Phá rừng, đánh bạc trên đỉnh núi
Chọn khoảng đất bằng phẳng trên đỉnh núi, lâm tặc dựng lên 16 lán trại kiên cố, làm “đại bản doanh” khai thác gỗ trái phép, đánh bạc trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (Thái Nguyên).
“Đại bản doanh” của lâm tặc và tàn tích còn lại. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Vào “đại bản doanh” của lâm tặc
Anh Phan Quốc Thụ (38 tuổi), Phó Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng cho biết, khu bảo tồn này nằm trong địa giới hành chính của 6 xã và một thị trấn thuộc huyện Võ Nhai, gồm: Thị trấn Đình Cả, xã Phú Thượng, xã Thần Sa, xã Thượng Nung, xã Sảng Mộc, xã Nghinh Tường, xã Vũ Chấn.
Khu bảo tồn quản lý, bảo vệ hơn 17.000 ha rừng đặc dụng, hơn 22.000 rừng sản xuất và rừng phòng hộ.
Sau khi tìm hiểu, chúng tôi hướng đến “đại bản doanh” của lâm tặc trên khu vực rừng đặc dụng thuộc xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường.
Chặng đường rừng dài 30km từ khu vực cửa ngõ vào tới chốt trạm kiểm lâm xã Nghinh Tường như dài đến cả trăm cây số, bởi đường đi quanh co, uốn lượn quanh núi.
Tại một khúc suối, chúng tôi thấy hàng chục thanh gỗ đang chất đống. Theo anh Thụ, đó là gỗ tận thu trong khu vực rừng sản xuất. Người dân được phép khai thác nhưng phải theo quy trình, thủ tục pháp lý.
Đi tiếp một đoạn, chỉ tay vào mấy chiếc cọc gỗ còn sót lại vắt ngang trên suối, anh Thụ bảo, khoảng năm 2009, lâm tặc dựng ba, bốn lán trạn tại địa điểm này. Chúng giả vờ trồng ngô, sắn để nguỵ trang. Từ nguồn tin quần chúng phản ánh, lực lượng kiểm lâm phát hiện đây là điểm nghỉ chân của những kẻ phá rừng.
“Chúng để xe máy ở đây, đi khai thác gỗ. Tối đến, chúng vác gỗ xuống, dùng ngựa kéo đi hoặc tiếp tục vác bộ, chứ đường này xe máy không vận chuyển được. Mỗi thanh gỗ nặng 60 – 70kg” – anh Thụ nói.
Lâm tặc rất khôn khéo, huấn luyện ngựa không cần yên cương, chỉ dùng một sợi dây kéo gỗ. Khi bị truy đuổi, chúng lấy dao chặt đứt dây thừng, thúc mạnh ngựa tẩu thoát.
Video đang HOT
Sau khi nắm tình hình, lực lượng liên ngành, gồm cả kiểm lâm, công an, quân đội, chính quyền địa phương, đã tổ chức truy quét, dẹp bỏ những lán trại trên…
Càng lên cao, đường đi càng dốc thẳm. “Ngựa sắt” toàn phải cài số 1 bám đường quanh co rừng núi. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, nhóm chúng tôi cũng đặt chân lên đến “đại bản doanh” từng náo loạn một thời của lâm tặc.
Gỗ bị lâm tặc khai thác còn nằm ngổn ngang trong rừng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Truy quét phá rừng, tệ nạn
Theo anh Pham Quốc Thụ, chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2012, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng phát hiện, bắt giữ và xử lý 123 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, một vụ khai thác trái phép rừng đặc dụng bị xử lý hình sự. Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng đã khởi tố vụ án và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Võ Nhai thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.
“Đại bản doanh” của những kẻ phá rừng là một khu đất trống, bằng phẳng, xung quanh cây rừng cao vút che chắn. Nơi đây tiếp giáp huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, vì thế chúng dễ dàng vận chuyển gỗ lậu sang tỉnh bạn hoặc tẩu thoát khi bị truy đuổi.
Cách “đại bản doanh” vài trăm mét là trại tiền tiêu của lâm tặc. Chúng tận dụng những tảng đá lớn, kê vài thanh gỗ rồi căng bạt làm nơi trú ẩn. Mỗi khi “có biến”, các “chim lợn” thông báo ngay cho đồng bọn ở tuyến sau chạy trốn.
Khu vực “đại bản doanh” còn nhiều khung trại vẫn nguyên vẹn. Dưới đất nhiều bát, đĩa, hàng đống vỏ chai bia, thùng mì tôm, cùng một số lá bài đỏ đen…, cho thấy nhiều người mới ở đây.
Bỗng nhiên, một phụ nữ mặc quần soóc đen, áo phông đỏ cùng một cậu bé khoảng năm tuổi xuất hiện. Cạnh nơi họ đang thu dọn là chiếc xe máy mới, không chút lấm bùn đất.
Phụ nữ ngoài 20 tuổi nói, lên đây “bắt mấy con gà, con chó đem về!”. Cô gái bảo, trước đây từng buôn bán đồ ăn uống tại khu vực “đại bản doanh” này. Cô ta mang theo chó, gà từ Tân Hoà (Lạng Sơn) lên nuôi. Sau khi các lán trại bị dẹp bỏ, vẫn còn nhiều chó, gà chưa đưa về được.
Trên mỏm đá, bỗng lại xuất hiện một cô gái trẻ nữa, khoảng 20 tuổi, dáng người cao, mặc quần đùi ngắn và áo phông khá sành điệu. Cô ta tiến tới phụ nữ và đứa trẻ, nói chuyện bằng tiếng dân tộc…
Anh Tiến – tổ trưởng tổ kiểm lâm cơ động, đổ hết nước trong can, dùng búa dỡ bỏ chiếc lán tạm bợ ở khu vực này. Theo anh Tiến, hai cô gái này có thể nằm trong đường dây cấu kết với lâm tặc, lên đây với ý định tiếp tục buôn bán hoặc cung cấp dịch vụ… nhạy cảm.
Anh Tiến cho biết, khoảng cuối tháng 5-2012, một số đối tượng lạ mặt đến từ Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên kéo lên khu vực Lân Đất Đỏ thuộc rừng đặc dụng (xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường) lập lán trại, khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép. Từ thông tin nhân dân phản ánh, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng truy quét.
Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Ngày 22-6-2012, tổ công tác liên ngành khoảng 27 đồng chí, gồm Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng, Viện Kiểm sát huyện, Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện Võ Nhai, UBND xã Nghinh Tường, do đồng chí Vũ Thế Cường – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thần Sa – Phượng Hoàng làm Tổ trưởng, triển khai kế hoạch truy quét.
Tổ công tác liên ngành bắt đầu xuất phát từ 5h sáng. Sau khi đến khu vực cầu nước, chia thành nhóm, áp sát mục tiêu từ nhiều hướng. Tuy nhiên, với cung đường quá dài, lại cheo leo, hiểm trở, các “chim lợn” thấy “có biến” nên nhanh chóng rút chạy. Khi tổ công tác ập tới chỉ còn một vài phụ nữ và trẻ em.
Tổng cộng 16 lán trại được lập trái phép tại đây. Lâm tặc sử dụng gỗ rừng để dựng lán rất kiên cố, phía trên lợp bạt. Tổ đã kiểm tra, lập biên bản, xác minh các lán trại này phục vụ việc cư trú bất hợp pháp của một số đối tượng đánh bạc, gây mất trật tự an toàn xã hội trên rừng đặc dụng.
Một số đối tượng đến từ huyện Bình Gia, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn); huyện Na Rì (Bắc Kạn); xã Bình Long, xã Dân Tiến (Võ Nhai, Thái Nguyên) khai thác lâm sản trái phép, sau đó sử dụng xe máy vận chuyển gỗ, một phần đi theo đường tắt trên rừng rồi xuống xã Tân Hoà (huyện Bình Gia, Lạng Sơn), một phần xuống bản Mùn (xã Nghinh Tường, Võ Nhai, Thái Nguyên) rồi đi sang huyện Bình Gia (Lạng Sơn) để trốn tránh chốt kiểm lâm.
Tổ công tác còn phát hiện 10 cục gỗ nghiến tròn (0,177m3) và 15 thanh gỗ Trai lý xẻ (0,291m3) đang cất giấu trái phép quanh khu vực lán trại.
Tổ công tác đã thống nhất lập biên bản tiêu huỷ toàn bộ 16 lán trại và số gỗ cất giấu trái phép do địa hình đường núi hiểm trở, không thể vận chuyển xuống được.
Điều đáng nói, khoảng một tuần sau ngày truy quét, một số đối tượng tiếp tục quay trở lại khu vực trên dựng lại lán trại. Anh Nguyễn Thế Vi – Trạm trưởng trạm kiểm lâm Nghinh Tường tiếp tục phải huy động lực lượng lên dẹp bỏ.
Theo Tiền phong
Tổng kiểm tra nạn phá rừng ở Quảng Nam
Trước tình trạng dân phá rừng ồ ạt ở lưu vực các công trình thủy điện tỉnh Quảng Nam, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp kiểm tra, báo cáo trước 20/4.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, làm rõ thông tin liên quan đến tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ trái phép ở tất cả lưu vực thủy điện.
Cụ thể, cơ quan chức năng phải rà soát, tổng kiểm tra nạn phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở lưu vực thủy điện các công trình Sông Tranh 2 (Bắc Trà My và Nam Trà My), Đăk Mi 4 (Phước Sơn), A Vương (Đông Giang), Sông Bung 2 và Sông Bung 4 (vùng giáp ranh hai huyện Nam Giang và Tây Giang), Sông Tranh 3 (Tiên Phước).
Kết quả kiểm tra báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/4 tới.
Những thân gỗ Chò cổ thụ hơn 100 năm tuổi bị người dân vùng tái định cư ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đốn hạ để lấy đất làm nương rẫy. Ảnh: Trí Tín.
Theo báo cáo các địa phương có công trình thủy điện nói trên, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở lưu vực đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến môi trường và công tác quản lý bảo vệ rừng.
Chẳng hạn ở lưu vực thủy điện Sông Tranh 3, huyện Tiên Phước, dân phá rừng để trồng cây nguyên liệu khiến gần 60 ha rừng quý hiếm bị xâm hại.
Lưu vực Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My trong 5 năm qua, dân đã phá hơn 48 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Hàng trăm cây cổ thụ bị cưa hạ, "ngốn" hết 700 m3 gỗ rừng tự nhiên...
Bãi gỗ vừa được xẻ thành phách ở rừng phòng hộ lưu vực thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh 2 cho biết, chỉ ngày 23-24/3, hai ông Hồ Văn Giỏi và Hồ Văn Đoàn ở xã Trà Bui đã chặt hạ trái phép 6 cây chò cổ thụ hơn 100 năm tuổi.
Ông Chẩn lý giải, do khi lấy đất làm thủy điện, chính quyền tổ chức tái định cư đưa dân vào rừng phòng hộ bất hợp lý. Mấy năm qua chính quyền lại chưa cấp đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho dân, cuộc sống nghèo khó nên họ ồ ạt phá rừng phòng hộ để kiếm sống.
Theo VNExpress
Hà Tĩnh: 'Xã lâm tặc' và những khu rừng bị chảy máu Đất đai nông nghiệp hạn chế, công ăn việc làm không có, hàng trăm hộ dân ở các xã Sơn Lĩnh, Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) phải sống bằng nghề khai thác gỗ trái phép từ rừng đầu nguồn. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý của một bộ phận cơ quan chức năng đã tiếp tay cho lâm tặc? Khai...