Phá rừng ở Gia Lai: Chưa khám nghiệm hiện trường vì trời nhiều mây
Liên quan đến vụ phá rừng ở Gia Lai, đoàn khám nghiệm liên ngành của tỉnh này vừa đến chân núi liền quay trở về, không tiếp tục kiểm tra hiện trường theo kế hoạch do trời nhiều mây, mưa phùn nên không thể dùng thiết bị định vị GPS.
Sáng 26.12, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai gồm: Công an, Viện kiểm sát, Chi cục kiểm lâm, Hạt kiểm lâm Chư Păh và UBND 2 xã Chư Đăng Ya, Đắk Tờ Ver tập trung vào khu vực rừng giáp ranh 2 huyện Chư Păh – Đắk Đoa, khám nghiệm hiện trường theo kế hoạch. Tuy nhiên, khi Đoàn vừa lên đến bãi tập kết dưới chân núi Chư Đăng Ya thì bất ngờ dừng lại, quay trở về.
Theo một cán bộ công an phụ trách chuyến đi, trời nhiều mây, mưa phùn nên không thể dùng thiết bị định vị GPS để xác định vị trí cây gỗ bị phá. Do vậy, kế hoạch khám nghiệm hiện trường, đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc phải tạm hoãn.
Đoàn không thể khám nghiệm vì trời nhiều mây.
Có mặt trong Đoàn khám nghiệm sáng nay, ông Nguyễn Văn Nội – Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya ý kiến: Để ngăn chặn hiệu quả lâm tặc vào rừng khai thác gỗ trái phép, cần có một quy chế phối hợp chặt chẽ giữa kiểm lâm, chủ rừng và địa phương. Ngay cửa rừng phải được đặt chốt bảo vệ, giao trách nhiệm cho từng đơn vị tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau. Con đường này, nếu đào hào, móc mương mà không quản lý chặt, lâm tặc cũng sẽ san ủi và lại tiếp tục vào rừng.
Vừa đến cửa rừng, đoàn khám nghiệm phải quay về vì không dùng được thiết bị định vị GPS do trời nhiều mây.
Như Dân Việt đã phản ánh, rừng ở khu vực núi Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh) và các vùng phụ cận giáp với huyện Đắk Đoa (Gia Lai) bị phá rất nghiêm trọng. Thời điểm phóng viên tiếp cận hiện trường phát hiện hàng chục lóng gỗ được lâm tặc tập kết bên đường vào rừng. Những cây gỗ 2-3 người ôm có dấu vết vẫn còn rất mới.
Thâm nhập sâu hơn vào trong rừng, chúng tôi phát hiện rất nhiều cây gỗ to bị lâm tặc đốn hạ nằm khắp nơi. Tính sơ sơ có nhiều lóng gỗ vẫn còn trong rừng chưa bị lâm tặc kéo về.
Bước đầu xác định, rừng bị phá nằm trên địa phận xã Đắk Tờ Ver (huyện Chư Păh, thuộc quản lý của Ban quản lý Dự án 661 – Tỉnh đội Gia Lai, đơn vị được UBND tỉnh giao trồng và bảo vệ rừng) và xã Đắk Krong (huyện Đắk Đoa).
Khúc gỗ to được lâm tặc tập kết bên đường.
Video đang HOT
Mới đây, UBND huyện Chư Păh có báo cáo nhanh về tình trạng phá rừng xảy ra trên khu vực mà báo chí từng phản ánh. Qua 2 đợt kiểm tra ngày 7.12 và 17.12, chỉ phát hiện 24 lóng gỗ tròn với khối lượng 20,6m3 gỗ nhóm 5-6 (gỗ giẻ, bứa, săng mã). Về vị trí gốc cây rừng bị phá được xác định có 16 gốc, cụ thể: Tại tiểu khu 208 thuộc Ban 661 (địa phận trên xã Đắk Tơ Ver, Chư Păh) phát hiện có 10 gốc; Tiểu khu 431, xã Đắk Krong (huyện Đắk Đoa) có 6 gốc. Tất cả đều có đường kính từ 35-90cm.
Theo Danviet
Gia Lai: Kinh hoàng thấy cảnh rừng xanh tan nát
Chỉ cách TP.Pleiku chừng 25km, lâm tặc mở tuyến đường xuyên rừng khai thác gỗ với quy mô rất lớn, mức độ tàn phá kinh hoàng. Gỗ ngày ngày mất đi nhưng ngành chức năng dường như còn yên lặng.
Qua bạn đọc phản ánh, rừng xanh khu vực ở xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh) và các vùng phụ cận giáp với huyện Đắk Đoa (Gia Lai) bị phá rất nghiêm trọng. PV Dân Việt đã có chuyến điều tra, thâm nhập ghi nhận thực tế. Mặc dù được chỉ đường từ trước, chỉ cần đi xe máy khoảng 25 phút từ thành phố Pleiku đến xã Chư Đăng Ya là đến được cửa rừng nhưng khi đến nơi chúng tôi vẫn quá ngỡ ngàng. Bởi cửa rừng không đâu xa, mà nằm phía sau lưng UBND xã Chư Đăng Ya khoảng 2km. Nhìn từ xa ít ai nghĩ rằng sau đỉnh núi có phần trơ trọi là cả "thiên đường rừng xanh", mảnh đất màu mỡ của lâm tặc bấy lâu nay khai thác.
Lâm tặc mở đường lên núi ở Chư Đăng Ya.
Dưới chân núi, đường vào rừng không phải lối mòn mà rộng thênh thang, dấu vết xe cơ giới múc đường cũ, mới vẫn còn in rõ và lằn vết xe đi lại còn rất mới. Qua quả đồi đầu tiên vài trăm mét là bãi tập kết gỗ rộng hàng nghìn mét vuông và cách đó không xa, tại những lối mòn là hàng chục lóng gỗ cỡ 2 - 3 người ôm, dài 5 - 6 mét được lâm tặc cất dấu, nhựa cây vẫn còn tươi. Đâu đó trong rừng vẫn nghe tiếng cưa máy, tiếng xe độ chế inh ỏi. Từ đây đi sâu vào trong rừng mới biết như thế nào là tan nát rừng xanh, cảnh cây cối đổ ngã khắp nơi, gỗ cổ thụ chỉ còn lại gốc.
Khúc gỗ to được lâm tặc tập kết bên đường.
Dọc theo đường chính, có thể thấy hàng trăm "đường xương cá" xuyên vào rừng, đi vài chục mét có thể bắt gặp 4 - 5 lóng gỗ to để sẵn bên đường được đánh dấu chờ chuyển đi. Trong rừng nhưng đường lại nhiều như phố, rẽ ngang, rẽ dọc vươn ra tua tủa. Men theo những "đường xương cá" này len lỏi vào rừng, chỉ cần đi vài mét có thể thấy vài gốc gỗ to bị đốn hạ, cưa xẻ tại chỗ. Theo chúng tôi ghi nhận được, có gần cả trăm lóng gỗ to 2-3 người ôm được tập kết dọc đường hoặc cây gỗ đã bị đốn hạ cắt thành lóng dài ở trong rừng nhưng chưa được chuyển ra. Nếu đếm gốc tính số cây bị phá thì khó tưởng tượng nổi(!).
Người chỉ đường cho biết, chỉ cần theo con đường này cũng có thể xuyên rừng đi đến xã Đắk Tờ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), càng vào sâu mới tận thấy cảnh kinh hoàng của rừng bị phá. Cơ quan chức năng nói gì về vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sớm nhất đến bạn đọc.
Một số hình ảnh PV ghi lại cảnh rừng xanh bị tàn phá kinh hoàng:
Sâu trong rừng, các con đường in dấu xe cơ giới vẫn còn rất mới.
Gỗ tập kết bên đường chuẩn bị đưa đi .
Gỗ được đánh dấu của lâm tặc tên H.
Gỗ được giấu, che kín hai bên đường xương cá.
Gỗ bị đánh dấu.
Cây gỗ bị đốn hạ ngổn ngang.
Gỗ mới hạ được lâm tặc che đậy trong rừng.
Gỗ bị cưa xẻ ngay tại rừng.
Cây gỗ cổ thụ chỉ còn gốc.
Những cây gỗ bị đốn hạ còn sâu trong rừng.
Cung đường xuyên rừng xanh.
Rừng xơ xác, tan hoang vì lâm tặc .
Theo Danviet
Vụ phá rừng ở Gia Lai: Đoàn liên ngành sẽ vào rừng khám nghiệm Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh - nói: "Việc phá rừng có sự tiếp tay cho lâm tặc hay không cần phải bắt được chủ gỗ mới biết được". Rừng bị tàn phá, ai tiếp tay? Sau khi Dân Việt đăng tải loạt bài: "Gia Lai: Kinh hoàng thấy cảnh rừng xanh tan nát" phản ánh rừng...