‘Phá nát’ bài hát Cô gái mở đường: Lỗi không chỉ ở Han Sara?
“ Han Sara không đáng trách nhiều, nhưng đáng trách và đáng phê phán là nhà sản xuất Nguyễn Hải Phong”, độc giả Nguyễn Phương thẳng thắn.
Màn trình diễn Cô gái mở đường trên nền nhạc điện tử của Han Sara tại chương trình The Heroes 2021 vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Độc giả VietNamNet cũng đưa ra không ít tranh luận dưới bài viết “Han Sara xin lỗi khi bị chê phá nát bài hát Cô gái mở đường”.
Lỗi không chỉ ở Han Sara?
Đây là vấn đề mà một số độc giả đề cập. Bạn Lê Hoành đặt câu hỏi: “Ca sĩ không sai, người sai ở đây là người tổ chức để ca sĩ mang bài hát như thế lên sân khấu. Xử phạt vài triệu đồng thì ăn thua gì! Sẽ còn nhiều cái như này nữa cho mà xem”.
Độc giả Nguyễn Phương cùng chung quan điểm: “Han Sara không đáng trách nhiều, nhưng đáng trách và đáng phê phán chính là nhà sản xuất Nguyễn Hải Phong”. Trong khi đó, bạn Công Minh hay Thuy Dung cho rằng: “Cần xem xét xử lý trách nhiệm của ban tổ chức và những người liên quan”, “Kém nhận thức, kém văn hoá từ người ca sĩ tới giám khảo, đạo diễn, nhà đài. Đề nghị xử nghiêm để làm sạch môi trường”.
Bạn Mira cũng nêu quan điểm tương tự: “Han Sara là người Hàn Quốc nhưng còn Ban tổ chức, Ban giám khảo, Huấn luyện viên đều duyệt trước nội dung thi cơ mà? Không hiểu concept chương trình là gì nhưng từ cái tên cho tới âm thanh, ánh sáng thấy lạc hậu, lỗi thời, kém hấp dẫn…”.
Han Sara mặc váy ngắn trình diễn “Cô gái mở đường”.
“Từng rất quý nhưng giờ mất tình cảm quá”
Đó là chia sẻ từ độc giả Nguyen Hung: “Rất quý em Han Sara từ trước tới giờ nhưng sau bài này thấy mất cảm tình quá”. Trong khi đó, bạn Thuong thốt lên: “Trang phục, trang điểm, hỗn danh – ôi trời ơi! Văn hóa Việt Nam bây giờ xuống cấp đến thế sao?”.
Gay gắt hơn, độc giả Đỗ Thuý Vân cho biết: “Chỉ nhìn qua clip là thấy không ưng rồi. Cô gái mở đường là ca khúc hào hùng, là một phần của lịch sử dựng xây và giữ nước nhưng cô ca sĩ này cùng vũ đoàn ăn vận quá lố lăng. Không thể chấp nhận chuyện này!”.
Bạn Mussic thẳng thắn: “Xem xong, tôi tưởng tượng ra một hình ảnh một người mặc complet, đầu đội khăn xếp, chân đi guốc… Xin các vị – từ người hát đến người chấm – đừng phá hoại bài hát, phá hoại quá khứ”. Chung quan điểm, bạn Vivu cho biết: “Chưa xét đến phần nghe. Phần nhìn là không thể chấp nhận được đối với một bài hát nhạc cách mạng bất hủ”.
Độc giả Minh Huy đưa ra lời khuyên: “Khi không có đủ bản lĩnh và sự thấu hiểu, đừng nên cover lại bất cứ sản phẩm nghệ thuật nào gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc”. Trong khi đó, độc giả Lê Thoại đặt vấn đề: “Nên phong sát tất cả nghệ sĩ biểu diễn sai lệch các bài hát về cách mạng”.
Bạn Konan ví von: “Nếu đây gọi là sáng tạo nghệ thuật mang tính “mở đường” như anh nhạc sĩ Hải Phong nói, thì việc một cây lan tầm thường được bán với giá nghìn tỷ cũng là hợp lý”.
Nhạc Việt cần phải làm mới…
Không khắt khe như hầu hết các độc giả khác, bạn Ảnh Anh đưa ra một góc nhìn hoàn toàn mới: “Nhạc Việt cần phải làm mới. Tôi ủng hộ. Bài Nối vòng tay lớn còn hát rock được mà”.
Tán đồng quan điểm này, bạn Annie Dang cho rằng: “Mình thấy tốt bởi vì nó sẽ truyền tải nhanh đến thế hệ trẻ. Nếu hát dạng bình thường và thính phòng thì mấy ai nghe”. Độc giả Linhchicuc2020 cũng có cảm nhận tượng tự: “Tôi hơn 40 tuổi nhưng chắc tính còn con nít hay sao ấy, nên thấy bài này hay và chất”.
Đàm Vĩnh Hưng thành công làm mới “Chiếc vòng cầu hôn”.
Trong khi đó, bạn Quan Nguyen cho rằng phần trình diễn của Han Sara “làm gì đến nỗi, có bêu xấu hay làm xấu hình ảnh phụ nữ Việt Nam đâu”: “Mỗi thế hệ có một cách thể hiện tình yêu thương và lòng tôn trọng bằng cách của họ. Đến lúc không nên áp đặt quá khắt khe đối với người làm công việc sáng tạo. Cứ như vậy rồi Việt Nam sẽ đi tới đâu?”.
Bạn N3M0 thì đặt câu về thói quen chỉ trích của nhiều người: “Đôi khi những quan điểm bảo thủ sẽ làm con người giảm tính sáng tạo. Nhiều lần như vậy, biến tính sáng tạo chỉ quanh quẩn trong một cái nồi, đến cái nắp vung là dừng cho an toàn. Góp ý nó hoàn toàn khác chỉ trích nhưng nhiều người lạm dụng chỉ trích theo phong trào và như một thói quen”.
… Có những bài hát không phải để biến tấu!
Đây là ý kiến của rất nhiều độc giả VietNamNet. Ví dụ như độc giả Kho sua thu: “Còn nhiều bài để chọn, sao phải khiên cưỡng chọn một bài hát hào hùng, phá nát nó rồi bao biện này nọ… Nghèo ý tưởng quá”. Độc giả Hong Nguyen Van thốt lên “cạn lời” bởi “bài hát này không phải để biến tấu”.
Độc giả Cỏ lau đồng quan điểm: “Bài hát như một lời tri ân, một nén hương lòng tưởng nhớ về những cô gái thanh niên xung phong đã cống hiến xương máu, tuổi trẻ cho độc lập – tự do dân tộc. Ca sĩ này làm mất đi tính trang nghiêm của bài hát”.
Ý kiến của MrHa chắc chắn sẽ khiến nhiều độc giả, người yêu nhạc cũng như các ca sĩ, nhạc sĩ phải suy ngẫm: “Xin hãy để những bài hát đi cùng năm tháng được nguyên vẹn với cái gốc của nó. Đừng biến tấu những bài hát tôi yêu. Mỗi bài hát phải là sản phẩm đặc trưng riêng của nó. Khi nó đã là sản phẩm riêng rồi thì đừng xúc phạm!
Thời buổi thương mại hóa, cái gì người ta cũng có thể lấy ra để lợi dụng cho riêng mình. Nếu muốn nổi tiếng, hãy tự sáng tác theo phong cách của mình hoặc nếu biến tấu phải được sự cho phép của tác giả. Không nên nhờ sự nổi tiếng của những bài hát theo cùng năm tháng để tạo scandal cho mình. Thật cay đắng nếu mai kia những bài như Tiến quân ca, Như có Bác trong ngày vui đại thắng… lại bị biến tấu theo kiểu như thế này”.
Từng 'rock hóa' nhạc cách mạng, Thái Thùy Linh nói gì về tiết mục lấy cảm hứng từ 'Cô gái mở đường' của Han Sara?
Ca sĩ Thái Thùy Linh cho rằng, việc người trẻ quan tâm tìm hiểu và có sáng tạo với các ca khúc vang bóng một thời là điều cần khuyến khích, khen ngợi và động viên.
Cô cũng phân tích lý do khiến phần trình diễn của Han Sara bị chỉ trích để từ đó giọng ca trẻ sẽ có được kinh nghiệm khi xử lý một tác phẩm tốt hơn.
Ngày hôm nay, mạng xã hội bùng nổ tranh cãi về ca khúcCô gái gen Z được lấy cảm hứng từ bài hát Cô gái mở đường (cố nhạc sĩ Xuân Giao) do Han Sara trình diễn trong chương trình The Heroes.
Màn trình diễn đầy đủ sau khi được đăng tải lên mạng đã gây nên làn sóng tranh cãi lớn. Nhiều ý kiến cho rằng cách biến tấucủa Han Sara và đội ngũ làm nhạc khiến một ca khúc nhạc cách mạng nổi tiếng mất đi tính hào hùng, trang nghiêm vốn có. Một số khác thì hướng chỉ trích về trang phục của nữ ca sĩ 10x.
Han Sara gây tranh cãi với phần trình diễn Cô gái gen Z lấy cảm hứng từ ca khúc Cô gái mở đường.
Giữa làn sóng chỉ trích gay gắt đến từ cộng đồng mạng, vẫn có những quan điểm trái ngược. Nhiều người cho rằng ý tưởng truyền tải thông điệp ủng hộ nữ giới qua ca khúc bất hủ không tệ, chỉ là cách làm chưa đủ khéo léo. Dư luận có thể chỉ ra điểm Han Sara cần khắc phục và cải thiện, không nhất thiết phải ném đá, chỉ trích quá gay gắt.
Trước dư luận trái chiều, chúng tôi đã liên hệ để tham khảo ý kiến từ ca sĩ Thái Thùy Linh - một trong những nghệ sĩ Việt tiên phong trong việc làm mới nhạc cách mạng. Cô đã có những chia sẻ rất tâm huyết, cũng như dành đôi lời cho đàn em.
Thái Thùy Linh cho hay, lẽ ra cô sẽ không lên tiếng về những vấn đề ồn ào liên quan tới các cuộc thi hay gameshow giải trí vào thời điểm này, bởi nhiều tháng qua, cô đang tập trung cho những dự án thiện nguyện vì cộng đồng.
Tuy nhiên, vì thấy tiết mục đang gây tranh cãi của Han Sara có nét tương đồng với trường hợp của mình, nên cô muốn dành tặng cho Han Sara nói riêng và thế hệ ca sĩ Gen Z nói chung những lời khuyên tự mình đúc rút được sau nhiều năm theo đuổi âm nhạc.
Ca sĩ Thái Thùy Linh khi ra mắt album Bộ đội.
Tôi là một trong số những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên làm mới các ca khúc Cách mạng khi phát hành album Bộ đội từ hơn 10 năm trước. Và bài Cô gái mở đường, năm ngoái tôi cũng vừa hát trong chương trình Giai điệu tự hào.
Tôi rất thông cảm với Han Sara vì năm 2010 khi ra mắt album Bộ đội, bên cạnh cơn mưa lời khen từ giới chuyên môn và truyền thông, cũng có một bộ phận khán giả cho rằng cách tôi làm mới một số ca khúc như vậy là phản cảm. Người lớn đôi khi hơi áp đặt cho giới trẻ: Nếu sáng tạo mà không theo đúng ý thì dễ cho rằng các bạn trẻ phá nhạc truyền thống, nhưng khi các bạn trẻ không hát theo ý của những người đi trước thì nhiều người lại cho rằng, bọn trẻ thờ ơ với âm nhạc truyền thống, với lịch sử.
Tuy nhiên, nếu những bài hát ra đời cách đây 40 - 50 năm mà đến nửa thế kỷ sau vẫn nguyên si như vậy, không có gì thay đổi thì tôi cho là rất đáng tiếc. Bởi vậy, các bạn trẻ quan tâm tìm hiểu và có sáng tạo như vậy với các ca khúc vang bóng một thời, tôi cho là điều cần khuyến khích, khen ngợi và động viên. Bởi những ca khúc đó có yếu tố lịch sử và cả những ký ức của thế hệ cha ông. Chúng ta không thể cứ bắt giới trẻ phải yêu như cách các thế hệ trước đã yêu, bởi cảm nhận, cảm xúc của mỗi lứa tuổi về những ca khúc này là khác nhau.
Ca sĩ Thái Thùy trong dự án Du ca - đi và hát
Khi người trẻ có sự sáng tạo dựa trên những chất liệu cũ, chúng ta nên động viên, khuyến khích và tôn trọng cái tôi của họ. Với người nghệ sĩ, nếu không có bản sắc riêng, sáng tạo thì nghệ thuật sẽ chết.
Tuy nhiên, một số khán giả, nhất là người lớn tuổi khi xem tiết mục này thấy phản cảm cũng là điều dễ hiểu. Có một vài lý do mà tôi nghĩ vấn đề lớn nhất trong tiết mục này là Han Sara chưa thực sự tìm hiểu một cách nghiêm túc xem tác giả viết gì, trong hoàn cảnh nào, đặc biệt là để làm gì? Tìm hiểu ý đồ của tác giả là sự tôn trọng tối thiểu cần phải có với bất kì một ca khúc nào trước khi mình hát lại. Quan điểm của tôi từ xưa đến nay luôn như vậy, chứ mình không thể chỉ thuộc lời, nhớ nhạc và cứ thế hát đâu. Tôi thuộc tuýp ca sĩ, khi tập một bài hát thì thời gian để tìm hiểu, suy nghĩ, cảm nhận về bài hát nhiều hơn là thời gian phát âm thanh ra khỏi miệng.
Han Sara đúng là chỉ lấy một chút cảm hứng về giai điệu, về nữ quyền, sự mạnh mẽ của phái nữ, sau đó làm lại theo một cách khác hẳn.
Tại sao tiết mục của Han Sara bị chỉ trích dữ dội? Tôi nghĩ có hai yếu tố.
Đầu tiên, cách xử lý, biến tấu bài hát có yếu tố sexy khá nhiều, thậm chí có những đoạn xử lý bài khiến người ta dễ liên tưởng đến những chuyện nhạy cảm.
Tiếp theo là cách ăn mặc. Tôi hiểu là cô bé muốn tạo hình tượng khỏe mạnh nhưng gợi cảm, thậm chí ngầu và cá tính. Nhiều năm trước, khi hát những ca khúc Rock hóa nhạc cách mạng, tôi cũng có những bộ đồ khá ngầu, thậm chí sexy gây tranh cãi. Nhưng đó là làm hình tượng cho album và chụp ảnh khi đứng yên thôi, còn khi trình diễn trên khấu thì khác, rất cần để ý đến trang phục khi vận động nhiều. Chiếc quần của Han Sara chỉ cần dài hơn một chút thôi, có khi đã khác rồi.
Thực ra khó có sự đồng thuận về quan điểm về thời trang giữa các thế hệ. Trước đây, tôi mặc đồ ngắn một chút có khi các phụ huynh đã không vừa mắt, mà các cháu bây giờ thì lại càng ngắn hơn. Tôi nghĩ chúng ta nên tìm hiểu, nhìn nhận sự khác biệt thế hệ này và tôi mong người lớn cần có sự bao dung hơn. Làm sao để các bạn trẻ vẫn hiểu ra vấn đề và có được kinh nghiệm khi xử lý một tác phẩm tốt hơn chứ không phải là ném đá, vùi dập hay đưa ra những nhận xét mang tính cực đoan, phủ nhận hoàn toàn. Nếu chúng ta quá hà khắc thì các bạn trẻ sẽ tránh né, không đụng đến các ca khúc cách mạng nữa. Như vậy thì những lời kêu gọi người trẻ hãy nhớ, yêu, tự hào đi sẽ biến thành khẩu hiệu, sáo rỗng. Lớp trước sẽ yêu với nhau thôi chứ người trẻ họ sẽ từ chối.
Một đoạn clip ngắn phần trình diễn của Han Sara trong ca khúc Cô gái Gen Z
Tham gia The Heroes, Han Sara đang đánh mất chính mình? Từng là nữ ca sĩ Gen Z được khán giả yêu thích, thế nhưng gần đây Han Sara lại tạo ra sóng gió với loạt ca khúc gây tranh cãi dữ dội. Han Sara là cái tên từng gây nhiều thương nhớ cho khán giả với các bản hit không còn xa lạ gì như Vì Yêu Là Nhớ, Tớ Thích Cậu, Đếm...