Phải lòng Phong Nha
Trong chuyến đi thực tế các tỉnh miền Trung 12 ngày đêm, nơi tôi cảm thấy hứng thú nhất vẫn là động Phong Nha (thuộc vùng núi đá vôi Kẻ Bàng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới 50km về phía Tây Bắc).
Vẻ đẹp thạch nhũ trong động Phong Nha. Ảnh: Nguyễn Văn Bình.
Chiếc xe du lịch vòng qua cung đường nằm giữa những dải núi đá vôi xanh bạt ngàn chạy dọc bên bờ sông Son. Lần đầu tiên đứng ngắm sông Son trong một buổi sáng chớm lạnh, tôi thốt lên: “Đẹp quá! Quả là một bức tranh sơn thủy hữu tình”. Màu nước sông Son xanh trong, không phải màu xanh của cỏ, của lá, cũng không hoàn toàn là màu xanh da trời mà là sắc xanh được phản chiếu từ những đỉnh núi tờ mờ trong buổi sáng mù sương pha lẫn màu mây trời, màu trù phú tốt tươi mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho dải đất miền Trung nước Việt.
Tôi đến thăm miền Trung vào những ngày tiết trời se lạnh, giây phút đứng bên bờ sông dịch chuyển điểm nhìn từ bên này sông qua bên kia bờ, nhìn lên ngọn núi cao sừng sững và bầu trời trong veo khiến tôi xúc động vô cùng. Hình như bầu trời và mặt đất đang cố tình giao nhau, hòa quyện vào nhau trong chiếc khung rộng lớn mà đường viền của khung là những tia nắng ban mai xanh, vàng, tím, đỏ tỏa ra từ lòng đỏ quả trứng gà đang nhô lên phía chân trời xa tít.
Bến thuyền sông Son. Ảnh: Lê Đức Thành.
Ngồi trên thuyền du lịch đi từ bến sông Son vào động, sóng gợn lăn tăn không đủ sức làm chiếc thuyền chòng chành. Hai bên bờ, những bãi ngô non vừa nhú mầm xanh mơn mởn lên khỏi mặt đất ngọt bùi phù sa, những bãi ngô già khô khốc. Đôi mái nhà thấp thoáng giữa bãi bờ hướng mặt về phía dòng Son mênh mông. Chốc lát tôi lại gặp chiếc thuyền của người dân chài đánh lưới, vớt rong, chiếc thuyền độc mộc thả mái xuôi dòng theo sông Son đi về một nơi nào đó. Bên bờ sông, lũy tre xanh uốn mềm, con trâu đen đứng ngẩn ngơ gặm cỏ thi thoảng lại ngước mặt về dòng sông xanh. Đi một quãng xa hơn tôi lại bắt gặp bóng dáng cô gái Quảng Bình yêu kiều ngồi trên cầu sông gội đầu, chải tóc, giặt áo, rửa rau…
Khung cảnh yên bình mà có lúc tôi ngỡ chỉ còn trong ca dao, cổ tích của bà, trong câu chuyện dân gian mẹ kể. Ôi! Hồn xưa đất nước của tôi, chốn làng mạc tịnh không âm thanh ồn ã của xe cộ và khói bụi đô thành, những hỉ, nộ, ái, ố cuốn người ta vào vùng xoáy tất bật của cuộc sống. Nhìn từ xa, núi đồi lô nhô lên bầu trời trông như những chiếc nón lá được người thợ lành nghề tỉ mẩn sơn xanh mỗi bận đông qua xuân đến, đỉnh núi vờn mây, chân núi vững chãi cắm vào lòng đất mẹ.
Tôi bỗng nhớ phong cảnh hoang dại, tiêu sơ chưa từng có đôi bàn tay con người chạm vào khai phá, cải tạo này đã hấp dẫn đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, khiến ông chọn Phong Nha làm bối cảnh cho siêu phẩm Kong: Skull Island – một bộ phim quái vật của Mỹ ra mắt vào ngày 28/2/2017 có nhiều nét tương đồng với cuộc chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn của người Mỹ.
Video đang HOT
Kỳ vĩ thạch nhũ.
Độ chừng hai mươi phút, thuyền đã đến cửa động Phong Nha. Thoạt nhìn tôi có thể nhận ra cửa động hình thang có nhũ đá lô nhô muôn hình vạn trạng, giấu mình dưới dãy núi đá vôi điệp trùng. Người chèo thuyền bảo tôi: “Trời lạnh mà đi vào trong động thì ấm hẳn lên; còn trời nắng gió Lào oi bức, vào trong động thì mát rười rượi, sảng khoái vô cùng”.
Thật đúng như thế, khi chiếc thuyền qua khỏi cửa động, cái lạnh mùa xuân và những đợt nồm se sắt thịt da bỗng chốc biến mất hẳn đi. Động Phong Nha như chiếc buồng khổng lồ tỏa hơi ấm bao bọc lấy thân thể con người. Động Phong Nha sở hữu một mạch nước ngầm, đi qua sông Son, sông Tróoc, sông Chày, sông Rào Thương và đều khởi nguồn từ những con suối nhỏ.
Nước theo dòng len lỏi dần tới hang Én rồi chảy sâu vào lòng núi đá vôi, tạo thành các hang động lớn như ngày nay, là một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng của vùng đất Quảng Bình nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.
Trong động, chúng tôi liên tục trầm trồ trước vẻ đẹp kì bí và hoang sơ của thiên nhiên tạo vật. Trước mắt tôi là cấu trúc thạch nhũ rực rỡ, lung linh mê hoặc lòng người mỗi khi ngắm nhìn. Tôi đã hiểu vì sao khách du lịch bốn phương lại chọn Phong Nha làm điểm tham quan, hoặc nhắc đến Việt Nam là nhắc đến Phong Nha – Kẻ bàng, đến hình hài thạch nhũ được tạo nên từ quá trình hình thành dài hơn 250 triệu năm.
Theo sự chỉ dẫn của người phụ nữ chèo thuyền vui tính, tôi hình dung được sự kì công của thiên nhiên trong việc bào mòn những khối thạch nhũ thành hình con gà, con cóc, mâm xôi, tượng Phật, đôi mắt, cái chuông, người phụ nữ… hấp dẫn hồn người. Cũng bởi tôi đến thăm Phong Nha vào những ngày miền Trung se lạnh nên càng vào sâu càng ấm (khác với nhiệt độ trong động vào mùa hè).
Ngồi trên thuyền, tôi tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của “kì quan đệ nhất động”, được nghe lời giới thiệu mộc mạc chân tình của người phụ nữ Quảng Bình dẫu trong cuộc sống còn lắm những gian nan, vất vả mà vẫn luôn giữ được tấm chân tình nồng hậu, mến khách…
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: Nguyễn Minh Tân.
Thuyền vòng qua đường khác trở ra cửa động. Cái lạnh đầu xuân lập tức thốc vào khiến đôi bàn tay tôi run run. Xa Phong Nha bạn tôi vẫn còn ngoái lại nhìn hang động một lần nữa như để nói lời tạm biệt. Dòng sông Son trong xanh, nước hiền hòa như dải lụa mềm chảy giữa những chân núi đá vôi um tùm, trù phú. Tôi thỏ thẻ: “Không biết chừng nào tụi mình mới trở lại đây lần nữa?”, bạn tôi cười, đáp: “Đến khi nào mình muốn, thì đi! Đất nước mình đẹp thế này mà không khám phá thì thật là thiếu sót”.
Chị lái thuyền mời mọc: “Bao giờ thong thả, em về đây chơi. Ở Quảng Bình quê chị, nơi mô cũng đẹp, nơi mô cũng say đắm lòng người”. Có lẽ tôi đã phải lòng Quảng Bình ngay từ khoảnh khắc bước xuống thuyền, ngửi thấy mùi ngô non lẫn mùi núi đồi cổ tích. Hy vọng trên hành trình thiên di của cuộc đời mình, tôi lại có dịp trở về Phong Nha – Kẻ Bàng thêm một lần nữa. Để được đắm mình giữa thiên nhiên hữu tình. Để được cảm nhận hết tình cảm của nhà thơ Chế Lan Viên trong những dòng thơ xúc động:
Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…
Theo baohaiquan.vn
Khám phá vẻ đẹp mê hồn ở động Tiên Sơn
Động Tiên Sơn ở xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) được ví là "Động Phong Nha thứ hai ở Việt Nam". Được thiên nhiên phú cho hệ thống núi đá vôi cảnh quan tuyệt đẹp, quần thể hang động kỳ thú với rất nhiều hình thù khiến du khách bâng khuâng lưu luyến trước cảnh thiên thai như mơ như thực...
Động Tiên Sơn theo cách gọi của nhân dân trong vùng mới được phát hiện cách đây không lâu là một trong những hang động đẹp nhất xứ Thanh mà có người ví nó như là "Động Phong Nha thứ hai ở Việt Nam". Khi đã bước chân vào như đang được soi vào mặt gương phẳng lặng vô hình, khiến tâm hồn như cũng được gột rửa, vỗ về. Từ sân chùa, nhìn ra xung quanh, bao quát cả một vùng nước biếc non xanh ẩn hiện dưới màn mưa, một số ít đọng lại trên cánh hoa, thật là thi vị. Đầm nước rộng tới vài mẫu, mỗi độ sen bung nở, sắc hồng mong manh và tinh khôi như nhuộm cả lên nền trời cái sắc màu thiền tịnh. Thắp nén hương, nguyện cầu mọi tai ương sẽ qua đi, mọi sự an lành, trút bỏ bớt tham, sân, si dưới chân Phật và mở lòng đón nhận thanh âm cuộc sống.
Tổng thể cảnh quan của động Tiên Sơn nhìn từ bên ngoài
Như tên gọi của nó, Tiên Sơn giấu trong lòng nó một thế giới tiên cảnh, với vô số khối thạch nhũ lung linh, khắc họa nên những hình ảnh kỳ lạ để du khách thỏa sức tưởng tượng. Đó là giếng tiên trong vắt, mát lạnh được ví như những giọt sữa tiên chảy mãi không ngừng; là cung vua Thủy Tề nguy nga với đàn đá, phát ra âm thanh leng keng theo điệu nhạc khi du khách chạm vào; rồi hình ảnh Tiên ông, cung Tiên ông, các hình muông thú kỳ khác lạ...
Ngoài ra, động Ngọc Kiều là một trong những động đẹp nằm trong quần thể danh thắng Kim Sơn. Đáng nói hơn, đây là động có không gian tương đối rộng (nền động dài 54m, rộng 17m) và hiểm trở. Nhờ vị thế và không gian của nó nên trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, động Ngọc Kiều từng là nơi trú quân và là nơi đặt xưởng quân giới sản xuất vũ khí cung cấp cho mặt trận. Đặc biệt, động có hình vòm trông như chiếc ô khổng lồ mở ánh sáng từ phía trên dọi xuống.
Trước cửa động từng đám cây thị dại núi đá chen nhau mọc, khoác cho cảnh sắc nơi đây một mầu xanh mướt mắt. Đến đây, bạn sẽ gặp những chú khỉ tinh nghịch treo mình trên vách đá, cành cây, vui đùa với nhau làm cho thiên nhiên thêm sinh động, xua đi cái sắc lạnh của núi đá dựng thành. Ngay cửa vào, Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên đài sen như muốn giúp con người rũ bỏ bụi trần, để bước vào một thế giới khác.
Khung cảnh siêu thực tại Tiên Sơn
Càng vào sâu bên trong, lòng hang dần mở rộng và có nhiều lối dẫn đi muôn ngả. Ta bắt gặp một mâm phật thủ khổng lồ do nhũ đá kết thành dễ đến triệu năm. Phật thủ lớn, bé như có bàn tay tiên bày đặt khéo léo, quả to ở dưới, quả nhỏ ở trên không thể đếm xuể, xen lẫn nào chuối, nào hổng, mùa nào thức ấy thơm nức cõi thần tiên. Khen cho tạo hóa khéo bày đặt mâm ngũ quả cho thỏa ý nguyện của con người để muôn đời nơi động ngọc lễ vật dâng trời, cúng Phật không lúc nào thiếu.
Từ giếng Tiên, lách mình qua những mê cung của nhũ đá ta đi xuống Thủy Cung. Tụt sâu xuống dưới động 12 mét, du khách sẽ được thăm cung vua Thủy Tề với những đàn đá, hình trai, hến, các loại cá và muôn vàn hình thù con vật được hình thành từ nhũ đá. Du khách bỗng nghe tiếng rì rào của thác Bạc óng ánh, nước tuôn trắng xóa xuống dòng suối.
Tương truyền, đây là nơi những nàng Tiên hàng ngày thoát xiêm y để tắm gội và nô đùa. Những chiếc bồn tắm dùng cho vua và các tiên nữ được dát muôn ngàn viên ngọc châu với những nét hoa văn độc đáo được thiên nhiên kiến tạo. Du khách hãy trèo lên cung Tiên ông cao khoảng 14 mét. Cung Tiên ông có những cấu trúc lạ lùng với tượng Tiên ông cao 20m, xung quanh là voi chầu, sư tử phục cùng đội ngũ quan quân của xứ sở Thần Tiên, mỗi người một dáng vẻ khác nhau. Phần dưới của cung là cột trụ cao khoảng 25m, được chạm khắc nhiều hoa văn tinh tế do nhũ đá tạo thành. Cột trụ là biểu tượng cho sức mạnh và quyền uy của tiên giới.
Động tiên mở rộng vào trong tựa hồ cả phía trước là bầu trời cao lồng lộng. Ta choáng ngợp trước không gian kì vĩ. Không gian đó tựa như một bức tranh thủy mặc khổng lồ mà những danh họa bậc thầy của dòng tranh này cũng không vẽ nổi trước sự diệu kỳ do tạo hóa tạo tác nên. Đứng ở độ cao trung bình của động, trong ánh sáng điện lúc xa, lúc gần phóng tầm mắt xuyên thẳng bóng tối hư hư ảo ảo, trước mắt ta hiện ra cảnh núi sông, thiên nhiên hùng vĩ với muôn hình thù mà trí tưởng tượng của ta tha hồ phóng khoáng. Trong không gian tĩnh mạch, nghe có tiếng voi gầm, ngựa hí, họa mi hót lảnh lót, véo von, nghe như tiếng gió reo, sóng xô, thác đổ ngang trời. Một vùng hang động tựa hồ như sương, như khói...
Chùa Linh Ứng trong khu di tích Tiên Sơn
Rời bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ấy, rẽ phải và leo lên theo địa hình cao dần của động đá, bắt gặp bầy voi, với hàng chục con lớn bé do nhũ đá tạo tác tới mức hoàn hảo. Voi đứng, voi ngồi, con phủ phục, con vươn vòi, con đùa nghịch... với nhiều động thế khác nhau, voi bố, voi mẹ, voi con hết lại thành bầy đàn, có con đứng riêng lẻ... khi đi qua ta có cảm giác như bầy voi thần đang huơ hàng trăm cái vòi xinh xắn đón chào khách tới thăm.
Sau những phút giây tắm mình trong không gian đầy màu sắc huyền ảo, kỳ bí của Thiên Cung, Thủy Cung và cung Tiên ông, du khách trở ra trong tâm trạng lâng lâng, ngây ngất và không khỏi nuối tiếc khi chia tay với Tiên Sơn động. Theo đánh giá, giá trị về địa chất địa mạo của Tiên Sơn động không kém gì động Thiên Cung của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và động Phong Nha (Quảng Bình). Đây sẽ là địa điểm lý tưởng để du khách thập phương thả hồn vào vẻ đẹp có một không hai trong những ngày du xuân.
Theo baodansinh.vn
Lạc vào cõi Tiên Sơn ở Thanh Hóa Đến Tiên Sơn người ta quên hết ưu tư, muộn phiền, trút bỏ tham sân si để lạc vào cõi tiên. Vùng đất Vĩnh An (Vĩnh Lộc) được phú cho hệ thống núi đá vôi cảnh quan tuyệt đẹp, quần thể hang động kỳ thú khiến du khách lâng lâng trước cảnh như mơ, như thực. Vào cuối năm, những cơn mưa rả...