ về một buổi chiều dịu mát ngồi bên mạn thuyền, nhẹ lướt qua những hàng cây, núi đá. Nơi đó chỉ có những đám mây, cơn gió đùa giỡn quanh năm. Rồi bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ tênh, quên hết mọi muộn phiền.
Đặt lại tình yêu ở đây nhé sông Gâm – mảng ký ức tươi đẹp của mùa hè. Nếu là “định mệnh”, chúng ta sẽ lại gặp nhau.
Các món ngon của miền Đông Bắc.
Đến Thác Khuổi Nhi trải nghiệm "dịch vụ" độc đáo
Nằm ẩn mình trong nền rừng xanh mướt, thác Khuổi Nhi (Tuyên Quang) mang vẻ đẹp thanh khiết hoang sơ. Đến đây, du khách có thể thả mình vào dòng thác tuôn chảy giữa đại ngàn trong mát và trải nghiệm "dịch vụ" massage chân miễn phí và vô cùng thú vị của hàng ngàn chú cá.
Thác Khuổi Nhi thuộc địa phận xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Để đến được thác du khách phải đi thuyền từ bến thủy Na Hang hoặc Thượng Lâm rồi đi bộ tới bìa rừng. Thác Khuổi Nhi có chiều dài khoảng 3km, do nhiều tầng thác tạo nên và có nhiều lạch nước nhỏ trong vắt, làn nước trong xanh.
Trên đường đi lên các tầng thác, du khách sẽ được ngắm nhìn khu rừng cổ thụ với nhiều loại gỗ quý, dây leo chằng chịt. Thảm thực vật ở xung quanh thác vô cùng phong phú, với nhiều loài bướm đầy màu sắc.
Thác Khuổi Nhi có chiều dài khoảng 3km, do nhiều tầng thác tạo nên và có nhiều lạch nước nhỏ trong vắt, làn nước trong xanh.
Thác Khuổi Nhi có nhiều tầng, đổ từ trên đỉnh núi xuống, nước chảy tung bọt vào vách núi vừa uyển chuyển lại mạnh mẽ như một dải bạc trong suốt và mát lạnh. Có những phiến đá to, hàng tảng xếp đều như ai đặt tạo cảm giác rất lý thú. Rồi những bọt nước nhỏ li ti được gió rừng thổi bay khiến cả không gian ẩm ướt mang đến cảm giác vô cùng mát mẻ. Vào những ngày nắng đẹp, cả khu rừng bừng lên một màu xanh ngọc bích đầy mê hoặc.
Điểm nhấn trong chuyến hành trình có lẽ là điểm nghỉ chân ở thác. Du khách sẽ được thưởng thức "dịch vụ" massage chân bằng cá suối. Những chú cá nhỏ sống trong những con suối nhỏ không sợ người, tỏ ra vô cùng thân thiện. Du khách chỉ cần ngồi trên tảng đá lớn và ngâm đôi bàn chân mệt mỏi sau khi leo thác, các "nhân viên cá" đầy chuyên nghiệp ở đây sẽ lập tức xúm lại và bắt đầu massage mang lại cảm giác sảng khoái cho mỗi du khách.
Du khách đang được các chú cá nhỏ massage
Chị Lan Hương, một du khách Hải Phòng chia sẻ: "Lên đây mình cũng chỉ leo lên vài trăm bậc là đến nơi. Điều ấn tượng là ở đây rất thoải mái với cảnh đẹp, không khí trong lành, xem cá bơi lội. Từng nghe thông tin cá rỉa vào chân rất thích, nhưng mình không nghĩ là đê mê đến như vậy".
Anh Nguyễn Văn Lâm, du khách Sài Gòn thích thú trải nghiệm massage cá cho hay: "Mặc dù chặng đường đi hơi xa nhưng khi hòa mình cùng với núi rừng nơi đây lại thấy ý nghĩa. Không khí mát mẻ tạo cho con người cảm giác vui vẻ, sảng khoái. Thú vị nhất có lẽ là việc những chú cá con túm lại massage chân cho anh em, thật tuyệt vời. Cảm giác như được châm cứu từ những chú cá của thiên nhiên".
Khi đến với thác Khuổi Nhi, những ai yêu thích cảm giác mạnh sẽ cảm thấy thích thú khi đứng tại điểm cao nhất của thác, rồi nhảy từ vách đá xuống lòng hồ bên dưới mang đến một cảm giác tuyệt vời. Không chỉ vậy, du khách còn được trải nghiệm "đu dây" vượt thác để đáp xuống nước. Những người không thích những hoạt động mạnh, có thể ngồi lại một chút để lắng nghe âm thanh của núi rừng, âm thanh của dân tộc Tày trên cát vang vọng. Tiếng đàn hòa với tiếng suối tạo nên âm thanh thánh thót mà trong trẻo vô cùng.
Thác Khuổi Nhi chảy từ vách đá xuống lòng hồ
Ngoài ra, du khách cũng có thể thưởng thức những món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc như: rượu ngô men lá nổi tiếng của Tuyên Quang, hay món cơm lam, xôi ngũ sắc, cá suối, thịt trâu gác bếp, thịt lợn đen... và còn nhiều món ăn khác hấp dẫn để lại cho du khách những ấn tượng khó phai.
Hãy về với Tuyên Quang, về với thác Khuổi Nhi để đắm mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Lắng nghe tiếng chim hót véo von, vui đùa cùng những sinh vật sống bên thác để cảm nhận sự gần gũi, hấp dẫn của thiên nhiên.
Hòn ngọc xanh giữa núi rừng Tuyên Quang Đó là tên gọi mà người dân và du khách đã đặt cho điểm du lịch Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Na Hang là một hồ thủy điện sinh thái nằm giữa núi rừng mênh mông với 8.000ha diện tích mặt nước và nhiều suối, thác hấp dẫn. Khách du lịch chụp hình bên dòng thác Khuổi Nhi. Đường về...