Phải chăng tôi đã làm một phép thử dại dột?
Con người sống với nhau đôi khi chỉ đơn giản là vì tình, vì nghĩa. Khi những thứ ấy không còn, liệu động lực ở đâu cho chúng ta tiếp tục?
Trở về nhà đầy mệt mỏi sau một ngày ngồi nghe cô bạn tâm sự về chuyện gia đình. Chỉ mới tuần trước thôi, trong mắt mọi người cô ấy vẫn là một người phụ nữ may mắn, với một công việc ổn định và một tổ ấm hạnh phúc. Nhưng mọi việc giờ đã khác. Dấu son đỏ trên tờ giấy ly hôn như một nỗi ám ảnh với cô.
Khi nghe tin bị ung thư vú, cô ấy không ngần ngại cho chồng biết để tìm nguồn động viên, chia sẻ. Nhưng đổi lại cô được gì? Thái độ của chồng cô ấy quay ngoắt 180 độ, thậm chí anh ta còn nói với cô rằng anh ta còn trẻ và không muốn cô trở thành gánh nặng của anh ta.
Nhìn cô bạn thẫn thờ, hai mắt sưng húp, tôi vô cùng thương xót. Con người ta chẳng thể đoán được tâm tính khi nhìn từ bên ngoài. Vợ chồng sống với nhau hơn 3 năm, cũng chưa là gì đối với đường đời 1 con người. Người ta bảo: “Đường dài mới biết ngựa hay”. Nhưng có lẽ đường dài cũng khó có thể phân biệt được tốt xấu của một con người.
Câu chuyện của cô bạn khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.Tôi tự hỏi liệu mọi thứ tương tự xảy ra với gia đình mình, phản ứng của mọi người sẽ ra sao? Điều gì đó đã thôi thúc tôi làm một phép thử mà tôi nghĩ là phép thử cuộc đời.
Nhờ bạn bè tôi kiếm được cho mình một tờ giấy có kết luận của bệnh viện rằng mình bị bệnh nan y. Mọi việc vẫn như dự kiến của tôi, cho đến khi tôi đưa tờ kết quả cho chồng mình. Anh ấy trông có vẻ bàng hoàng nhưng vẫn ra sức an ủi, động viên tôi chữa trị. Tôi “hài lòng” với biểu hiện đó của anh, tôi nói với anh giữ bí mật này vì chúng tôi đang sống chung với mẹ chồng. Tôi nghĩ sẽ nói thật mọi chuyện với anh sớm và mọi chuyện kết thúc.
Nhưng mọi chuyện dường như đã đi quá xa so với những gì tôi nghĩ. Chiều hôm sau đi làm về, vừa bước vào nhà, tôi đã nghe tiếng mẹ chồng văng vẳng vang lên từ trong phòng. Qua khe cửa khép hờ, tôi nghe rõ mồn một cuộc trò chuyện giữa chồng và mẹ chồng: ” Nhiệm vụ của anh chị là sinh con nối dõi tông đường. Giờ cô ta bị như thế, anh định thế nào?”.
Hình ảnh minh họa
Tôi nghe thoáng giật mình, định vào nói rõ mọi việc nhưng rồi tôi chững lại. Không phải kết quả phép thử của tôi đang sắp có kết quả sao? Vì thế tôi đợi xem phản ứng của anh. Từng lời nói của anh đến giờ vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi: “Cô ấy vừa mới phát hiện mắc bệnh, mẹ cho con thời gian nói chuyện với cô ấy, việc ly hôn nói ra lúc này hơi đột ngột, con sẽ lựa lời nói với cô ấy.”
Nghe xong hai chân tôi như rụng rời, muốn khụy ngay xuống. Tôi lê mình vào nhà tắm rồi khóa trái cửa ngồi bệt xuống đất. Cuối cùng tôi đã nhận được kết quả cho phép thử của cuộc đời mình.Thì ra là thế! Cái mà tôi gọi là tình nghĩa vợ chồng trong những năm qua là gì? Người từng hẹn thề sống chết bên nhau, người cùng tôi đầu gối tay ấp hàng đêm. Giờ đây anh ta lại trở thành một người sống vô tình vô nghĩa.
Giờ thì tôi đã hiểu nỗi đau đớn mà bạn mình phải gánh chịu. Tôi có nên trách bản thân mình khi đã thử một điều dại dột? Nếu như tôi không thực hiện nó thì tôi vẫn có một gia đình hạnh phúc và một người chồng hết mực yêu thương và tin tưởng. Nhưng có lẽ nó đã phá tan hoàn toàn lòng tin của tôi dành cho bạn đời. Chính thức xóa hết đi những điều tốt đẹp của cuộc hôn nhân 2 năm có lẻ của bản thân.
Tự hỏi những gì mình đã làm cho gia đình họ trong hơn 2 năm qua chẳng có một ý nghĩa gì sao? Để rồi khi tôi không còn “giá trị”, họ định chối bỏ tôi như một thứ đồ bỏ đi. Một cuộc hôn nhân “hạnh phúc” giờ đây có lẽ đang ở bờ vực của sự tan vỡ. Giải thích mọi chuyện, xem như mọi chuyện chưa hề xảy ra? Hay chấp nhận sự thật về lòng người và tìm cho mình một cuộc sống mới? Đó là một lựa chọn khó khăn đối với tôi vào lúc này.
Tôi phải làm gì đây?
Theo nhatkytoday.com
Thanh mai trúc mã
Minh tiến đến gần chỗ tôi, ghé vào tai tôi thì thầm, tôi cảm nhận được hơi thở cậu ấy phả ra nóng ran trên mặt. "Mùa hè năm lớp mười, là anh Thành gọi điện nhờ mình ra chở cậu". Tôi đỏ mặt tía tai, nghe trái tim bỗng trở nên loạn nhịp.
Hắn là hàng xóm nhà tôi, hai ngôi nhà nằm song song trên cùng một con đường. Tôi ghét những gì liên quan đến hắn, quay lưng khi nhìn thấy hắn và tỏ vẻ hậm hực khi có ai đó nhắc đến tên hắn trước mặt tôi. Tôi và hắn bị ghép thành một đôi, chẳng biết từ bao giờ nữa. Chỉ nhớ là lúc rất nhỏ, đã bị người ta đem tên tôi và tên hắn chập làm một, mỗi lần muốn chọc tôi tức, chỉ cần réo hai cái tên cùng lúc, tôi sẽ khóc bù lu bù loa.
Nguyên nhân là do bà nội hắn, bà lão ấy mỗi lần nhìn thấy tôi chơi ở sân, lại dóng cổ sang mà kêu: "Thảo ơi, có lấy thằng Thành không?"
Tôi ngoác cái miệng bé xíu đáp trả "Không lấy..." Nhưng bà nào có tha, ngược lại còn nói to hơn: "À, Thảo nói sau này lớn lên sẽ lấy thằng Thành à, bà Liên vui quá!". Tôi cãi không lại, bực mình quá ngã đùng ra sân nằm ăn vạ, bà Liên ở sân vườn bên kia cười ha hả. Đấy là lúc tôi ba tuổi. Tôi ghét bà Liên đến mức mỗi lần bà sang nhà chơi là tôi lại đuổi bà về. Tất nhiên là với sức lực bé con của tôi thì chẳng ăn nhằm gì. Bà Liên chỉ cần dọa sẽ về mang thằng Thành sang gả cho tôi là tôi đã xanh mặt, tôi sợ phải lấy thằng Thành hơn bất cứ đứa trẻ nào sợ ông Bi hay là ông ngáo ộp.
Bà nội tôi bảo, lúc nào bà Liên mà trêu thì con cứ "vâng" đi, bà Liên trêu chán sẽ thôi. Nhưng tôi nào đâu dám "vâng", "vâng" rồi sau này lỡ bà bắt tôi lấy thằng Thành thật thì biết làm thế nào. Tuổi thơ của tôi bị ám ảnh mãi bởi hai chữ "Thảo Thành". Mẹ sinh em trai kém tôi hai tuổi. Nó lì lợm và ương bướng chẳng thua tôi, nó thích theo đuôi và tham gia các trò của tôi như chơi khăng, chọi gà... nhưng cũng sẵn sàng túm tóc đánh nhau khi hai chị em giận dỗi. Năm em trai biết viết chữ, nó âm thầm viết vào đằng sau vở và sách tôi là "Thảo yêu Thành". Ngay cả bức tường trắng xóa chỗ góc học tập của hai chị em, sân giếng, bàn học, gốc cây và cả tường chuồng lợn, chỗ nào cũng chình ình dòng chữ "Thảo yêu Thành" to tướng. Tôi rượt được nó, đánh nó một trận tơi bời. Mẹ đã thế lại còn bênh, mắng tôi làm chị mà không biết bảo ban em, không biết nhường nhịn em.
Học với nhau một năm mẫu giáo và năm năm cấp một, có nhiều lần tôi và hắn bị xếp ngồi chung một bàn. Tôi lấy phấn vạch rõ ranh giới của cả hai. Tôi thà đứng đợi một mình cũng không bao giờ ngồi cùng xe hắn nếu mẹ có đến đón muộn. Sang cấp hai, hắn chuyển qua học ở trường chuyên gần chỗ ba hắn công tác. Tôi coi như được giải thoát mặc dù thỉnh thoảng vẫn có người vui miệng lại nhắc tên hắn để trêu tôi. Hắn đi học xa nhà, chỉ về vào cuối tuần hoặc dịp hè, tết. Tôi thì vốn dĩ đã ghét sẵn, chẳng bao giờ bén mảng sang ngõ nhà hắn chơi. Cho đến một ngày gặp lại, phát hiện hắn đã trở thành một chàng trai cao lớn, giọng nói vỡ ra, ồm ồm. Đấy là mùa thu năm học lớp mười, hắn và tôi cùng thi đậu vào một trường cấp ba. Xui xẻo thế nào, lại học chung một lớp. Thầy chủ nhiệm cũng thật là tài, xếp tôi ngồi ngay bên trên hắn.
Trường cấp ba cách nhà chúng tôi những năm cây số, mỗi ngày đi học phải băng qua một cánh đồng lúa trải dài và con đường đến trường cũng chông gai, đầy sỏi đá. Tôi thấy may mắn vì trừ tôi và hắn ra thì bạn bè mới không ai biết lời hứa hôn lúc nhỏ của chúng tôi. Tất nhiên là lúc này tôi đã đủ khôn để thừa biết đó chỉ là một trò chọc ghẹo trẻ con của người lớn, nhưng thói quen ghét hắn tôi không bỏ được. Một năm học lớp mười, hai đứa cứ như mặt trăng và mặt trời không nói chuyện nổi một câu. Có đứa bạn thân về nhà tôi chơi, phát hiện ra nhà hắn nằm ngay bên cạnh thì mắt chữ o, mồm chữ a nhìn tôi như người từ hành tinh nào rơi xuống.
Video đang HOT
- Có thật nhà Thành ngay cạnh nhà cậu không đây? - Con bé tròn xoe mắt hỏi tôi khi nhìn thấy hắn đứng nhởn nhơ ở sân.
- Thì cậu thấy rồi đấy. Sao nào? - Tôi vẫn dửng dưng.
- Chưa thấy ai kỳ lạ như hai người, cứ lầm lì như kẻ thù ấy. Người nào không biết lại tưởng là yêu nhau rồi dỗi nhau ấy chứ.
- Con bé chép miệng.
- Ai thèm yêu hắn.
- Thường thì ghét của nào trời trao của ấy mà.
Con bé quay mặt cười rồi chạy tót qua nhà hàng xóm.Tôi tức anh ách mà chẳng làm gì được.
Học cấp ba, trong khi tôi vẫn cọc cạch đến trường bằng chiếc mi ni cũ thì nhà bên đã sắm cho hắn con đạp điện mới toanh. Tôi trong lòng cũng có chút ghen tị. Mùa hè năm ấy, sau giờ thảo luận của cán bộ lớp về việc chuẩn bị liên hoan chia tay cuối năm. Chúng tôi ra về khá muộn. Xui xẻo thế nào, vừa đạp xe được một đoạn thì cái trục líp bị bung ra. Mấy hôm trước tôi đã định vác xe đi sửa, không ngờ chưa kịp sửa nó lại hỏng thế này. Tôi dắt xe, chỉ mong có ai đó về cùng đường để xin đi nhờ một đoạn. Hắn phóng con đạp điện đi ngang qua và vờ như không nhìn thấy tôi. Tôi chửi thầm "Đúng là cái loại người vô tâm".
- Phải Thảo không? Hỏng xe à? - Bất ngờ, hắn dừng xe và quay đầu lại hỏi.
- Ừm... - Tôi lạnh lùng, ý trách hắn biết rồi còn hỏi.
- Xe ôm không?
- Không. - Tôi nói cứng.
- Không thật à?
- Thật. - Tôi vẫn bướng bỉnh, định bụng để cho hắn nài nỉ thêm chút nữa sẽ giả vờ xiêu lòng.
- Vậy cũng tốt. Cảm ơn nha. Đường thì xa, trời thì nắng. Đèo thêm người cũng nặng. Mà gần đây không có chỗ nào sửa xe đâu. Đi về thong thả nhé.
Hắn phóng xe đi trước. Tôi hụt hẫng nhìn theo bóng lưng hắn trong lòng có phần hối hận. Nhìn trước nhìn sau, chẳng còn ai trên đường, phen này phải dắt bộ về nhà là cái chắc. Nghĩ đến quảng đường gần năm cây số, lại phải băng qua một đoạn rừng thông hoang vắng, tôi có chút sợ hãi và hoang mang. Tiếng ve râm ran gọi hè cùng với cái nắng gay gắt tháng năm như đốt thêm ngọn lửa khó chịu. Phải chi bỏ qua một chút cái tôi cá nhân, tôi đã không phải vất vả như thế này. Mồ hôi túa ra ướt đẫm chiếc áo sơ mi trắng, tôi chỉ muốn vứt luôn cái xe. Bởi vì trong lòng thấy ấm ức nên nước mắt cứ chực trào ra.
- Thảo ơi... - Hình như có ai đó đang gọi hay là đói bụng quá nên tôi hoa mắt ù tai.
- Thảo ơi Thảo. - Định thần lại, đúng là có tiếng người gọi thật. Là Minh, học lớp bên cạnh. Hình như là em họ hắn.
- Xe Thảo bị hỏng à, ngồi lên đây mình đèo về.
- Ơ... Chúng ta đâu cùng đường.
- Mình có việc cần lên nhà bác. Cậu ngồi lên mình đèo luôn.
- Ừm, cảm ơn cậu... - Tôi mỉm cười.
Ơn trời, may mà Minh xuất hiện đúng lúc, không thì chỉ lát nữa tôi sẽ chết ngất giữa đường mất. Cùng là họ hàng, sao mà anh em họ lại khác xa nhau nhiều đến thế. Tôi và Minh râm ran trò chuyện. Tiếng cười trong trẻo vang lên giữa đoạn đường thanh vắng. Những ruộng lúa bên đồng ngả một màu vàng óng chỉ đợi ngày thu hoạch, tiếng ve kêu râm ran như hát lên bản tình ca của lứa tuổi học trò, một vài gốc phượng bên đường nở hoa đỏ chói chang. Tôi thấy cuộc đời thật đẹp, lòng hân hoan thoáng nghĩ xa xôi khiến hai gò má bất giác đỏ bừng.
Buổi chiều, ngó lơ qua nhà hàng xóm. Thấy hắn ôm bộ cầu lông ra sân chơi cùng em trai. Tôi nguýt hắn một cái rõ dài rồi đi thẳng vào nhà đong gạo nấu cơm. Nghĩ đến cuộc trò chuyện trưa nay với Minh, nghĩ đến tấm lòng tốt bụng của cậu ấy, miệng tôi tự dưng nở nụ cười, tim khẽ reo một nhịp.
- Có mùi gì khét khét ấy nhỉ?
Tiếng thằng em hét lên rõ to khiến tôi bừng tỉnh, nhìn lại chảo cá rán đã cháy đen. Tôi hốt hoảng tắt bếp, mặt bí xị nhìn bộ dạng đầy tức giận của mẹ.
- Có mỗi việc nấu nướng mà cũng chẳng ra hồn. Sang mà học hỏi thằng Thành.
Tôi đưa mắt ngó qua nhà hàng xóm, hắn đang cười. Là hắn đang cười đểu tôi đấy ư? Cái mặt cứ tưng tửng lên thấy ghét. Những lúc như thế này tôi chọn giải pháp im lặng. Cãi thêm vài câu, mẹ lại chẳng lấy dùi đánh cho. Tôi cụp mắt xuống, tỏ vẻ ăn năn hối hận, mẹ vì thế mắng xong cũng xuôi lòng.
Dịp liên hoan lớp, hắn xông xáo xung phong làm gà, làm ngan. Nghe nói là hôm nay hắn sẽ vào bếp. Tôi nghĩ trong lòng, cái kiểu công tử bột trói gà chưa chặt như hắn thì làm ăn gì, ấy thế mà lũ con gái đứa nào đứa nấy ngưỡng mộ.
- Bí thư lớp mình giỏi ghê. - Cái Hoa xuýt xoa
- Để hắn nấu ăn, không khéo lớp mình có đứa nhập viện vì ngộ độc. - Tôi được dịp bắt đầu nói xấu.
- Thật sao? Tớ chẳng tin đâu.
- Thật. Ở bên nhà, hôm nào mẹ hắn cũng mắng là có mỗi việc nấu ăn mà chẳng ra hồn, sang mà học hỏi cái Thảo.
Tôi khoác lác xong trong lòng cũng có chút chột dạ nhưng cứ nói cho sướng cái miệng đã. Có một chân lý có vẻ bao giờ cũng đúng đó là "Nếu không thể giỏi hơn người khác, hãy tìm cách dìm họ đến chìm thì thôi". Hắn vào bếp, nấu ăn ngon, chuyện này chắc chắn không thể xảy ra rồi. Thà tôi phụ hắn chứ không đời nào để hắn phụ tôi. Bữa cơm hôm đó có món thịt ngan nấu giả cầy yêu thích nhất của tôi. Tôi hồi hộp theo dõi cái Hoa gắp miếng đầu tiên.
- Thế nào? Khó ăn lắm phải không?
- Ừm... - Cậu thử đi.
Tôi hí hửng, đã biết ngay mà, nhưng vị thơm ngọt đậm đà của miếng thịt tan dần nơi đầu lưỡi khiến tôi cứng miệng chẳng nói năng được gì nữa. Giữa mẹ tôi và hắn có lẽ là một chín, một mười. Cái Hoa nhìn tôi đầy nghi hoặc, tôi chỉ biết giả vờ cười trừ, nhìn sang bên đó, hắn đang cười nói với các bạn nam, bất chợt quay lại chạm phải ánh mắt tôi khiến tôi nóng mặt. Là tôi đang bực mình đây mà.
Bước vào năm học lớp mười một, tôi thường vu vơ ra đứng ngoài hành lang. Tôi thích ngắm những chiếc lá vàng rơi nhẹ xuống sân trường, thích ngắm những đợt gió vờn qua vờn lại trên những ô cỏ non xanh biếc và tôi thích nhìn sang lớp học cạnh bên, nơi có cậu bạn lịch sự đã đèo tôi trở về vào một ngày hè nắng nóng. Minh thỉnh thoảng vẫn ra hành lang nói với tôi một vài câu chuyện phiếm, chỉ cần thế thôi cũng đủ làm tôi vui rồi.
Mùa đông năm ấy, tôi và hắn cùng nằm trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi tỉnh. Vì ba hắn đi công tác và mẹ bị ốm nên ba tôi đèo luôn hai đứa cùng đi. Cảm giác ngồi chung xe với một tên con trai mình rất ghét quả không dễ chịu chút nào. Con đường đầy sỏi đá khiến cái xe xóc lên xóc xuống, thỉnh thoảng người cậu ấy lại bị đổ gập về phía tôi khiến tôi bối rối. Sau buổi thi, hắn giơ tay vẫy vẫy gọi tên tôi. Lần đầu tiên khi ngước nhìn lên khuôn mặt tươi cười của hắn, tôi có một cảm giác dễ chịu. Nụ cười của hắn đẹp chứ không đáng ghét như tôi thường tưởng tượng. Kết quả cuộc thi năm đó, hắn đỗ còn tôi trượt.
Mùa hè năm lớp mười một là mùa hè nhớ nhất trong đời tôi. Minh có người yêu. Tôi vài lần thấy cậu ấy nắm tay cô bé dạo bước trên sân trường, vài lần thấy hai người cặp kè xuống căng tin và bằng chứng đáng tin cậy nhất là lời đồn thổi của các bạn. Tôi thất tình, có lẽ đúng nhưng không đến nổi khóc lóc, vật vờ không ăn không ngủ được như nhiều bộ phim tình cảm. Tôi chỉ thoáng buồn một chút rồi lấy lại cân bằng. Có thể là tình yêu chưa đủ lớn chăng? Để giải khuây, tôi đăng ký tham gia khóa tình nguyện hè. Chúng tôi thu gom sách báo và quần áo cũ để đưa đến một huyện miền núi trong tỉnh. Hắn cũng tham gia. Nhìn cái bộ dạng ốm đói, say xe của hắn, tôi không khỏi bật cười. Con trai gì mà đi có đoạn đường sáu mươi cây số đã nôn thốc nôn tháo. Tôi tử tế đưa cho hắn cái khăn ướt và chai nước. Không ngờ hắn dùng khăn lau lại nôn dữ hơn. Té ra là mùi thơm từ cái khăn khiến hắn khó chịu. Tôi lúc này đáng lẽ phải nên hả hê mới đúng không ngờ lại có chút mủi lòng.
Chiếc xe dừng lại, nhìn qua lăng kính là một vùng đồi núi với bạt ngàn cây cối, những mái nhà thấp lè tè nằm thưa thớt nhau. Ở đây hiện hữu một vẻ hoang sơ và thiếu thốn. Bước xuống xe, những đứa trẻ đứng bên đường nhìn bọn tôi một cách tò mò và hiếu kì. Những khuôn mặt đen nhẻm, những bộ dạng xộc xệch, những bộ quần áo cũ rơ cũ rích, những đôi chân không đi dép cáu bẩn. Một vài đứa tản ra chỗ khác chơi. Tôi thoáng thấy chúng nhặt những quả bàng khô, đặt xuống nền đất đầy sỏi đá, đập vỡ ra rồi cho cái nhân trăng trắng trong quả bàng ấy vào miệng. Bọn chúng nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ xì xào. Sống ở cùng một thời điểm ở hai nơi chỉ cách nhau có sáu mươi cây số mà sao khác nhau nhiều quá. Hai nền văn minh như cách xa nhiều thập kỷ. Chúng tôi ở lại đó một tuần để phân phát sách vở và làm thêm công tác tuyên truyền.
Đó là một chuyến đi đầy ý nghĩa, bởi nhờ nó mà tôi thấm thía được những gì mà mình đang có được. Những đứa trẻ không có quần áo mặc trong khi tôi một tủ chật cứng váy áo mà vẫn chê lên chê xuống. Ở đây không internet, không truyền hình, không đài phát thanh. Buổi tối, mọi người quây quần bên nhà trưởng bản để xem ti vi đông đúc y như cảnh xem phim chiếu rạp.
Tuổi trẻ có lẽ nên có những chuyến đi như thế này để cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống. Để biết được rằng đâu đây vẫn còn những phận đời thiếu thốn và bất hạnh. Chúng ta may mắn hơn khi được sinh ra trong một gia đình khá giả, có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Còn họ cần sự đồng cảm, sẻ chia, cần những người đứng lên đưa họ đến với văn mình của thế giới. Bọn trẻ chìa đôi bàn tay nhỏ bé vui vẻ nhận những quyển sách, quyển vở, những bộ quần áo. Hắn xoa đầu bọn trẻ và nở nụ cười. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được ở hắn sự hiền lành, thân thiện. Nụ cười ấy quả thực rất đẹp, rạng rỡ và ấm áp như ánh nắng mùa thu. Tôi bỗng dưng cảm thấy đôi gò má nóng bừng.
Buổi tối, các anh chị trong đoàn rủ nhau đốt lửa trại. Chúng tôi ngồi quây quần bên đống lửa, hát hò, vỗ tay inh ỏi. Dân bản mang ngô và khoai đến. Những củ khoai nướng, ngô nướng thơm lừng được khều ra từ lớp than hồng khiến tôi nức lòng. Những ngày ở lại làm công tác tuyên truyền, nam thanh niên giúp dân làm đường ống dẫn nước để tưới tiêu, bọn nữ chúng tôi cũng tập tành xuống rẫy gieo hạt. Cây cuốc trong tay tôi vẫn vụng về lắm, đôi bàn tay vì thế trở nên rộp phồng và ửng đỏ. Buổi tối, Hắn mang đến cho tôi lọ thuốc bôi ngoài da. Tôi không dại gì mà từ chối nữa, liền nhanh chóng cầm lấy. Hắn cười. Trời ạ, cái nụ cười chết tiệt đó khiến lòng tôi hoảng hốt.
Đó cũng là những ngày giúp quan hệ của tôi và hắn xích lại gần nhau hơn. Ban đầu là trao đổi với nhau về những tập báo cáo, những tập tài liệu và kế hoạch. Sau đó không biết là do vô tình hay cố ý, hắn và tôi được giao nhiệm vụ đi dạy học mấy buổi cho bọn trẻ vùng cao. Thời điểm đó, thay vì bộ mặt lạnh lùng và xa cách, tôi đã cười và còn nói chuyện phiếm với hắn. Sau chuyến đi vùng cao, thằng em tôi trố mắt ngạc nhiên khi tôi không còn chối đây đẩy mỗi lần mẹ sai mang đồ sang cho nhà bên nữa. Giờ mọi người có trêu, có bàn tán tôi cứ gật đầu cười cười lấy lệ. Bà nội nói đúng, họ trêu chán sẽ thôi. Phải chi hồi bé tôi nghe lời nội thì khoảng cách xa xôi đâu đeo bám mãi đến giờ.
Học lớp mười hai, Minh chuyển qua học lớp tôi. Cái miệng pha trò của cậu ấy khiến lớp học càng thêm vui nhộn. Tôi hay vu vơ nghĩ đến một người. Cái mỉm cười tự nhiên sao mà duyên đến lạ. Có lúc lại ngẩn ngơ nhìn bóng lưng đang mải miết chữa bài tập trên bảng. Nhịp tim khẽ rộn ràng khi lướt khẽ qua nhau. Việc học tập bận rộn cuối cấp chẳng mấy chốc mà đốn hết chút thời gian. Những chùm phượng đỏ trên sân trường lập lòe thắp lửa, ve râm ran dạo khúc nhạc gọi hè. Ngày liên hoan chia tay cuối năm, trùng trùng cảm xúc. Có những bí mật dấu trong suốt ba năm qua mà chúng tôi đều muốn biết. Cả bọn ngồi tụ tập thành vòng tròn trên sân chơi một trò chơi. Đặt con quay vào chính giữa, nếu quay trúng ai, người đối diện sẽ phải nói ra một bí mật mà mình đã dấu kín.
- Thực ra, cái đứa thường lén bỏ con sâu róm vào sách của Lan là tớ chứ không phải thằng Tùng.
Hoàng gãi đầu gãi tai lên tiếng khi Lan chĩa mũi nhọn về phía nó. Thằng Tùng nhảy dựng lên như gà mắc tóc, rượt Hoàng chạy vòng vèo khắp sân.
- Thực ra thì tớ đã lén lấy trộm hộp sữa chua cậu để ở ngăn bàn.
- Tớ đã từng ném dép cậu qua cửa sổ.
- Tớ thường xé giấy trong vở của cậu làm kiểm tra
- Tớ thích cậu từ ngày xửa ngày xưa... giờ hết rồi chỉ yêu thôi.
Lời thú nhận của Tuấn với Ngọc khiến cả lớp ồ lên. Trò chơi vì thế càng thêm phần sôi động và hấp dẫn. Đến lượt tôi, chiếc hộp xoay xoay rồi chĩa mũi nhọn vào Minh. Cậu ấy sẽ nói bí mật gì với tôi đây nhỉ? Nếu như mũi nhọn cậu ấy chìa trúng tôi, tôi có nên nói cho cậu ấy biết tôi đã từng thích cậu ấy. Tiếng vỗ tay rầm rầm của mọi người khiến tôi nóng ran mặt. Minh tiến đến gần chỗ tôi, ghé vào tai tôi thì thầm, tôi cảm nhận được hơi thở cậu ấy phả ra nóng ran trên mặt. "Mùa hè năm lớp mười, là anh Thành gọi điện nhờ mình ra chở cậu". Tôi đỏ mặt tía tai, nghe trái tim bỗng trở nên loạn nhịp. Tiếng la hét của các bạn om sòm.
- Phải nói cho mọi người cùng nghe chứ.
- Chơi xấu quá.
Minh cãi cùn.
- Có ai quy định là không được nói thầm đâu.
Lúc đó, tâm trạng tôi rối bời. Đầu óc không còn nghe thấy mọi người nói tiếp với nhau bí mật gì nữa. Tâm trí dường như đang ở đâu đâu. Chúng tôi kéo nhau lên triền đê ngồi hóng gió. Gió từ ngoài sông thổi vào mát rượi. Thằng Linh chẳng biết kiếm đâu ra mấy cái pháo hoa mà cho nổ mấy phát rền vang, rực rỡ khắp bầu trời. Tôi với cái Hoa ngồi tựa lưng vào nhau rì rầm kể chuyện. Có lẽ ngày mai thôi sẽ chỉ còn mỗi đứa một nơi. Cũng có người đi học đi làm và sau này không gặp lại nhau nữa. Nghĩ đến hai từ tạm biệt, trong lòng dâng lên chút cảm xúc bồi hồi.
- Xuân Anh lớp mình đẹp trai nhỉ? Trắng trẻo lại còn học giỏi nữa. - Hoa lên tiếng trước.
- Ừm, con trai lớp mình đứa nào cũng nhiệt tình, hăng hái. Học lớp mình vui quá! -Tôi trầm ngâm.
- Tau là tau thích thằng Huy nhất. Nhìn lấc lơ lấc láo nhưng mà vui đáo để.
- Phải mi có gì với hắn không đấy.
- Ừ, cũng có chút mến. Thế còn mi, khai thật đi. Nhìn trúng ai rồi?
- Không có ai.
- Có gì mà phải ngại, không phải lo tau mách bọn kia đâu. Thích ai mi cứ viết vào lòng bàn tay tau này.
Tôi cầm lấy lòng bàn tay Hoa. Trong ba năm học qua, mớ cảm xúc trong tôi thực sự ngọt ngào. Những người bạn ấy đã cho tôi một mái ấm gia đình, có sự chân thành, sự nhiệt tình, vui vẻ và yêu thương lẫn nhau. Có lẽ sau này dù đi xa tôi cũng sẽ không bao giờ quên được những nụ cười hồn nhiên vô tư và ngây thơ trong sáng. Tôi phải cảm ơn họ, những người bạn trong trái tim tôi, những người bạn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng tôi. Chính họ đã thổi bùng lên trong tôi ngọn lửa thanh xuân đầy nhiệt huyết, chính họ đã góp phần làm nên một phần ý nghĩa và giá trị của tuổi trẻ. Tôi thích ai đây nhỉ? Cuối năm lớp mười, Minh xuất hiện thoáng qua trong trái tim tôi như một cơn gió nhẹ. Người tôi thích, có lẽ nào lại là người có nụ cười ấm áp như ánh nắng mùa thu ấy. Chỉ là lúc này hình ảnh hắn cứ lởn vởn trong đầu. Tôi nguệch ngoạc mấy nét chữ vào bàn tay Hoa, không ngờ nó đang ngồi lại nhảy dựng lên rồi ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cái con bé đúng thật là. May mà nó còn chưa hét lên để ai ai cũng biết.
Tôi và hắn cùng đậu đại học ngoài Hà Nội. Hắn theo y còn tôi học sư phạm. Mọi người ai cũng bảo tôi ngốc, với lực học như thế có thể thi đậu khối trường. Tôi không biết mình có ngốc hay không, chỉ là muốn theo đuổi đam mê của mình, muốn sống thực với ước mơ và nhiệt huyết, sự nghiệp trồng người đâu thể vì cái nghèo cái khó mà chùng bước được. Nếu người giỏi ai cũng đi làm bác sỹ, kỹ sư, kế toán hết, có lẽ chẳng còn một nhà giáo xuất sắc nào nữa. Ba mẹ và cả hắn cũng ủng hộ tôi.
Những ngày đầu đặt chân đến thủ đô. Tôi sợ hãi nhìn dòng xe nườm nượp qua lại. Xe máy, ô tô lao nhanh vun vút khiến đầu óc tôi quay cuồng, vừa bước chân xuống lại vội vã thụt lên. Những lúc như thế, hắn nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, len qua tiếng còi xe vội vã. Tôi cảm nhận được sự ấm áp lan tỏa trong lòng bàn tay, cảm nhận được sự che chở bình an và chắc chắn. Hắn đã nắm tay tôi qua nhiều mùa Hà Nội như thế. Đó là những mùa đông lạnh lẽo, chen chân trong khu chợ sinh viên đông đúc và tấp nập. Đó là khi hai đứa dạo bước trên những con đường ngập bàng lăng tím, khi hoa sữa nồng nàn thơm nức ngõ nhỏ. Tôi thường mãi miết ngắm nhìn nụ cười như ánh nắng mùa thu của hắn và chợt thấy ấm lòng. Nhiều lúc tôi băn khoăn muốn hỏi, hắn có biết rằng mình có một nụ cười đẹp lắm không?
Theo blogradio.vn
Tối muộn bị sai đi mua đồ, tôi nghe được cuộc trò chuyện và phát hiện ra bộ mặt thật của chị dâu Tôi về làm dâu trong nhà mới được gần 1 năm trong khi bà chị dâu của tôi đã 5 năm có lẻ và rất được lòng mẹ chồng tôi. Hai vợ chồng anh chị sống ở khu đất ngoài phố, sống riêng. Còn vợ chồng tôi phải sống cùng bố mẹ vì: "Con út sống cùng bố mẹ là đúng rồi. Anh...