Phá rừng phòng hộ làm nhà máy xi măng
Rừng phòng hộ Dầu Tiếng (Tây Ninh) có ý nghĩa rất quan trọng về sinh thái và môi trường không chỉ cho Tây Ninh mà còn nhiều địa phương khác như: TP.HCM, Long An, Bình Dương… Thế nhưng, nó đang từng ngày bị “xẻ thịt”.
Vào năm 2006, có 238 ha rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã phải “hy sinh” cho Nhà máy xi măng (NMXM) Fico Tây Ninh (giai đoạn 1). Giờ đây, NM này đang vào giai đoạn chuẩn bị “phá” thêm 365 ha rừng phòng hộ.
Theo tìm hiểu, giai đoạn 1 NMXM Fico Tây Ninh (xã Tân Hòa, H.Tân Châu) do Công ty CP xi măng Fico Tây Ninh làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 11.2006 và chính thức hoàn thành vào tháng 10.2009. Việc thực hiện dự án chia thành nhiều giai đoạn. Thực tế trước đó, năm 2004, UBND tỉnh có Quyết định 348 cho chuyển đổi trên 79 ha đất lâm nghiệp sang đất chuyên dùng để thực hiện dự án xây dựng NMXM Fico Tây Ninh. Tiếp đến, từ 2006 – 2009, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục cho chuyển đổi và giao tổng cộng trên 238 ha đất rừng phòng hộ để triển khai xây dựng NM và khai thác mỏ đá. Hiện, NMXM Fico Tây Ninh đang tiến hành các hoạt động khai thác mỏ đá trên diện tích 80 ha (trong số 238 ha nêu trên) nằm trên khu vực rừng phòng hộ. Ngoài ra, các diện tích còn lại được xây dựng hạ tầng cơ sở và khu NM. Một người dân xã Suối Ngô (H.Tân Châu) nói: “Lợi ích từ NM sản xuất xi măng đối với người dân chưa thấy đâu, nhưng trước mắt thì đường sá bị phá nát, tai nạn giao thông thường xuyên diễn ra do những đoàn xe chuyên chở nguyên vật liệu ra vào (ngang qua địa bàn xã Suối Ngô – PV) NM”.
Chiều 9.10, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Thuần, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (Sở NN-PTNT Tây Ninh) khẳng định, toàn bộ diện tích 238 ha rừng đã giao xây dựng NMXM Fico Tây Ninh chính là đất thuộc rừng phòng hộ Dầu Tiếng trước đây. Theo ông Thuần, rừng phòng hộ Dầu Tiếng có từ rất lâu đời và là rừng nguyên sinh, có giá trị về nhiều mặt: “Hiện khu rừng có diện tích hơn 29.000 ha vẫn đang giữ vai trò rất tốt trong việc đảm bảo chức năng phòng hộ đối với hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Nếu mất rừng này thì sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của hồ Dầu Tiếng và dễ xảy ra nhiều nguy cơ khác đi kèm sau đó”.
Theo số liệu của BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, thời điểm trước năm 2007, rừng ở đây có diện tích trên 34.359 ha. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất (vào tháng 9.2012), quy hoạch rừng của UBND tỉnh Tây Ninh, rừng phòng hộ Dầu Tiếng giảm còn 29.555 ha.
PV Thanh Niên trao đổi cùng BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng ngay bên trong khu rừng sắp “xẻ thịt” làm dự án dây chuyền 2 nhà máy xi măng – Ảnh: Giang Phương
Chuẩn bị “xẻ” thêm 365 ha rừng nguyên sinh
Video đang HOT
Việc bảo vệ rừng phòng hộ trở thành mục tiêu chung của quốc gia, nhưng mới đây UBND tỉnh Tây Ninh đã có Tờ trình số 1330 ngày 29.6.2012 trình HĐND tỉnh thông qua Báo cáo quy hoạch phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020. Tờ trình nêu rõ diện tích đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp tổng cộng 468 ha, trong đó có đến 420 ha thuộc rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Trong số 420 ha này sẽ cắt 365 ha để thực hiện dây chuyền 2 NMXM Fico Tây Ninh (gồm khu khai thác mỏ, băng tải, băng chuyền, trạm đập, bãi chứa đất sét 1, 2 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ). Sau tờ trình này, ngày 24.9.2012, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định 1837 về việc phê duyệt về quy hoạch và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020, trong đó sẽ “xóa sổ” thêm 420 ha đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Thông tin này như một cú sốc lớn đối với người dân và cán bộ tỉnh Tây Ninh. Ông Thuần cho biết thêm: “Chúng tôi là cơ quan cấp dưới thì phải thi hành quyết định của cấp trên. Nhưng thực sự trong thâm tâm tôi thấy rằng phá rừng nguyên sinh, nhất là rừng phòng hộ để phát triển công nghiệp thì hậu quả sẽ rất lớn và phải trả giá ngay trước mắt”.
Đúng như lời ông Thuần nói, ngay từ sáng sớm nhóm PV chúng tôi trên đường đến xã Suối Ngô (H.Tân Châu) đã thấy nơi đây đang bị ngập lụt, hàng trăm căn nhà dân bị chìm trong nước. Nhiều điểm trên đường ĐT785 bị ngập và sạt lở nghiêm trọng. Trường tiểu học Suối Ngô C phải cho học sinh nghỉ học vì bị ngập sâu trong nước trên 1 m do ảnh hưởng từ lượng nước hồ Dầu Tiếng tràn về. Ông Thuần nói: “Hàng chục năm nay ở đây chưa bị ngập như vậy bao giờ. Hậu quả trước mắt là đây, nước từ đầu nguồn đổ về, nếu không có rừng phòng hộ thì không những đầu nguồn bị ngập mà hạ nguồn sông Sài Gòn cũng bị ngập theo”.
Có mặt tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng nơi 365 ha rừng sắp biến mất, chúng tôi ghi nhận sự phong phú đa dạng của thảm thực vật tại đây. Hiện tại, trong khu rừng còn rất nhiều loài cổ thụ có giá trị như: giáng hương, sao, dầu… có tuổi đời đến gần trăm năm. Theo BQL, hiện 365 ha rừng dự kiến quy hoạch giao cho NMXM Fico Tây Ninh nằm hoàn toàn trong khu vực rừng phòng hộ, còn nguyên thủy. Trước đây, nhiều đơn vị đến khảo sát và thăm dò và đã phát hiện trong khu vực này (thuộc tiểu khu 40 và 41) có mỏ đá với trữ lượng lớn.
Để làm rõ hơn, chiều qua, chúng tôi đến NMXM Fico Tây Ninh để tìm gặp lãnh đạo, nhưng bảo vệ cho biết lãnh đạo không có trong NM.
Dự án NMXM Fico Tây Ninh thuộc nhóm A được Chính phủ thông qua và cho phép đầu tư theo Văn bản số 166 ngày 6.2.2004 với tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỉ đồng. Ngày 29.4.2008, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc bổ sung dự án dây chuyền 2 xi măng Fico Tây Ninh vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam theo Văn bản số 2699 ngày 29.4.2008. Ngày 5.3.2010, Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 327 phê duyệt chủ trương đầu tư dây chuyền 2, nâng tổng công suất lên 3 triệu tấn/năm. Hiện dây chuyền này đang tiến hành khảo sát để đặt trong 365 ha rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Theo TNO
365 ha rừng hồ Dầu Tiếng sẽ bị "trảm"?
Nếu rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng bị phá, hàng triệu người ở Bình Dương, TP.HCM, Long An sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những cây cổ thụ, những tán rừng dày với thảm thực vật phong phú của 365 ha rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng sẽ bị triệt hạ để giao cho Công ty Xi măng Fico Tây Ninh thực hiện giai đoạn 2 Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh (dù giai đoạn 1 chưa kết thúc). Nội dung nêu trên trong tờ trình của UBND tỉnh Tây Ninh được HĐND tỉnh này thông qua tại kỳ họp tháng 7-2012 đang làm các chuyên gia về môi trường và nhiều người lo lắng.
Chặt rừng để giao đất cho doanh nghiệp
Trước đó (tháng 10-2011), tại cuộc hội thảo do Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM tổ chức, ông Trần Duy Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) lưu ý phải ưu tiên trồng lại rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng. Tờ trình quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 của UBND tỉnhTây Ninh lại nêu: Đề nghị loại khỏi quy hoạch rừng đối với 365 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng để giao cho Công ty Xi măng Fico Tây Ninh thực hiện giai đoạn 2 Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh (gồm khu khai thác mỏ, bãi chứa sét...).
Trao đổi với chúng tôi, một đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh nói: "Tôi kiên quyết phản đối việc loại khỏi quy hoạch 365 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Trong khi giai đoạn 1 của nhà máy xi măng này còn 10 năm nữa mới khai thác xong, tại sao chúng ta phải triệt hạ một cánh rừng mấy chục năm tuổi? Không hiểu sao tỉnh lại sốt sắng với một dự án làm mất rừng phòng hộ và nguy cơ gây thiếu hụt nước, ô nhiễm môi trường như vậy. Công ty Xi măng Fico chỉ là một công ty cổ phần. Nếu đem ra cân đo thì số tiền đóng thuế của họ chẳng thấm vào đâu so với việc rừng bị mất. Tôi sẽ phản đối đến cùng".
Những cây cổ thụ cùng thảm thực vật dày này có nguy cơ phải nhường chỗ cho nhà máy xi măng. Ảnh: NĐ
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu rừng phòng hộ sắp bị "trảm" có mật độ cây rừng dày, thảm thực vật phong phú, nhiều cây gỗ có đường kính cả mét. Một cán bộ rừng quốc gia Lò Gò Xa Mát nhận xét: Khu rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng có ý nghĩa quan trọng đến mực nước hồ Dầu Tiếng. Việc loại cánh rừng này khỏi quy hoạch là việc làm cần phải cân nhắc chứ không thể vội vã...
Đánh đổi quá lớn
Với thông tin cắt rừng phòng hộ đầu nguồn để làm dự án xi măng, GS-TSKH Nguyễn Ân Niên - Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM nói: "Bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng là bảo vệ an nguy cho hồ Dầu Tiếng. Việc ăn cả rừng phòng hộ đầu nguồn dù dưới bất kỳ hình thức nào là hành vi tàn hại môi trường và gây hậu quả lớn cho hàng triệu người dân ở nhiều tỉnh sử dụng nước lòng hồ này. Trong khi lượng xi măng trong nước đang tồn đọng do quá nhiều nhà máy xi măng hoạt động thì việc cắt thêm rừng để làm dự án cần phải được đánh giá và trình các cơ quan chức năng trung ương, các chuyên gia thẩm định".
Tờ trình "trảm" 365 ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng.
Cùng quan điểm, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí hậu, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), phản đối: Việc cắt hơn 300 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mực nước hồ Dầu Tiếng. Một khi rừng đầu nguồn đã bị triệt hạ thì khả năng tích nước, giữ nước của rừng không còn, lâu dài lòng hồ này sẽ kiệt dần nước. Hàng triệu dân ở Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc phát triển kinh tế địa phương cần phải đi đôi với bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên, không gây tổn thất cho môi trường và sinh kế của người dân. Nếu vì một dự án mà cắt đi hàng trăm hecta rừng đầu nguồn là việc làm nguy hiểm cho môi trường và đánh đổi quá lớn" - TS Tứ lo lắng.
Chúng tôi mang những lo lắng trên đến trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. bà Thủy nói: Việc đưa 365 ha rừng ra khỏi đất lâm nghiệp mới chỉ là quy hoạch. Khi triển khai giai đoạn 2 của Nhà máy Fico, tỉnh sẽ xin ý kiến HĐND, Chính phủ. Khi kết thúc giai đoạn 1 của nhà máy, tỉnh sẽ đánh giá toàn diện với sự tham gia của HĐND và ngành chức năng. Sau đó UBND sẽ xin ý kiến Chính phủ, HĐND mới tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Đây là dự án xi măng đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2008. Đối với giai đoạn 2 của nhà máy này, mọi việc chỉ mới là trong giai đoạn quy hoạch, khi triển khai tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ việc bảo vệ môi trường của dự án này...
Hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam và Đông Nam Á. Hồ nằm chủ yếu trên địa phận huyện Dương Minh Châu và một phần nhỏ trên địa phận huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (cách thị xã Tây Ninh 25 km về hướng đông). Hồ có diện tích mặt nước là 270 km² và 45,6 km² đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỉ m³ nước. Hồ được khởi công xây dựng vào tháng 4-1981 và hoàn thành vào ngày 10-1-1985. Hồ này còn cung cấp nước cho nhà máy lọc nước ở Thủ Đức.
Theo PL
Phát hiện rau nhiễm khuẩn Chiều 5.10, Ban quản lý Chợ đầu mối Hòa Cường, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) cho biết một mẫu rau xanh tại chợ bị phát hiện nhiễm vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột. Trước đó, giữa tháng 8 vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản thuộc Sở Nông...