Phá rừng liên tục ở Quảng Nam: Một kiểm lâm quản lý 10.000ha sao nổi
“ Kiểm lâm có mấy người mà làm sao đi bảo vệ hết rừng được”, một lãnh đạo ngành nông nghiệp Quảng Nam cho hay.
Ngày 11.5, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam xung quanh các vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn và việc nhiều kiểm lâm đã có đơn xin nghỉ việc.
“Nhiều cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc là do bị áp lực trong công việc. Thứ hai là do tình trạng sức khỏe, chứ không phải là xin nghỉ sau khi xảy ra nhiều vụ phá rừng” – ông Hưng nói.
Ngoài ra, ông Hưng cho biết thêm, kiểm lâm xin nghỉ là do chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc đào tạo trước đây cũng chưa sâu sát với hiện thực; công việc bây giờ phải dùng các trang thiết bị mạng, nên số kiểm lâm cũ “yếu” hơn đã xin nghỉ.
Quảng Nam hiện đang thiếu rất nhiều kiểm lâm, ngành này liên tục đề xuất xin thêm biên chế. Tuy nhiên, tỉnh đang tinh giản biên chế nên rất khó xin tuyển người.
Kiểm lâm Quảng Nam bị oan sau khi xảy ra nhiều vụ phá rừng?
“Để tăng cường bảo vệ rừng, ngành có đề án dùng công nghệ thông tin, đã trình cho UBND tỉnh nhưng chưa được thông qua. Sở cũng đề xuất xin UBND tỉnh cho phép hợp đồng 100 lao động để hỗ trợ kiểm lâm trong việc bảo vệ, phát triển rừng, nhưng đó mới cũng là xin chứ chưa được chấp thuận” – ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, sau một số vụ phá rừng gần đây, ngành nông nghiệp và kiểm lâm tỉnh đã tăng cường kiểm soát tình hình, các địa phương cũng đang vào cuộc quyết liệt hơn. Bây giờ kỷ luật khắt khe hơn nên ai cũng tỏ ra khá lo lắng. Về lâu dài, cần thực hiện nhiều giải pháp, phân cấp mạnh hơn, làm sao tăng cường được tránh nhiệm của địa phương và cả người dân.
Video đang HOT
“Nhất là công tác giao khoán rừng phải cụ thể, người nhận khoán rừng phải có trách nhiệm bảo vệ rừng chứ không phải trơ trơ ra đó, rồi khi xảy ra phá rừng lại đi đổ lỗi cho kiểm lâm. Thực ra, kiểm lâm là cơ quan hướng dẫn, thực thi pháp luật, lên kế hoạch tham mưu. Địa phương phải huy động người dân, huy động các tổ chức, nguồn lực để thực hiện bảo vệ rừng. Quảng Nam có hơn 400.000ha rừng, một kiểm lâm địa bàn quản lý 10.000ha, vậy sao quản lý nổi? Nói chung, kiểm lâm có mấy người mà làm sao đi bảo vệ hết rừng được” – ông Hưng bày tỏ.
Rừng già ở Quảng Nam liên tục bị tàn phá.
Cũng theo ông Hưng, một phần cán bộ kiểm lâm có sai sót, do chưa nắm rõ tình hình, không nắm dân và không tham mưu một cách quyết liệt cho địa phương, một phần khác là do mệt mỏi sau nhiều vụ phá rừng.
Như Dân Việt thông tin, đến quý I.2018, Quảng Nam đã tiếp nhận hơn 10 đơn xin nghỉ việc của cán bộ kiểm lâm, hiện vẫn đang tiếp tục nhận đơn. Theo đề án tinh giản biên chế, cán bộ ngành kiểm lâm đăng ký nghỉ từ năm 2017 – 2021 là 46 người.
Liên quan đến các vụ phá rừng gần đây, Sở NNPTNT Quảng Nam đã có quyết định cách chức ông Trần Lanh (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiêm Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung); kỷ luật cảnh cáo ông Hồ Văn Minh (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Kôn kiêm Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn).
Cùng lúc, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cũng có 6 quyết định kỷ luật 6 kiểm lâm viên.
Theo Danviet
Quảng Nam yêu cầu chấn chỉnh bộ máy kiểm lâm sau nhiều vụ phá rừng
Sau hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn để chấn chỉnh, tổ chức lại bộ máy quản lý, bảo vệ rừng.
Ngày 18.4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam có thông báo số 116 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu tại cuộc họp bàn chấn chỉnh, tổ chức lại công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các ngành, địa phương liên quan đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy lực lượng quản lý bảo vệ rừng, công tác giao khoán bảo vệ rừng. Trên cơ sở đó xây dựng đề án củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung chủ yếu trên địa bàn 6 huyện miền núi, hướng quản lý bảo vệ rừng theo ranh giới hành chính cấp huyện.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chấn chỉnh lại bộ máy các lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Ông Đinh Văn Thu yêu cầu tách các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý theo lưu vực, liên huyện hiện nay thành các Ban quản lý theo từng huyện, trực thuộc UBND huyện. Tổ chức lại hạt kiểm lâm trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng trên địa bàn mỗi huyện chỉ tổ chức một hạt kiểm lâm, thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện, không phân biệt trong hay ngoài lâm phận các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Trưởng Ban quản lý rừng độc lập với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT).
Ông Thu còn yêu cầu, thời gian tới cần bố trí đủ ít nhất mỗi xã một kiểm lâm địa bàn (những xã có diện tích rừng tự nhiên lớn có thể bố trí tăng thêm kiểm lâm địa bàn). Kiểm lâm địa bàn thuộc biên chế của Hạt Kiểm lâm nhưng biệt phái về làm việc tại UBND xã, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND xã.
Kiểm lâm cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra một vụ phá rừng.
UBND tỉnh này còn nêu rõ, cần thay đổi hình thức giao khoán bảo vệ rừng từ nhóm hộ sang giao khoán cho cộng đồng thôn, bản. Cộng đồng thôn, bản xây dựng hương ước về bảo vệ rừng, phát huy vai trò người có uy tín và thành lập các Đội tuần tra bảo vệ rừng gồm những người đủ sức khỏe, có tâm huyết, hưởng tiền nhận khoán bảo vệ rừng, có trang phục, phương tiện, công cụ thống nhất. Kiểm lâm địa bàn cùng cán bộ lâm nghiệp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi, đôn đốc, tham gia tuần tra và đánh giá hiệu quả công việc của các Đội tuần tra...
Trước mắt, UBND tỉnh giao UBND huyện Nam Giang chủ trì xây dựng phương án tổ chức lại bộ máy, công tác quản lý, bảo vệ rừng theo nội dung trên để tổ chức làm điểm trên địa bàn huyện bắt đầu từ tháng 6.2018. Hoàn thành đề án toàn tỉnh trong tháng 10.2018 để trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt và tổ chức triển khai từ đầu năm 2019.
Gỗ rừng già ở Quảng Nam liên tục bị lâm tặc tàn phá khủng khiếp.
Như Dân Việt thông tin, liên tục trước và sau Tết đến nay, địa bàn Quảng Nam xảy ra hàng loạt vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng. Trong đó có vụ chặt phá 33 cây rừng già ở rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang). Ước tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6m3, gỗ từ nhóm III-VII; một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường gồm 5 lóng gỗ tròn và một cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852m3; 8 phách gỗ xẻ, khối lượng 2,299m3.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ phá rừng lim quý ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang). Đã có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khổi lượng gỗ thiệt hại 235,111m3; trong đó gỗ lim xanh 223,121m3 và gỗ xoan đào 11,990m3; khối lượng còn tại hiện trường 125,909m3 gỗ tròn và 3,949m3 gỗ xẻ.
Trước sự việc nghiêm trọng này, ngày 4.4, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Quảng Nam cho biết đã ký các quyết định đình chỉ công tác nửa tháng đối với 6 cán bộ kiểm lâm địa bàn Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn và Nam Sông Bung.
Theo Danviet
Phá rừng phòng hộ Quảng Nam: Kiểm lâm, chính quyền đã buông lỏng Trong báo cáo mới nhất gửi UBND tỉnh về vụ phá rừng phòng hộ, Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, kiểm lâm và chính quyền cơ sở đã buông lỏng, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ... nên để xảy ra phá rừng hàng loạt. Ngày 28.9, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo toàn bộ vụ việc...