Phải làm gì khi bị vật nuôi nghi mắc bệnh dại cắn?
Dại là căn bệnh gây chết người do virus dại, hay còn gọi là virus Rabies, gây ra. Khi bị các động vật có thể mang bệnh dại cắn như chó, mèo, nạn nhân cần ngay lập tức thực hiện một số biện pháp phòng ngừa.
Bệnh dại ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương gồm não và tủy sống. Khi bị động vật có thể mang bệnh dại cắn, mọi người cần đến ngay bệnh viện để điều trị. Nếu có thể, hãy đưa con vật cắn mình đi xét nghiệm bệnh dại, theo hãng Fox News (Mỹ).
Khi bị chó, mèo hay động vật hoang dã cào, cắn hoặc liếm lên vết thương hở thì nạn nhân cần đến bệnh viện điều trị dự phòng bệnh dại ngay lập tức. Ảnh SHUTTERSTOCK
Không chỉ chó, mèo mà một số loại động vật hoang dã như dơi, chồn, cáo, gấu mèo cũng có thể mang bệnh dại. Nạn nhân cần phải được điều trị trước khi các triệu chứng đầu tiên của dại xuất hiện.
Các triệu chứng này thường là sốt, nhức đầu, tiết nhiều nước bọt, suy nhược, cảm giác bị kim chích và ngứa ở vị trí bị cắn. Người bệnh cũng dễ lo lắng, bối rối và kích động. Bệnh tiến triển sẽ gây mê sảng, ảo giác, không thể ngủ, nuốt và luôn bị khát. Khi các triệu chứng này đã xuất hiện thì nạn nhân gần như chắc chắn tử vong.
Trong trường hợp nặng, người bị dại sẽ sợ nước. Nguyên nhân là do cảm giác đau đớn dữ dội khi bệnh nhân nuốt chất lỏng, dù là nước uống hay nước bọt.
Virus dại lây lan qua nước bọt của động vật nhiễm bệnh, khi chúng cắn hoặc liếm lên vết thương hở của chúng ta. Do đó, khi bị động vật lạ cắn, đặc biệt là khi chúng có hành động kỳ quặc như động vật sống về đêm nhưng lại xuất hiện vào ban ngày, thì cần phải đến bệnh viện điều trị ngay lập tức.
Trong phần lớn trường hợp, con người bị lây bệnh dại là do chó cắn. Khi đến bệnh viện, nạn nhân thường sẽ được vệ sinh vết thương, sau đó điều trị dự phòng bằng một liều globulin miễn dịch kháng dại và vắc xin phòng dại ngay vào ngày bị cắn. Những liều vắc xin sau đó sẽ được tiêm vào các ngày thứ 3, thứ 7 và thứ 14 kể từ khi bị cắn, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Cơ quan này cũng lưu ý người dân đi du lịch ở nước ngoài có thể sẽ đến những khu vực không có sẵn vắc xin phòng dại. Khi đó, họ cần phải trở về nước hoặc đến ngay nơi có vắc xin để tiêm ngừa càng sớm càng tốt, theo Fox News.
Video đang HOT
8 dấu hiệu báo động nguy cơ ung thư
Bỗng dưng sút cân không rõ nguyên nhân; thay đổi thói quen đại tiện; trên người xuất hiện khối u nhú... là một trong những dấu hiệu báo động đỏ nguy cơ ung thư.
Ung thư là bệnh khá phổ biến ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Khi tuổi thọ tăng và mức độ phát triển công nghiệp hóa tăng thì bệnh ung thư cũng có xu hướng gia tăng.
Ung thư có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ em, nhưng đa phần ung thư sẽ xuất hiện ở người ngoài 50 tuổi.
Tại Việt Nam, 10 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là: ung thư phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tiền liệt tuyến, khoang miệng.
10 loại ung thư có tỷ lệ mới mắc cao ở nữ giới Việt Nam phổ biến nhất là: ung thư vú, đại trực tràng, phế quản phổi, cổ tử cung, dạ dày, giáp trạng, gan, buồng trứng, hạch, máu.
Ung thư là căn bệnh không lây nhiễm, ngoài yếu tố tuổi tác, di truyền... bệnh ung thư liên quan nhiều đến lối sống, như hút thuốc lá, uống rượu, ăn uống không hợp lý, ít hoạt động thể lực.
Nếu thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu sau cảnh báo nguy cơ ung thư, cần đến bệnh viện khám sớm để được chẩn đoán, điều trị:
Vết loét lâu liền
Đây là dấu hiệu cần cảnh báo. Khi trên cơ thể có vết thương, vết bầm lâu, vết loét dai dẳng khó liền...báo hiệu ung thư hắc tố.
Vết loét này có thể trên da, niêm mạc lưỡi, hoặc điểm sùi, loét ở bất cứ đâu trên cơ thể.
Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ
Khi xuất hiện triệu chứng này, cần nghĩ đến nguy cơ ung thư phổi để đi khám, loại trừ.
Ung thư phổi có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào trong giai đoạn đầu và nhiều người không được chẩn đoán cho đến khi bệnh đã tiến triển.
Bạn cần cảnh giác với một cơn ho mới kéo dài. Ho do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ hết sau một tuần hoặc lâu hơn, nhưng ho dai dẳng kéo dài có thể là triệu chứng của ung thư phổi. Đồng thời, cũng nên chú ý đến bất kỳ thay đổi nào của ho mãn tính, đặc biệt nếu bạn hút thuốc.
Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu
Bạn vẫn có chế độ sinh hoạt như bình thường nhưng bỗng nhiên xuất hiện tình trạng táo bón, hoặc đi ngoài liên tục, lúc táo bón, lúc tiêu chảy, rồi đại tiện ra máu đi tiểu lắt nhắt, khó tiểu tiện... đừng ngại ngần, hãy đi kiểm tra.
Nốt ruồi tự nhiên to lên nhanh, chảy máu
Đây là dấu hiệu bạn bắt buộc cần đi khám tại chuyên khoa da liễu, bởi nó cảnh báo nguy cơ ung thư da.
Có khối u ở vú hay trên cơ thể
Nếu bạn sờ thấy khối u ở vú, ở cổ, hay bất cứ vùng nào trên cơ thể, hãy đi khám ngay. Không phải tất cả khối u nhú đều là ung thư, nhưng chỉ khi đi khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán bác sĩ mới chẩn đoán là ung thư hay u lành tính.
Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo
Dấu hiệu này cảnh báo nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung... hay là viêm nhiễm phụ khoa, bạn cần tới bệnh viện khám.
Chậm tiêu khó nuốt, ù tai nhìn đôi
Khi xuất hiện triệu chứng này, bạn hãy sớm đến bệnh viện kiểm tra.
Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân
Đa phần các bệnh nhân ung thư đều có tình trạng sút cân đột ngột không rõ nguyên nhân. Nếu bạn không thực hiện chế độ ăn kiêng, tập luyện để giảm cân, bỗng dưng sút cân nhiều, có người sút 3-5kg trong một tháng, đừng trì hoãn đến bệnh viện để tìm nguyên nhân.
Các chuyên gia khuyến cáo, việc khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc ung thư sớm sẽ cho phép phát hiện các khối u khi còn rất nhỏ. Vì thế, mỗi người bên cạnh việc duy trì chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh, trái cây, không hút thuốc, uống rượu bia, hạn chế thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, vận động thể dục đều đặn... mỗi người nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát, phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Cứu sống bệnh nhi u nguyên bào thận hai bên nguy kịch Ngày 11/4, BV TW Huế cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Bệnh viện St Jude Childrens Research Hospital (Mỹ) điều trị thành công một trường hợp u nguyên bào thận hai bên (U Wilms) ở trẻ em. Theo đó, bệnh nhi T.N.T.N (12 tháng tuổi, đến từ tỉnh Kon Tum) nhập viện tại Trung tâm Nhi, BV TW Huế vào ngày...