‘Phải coi việc từ chức là bình thường’
“Anh không đủ tín nhiệm làm chức này thì làm việc khác, chúng ta phải có văn hóa từ chức”, ông Nguyễn Tùng Lâm, đại biểu HĐND Hà Nội bày tỏ về công tác lấy phiếu tín nhiệm sắp tiến hành.
- Là người sẽ bỏ phiếu đánh giá lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông suy nghĩ gì về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm?
- Về chủ trương, việc lấy phiếu tín nhiệm các lãnh đạo là rất đúng, song làm sao phải đi vào thực chất, không hình thức. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải coi đây là thử thách, là dịp đánh giá năng lực sở trường của mình. Người đó phải thật sự tự kiểm điểm, có tinh thần cầu thị chứ không được báo cáo đổ trách nhiệm chỗ này chỗ kia để lấy thành tích, mình làm được gì thì phải trình bày để người ta hiểu được.
Với người đi bỏ phiếu, ngoài thông tin của chính người được lấy phiếu cung cấp phải có thông tin của cơ quan chủ quản và các cơ quan thẩm định. Ở lĩnh vực nào thì người thẩm quyền đó phải cung cấp thông tin, thẩm định đúng năng lực, sở trường, sở đoản của người được lấy phiếu. Khi đủ thông tin thì tôi mới đánh giá chính xác. Người bỏ phiếu phải có trách nhiệm trung thực với lá phiếu của mình. Có thể có tỷ lệ nào đó người không có bản lĩnh đi bỏ phiếu song tôi vẫn nghĩ phần đông sẽ làm trung thực.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, đại biểu HĐND Hà Nội khóa XIV. Ảnh:Đoàn Loan.
Video đang HOT
- Hà Nội sẽ đánh giá tín nhiệm cán bộ ngay từ đầu năm 2013, hiện nay thông tin về các chức danh lãnh đạo đến với ông như thế nào?
- Thông tin hiện giờ đến với tôi vẫn chưa đủ. Tôi cần 3 kênh thông tin của chính người được bỏ phiếu, cơ quan quản lý đánh giá, kênh thứ ba là từ người dân hưởng thụ các thành quả, việc làm của người lãnh đạo đó. Ngoài giám sát của các ban HĐND thì cần giám sát bằng dư luận xã hội, bằng các kênh khác nhau.
Thời gian này, Hà Nội cần chuẩn bị nhiều việc như công khai các vị trí cần lấy phiếu tín nhiệm để những người này phải chuẩn bị báo cáo, chứng minh những việc đã làm. Cơ quan quản lý cũng chuẩn bị và những người hưởng thụ cũng được phát biểu.
Theo tôi đánh giá tín nhiệm các chức danh nên có 2 thang là tín nhiệm hay không tín nhiệm, không đưa ra nhiều mức như tín nhiệm nhiều, ít.
- Với người không đạt số phiếu tín nhiệm song không vi phạm các quy định về Đảng, ông nghĩ sao về việc từ chức của họ?
- Nếu không đủ phiếu tín nhiệm thì phải xử lý ngay, buộc cho từ chức chứ không phải kỷ luật Đảng. Anh không đủ tín nhiệm làm chức này thì làm việc khác, chúng ta phải có văn hóa từ chức, phải coi việc từ chức là bình thường, là điều chuyển công việc, người thích hợp làm việc này chứ không hợp làm việc khác.
Ngành nội vụ vẫn để tiêu cực trong tuyển dụng, ngành xây dựng vẫn để người dân xây dựng sai phép nhiều, giáo dục vẫn để dạy thêm tràn lan, cần phải truy trách nhiệm của những người lãnh đạo.
- Là Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục, ông nghĩ sao nếu cán bộ làm việc kiểu “tròn vo” để có số phiếu tín nhiệm cao?
- Người được lấy phiếu có thể bày tỏ các khó khăn, không đổ trách nhiệm cho ai thì dân cũng biết, dân thu thập thông tin qua nhiều kênh. Người bỏ phiếu cũng phải biết là đúng hay sai. Chúng ta dân chủ công khai là ở chỗ đó. Những người né tránh làm chung chung cũng là một tiêu chí, nếu anh làm không có gì xuất sắc thì cũng phải được đánh giá, anh phải thay đổi công việc của anh, nếu không làm được thì để người khác làm.
Đầu năm 2013, Thành ủy Hà Nội sẽ thí điểm lấy phiếu tín nhiệm Ban Thường vụ Thành ủy, tiếp đến là các chức danh lãnh đạo của các sở, ngành.
Thành phố sẽ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII với diện cán bộ do HĐND bầu. Với những cán bộ do cấp ủy bầu, thành phố sẽ chủ động làm trước căn cứ trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 4.
Theo VNE
Hà Nội sắp lấy phiếu tín nhiệm Ban Thường vụ Thành ủy
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, đầu năm tới sẽ tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm thành viên Ban Thường vụ Thành ủy. Hà Nội cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo của các sở, ngành trong thời gian tới.
Ngày 27/11, Thành ủy Hà Nội đã sơ kết kiểm điểm phê bình và tự phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đối với tập thể, cá nhân trong Ban Thường vụ các đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, tập thể và cá nhân lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Đầu năm 2013, Hà Nội sẽ lấy phiếu tín nhiệm Ban thường vụ Thành ủy (ảnh minh họa)
Hội nghị cho thấy việc chuẩn bị báo cáo ở một số quận, huyện, cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế, thiếu sót như còn mang tính tổng kết, nhiều thành tích, ít khuyết điểm hoặc khuyết điểm chung chung, không có địa chỉ rõ ràng. Đặc biệt có cơ quan, đơn vị chuẩn bị bản kiểm điểm tập thể không đạt yêu cầu, phải làm lại làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Một số quận, huyện, đảng bộ trực thuộc và sở, ngành được gợi ý kiểm điểm sâu, khi giải trình nguyên nhân yếu kém thường đổ lỗi cho khách quan, do cơ chế, chính sách... mà không thấy rõ khuyết điểm chính ở đội ngũ cán bộ, chưa chỉ rõ cán bộ vi phạm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, những kết quả của phê bình và tự phê bình vừa qua mới là bước đầu. Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp của Thành phố vẫn phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Ông Nghị cho biết, Thường trực Thành ủy đã thảo luận, thông qua kế hoạch trình Ban Thường vụ Thành ủy về tổ chức làm thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố vào kỳ họp tháng 1/2013. Đối với lãnh đạo một số sở, ngành thành phố cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm vào đầu năm 2013.
Theo Dantri
Cẩn trọng khi ăn cá "khủng" Từ đầu năm đến nay người dân ĐBSCL bắt được nhiều loài cá lạ, cá có trọng lượng "khủng" hiếm thấy. Điều mà người dân lo ngại là các loài cá này là cá gì và nhất là có ăn được không? Một con cá hô nặng 120 kg ngư dân An Giang vừa bắt được đã có lái tới mua - Ảnh:...