Phải cử cán bộ chuyên môn khám sàng lọc trước tiêm chủng
Sau sự việc đau lòng dẫn đến 3 trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi được tiêm vắc xin viêm gan B, Bộ Y tế yêu cầu thanh tra toàn diện về công tác tiêm chủng. Các địa phương cần cử cán bộ có chuyên môn khám sàng lọc kỹ trước tiêm chủng.
Cần khám sàng lọc kỹ càng trước khi tiêm chủng cho trẻ.
Đến nay, sau 10 ngày xảy ra vụ việc 3 trẻ sơ sinh cùng tử vong sau khoảng 10 phút được tiêm vắc xin viêm gan B, nguyên nhân xảy ra sự cố này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một loạt các sai sót trong quy trình tiêm chủng tại điểm tiêm này đã được chỉ ra, đó là vắc xin viêm gan B được bảo quản lẫn với các sinh phẩm y tế khác; không tiêm cho trẻ tại phòng tiêm chủng mà tiêm ngay tại phòng bệnh… Các cá nhân liên quan đến vụ việc này cũng đã bị tạm đình chỉ công tác.
Bộ Y tế cho biết, tại một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác Tiêm chủng mở rộng trong việc quản lý vắc xin, sinh phẩm y tế và tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng. Để chấn chỉnh và tăng cường an toàn tiêm chủng, đảm bảo quyền lợi cho người dân được phòng bệnh chủ động theo quy định tại Luật Phòng,chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã có công văn gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu chỉ đạo các đơn vị liên quan cần tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn bảo đảm an toàn theo đúng các quy định của Bộ Y tế về việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.
Video đang HOT
Theo đó, cán bộ y tế cần đặc biệt lưu ý tư vấn đầy đủ cho gia đình hoặc người được tiêm chủng về tác dụng, lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải khi tiêm chủng.
Tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên tối đa không quá 50 trẻ/buổi tiêm chủng. Mỗi tháng có thể bố trí nhiều ngày tiêm chủng nếu lượng các cháu tiêm chủng nhiều. Đặc biệt, mỗi buổi tiêm chủng phải bố trí cán bộ y tế có trình độ chuyên môn khám sàng lộc trước khi tiêm để loại trừ những trường hợp chống chỉ định. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết khác để kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng nếu có. Theo dõi trẻ sau tiêm, hướng dẫn người nhà của trẻ cách theo dõi tại nhà và mang trẻ đến cơ sở y tế khi có biểu hiện bất thường sau tiêm.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần tiến hành thanh tra toàn diện về công tác tiêm chủng, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các đơn vị nếu có sai phạm. Trường hợp xảy ra tai biến thì khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý và tìm nguyên nhân và công bố công khai nguyên nhân tai biến. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân vi phạm, những người liên quan và xử lý nghiêm theo quy định.
Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho công tác tiêm chủng, đặc biệt là dây chuyền lạnh và các trang thiết bị cần thiết khác trong công tác tiêm chủng. Chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ tham dự tập huấn về an toàn tiêm chủng cho các bán bộ y tế trong cả ngoài tiêm chủng mở rộng. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, giáo dục về các lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh và những rủi ro có thể gặp phải để người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác tiêm chủng mở rộng.
Trước đó, sau hàng loạt tai biến liên quan đến vắc xin Quinvaxem, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương cần thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác tiêm chủng. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 2 tháng xảy ra sự việc, mới có 30 địa phương gửi báo cáo về Thanh tra Bộ Y tế.
Theo Dantri
Cần hoàn chỉnh quy trình chống tai biến sau tiêm chủng
Dẫu vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được trong quy định của Tổ chức y tế thế giới về tai biến khi thực hiện tiêm chủng mở rộng cho toàn dân, thời gian vừa qua tai biến khi tiêm vaccine nói chung và vaccine viêm gan B nói riêng xảy ra nhiều và liên tiếp đã làm dư luận hoang mang. Trách nhiệm của Bộ Y tế đã rõ ràng, vấn đề hiện nay là cần sớm có biện pháp để giảm thiểu tai biến sau khi tiêm vaccine.
Ảnh minh họa
Thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã ban hành và đưa vào thực hiện cả một hệ thống các văn bản, đặc biệt là quyết định số 23/2008/QĐ-BYT với 12 phụ lục, quy định chi tiết chất lượng và quản lý chất lượng vaccine, từng hành vi của các nhân viên tiêm chủng, các biện pháp ứng phó với những tai biến sau tiêm chủng. Tại sao vẫn xảy ra tai biến? Đã đến lúc cần rà soát lại quy trình tiêm chủng. Rõ ràng còn có nhiều bất cập.
Trong tất cả các quyết định, thông tư liên quan tới tiêm chủng mở rộng, đều có một quy định yêu cầu phải khám phân loại trẻ trước khi tiêm. Tuy nhiên trong thực tiễn, hầu hết các nhân viên tiêm chủng chỉ có trình độ y tá, không đủ khả năng khám phân loại trước khi tiêm chủng. Quy định yêu cầu phải phổ biến, hướng dẫn cho người được tiêm chủng và gia đình biết lợi ích và những tai biến nếu có trước khi tiêm chủng không được thực hiện trong thực tế. Chỉ riêng phòng chống tai biến sau khi tiêm vaccine, trong quyết định số 23/2008/QĐ-BYT đã có tới 4 phụ lục hướng dẫn, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Chủ nhiệm Dự án TCMR quốc gia cũng đã ban hành văn bản Quy trình đáp ứng phản ứng nặng sau tiêm chủng trong Tiêm chủng mở rộng. Quy trình ban hành kèm theo quyết định số 903/QĐ-VSDTTƯ ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Nhưng khi xem xét, chúng tôi thấy rõ các hướng dẫn này hoàn toàn không đủ để xử lý các tai biến, đặc biệt là tai biến phổ biến nhất: sốc phản vệ sau tiêm vaccine. Cơ sở để xử lý tai biến trong quyết định 23/2008/BYT đối với sốc phản vệ là thực hiện theo Thông tư 08/1999/BYT về xử lý tai biến sốc phản vệ.
Trong văn bản này, ngoài vaccine bại liệt và uốn ván có yêu cầu theo dõi sau khi khi tiêm, các loại vaccine khác không có yêu cầu thử phản ứng trước khi tiêm. Hướng dẫn thực hiện phác đồ chống sốc phản vệ chỉ thích hợp với các bệnh viện lớn, tuyến tỉnh trở lên, trong khi sốc phản vệ diễn biến rất nhanh, không kịp chuyển tuyến trên. Trong các quy định này cũng không có các phác đồ riêng cho trẻ mới sinh trong 24 giờ. Kết quả trên thực tế hầu hết sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh khi tiêm vaccine viêm gan B đều tử vong.
Theo chúng tôi, cần sớm bổ sung quy định tất cả các vaccine tiêm, trước mắt là vaccine viêm gan B bắt buộc phải thử phản ứng trước khi tiêm. Cần sớm nghiên cứu đề ra một phác đồ hiện đại hơn, hiệu quả hơn đối phó với sốc phản vệ thay cho phác đồ đã có gần 15 năm trước. Đồng thời cần quy định phải có chuẩn bị tại chỗ, sẵn sàng đối phó với sốc phản vệ trước khi thực hiện tiêm chủng. Phải khẳng định nếu không đảm bảo đủ điều kiện chống tai biến, cương quyết không thực hiện tiêm chủng. Chỉ có như vậy mới có thể giảm tai biến sau tiêm chủng mở rộng nói chung và tiêm vaccine viêm gan B nói riêng.
Theo ANTD
An toàn tiêm chủng: Xảy ra hậu quả rồi mới đi tìm nguyên nhân Vụ việc 4 em bé sơ sinh tại Hướng Hóa, Quảng Trị và Bình Thuận bị tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B là vấn đề được dư luận dồn sự chú ý quan tâm theo dõi trong suốt tuần qua. Vụ việc này đã trở thành giọt nước tràn ly khiến dư luận vô cùng hoang mang và phẫn nộ....