Phải biết cách chơi không bạo lực
Đỗ Hùng Dũng gãy chân sau một pha vào bóng bạo lực của Ngô Hoàng Thịnh.
Một lần nữa, V.League với cái tên gọi nghiệt ngã “Võ League” lại chứng kiến một ca chấn thương khủng khiếp. Câu chuyện 20 năm, với thứ bóng đá bạo lực vẫn cứ xảy ra mà chưa có biện pháp nào ngăn cản nổi.
Đỗ Hùng Dũng bị gãy chân trong ngày Hà Nội FC hạ CLB TP HCM 3-0.
Phút 28 trận đấu giữa TP HCM và Hà Nội FC, ở phía sân nhà cách cầu môn tới 30 mét, Ngô Hoàng Thịnh trong vai trò trung vệ thực hiện cú xông phi vào chân phải của Hùng Dũng. Tiếng “rắc” vang lên ở sân Thống Nhất. Hoàng Thịnh hốt hoảng còn Hùng Dũng đau đớn nằm vật trên sân. Xe cấp cứu đưa Hùng Dũng thẳng đến bệnh viện. Anh bị gãy xương chày và xương mác. Ca phẫu thuật sau đó giúp Hùng Dũng ổn định hơn. Nhưng 6-8 tháng là khoảng thời gian mà Hùng Dũng phải rời xa sân cỏ.
Hoàng Thịnh trở thành một kẻ tội đồ. Một phần, anh gây ra chấn thương nghiêm trọng cho tuyển thủ quốc gia. Mặt khác, cách mà anh chơi bóng quá xấu xí và bạo lực. Mọi căm phẫn đổ dồn lên Hoàng Thịnh trên mọi góc độ. Nhiều người còn muốn Hoàng Thịnh bị treo giò vĩnh viễn. Nhưng nếu Hoàng Thịnh là cái tên duy nhất chơi xấu ở Việt Nam thì đáng để bóng đá đất nước này loại bỏ. Nhưng điều đáng nói, Hoàng Thịnh cũng chỉ là một nạn nhân cho thói quen đá xấu vốn ăn vào tiềm thức của nhiều cầu thủ ở các địa phương khác nhau của Việt Nam.
Trước Hoàng Thịnh, Ngọc Hải từng khiến Anh Khoa mất nghề cầu thủ bóng đá. Trước Hoàng Thịnh, Huỳnh Tấn Tài từng khiến Dương Văn Hào phải đóng 7 cái đinh vào chân và mất 2 năm mới trở lại sân cỏ. Trước Hoàng Thịnh, Đình Đồng từng khiến Anh Hùng gãy chân và mất luôn phong độ đỉnh cao. Chỉ cần search từ khoá bạo lực V.League thôi, người ta cũng đủ ngán ngẩm với những pha vào bóng đầy thô thiển của một nhóm đông cầu thủ.
Bạo lực khác với nhiệt huyết sân bóng. Nhưng không phải cầu thủ nào cũng được dạy dỗ cho một sự tách bạch hai khái niệm. HLV Nguyễn Đức Thắng của Bình Định nói rằng: “Khái niệm từ ngữ trong huấn luyện mà các thầy hay nói với những cầu thủ trẻ là “đá mạnh vào – máu lửa vào” mà không chỉ cho họ đá mạnh là như thế nào? Máu lửa là như thế nào? Nhiệt huyết và quyết liệt khác với bạo lực bởi vì bạo lực là hành vi có ý đồ một cách rất rõ nét”. Không ai chỉ cho cầu thủ sự rõ rệt trong tính chất khác nhau của hai khái niệm ấy. Và bản thân những người đang xem bóng đá của Việt Nam cũng không hẳn đã nằm lòng hai khái niệm kể trên. Đội tuyển Việt Nam từng không ít lần đá xấu đối thủ, một cách thô bạo. Chính Hoàng Thịnh từng có pha phi cả hai chân vào cầu thủ Hàn Quốc. Khi ấy với nhiều người, đó là hành động thể hiện nỗ lực vì màu cờ sắc áo. Nhưng chỉ cần đổi trường hợp đấy vào V.League, người ta cũng đủ thấy cú vào bóng của Hoàng Thịnh là đáng lên án thế nào.
Hoàng Thịnh sẽ phải đối diện với án phạt rất nặng. Điều đó là hoàn toàn xác đáng. Nhưng câu hỏi được đặt ra rằng sau câu chuyện của Hoàng Thịnh, liệu bóng đá Việt Nam có “tẩy trắng” được suy nghĩ đá nhiệt huyết theo kiểu bạo lực hay không? Liệu bóng đá Việt Nam có thay đổi 180 độ suy nghĩ từ chính những lò đào tạo bóng đá về cách chơi tiểu xảo, đá xấu, đá láo của cầu thủ hay không?
Video đang HOT
Quay trở lại câu chuyện 7 năm về trước, đông đảo người hâm mộ lại nức lòng với U19 Việt Nam với HAGL là nòng cốt. Cách mà họ đá đẹp ở đây không phải là những đường chuyền ban bật đẹp mắt, không phải những pha tấn công huyền ảo. Bởi thực sự, cách mà các cầu thủ giữ đôi chân cho đồng nghiệp, cách mà bầu Đức sẵn sàng phạt nặng cầu thủ của mình khi chơi xấu mới là điều mà người hâm mộ xem đấy là đá đẹp. Bóng đá Việt Nam cần những lò đào tạo bóng đá mà xuất phát điểm, họ dạy cho các cầu thủ biết cách chơi bóng không bạo lực. Thành tích rất quan trọng. Nhưng vì thành tích mà bất chấp đá xấu, đá láo thì chẳng thể nào chấp nhận được cả.
Hơn ai hết, bóng đá Việt Nam cần những HLV sẵn sàng đuổi học trò vì đá xấu như Đức Thắng. Hơn ai hết, bóng đá Việt Nam cần trọng tài đủ mạnh tay để rút thẻ đỏ thay vì rụt rè định rút thẻ vàng như trọng tài điều khiển trận TP HCM và Hà Nội FC ở vòng 5 vừa qua. Và hơn ai hết, bóng đá Việt Nam cần có sự cổ động mạnh mẽ từ phía người hâm mộ trong việc bài trừ nạn đá xấu, bạo lực trên sân cỏ cả nước.
Vấn nạn bóng đá bạo lực ở V-League: Để có bóng đá đẹp, phải ươm mầm từ trẻ
Vai trò và thái độ của các CLB - những người lớn, từ lãnh đạo đến các HLV là mấu chốt quan trọng nhất quyết định chất lượng đào tạo bóng đá trẻ, bởi nó hình thành nên nhân cách và lối đá của các cầu thủ sau này.
Đình Đồng (phải - SLNA) phạm lỗi với Anh Hùng (An Giang) tại V-League 2013 nên bị cấm thi đấu 9 tháng
Rắn mặt như lò SLNA
Khi Ngô Hoàng Thịnh của CLB TP.HCM vào bóng thô bạo làm gãy chân Đỗ Hùng Dũng của CLB Hà Nội trong trận đấu ở vòng 5 V-League diễn ra giữa tuần qua, như phản xạ, đa số người hâm mộ bóng đá quy kết do cách đào tạo bóng đá trẻ ở Sông Lam Nghệ An (SLNA) dẫn đến tình cảnh này. Khó trách sự quy kết đó, vì từ xưa đến nay bóng đá xứ Nghệ luôn nổi tiếng bởi kiểu vào bóng nguy hiểm, chiếm đến 5 trong 6 pha phạm lỗi thô bạo dẫn đến chấn thương nặng của bóng đá VN.
Thực tế các cầu thủ xứ Nghệ bị ảnh hưởng bởi kiểu đá bóng "chém đinh chặt sắt" của các anh, các chú từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Cầu thủ đội khách không dám cầm bóng ở sân Vinh là bình thường, nếu không muốn dính gầm giày của quân "quê choa". Không thể nói quân SLNA tự nghĩ ra cách đá như thế nếu không có sự cho phép, dung dưỡng của các HLV, lãnh đạo CLB và cả các CĐV.
Chỉ khi nào các cầu thủ trẻ được đào tạo cách tự tin dám giữ bóng và triển khai lối chơi của mình, thì họ mới không còn tư duy đá triệt hạ nhằm ngăn cản hoặc đe dọa đối phương chơi bóng
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương
HLV Quốc Vượng, một cựu tuyển thủ của SLNA, từng chia sẻ trên một kênh truyền hình: "Lúc tôi còn đá bóng, SLNA có một đặc điểm thống nhất, hễ đồng đội bị đối phương đá xấu thì toàn đội bóng sẽ bảo vệ bằng cách đá rắn với chính cầu thủ kia. Vì thế các đội bóng khi gặp chúng tôi đều rất ngán. Cũng từ khi còn bé tập ở đội trẻ và nhặt bóng ở sân Vinh, tôi đều thấy ban huấn luyện và khán giả thường vỗ tay sau mỗi pha vào bóng rất rắn của cầu thủ SLNA. Đó là thời điểm tôi nhầm lẫn đá quyết liệt và đá "láo" là một, rằng một pha bóng triệt hạ đối thủ cũng là biểu hiện cho cách đá máu lửa. Phải đến sau này, nhất là khi làm thầy tôi mới hiểu cần phải làm rõ sự khác biệt để có cách định hướng chuẩn xác hơn đến các học trò. Chúng ta phải rạch ròi giữa đá cống hiến, quyết liệt với đá xấu, triệt hạ ngay từ khâu đào tạo trẻ, từ những người thầy. Có vậy, bóng đá VN mới tiến bộ được".
Thực tế, cầu thủ SLNA sau này đã bớt đá kiểu triệt hạ hơn, một phần nhờ sự quyết liệt của dư luận, trọng tài, VFF và VPF mạnh tay phạt nặng. Đặc biệt, SLNA cũng từng sản sinh khá nhiều ngôi sao kỹ thuật như Văn Quyến, Công Vinh, Như Thuật, Phi Sơn, Văn Đức... Những HLV trẻ như Như Thuật, Văn Quyến... vài năm qua giúp bóng đá trẻ SLNA gặt hái thành quả tích cực từ kết quả đến lối chơi.
Điều này chứng tỏ khi tư duy huấn luyện thay đổi tích cực thì cách chơi bóng sẽ tiến bộ theo. Điều này đặc biệt đúng với mối quan hệ sâu sắc: Nhận thức của người thầy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biểu hiện chơi bóng của các em nhỏ.
Bạo lực là biểu hiện của người kém cỏi
Điểm lại những chấn thương nặng từ các pha vào bóng nguy hiểm gần đây, có thể kể ra cầu thủ từ các đội SLNA, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Long An... với điểm chung là những cầu thủ trẻ cậy khỏe, cho rằng mình dũng cảm nhưng thực tế không giỏi kỹ thuật.
Ngược lại, người ta thấy rất ít những cầu thủ đến từ các CLB có tiếng chơi kỹ thuật như HAGL, Hà Nội, Viettel, PVF bỏ bóng đá người. Trong bóng đá, hình ảnh của bạo lực là biểu hiện của những đội có chuyên môn kém. Khi không thể chơi bóng thông minh, nhanh và kỹ thuật hơn đối thủ thì người ta buộc phải chọn cách cùn nhất là phạm lỗi để dằn mặt hoặc dọa đối phương.
Các trung tâm bóng đá trẻ cần chú trọng đào tạo chuyên môn lẫn đạo đức để những hình ảnh này không còn tái diễn
Do vậy, vai trò và thái độ của người lớn ở các CLB, từ lãnh đạo đến HLV, là cực kỳ quan trọng đến cách chơi bóng của các cầu thủ trẻ sau này. Để bóng đá VN ngày một đẹp và ít bạo lực hơn, con đường tất yếu là phải nâng cao trình độ và nhận thức của những người làm bóng đá trẻ. Làm sao để học trò chơi bóng văn minh, những chú bé nhặt bóng mơ về lối đá đẹp khi hằng ngày ở khu vực kỹ thuật các thầy và lãnh đạo liên tục văng tục, thay vì cầm bóng chơi lại xua quân "đá chết bỏ"!
Bóng đá VN đang ngày một đẹp hơn khi nhìn vào V-League. Cùng với việc AFC phổ cập các lớp huấn luyện với các chứng chỉ A, B, C và Pro thì chất lượng các trận đấu ở giải trẻ cũng cải thiện rõ rệt. Những địa phương có đầu tư vào bóng đá trẻ như HAGL, Hà Nội, Viettel, PVF nổi bật hẳn nhờ trình độ kỹ chiến thuật vượt trội. Nhưng vẫn còn những địa phương đào tạo bóng đá trẻ cũ kỹ kiểu bắt học trò chạy ngoài trời lúc giữa trưa nắng thì vẫn phải thường xuyên đá "láo", đá bậy. Khác biệt chỉ được thu hẹp lại nếu các địa phương có tầm nhìn và quyết tâm, thực sự đầu tư con người, tài chính nghiêm túc và kiên nhẫn. Đó cũng sẽ là mục tiêu dài hạn mà VFF hướng đến khi mời Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi về làm để đưa ra những chương trình, giáo án đào tạo HLV, trọng tài, cầu thủ trẻ phù hợp với đặc thù VN.
Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương: "Chỉ khi nào các cầu thủ trẻ được đào tạo cách tự tin dám giữ bóng và triển khai lối chơi của mình, thì họ mới không còn tư duy đá triệt hạ nhằm ngăn cản hoặc đe dọa đối phương chơi bóng".
Chú trọng cả về chuyên môn lẫn đạo đức
HLV Lưu Ngọc Hùng, cựu trung vệ TMN-CSG, cho rằng: "Khi lối đá thô bạo, đá mạnh, đá rát, đá dằn mặt đối phương được các thầy dung dưỡng từ khi trò còn nhỏ, thì nó sẽ hình thành thói quen của trò và trở thành hành vi khi các em lớn lên". Vì thế, khi thành lập Trung tâm bóng đá Ngọc Hùng năm 2014, ông đã đề ra cách làm chuyên nghiệp về chuyên môn và đặc biệt là đạo đức. Thứ nhất, trung tâm luôn đề cao tác phong và tính kỷ luật, từ những việc nhỏ nhất như giờ giấc, đi đứng, thái độ của học viên luôn được các thầy nhắc nhở.
Thứ hai, về chuyên môn, các thầy luôn nhắc nhở, dạy bảo học viên phải nắm luật, hiểu luật và tôn trọng luật. Tất cả phản ứng trong thi đấu với trọng tài, đội bạn hay đồng đội đều được các thầy nhắc nhở một cách nghiêm khắc. Trung tâm không bao giờ đề cao việc chạy theo thành tích mà quan trọng việc phát triển kỹ năng lâu dài, về cách hành xử fair play cũng như thượng võ với các học viên của mình. Bởi theo ông Hùng, với các học viên từ 6 tuổi thì các con chưa ý thức được chơi bóng như thế nào là đúng, chưa hình thành suy nghĩ ăn thua trong đầu mà chỉ là phản xạ theo kiểu khó chịu khi thua trận. Vì thế các thầy luôn nhắc nhở và định hướng các con biết chơi thế nào là phù hợp nhất.
Cũng theo ông Đoàn Minh Xương, đào tạo trẻ có nhiều cấp độ. Từ 4 - 15 tuổi đào tạo cơ bản kỹ chiến thuật và tư duy chơi bóng. Từ 16 tuổi trở đi các em mới xác định theo bóng đá chuyên nghiệp, ăn ở tập trung tại CLB. Lúc này, các bạn trẻ cần học kiến thức dinh dưỡng, y học thể thao... và trang bị tâm lý để chịu được áp lực rất lớn về thành tích, ứng xử với truyền thông, khán giả... CLB phải có những chương trình cụ thể để xác định rõ cho các cầu thủ những pha vào bóng bị ngăn cấm, ví dụ như gầm giày, phi 2 chân... Bóng đá chuyên nghiệp không còn là trò chơi mà là ngành công nghiệp bạc tỉ. Mỗi cầu thủ được trân trọng như sản phẩm đắt giá nên không còn đơn thuần là ra sân đá thắng - thua mà còn phải được bảo vệ và tự biết giữ gìn hình ảnh đẹp. Khi nào cầu thủ, HLV và lãnh đạo các đội bóng biết giữ gìn hình ảnh để phát triển chuyên nghiệp thì bóng đá tự nhiên mới trở nên đẹp hơn.
Còn HLV Trần Công Minh cho rằng: "Làm công tác đào tạo bóng đá trẻ phải yêu thương học trò như con mình. Nếu mình muốn con mình khi ra đời như thế nào thì phải dạy các cầu thủ trẻ y như vậy. Trẻ nhỏ rất tinh ý và có ý thức học hỏi từ người lớn rất nhanh, cả những điều tốt và xấu. Có ươm mầm trẻ trong môi trường tốt thì chúng ta mới có những cầu thủ tốt khi trưởng thành".
Bạo lực sân cỏ trở lại: Hướng đến nền bóng đá sạch Các CLB phải thay đổi tư duy làm bóng đá, đề cao đạo đức cầu thủ nhằm hạn chế thấp nhất bạo lực sân cỏ. Chỉ có như vậy, môi trường bóng đá Việt mới sạch, phát triển theo hướng chuyên nghiệp Môi trường bóng đá cạnh tranh quyết liệt, nhất là ảnh hưởng từ tài chính của các ông chủ, đã khiến...