Phá đường dây mạo danh công an chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng
Công an TP. Hà Nội vừa bắt giữ khẩn cấp một nhóm đối tượng trong nước móc nối với một số đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đoạt tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Ngày 19/11, theo tin tức trên TTXVN, Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) đã tạm giữ 5 thanh niên để điều tra, làm rõ hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức chiếm đoạt số tiền khoảng 6,6 tỷ đồng.
5 đối tượng gồm: Vũ Văn Đại (sinh năm 1991, hộ khẩu thường trú ở Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang), Nguyễn Trọng Đức (sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú ở Tân Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái), Nguyễn Xuân Độ (sinh năm 1990, hộ khẩu thường trú ở Đại Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang), Trần Nguyên Bình (sinh năm 1989) và Trần Xuân Hòa (sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú đều ở Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội).
Sau khi lập chuyên án tổ chức đấu tranh, PC 50 Công an thành phố Hà Nội làm rõ ổ nhóm tội phạm này gồm 5 đối tượng trên cùng Đỗ Đình Phương, sinh năm 1972, hộ khẩu thường trú ở Ngọc Lâm, Long Biên (Hà Nội) là nhân viên Công ty Cổ phần nhân lực A.D, hiện đang bỏ trốn.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo. (Ảnh Tri Thức trực tuyến)
Chia sẻ trên báo Lao Động, Thiếu tá Phạm Đức Hà – Đội trưởng Đội 2 (PC50) cho biết, thủ đoạn của bọn tội phạm là gọi điện thoại qua internet đến số điện thoại máy cố định của người bị hại, xưng là nhân viên của tổng đài VNPT, thông báo số điện thoại đứng tên của bị hại đang nợ cước với số tiền 8.930.000 đồng.
Sau đó, khi người bị hại thắc mắc, đối tượng chuyển máy cho bị hại nói chuyện với người tự xưng là cán bộ công an, thông báo bị hại có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tiêu cực với số tiền rất lớn. Đối tượng tìm cách hỏi han, khi biết bị hại có tiền gửi ở ngân hàng thì khai thác thông tin chi tiết bị hại mở tài khoản ở ngân hàng nào và yêu cầu phải rút toàn bộ số tiền này gửi vào tài khoản của đối tượng (với lý do chuyển cho cơ quan công an để điều tra).
Cũng theo ông Hà, đối tượng lừa đảo thường yêu cầu bị hại không được thông báo cho ai thông tin này, kể cả gia đình, con cái. Nhiều bị hại là người cao tuổi, nhận thức hạn chế nên rất lo sợ và răm rắp làm theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo nên mới xảy ra chuyện ngay cả khi cảnh sát bắt được đối tượng lừa đảo, thông báo cho bị hại biết nhưng có người vẫn tiếp tục gửi tiền vào tài khoản lừa đảo.
Video đang HOT
Cụ thể, theo báo An ninh Thủ đô, ngày 1/11/2014 bà L.T.P (Trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 2,3 tỷ đồng, dưới hình thức bị đối tượng gọi điện đe dọa bà nợ cước điện thoại và nói bà P có liên quan vào vụ tiêu cực với tổng số tiền 16 tỷ đồng. Để giải quyết việc này, đối tượng yêu cầu bà P chuyển tiền vào 8 tài khoản Ngân hàng T.combank do đối tượng cung cấp. Bà P hoảng sợ nên đã rút tiền tiết kiệm và chuyển vào các tài khoản của các đối tượng với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền xong, bà P phát hiện đã bị lừa đảo nên đã trình báo cơ quan Công an.
Để đấu tranh với ổ nhóm tội phạm này, ngày 7/11 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao đã xác lập chuyên án đấu tranh làm rõ.
Ngày 8/11, Phòng PC50 phối hợp với Phòng PC45, Công an TP. Hà Nội thi hành Lệnh khám xét khẩn đối với Nguyễn Trọng Đức và Vũ Văn Đại.
Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng khai nhận: Khoảng tháng 4/2014, thông qua mạng facebook, nhóm “Việc làm Tiếng Trung”, Vũ Văn Đại nhận phiên dịch cho 2 đối tượng người Đài Loan tại Hà Nội. 2 đối tượng này bàn bạc và thuê Đại dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản ngân hàng (thẻ Visa, Mastercard) đồng thời hướng dẫn Đại thực hiện.
Theo cách thức được hướng dẫn, Đại thuê các đối tượng trên đi chụp ảnh rồi giao ảnh cho Đức. Đức tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm để mua chứng minh nhân dân sau đó về bóc ra dán ảnh của chúng vào. Đức dán vào 80 chứng minh nhân dân do Đức mua của Phương với giá 1 triệu đồng/30 cái, rồi chuyển lại chứng minh thư nhân dân giả cho Độ, Hòa, Bình, cùng với sim điện thoại trả trước, để đến các ngân hàng mở tài khoản và làm thẻ Visa, Mastercard. Đại sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để chuyển các thẻ và sim điện thoại cho các đối tượng người Đài Loan.
Tổng cộng Đại và đồng bọn đã làm được 146 tài khoản thẻ, thu lợi bất chính khoảng 500 triệu đồng. Đến đầu tháng 10/2014, khi phát hiện một số tài khoản ngân hàng nêu trên bị phong tỏa, nhóm này dừng việc mở tài khoản và tẩu tán các tài liệu có liên quan.
Theo lãnh đạo PC 50, qua đấu tranh khai thác mở rộng, cơ quan công an xác định các nghi phạm này còn gây ra 9 vụ án khác với số tiền chiếm đoạt 4,24 tỷ đồng. Tổng số tiền nhóm này lừa đảo, chiếm đoạt xác định khoảng 6,6 tỷ đồng. Cơ quan công an tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Qua nội dung vụ việc trên, cơ quan điều tra khuyến cáo: Để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại thì người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng….;Trường hợp có người xưng là Công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó; Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; Không mua, bán, chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân nhân; Người dân cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng internet, nhất là các trang mạng xã hội, để tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo; Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng thì cần báo ngay cho cơ quan Công an.
Đối với các trường học, học sinh, sinh viên không tùy tiện chuyển giao quyền sử dụng thẻ cho người khác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng; Đối với người dân, sinh viên khi đi giao dịch, xin việc làm, nếu không được, cần thu hồi lại CMTND; Không cho thuê, cho mượn CMTND khi không rõ mục đích của người mượn, thuê.
Theo Vietbao
Phanh phui đường dây mạo danh công an lừa tiền tỷ
Bà Thanh bất ngờ nhận được điện thoại lạ thông báo chứng minh nhân dân của bà này có liên quan đến vụ tiêu cực 16 tỷ đồng.
Ngày 19/11, Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) đã tạm giữ 6 thanh niên để điều tra, làm rõ hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức chiếm đoạt số tiền 6,5 tỷ đồng. Trong số này có Vũ Văn Đại (23 tuổi, quê Bắc Giang, trú ở quận Ba Đình, phiên dịch tiếng Trung), Nguyễn Trọng Đức (28 tuổi, quê Yên Bái).
Nhóm thanh niên bị tạm giữ tại cơ quan công an.
Ít ngày trước, tại Hà Nội xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tự xưng cán bộ công an rồi thông báo đến một số người có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tiêu cực với số tiền lớn để chiếm đoạt tiền tỷ.
Trong đó, đầu tháng 11, bà Lưu Thị Thanh (ở quận Tây Hồ) trình báo về việc có người gọi điện thoại thông báo chứng minh nhân dân của bà có liên quan vụ tiêu cực với số tiền lên đến 16 tỷ đồng. Để giải quyết, đầu dây yêu cầu bà Thanh phải chuyển hơn 2 tỷ đồng vào 8 tài khoản khác nhau.
Sau khi gửi tiền, nạn nhân phát hiện mình bị lừa đảo đã đến trình báo công an.
Theo điều tra của cảnh sát, đầu tháng 4, qua mạng Facebook, Đại nhận phiên dịch tiếng cho 2 người Đài Loan tại Hà Nội. Quá trình làm việc, 2 người này bàn bạc và thuê Đại dùng chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản Ngân hàng Visa, Mastercard với giá 3,4 triệu đồng mỗi tài khoản.
Nhận lời xong, Đại thuê Đức và đồng bọn chụp ảnh dán vào 80 chứng minh nhân dân.
Có được chứng minh nhân dân giả, nhóm phạm tội mang đến ngân hàng mở tài khoản và làm thẻ Visa, Mastercard. Tiếp đó, Đại sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để chuyển các thẻ và sim điện thoại cho người Đài Loan. Tổng cộng bọn chúng làm được 146 tài khoản thẻ và thu lợi bất chính 500 triệu đồng.
Đầu tháng 10, phát hiện một số tài khoản bị ngân hàng phong tỏa, Đại đánh động cho đồng bọn dừng mở và tẩu tán tài liệu.
Số tang vật bị thu giữ.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Đức và Đại, cảnh sát thu giữ laptop, 7 chứng minh nhân dân có dấu hiệu làm giả.
Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra còn xác định ổ nhóm trên gây ra 9 vụ án khác với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. 2 người nước ngoài có liên quan đến vụ án đang được cảnh sát truy lùng.
Phòng PC50 khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng.... Nếu nghi vấn, phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển tiền không có lý do chính đáng cần báo ngay cho cơ quan công an.
* Tên bị hại đã được thay đổi.
Đỗ Mến
Theo_Zing News
Hà Nội: Mất hơn 2 tỷ đồng vì bị lừa qua điện thoại - Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điện thoại, các đối tượng tự xưng là cán bộ công an, thông báo bị hại có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tiêu cực với số tiền rất lớn. Sợ hãi làm theo chỉ dẫn...