Phá hàng loạt vụ án phạm tội bằng công nghệ cao
Sáng qua – 15/7, tại Hà Nội, được ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm do đồng chí Trung tướng Trần Trọng Lượng – Phó Tổng cục trưởng – chủ trì đã tổ chức hội nghị công bố Thư khen và quyết định khen thưởng đối với những tập thể có thành tích xuất sắc khám phá thành công một số chuyên án, vụ án lớn.
Triệt phá tổ chức lừa đảo qua tin nhắn
Chuyên án này có bí số 113R được xác lập từ cuối năm 2013 nhằm đấu tranh triệt phá tổ chức hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo người sử dụng điện thoại di động chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngày 13/6/2014, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an quận Đống Đa – Hà Nội phá thành công chuyên án.
Theo đó, đối tượng Lê Ngọc Tiến, trú tại Lô 6 – M5 -TT6 Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội là nhân viên Công ty FPT bỏ tiền tổ chức thuê người, mua sắm trang thiết bị thành lập 03 công ty: Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7×68 và 7×77 của các nhà cung cấp dịch vụ di động Vinaphone, Mobiphone, Viettel. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014, Công ty Vvas, Vcontent đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo từ các đầu số trên với 27 cú pháp chiếm đoạt khoảng 22 tỷ đồng của các thuê bao di động. Số tiền này Tiến ăn chia với các nhà mạng theo tỷ lệ 45-55%.
Ảnh minh họa
Ngày 13/6/2014, Tổ công tác của Ban chuyên án 113R đã bắt quả tang và khám xét phòng 119 nhà 5B, tập thể Đại học Công đoàn, quận Đống Đa và số 234 Nguyễn Trãi, TP.Hà Nội, thu giữ hàng chục hệ thống thiết bị phát tán tin nhắn lừa đảo gồm máy tính xách tay và máy để bàn, hàng chục bộ Hub (thiết bị để cắm USB 3G và sim điện thoại), hàng chục USB 3G và hơn 9000 sim điện thoại cùng nhiều thiết bị, tài liệu liên quan.
Hiện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiếp tục điều tra làm rõ số đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, đối tượng Trần Ngọc Hùng, trú tại phòng 607 nhà A2, chung cư 54 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội lại thành lập các công ty Thiên Ngân, Thiên Hà đặt trụ sở tại số 23, ngõ 37 Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội phát tán tin nhắn lừa đảo. Kết quả ban đầu xác định từ ngày 1/5 đến ngày 13/6/2004, Hùng và các đối tượng của Công ty Thiên Ngân, Thiên Hà đã phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn với 83 cú pháp lừa đảo để chiếm đoạt khoảng 1,016 tỷ VND.
Ngày 13/6, Tổ công tác của Ban chuyên án 113R đã bắt quả tang tại phòng 307, nhà A2, chung cư 54 phố Hạ Đình 07 đối tượng do Nguyễn Ngọc Quyết đứng đầu đang phát tán tin nhắn rác lừa đảo cho Công ty Thiên Ngân. Tang vật thu giữ gồm hàng chục bộ thiết bị phát tán tin nhắn rác, hàng nghìn sim điện thoại, hàng chục máy tính và USB 3G.
Video đang HOT
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 11 bị can, bắt tạm giam 05 bị can là giám đốc, kế toán, kỹ thuật viên, kinh doanh của các công ty Vvas, Vcontent và Công ty Thiên Ngân về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 226B Bộ luật Hình sự. Hiện nay Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa tiếp tục điều tra mở rộng.
Làm giả thẻ, thanh toán khống
Qua công tác trinh sát, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao phát hiện nhóm đối tượng người Trung Quốc móc nối với một số người Việt Nam ký hợp đồng làm đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ, sau đó làm giả thẻ, thanh toán khống qua POS lấy tiền chia nhau, đã xác lập Chuyên án 981T để đấu tranh, triệt phá.
Kết quả, đã phát hiện, bắt giữ Tăng Hiểu Thiên (SN 1984, quốc tịch Trung Quốc, trú tại P614 chung cư CT2 khu đô thị Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và 04 đối tượng người Việt Nam được Thiên thuê để mở công ty, ký hợp đồng lắp POS để làm giả thẻ, thanh toán khống, rút tiền chiếm đoạt.
Khám xét nơi ở của Tăng Hiểu Thiên và Đinh Văn Chính, thu giữ 05 POS của các ngân hàng Vietcombank, Oceanbank, BIDV; 02 bộ thiết bị chuyên dụng đọc, ghi dữ liệu thẻ; 02 máy tính xách tay; 01 Ipad; 02 máy tính; 02 ô tô Mercedes AMG và SZUKI; 01 sổ tiết kiệm 400 triệu đồng; 66 thẻ và phôi thẻ của các ngân hàng và nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vụ án.
Bước đầu Thiên và đồng bọn khai nhận đã tiến hành làm giả thẻ, thanh toán khống qua POS. Từ tháng 12/2013, Thiên và Chính đã lập ra 04 công ty, lắp thiết bị POS của các ngân hàng, thực hiện thành công hàng trăm giao dịch, trong đó 333 giao dịch với số tiền 1126 tỷ đồng của Ngân hàng Oceanbank. Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội cũng phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội phát hiện Cty TNHH Việt Hồng kinh doanh phần mềm Ptracker có chức năng giám sát, nghe lén các cuộc gọi trên điện thoại di động cho hơn 14.000 thuê bao điện thoại di động, đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can, bắt giam 3 bị can để điều tra.
Hôm qua – 15/7, thay mặt Đảng ủy và lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Trung tướng Trần Trọng Lượng nhiệt liệt biểu dương các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, đồng tâm hiệp lực, phá án thành công, bắt giữ nhiều đối tượng cầm đầu trong Chuyên án 113R và các vụ án.
Trung tướng Trần Trọng Lượng nêu rõ: Các đơn vị tập trung điều tra mở rộng vụ án, khẩn trương truy bắt các đối tượng liên quan còn lại, làm rõ toàn bộ hoạt động tội phạm để đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật; làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, sơ hở của các nhà mạng, ngân hàng thương mại để kiến nghị truy thu số tiền hưởng lợi trái phép do hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết thủ đoạn của tội phạm để có biện pháp phòng ngừa…
Theo Pháp luật Việt Nam
Toàn bộ chi tiết thông tin về việc Trung Quốc rút giàn khoan
- Trao đổi với TS sáng nay, ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, lý do Trung Quốc rút giàn khoan theo thông báo ngày hôm qua là hoàn thành công việc tác nghiệp và đã phát hiện có dấu hiệu có dầu khí ở khu vực thăm dò.
Trao đổi với VnMedia sáng 16/7, ông Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam xác nhận việc Trung Quốc rút giàn khoan khỏi khu vực hạ đặt trái phép trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc rút giàn khoan được phía Trung Quốc tiến hành từ hơn 9h tối ngày hôm qua (15/7).
"Đến thời điểm sáng nay, giàn khoan của Trung Quốc đã di chuyển được 40 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc, về phía đảo Hải Nam", ông Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết.
Theo ông Hà Lê, đến thời điểm hiện tại trên thực địa các tàu của Trung Quốc cũng đã rút hết. Hiện các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của ta đang xác minh xem các tàu của Trung Quốc có rút về các đảo thuộc khu vực Hoàng Sa hay không.
"Theo như Trung Quốc thông báo ngày hôm qua, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành giai đoạn tác nghiệp và phát hiện có dấu hiệu có dầu khí nên rút về đảo Hải Nam để nghiên cứu", ông Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư cho VnMedia biết.
Sau hơn hai tháng hạ đặt trái phép trên vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, 9h tối qua, Trung Quốc đã cho rút giàn khoan.
60 tàu hộ tống để giàn khoan rút đi
Trong một diễn biến liên quan, sáng nay, đại diện lực lượng Cảnh sát Biển cũng xác nhận, giàn khoan trái phép Hải Dương 981 của Trung Quốc đang có dấu hiệu dịch chuyển. Qua theo dõi trên màn hình radar từ tàu Cảnh sát Biển 4032 vào lúc 21h03 ngày 15/7, giàn khoan Hải Dương 981 đã bắt đầu dịch chuyển theo hướng 330 độ Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 4-4,2 hải lý/giờ, tức là khoảng 10 km/h.
Nhìn trên màn hình radar, phía Trung Quốc đã bố trí gần 60 tàu các loại để hộ tống giàn khoan Hải Dương 981. Các tàu này di chuyển theo hình chữ V, ở cự ly sát nhau để bảo vệ giàn khoan.
Theo lực lượng Cảnh sát Biển, đến 22h30 ngày 15/7, giàn khoan đã dịch chuyển được hơn 8 hải lý tức là khoảng 16 km. Trước diễn biến mới này, biên đội tàu của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam đang cơ động tàu để bám sát, theo dõi hướng dịch chuyển của giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc.
"Đến lúc 5h ngày 16/7 theo dõi trên radar cho thấy, giàn khoan Hải Dương 981 vẫn di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc và đã đi được 30 hải lý so với vị trí cũ", lực lượng Cảnh sát Biển cho biết.
Trước đó, tối ngày 15/7 Tân Hoa Xã đưa tin, Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) cho biết, đến ngày 15/7 giàn khoan Hải Dương 981 đã "hoàn thành tác nghiệp" ở khu vực biển gần đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). COSL cũng cho biết Hải Dương-981 đã thực hiện "kế hoạch thuận lợi" và "thu được dữ liệu số liệu địa chất".
COSL cũng cho biết thêm, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ được rút về giếng dầu Lăng Thủy ở đảo Hải Nam.
Như vậy, sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến 21h ngày 15/7, Trung Quốc đã di dời giàn khoan ra khỏi vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó, ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Ngày 27 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý.
Hành động của Trung Quốc xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Tuy nhiên, trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Suốt thời gian phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phản đối và lên án, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống về nước nhưng bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế, phía Trung Quốc vẫn ngang ngược không chịu rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hỗ trợ về nước.
Suốt thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp thời tiết nắng, mưa, biển nổi sóng to, các lực lượng thực thi pháp luật của ta gồm: lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam và ngư dân ta vẫn kiên quyết bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Xuân Tùng
Theo_VnMedia
VN có đầy đủ bằng chứng, chứng minh các tàu của TQ chủ động đâm va Chiều 26.6 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo thường kỳ, chủ trì họp báo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Tham dự và trả lời các câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế có: ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam;...