Phải cách chức người ra văn bản “trên trời”
“Nếu xác định được mức độ ảnh hưởng, gây thiệt hại cho đời sống, kinh tế người dân thì phải cách chức, bồi thường cho dân”, ông Nguyễn Đình Quyền – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cho biết về hiện tượng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật ‘trên trời’ được ban hành thời gian qua.
Văn bản sai là dễ hiểu vì ngồi trên mây, trên gió
PV: - Thời gian qua, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành nhưng đã vấp phải sự phản ứng của dư luận như: Nghị định quy định xe chính chủ, Thông tư quy định bán thịt trong vòng 8 tiếng, Nghị định quy định tổ chức tang ma cho CBCC-VC… có văn bản đã bị tuýt còi phải dừng, hoặc hủy bỏ một phần, theo ông việc đó đang phản ánh điều gì?
Ông Nguyễn Đình Quyền: Các VBQPPL đã ban hành mà gây ra phản ứng trong dư luận điều đó chứng quy trình ban hành văn bản đó không kỹ. Luật ban hành VBQPPL không đòi hỏi phải cao siêu nhưng phải làm đúng quy trình pháp luật quy định.
Chắc chắn các cơ quan quản lý khi ban hành VBQPPL chưa làm đúng, nên mới có chuyện ban hành VBQPPL mà không phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với một số quy định của Luật ban hành VBQPPL.
Hiện nay, công tác giám sát VBQPPL cấp địa phương được giao cho 4 bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Nội Vụ và các Ủy ban Quốc Hội. Nhưng công tác đó còn yếu, không hiệu quả. Dẫn đến hàng loạt những văn bản ra đời mà không nhận được sự ủng hộ từ người dân. Đó là một bất cập, là lỗ hổng trong công tác quản lý.
Để những người không có trình độ, chuyên môn cũng tham mưu. Ngồi trên mây, trên gió hoạch định văn bản thì làm sao luật đi vào cuộc sống được. Việc ra đời một cái văn bản như vậy là dễ hiểu thôi.
Ông Nguyễn Đình Quyền -`1 Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội
PV: Những VBQPPL được ban hành đã thừa nhận sai; tạm ngừng vẫn chậm sửa; không hợp lý nhưng im lặng… coi như sự đã rồi. Theo Luật ban hành văn bản pháp luật phải xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Quyền: Trong nhà nước pháp quyền mà đặc biệt là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì không thể có việc sai mà không sửa. Bản án sai của Thẩm phán Hội đồng xét xử (cơ quan cao nhất của pháp luật VN) còn có cơ chế để sửa cơ mà!
“
Việc sửa nó thế nào Luật đã quy định hết rồi. Trong luật tổ chức HĐND, UBND, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức QH, Luật hoạt động giám sát QH đều quy định các thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, hủy bỏ, bãi bỏ… đã có tất cả các thẩm quyền đó rồi.
Các cơ quan kiểm tra, thanh tra nhà nước phải tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát để kiểm tra văn bản sai. Đối với những văn bản đúng nhưng không phù hợp thì cơ quan ban hành phải khảo sát lại, hủy bỏ hoặc ban hành lại.
Trong trường hợp cố tình ban hành thì Ủy ban Quốc Hội phải yêu cầu làm lại.
Phải cách chức
Video đang HOT
PV: Cụ thể đối với quy định bán thịt trong vòn 8 tiếng của Bộ NN&PTNT đã đứng ra nhận trách nhiệm kiểm điểm, văn bản của bộ VHTT-DL bị tuýt còi, nhiều văn bản khác rơi vào im lặng. Dường như việc quy trách nhiệm cá nhân vẫn đang bị bỏ ngỏ, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Quyền: Những văn bản bị thu hồi, hủy bỏ chưa chắc nó đã trái với văn bản của Quốc Hội, của Nghị quyết QH mà có khi nó chỉ là không phù hợp.
Trong trường hợp đó, sẽ bị xem xét trách nhiệm khi ban hành: Ban hành chưa cẩn thận, chưa xem xét thì chỉ tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Còn trong trường hợp ban hành trái thì mới phải quy trách nhiệm.
Đối với quy định thịt 8 tiếng, Bộ NN&PTNT đã đứng ra nhận kiểm điểm đó là trái luật và rõ ràng phải xử lý. Người có thẩm quyền ban hành phải đứng ra chịu trách nhiệm, cụ thể ở đây là Bộ NN&PTNT. Nếu xác định được mức độ ảnh hưởng, gây thiệt hại cho đời sống, kinh tế người dân thì phải cách chức, bồi thường cho dân.
Tuy nhiên, trong Luật bồi thường Nhà nước mới chỉ chú trọng đến những trường hợp cá biệt như quyết định của tòa án, xử oan sai chứ chưa có quy định bồi thường, khắc phục hậu quả đối với Luật hành chính. VBQPPL nếu sai chỉ cần hủy và khắc phục thôi.
Quy định thịt bán trong vòng 8 tiếng bị hủy bỏ vì không khả thi
Hơn nữa, để xác định bồi thường, khắc phục hậu quả phải dựa vào luật nhân quả, tuy nhiên việc xác định thiệt hại với cả hàng triệu người dân là không thể làm được. Nên không đặt vấn đề bồi thường đối với VBQPPL.
PV: - Theo Luật cán bộ, công chức quy định: Không hoàn thành trách nhiệm công chức, hình thức xử phạt có thể là khiển trách, kỷ luật, buộc thôi việc nếu phát hiện trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng có thể xét thêm trách nhiệm hình sự. Vậy trước việc hàng loạt VBQQPL được ban hành lại thu hồi, hủy bỏ, sửa đổi thì trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra của UBTP được thể hiện như thế nào? Có thể coi là không hoàn thành trách nhiệm được không?
Ông Ngô Đình Quyền: Thực ra mà nói, khi ban hành một VBQPPL thì phải chịu rất nhiều công đoạn từ các cấp tham mưu đến các cấp có thẩm quyền quy định, thẩm định văn bản, xem xét ban hành cả một chuỗi như vậy thì xác định trách nhiệm chính là người ký ban hành văn bản. Sau đó mới quy trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền tham mưu.
NĐ của Chính phủ thì tập thể Chính phủ phải chịu trách nhiệm. QĐ của Thủ tướng thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Thông tư của các Bộ thì các Bộ phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, chịu trách nhiệm về việc ban hành một VBQPPL sai thì thường xem xét dưới góc độ công vụ như quan liêu, thiếu sâu xát, thiếu trách nhiệm. Chứ không được xem là cố ý làm trái như các quyết định mang tính chất cá thể khác.
Thực tế hiện nay, việc quy trách nhiệm đến cùng với những văn bản sai, không thực thi cũng chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Cần một Luật công vụ
PV: - Ban hành sai chỉ cần thu hồi, hủy bỏ rồi làm lại mà không ai phải chịu trách nhiệm, dân lãnh hậu quả, đó có phải nguyên nhân của sự ra đời hàng loạt những văn bản không khả thi, không thể thực hiện được, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Quyền: Đúng, bởi ban hành sai cũng không làm sao. Rõ ràng việc đó vẫn sẽ diễn ra. Nếu làm sai cắt chức luôn, chuyển công tác thì sẽ ngăn chặn được việc ban hành sai. Tuy nhiên, hiện nay thì hầu như huề cả làng.
Trong trường hợp phát hiện thiếu trách nhiệm, mà là thiếu trách nhiệm với hàng triệu con người như vậy phải kiểm tra, thanh tra, giám sát công minh thì mới hạn chế được.
Nếu cứ để các cấp có thẩm quyền thích ban hành kiểu gì thì ban hành không tuân thủ luật không tuân thủ thực tiễn, không tôn trọng chính người dân xong cuối cùng ai cũng chả làm sao thì đương nhiên việc đó vẫn sẽ tiếp tục sẽ xảy ra.
Nguyên nhân là chúng ta đang thiếu một Luật công vụ. Như hiện nay, cấp trên đổ cho cấp dưới, tướng đổ cho quân mới dẫn đến việc quy trách nhiệm không rõ ràng.
PV: - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ, lo ngại trước hàng loạt văn bản ban hành mà “đắp chiếu” khiến dân coi nhẹ Văn bản quy phạm pháp luật và nghi ngờ năng lực quản lý nhà nước, gây tiêu tốn thời gian, lãng phí tiền của. UBTP với nhiệm vụ giám sát hoạt động tư pháp, đặc biệt là giám sát, phát hiện và xử lý tham nhũng ông đã có những đề xuất, giải pháp gì để giúp Chính phủ chống lãng phí, hao tốn tiền của, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dân, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Quyền: Một VBQPPL khi được ban hành nó có tác động tới hàng triệu, hàng ngàn con người. Nếu văn bản ban hành sai hoặc không phù hợp với thực tiễn thì dẫn đến những tai hại vô cùng lớn đối với nền kinh tế và đối với cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, UBTP chỉ có trách nhiệm thẩm định giám sát toàn bộ những VBQPPL về lĩnh vực tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử thi hành án và lĩnh vực phòng chống tham nhũng chứ không thẩm định, giám sát VBQPPL thuộc lĩnh vực hành chính.
Trên thực tế, UBTP đã tuýt còi những văn bản của Bộ tư pháp, Bộ công an. Nhưng quản lý văn bản tư pháp thì rất khó, nó phải xuất phát từ những vụ việc thực tế mới phát hiện ra có mâu thuẫn, chồng chéo hay không. Tôi cũng thừa nhận, UBTP chưa làm được nhiều, mới chỉ dừng lại ở việc thống kê văn bản là chủ yếu.
Theo 24h
"Ngồi trên trời mà làm chính sách"
Ông Ngô Văn Minh - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đã ví von như vậy khi trao đổi với PV về thực trạng có nhiều nghị định, thông tư quy định thiếu thực tế, gây bức xúc dư luận thời gian qua. Giải pháp nào cho những quy định bất khả thi?
Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt hành chính đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định, UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông, không sử dụng điện thoại nơi cây xăng... vốn được người dân gọi là những quy định cho vui vì sự khó thực hiện của chúng.
Mới đây, nghị định 94/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013) và thông tư 30 của Bộ Y tế về "Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố" đã bị nhiều người phản ứng, hứa hẹn sẽ nối dài danh sách những quy định bất khả thi.
Chúng tôi xin giới thiệu bài ghi nhận tình hình thực hiện những quy định này và ý kiến chuyên gia.
Ông Minh nói: "Bất cứ quy định nào được đưa ra trước hết phải phù hợp với thực tế, với trình độ phát triển của xã hội và đảm bảo điều kiện để thực hiện thì mới có sức sống, được nhân dân chấp nhận. Văn bản phải ban hành theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định rõ phải lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và đặc biệt quan trọng là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, rồi được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình xem xét, ký ban hành.
Tôi cho rằng những văn bản có vấn đề là những văn bản không tuân thủ quy trình như trên, hoặc là ban hành thiếu cân nhắc, thiếu thận trọng. Tại sao dư luận lại phản ứng quy định cho phép cảnh sát giao thông phạt người đi xe không chính chủ? Vì như nhiều người đã phân tích là nó thiếu thực tế, trái với nguyên tắc thực hiện pháp luật.
Hay mới đây là quy định việc tổ chức tang lễ của công chức, viên chức. Trước đây khi điều kiện còn khó khăn, có ai làm quan tài bằng kính hay để ô kính đâu. Gần đây kinh tế phát triển, người ta bắt đầu làm quan tài có ô kính. Nó cũng xuất phát từ nhu cầu tâm linh rất có ý nghĩa là "nhìn mặt lần cuối" đối với người đã khuất. Vì vậy, giải thích của người có trách nhiệm rằng cấm để ô kính quan tài là sợ kính vỡ rơi vào mặt người quá cố, rồi ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường là không thích đáng. Tôi ủng hộ việc chống phô trương, lãng phí trong việc tang, nhưng thay vì ban hành một nghị định như vậy thì nên tiến hành một cuộc vận động, tuyên truyền đến từng tổ dân phố, khu dân cư để người dân thấy hợp lý sẽ tự nguyện thực hiện".
Ông Ngô Văn Minh - Ảnh: Nguyễn Khánh
* Nguyên nhân của những văn bản bị dư luận phản ứng, thậm chí có văn bản chưa thực hiện đã phải sửa, theo ông là từ đâu, do quan liêu hay do trình độ của những người soạn thảo văn bản đó?
- Tôi nghĩ là do cả hai, cả trình độ năng lực và sự quan liêu, kể cả người thẩm định các văn bản đó cũng quan liêu. Tôi từng ví việc làm ra những văn bản trái luật, thiếu thực tế là ngồi trên trời mà làm chính sách. Ví dụ, có không ít bộ, ngành luôn khẳng định rằng khi ban hành văn bản này chúng tôi đã lấy ý kiến người dân, lấy ý kiến đối tượng có liên quan. Nhưng hỏi ra mới biết họ chỉ đăng dự thảo văn bản đó trên website của bộ, ngành mình. Tôi quả quyết cả tôi và bạn đều không thể biết rằng thời điểm hiện tại có bao nhiêu văn bản đang được lấy ý kiến nhân dân. Người bán hàng ngoài chợ, người nấu rượu truyền thống trong bếp thì làm sao có máy tính, có mạng Internet để biết mà góp ý cho các dự thảo có quy định thịt lợn chỉ được bán trong vòng tám tiếng, sản xuất rượu thủ công phải xin giấy phép và dán nhãn...
Vấn đề quan trọng, theo tôi, là cần phải thay đổi lại quy trình lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trước khi ban hành văn bản. Việc lấy ý kiến phải tiến hành rộng rãi, có hiệu quả, đúng đối tượng và đặc biệt là người soạn thảo văn bản phải thực tâm tiếp thu, chứ không phải là làm cho đủ thủ tục.
Một gánh bún chả trên vỉa hè phố Hàng Đậu, Hà Nội. Từ người bán đến người ăn không ai quan tâm đến giấy khám sức khỏe những người bán, nguồn gốc thực phẩm... của thông tư 30 - Ảnh: Nguyễn Khánh
* Các văn bản pháp quy của Chính phủ trước khi ban hành phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, nhưng bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết có những kiến nghị của bộ đã không được chấp nhận bởi Chính phủ quyết định theo đa số...
- Tôi chia sẻ với nỗi niềm đó của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Cần phải có quy định để Bộ Tư pháp bảo lưu ý kiến của mình. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt vấn đề ngược lại rằng những ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã được chuẩn bị kỹ chưa, có được giải trình thuyết phục và bảo vệ quyết liệt trước các thành viên Chính phủ không? Nếu thấy quy trình hiện nay là bất hợp lý, bộ trưởng Bộ Tư pháp nên đề xuất một quy trình xây dựng văn bản pháp quy phù hợp hơn.
* Tại phiên giải trình gần đây ở Ủy ban Pháp luật, đại diện Chính phủ cho rằng sở dĩ Chính phủ phải ban hành quá nhiều văn bản pháp quy là do luật của Quốc hội cần nhiều văn bản hướng dẫn, tức là tình trạng luật khung, luật ống dẫn đến việc Chính phủ phải vất vả trong việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn, ông suy nghĩ gì trước quan điểm này?
- Tôi cho rằng lý giải như vậy là hoàn toàn không thuyết phục. Tại phiên giải trình tôi không có thời gian để chất vấn, nhưng tôi xin hỏi lại là ai soạn thảo các dự án luật trình Quốc hội? Xin thưa, hơn 90% các dự án luật là do Chính phủ soạn thảo. Có những dự án luật có quá nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu phải quy định cụ thể nhưng các ban soạn thảo luôn giải thích rằng đây là vấn đề chưa được nghiên cứu kỹ, chưa đủ thực tiễn kiểm nghiệm... nên đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ.
Cho nên tới đây sửa Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần quy định rõ là khi trình dự án luật thì phải trình đầy đủ các dự thảo nghị định quy định chi tiết để Quốc hội xem xét. Gần đây, có những dự thảo luật được trình kèm dự thảo nghị định, nhưng đọc thì thấy rằng không ít dự thảo chỉ chép lại điều luật và giải thích luật, chứ không phải là quy định chi tiết các điều luật do Quốc hội ủy quyền.
Đa số chủ hàng quán trên đường Nơ Trang Long, P.14, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) buôn bán nhưng chưa biết về thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 20-1 - Ảnh: Đức Thanh
* Ông Vũ Đức Đam, bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thừa nhận có tình trạng thông tư của bộ, ngành thường được soạn thảo theo hướng thuận lợi cho sự quản lý của mình, nên có những thông tư cài vào đó cả bộ máy, cả biện pháp thực hiện. ông Đam cũng đề xuất tới đây không nên ban hành thông tư nữa, ông nghĩ sao?
- Tôi đồng tình với quan điểm của ông Đam. Chỉ nên dừng lại ở hình thức nghị định quy định chi tiết điều khoản của luật, không nên để bộ ngành ra thông tư nữa. Thậm chí có nhiều luật phải cụ thể hóa luôn chứ không cần ban hành nghị định nữa, trừ những luật có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp. Nghị định chỉ được quy định chi tiết từng điều luật Quốc hội ủy quyền, chứ không thể quy định thêm nội dung và cũng không được giải thích luật.
Theo 24h
Thuốc lá: Khổ người hút, vạ lây người xung quanh Mặc dù chỉ thị cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Bộ Y tế bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2010 song, tại các bến xe ở Hà Nội, người mua cũng lắm, kẻ bán cũng đông, vô tư xả khói vào mọi người xung quanh. Mặc dù chỉ thị cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Bộ Y tế bắt...