Phải lấy ý kiến nhân dân trước khi cải tạo phố cổ Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở Xây dựng, GTVT, UBND quận Hoàn Kiếm xung quanh đề xuất dừng lát đá 11 tuyến phố. Công văn lưu ý, quận Hoàn Kiếm phải lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia trước khi cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khu vực phố cổ.
Công văn nêu rõ UBND TP Hà Nội thống nhất đề nghị của UBND quận Hoàn Kiểm và Sở GTVT về việc tạm dừng đề xuất lát đá mặt đường một số tuyến phố đi bộ và giữ nguyên kết cấu mặt đường các tuyến phố trong khu vực phố cổ như hiện nay.
“Trong trường hợp cần thực hiện cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong khu phố cổ có ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan đô thị khu vực, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan khảo sát, nghiên cứu kỹ, thống nhất đề xuất phương án cụ thể, phù hợp”, UBND TP Hà Nội lưu ý.
Hà Nội lưu ý quận Hoàn Kiếm phải lấy ý kiến nhân dân trước khi cải tạo khu phố cổ
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội yêu cầu quận Hoàn Kiếm phải tổ chức lấy ý kiến các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và cộng đồng nhân dân, báo cáo thành phố xem xét chấp thuận trước khi triển khai thực hiện các dự án trong khu vực phố cổ.
Video đang HOT
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hoa thay mặt UBND quận Hòa Kiếm đề nghị UBND thành phố Hà Nội tạm dừng việc đề xuất tại công văn ngày 28/7 về việc lát đá mặt đường các tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ để tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh thiết kế đô thị cho các tuyến phố đi bộ.
Lý do quận Hoàn Kiếm dừng đề xuất trên được ông Hoa giải thích là do các cơ quan thông tấn báo chí và dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có cả ý kiến đồng thuận và không đồng thuận. Dư luận cũng cho rằng việc lát đá tự nhiên sẽ làm thay đổi cấu trúc hạ tầng, yếu tố gốc di tích phố cổ, chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Đầu tháng 8 vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép lát đá mặt đường 11 tuyến phố cổ. Nguồn vốn để thực hiện dự án trên được lấy từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm.
Quang Phong
Theo Dantri
Hà Nội: Xe đổ, người ngã trên tuyến phố lát đá do... đường dính dầu mỡ!
Đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, nguyên nhân làm cho xe đổ, người ngã mỗi khi trời mưa là do mặt đường được lát đá trên phố Tạ Hiện bị dính quá nhiều dầu mỡ của các cửa hàng kinh doanh ăn uống.
Ngày 17/8, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã thông tin với báo chí về kế hoạch lát đá 11 tuyến phố cổ vừa được quận Hoàn Kiếm trình UBND TP Hà Nội. Hàng loạt vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi lưu thông qua các tuyến phố này thế nào đã được đặt ra tại buổi họp vì hiện nay mỗi khi trời mưa người dân thường xuyên đổ xe, ngã trên đoạn mặt đường lát đá trên phố Tạ Hiện.
Đoạn phố Tạ Hiện được lát đá từ năm 2011 (Ảnh: Mai Châm)
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, đến nay quận Hoàn Kiếm mới đề xuất thành phố cho chủ trương lát đá 11 tuyến phố gồm: Tạ Hiện, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giầy, Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ. Sau khi thành phố cho chủ trương đơn vị này mới nghiên cứu đề án cụ thể. Trong quá trình đó đơn vị này sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến nhân dân, các nhà khoa học để có những điều chỉnh phù hợp.
Trước khi đưa ra đề xuất trên, ông Long cho hay từ năm 2011, quận Hoàn Kiếm cho lát 55m đá mặt đường tuyến phố Tạ Hiện vời tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. "Khi hoàn thiện đến nay, khu vực này phát huy rất tốt giá trị kinh tế từ việc thu hút lượng khách du lịch lớn. Nhiều hộ gia đình ở đây chuyển hẳn sang làm dịch vụ du lịch, một số nhà hàng ở đây do người nước ngoài đầu tư khai thác, giá cho thuê cửa hàng cũng tăng lên rất cao", ông Long đưa ra hàng loạt lợi ích từ khi lát đá mặt đường Tạ Hiện.
Ngay sau khi nêu mặt tích cực của việc lát đá mặt đường, ông Long cũng nhận được hàng loạt câu hỏi tại sao người điều khiển xe máy, người đi bộ thường xuyên bị đổ ngã mỗi khi trời mưa ở phố Tạ Hiện. Ông Long cho biết, quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội biết rõ việc này. Nguyên nhân dẫn đến sự cố ảnh hưởng đến người dân được ông Long lý giải là do các cửa hàng ăn trên phố thường làm vương vãi dầu mỡ trên mặt đá dẫn đến trơn trượt.
"Trên mặt đường Tạ Hiện được lát đá nhám. Còn hiện tượng trơn trượt là do dầu mỡ của các hộ kinh doanh vương vãi ra mặt đá. Chúng tôi cùng với chính quyền phường đang tuyên truyền, vận động người dân đảm bảo vệ sinh mặt đường", Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội lý giải.
Theo ông Long khu phố cổ Hà Nội hiện nay vẫn phải đảm bảo hai chức năng chính đó là giao thông và du lịch. Việc lát đá mặt đường 11 tuyến phố cổ nhằm mục đích đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách đến khu vực này từ đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tăng thu cho ngân sách quận cũng như thành phố.
Tuy nhiên, khi lát đá mặt đường, phát triển du lịch, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cũng đặt ra vấn đề quy hoạch lại giao thông trong khu vực. Trong đó, mục tiêu hướng đến là phát triển giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận các tuyến phố cổ từ vòng ngoài. Ngay như tuyến phố Tạ Hiện hiện nay, thành phố cũng cấm ô tô lưu thông.
Về giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, nền đường 11 tuyến phố này sẽ được đổ bê tông, sau đó lát một lượt đá lên bề mặt. Các loại đá được thiết kế khổ 10x10x10cm để đảm bảo thoát nước tốt và sửa chữa thuận lợi.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà khoa học đề cùng tìm giải pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho việc lát đá 11 tuyến phố cổ trên địa bàn", ông Phạm Tuấn Long - Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội nói thêm.
Quang Phong
Theo Dantri
Vẫn nghiên cứu thực hiện lát đá phố cổ ở Hà Nội Ông Tuấn Long, Trưởng ban Quản lý di tích phố cổ Hà Nội cho biết vẫn tiếp tục nghiên cứu thực hiện lát đá phố cổ. Hiện chưa rõ kinh phí dành cho việc lát đá ở phố cổ bao nhiêu - Ảnh: Ngọc Thắng Tại buổi thông tin về các dự án tại khu phố cổ Hà Nội, việc lát đá 11...