Phá đường dây buôn hổ liên tỉnh
Đặng Văn Quang (trái) tại hiện trường nấu cao hổ
Từ tỉnh Phú Thọ, các đối tượng móc nối với dân buôn bán động vật hoang dã ở tỉnh Nghệ An đưa hổ về nấu cao để bán cho khách hàng tại địa phương.
Ngày 24/9, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đang điều tra mở rộng vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, tổ chức nấu cao hổ tại địa phương.
Trước đó, khoảng chiều tối 22/9, Công an TP Hà Nội nhận được tin báo các đối tượng trong đường dây buôn bán hổ đang vận chuyển một con hổ đông lạnh trên ô tô, từ Nghệ An ra Hà Nội, lên TP Việt Trì (Phú Thọ) tổ chức nấu cao bán kiếm lời. Để phá được đường dây này, các trinh sát đã phải kiên trì đeo bám. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, chiếc xe chở “hàng” đến một bãi đất rộng ở TP Việt Trì, xẻ thịt chuẩn bị nấu cao. Ngay lúc các đồ nghề nấu cao bày sẵn, lực lượng cảnh sát môi trường ập vào bắt quả tang.
Video đang HOT
Đặng Văn Quang (trái) tại hiện trường nấu cao hổ
Tại hiện trường, một con hổ đông lạnh nặng 280 kg đã bị xả thịt thành 15 khúc, đựng trong 4 nồi to, đặt trên 4 bếp gas công nghiệp để luộc tách xương. Trong nồi, phần đầu hổ vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, cảnh sát thu giữ thêm 14 mai rùa, 55 kg xương động vật các loại – là phụ liệu nấu cao hổ. Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp Công an tỉnh Phú Thọ thu giữ toàn bộ tang vật để lập hồ sơ, xử lý.
Theo điều tra ban đầu, đường dây nấu cao hổ này do Đặng Văn Quang (SN 1966, trú tại xã Cam Thượng, huyện Ba Vì – Hà Nội) cầm đầu. Giúp sức cho Quang có 4 đối tượng, gồm: Nguyễn Quốc Trình (SN 1955, trú TP Việt Trì – Phú Thọ), Nguyễn Văn Tường (SN 1963, trú huyện Ba Vì – Hà Nội), Đặng Văn Chung (SN 1963, trú huyện Kiến Xương – Thái Bình) và Cù Văn Sáu (SN 1975, ở huyện Tam Nông – Phú Thọ).
Thịt hổ được luộc để tách xương
Tại cơ quan công an, Quang khai nhận đường dây nấu cao “ông ba mươi” này là kết quả của việc hợp tác “liên tỉnh”. Theo đó, Quang móc nối với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã tại tỉnh Nghệ An rồi tìm khách hàng mua cao hổ tại địa phương và các tỉnh lân cận. Con hổ nấu lần này nặng 280 kg với giá trên 600 triệu đồng. Nếu thành công, phi vụ này sẽ thu lợi trên 100 triệu đồng. Việc buôn bán “siêu lợi nhuận” đã khiến Quang cùng đồng bọn bất chấp vi phạm pháp luật”.
Theo 24h
Những kẻ "vuốt râu hùm"
Băng tội phạm 30 tên do Huỳnh Văn Khầu (SN 1968, ngụ thị trấn Vĩnh An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) và Vũ Văn Kiệm (tức Hai Hổ, SN 1962, ngụ Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai) cầm đầu đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ trộm gấu, hươu, đà điểu, nhím, cá sấu, rắn, trăn... bán nhiều tỷ đồng chia nhau. Liều lĩnh nhất là phi vụ sát hại, làm thịt "chúa sơn lâm" ngay tại chuồng ở Tiền Giang, mang về TPHCM tiêu thụ lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam...
TƯỞNG CỌP SỔNG CHUỒNG, AI NGỜ BỊ "THỊT"!
Trại rắn Đồng Tâm (TRĐT) rộng hơn 20 hécta, tọa lạc tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, là nơi bảo tồn, phát triển các loại động vật quý hiếm, sản xuất thuốc y học dân tộc cổ truyền, cứu và điều trị rắn độc cắn... Ngoài "vương quốc" rắn hàng vạn con với nhiều loại rất phong phú, trại này còn nuôi những con trăn nặng cả trăm ký lô, ba ba, rùa vàng, khỉ, gấu, ngựa, đà điểu, cá sấu... Nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước. Tháng 11-2005, TRĐT đã mua con cọp đực nặng 150kg giá 350 triệu đồng về nuôi. Sự hiện diện của "chúa sơn lâm" không chỉ làm tăng nhanh về số loài thú quý hiếm mà còn góp thêm nét độc đáo của trung tâm bảo tồn lớn nhất khu vực miền Tây Nam bộ.
Khoảng 5 giờ sáng 29-6-2006, nhân viên trực của trại phát hiện con cọp đã biến mất khỏi chuồng. Cơ quan điều tra Quân khu 9 nhanh chóng vào cuộc phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang khẩn trương làm rõ vụ mất tích kỳ lạ này.
Tên cầm đầu băng trộm cọp Huỳnh Văn Khầu
Một cán bộ điều tra Công an Tiền Giang nhớ lại: "Nhận được tin báo, lúc đầu tôi và mọi người cứ nghĩ cọp sổng chuồng. Với sức mạnh kinh hồn của "chúa tể rừng xanh" thì hậu quả khó mà tưởng tượng nổi! Đến khi có mặt tại hiện trường nhìn thấy nhiều vết máu cùng với ngũ tạng nằm trong góc vườn cách chuồng cọp vài mét, chúng tôi xác định chúa sơn lâm đã bị kẻ gian sát hại, mổ bụng bỏ bộ đồ lòng rồi khiêng xác đi mất".
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Bọn trộm đột nhập vào chuồng, bắt, giết cọp bằng cách nào? Làm sao chúng khiêng xác con vật nặng hơn 150kg ra khỏi đây mà không bị ai phát hiện và tẩu thoát bằng con đường nào?... Khám nghiệm hiện trường, lần theo các dấu vết và thu giữ một số tang vật bọn đạo chích sử dụng gây án, cơ quan điều tra bước đầu giải mã được một phần bí mật của vụ trộm.
Dấu vết phân non của con cọp tại chuồng chứng tỏ nó đã bị trúng kịch độc. Theo thiết kế, chuồng cọp có ba ngăn: ngăn nhất để cọp đi lại cho khách tham quan xem, ngăn hai để nó ngủ nghỉ và ngăn thứ ba dành cho nhân viên chăm sóc, vệ sinh. Phía sau ngăn thứ ba và bên hông ngăn thứ nhất thông ra hành lang ngoài chuồng bằng cánh cửa khóa chặt. Bọn trộm đã bẻ khóa, đột nhập chuồng từ ngăn thứ ba; sau khi hạ sát, chúng bẻ khóa cửa hông ngăn nhất, lôi cọp ra ngoài làm thịt tại hành lang. Do sử dụng chất kịch độc để giết cọp, sau khi mổ bụng lấy ngũ tạng nặng khoảng 10kg, bọn trộm bỏ ngay nhằm tránh chất độc lan nhanh toàn thân nó, bán chẳng ai mua.
Sau đó chúng khiêng xác cọp qua đoạn đường hơn 100 mét tới ao cá rộng, để lên chiếc bè được kết bằng 6 thùng phuy nhựa băng qua ao, lên bờ rồi tìm cách vượt tường rào, thoát ra ngoài. Bọn trộm có thể tẩu thoát theo hai hướng: đường bộ ra Quốc lộ 1A về miền Tây hoặc lên TPHCM, còn đường thủy thì ra sông Tiền. Cơ quan điều tra phát hiện thu giữ một vá (xẻng) xúc đất cán dài (có thể các đối tượng dùng khiêng cọp) và ba đôi găng tay nữ. Theo nhận định của cơ quan điều tra, nhóm này có ít nhất 3 tên cùng tham gia phi vụ, nhưng khả năng là những thanh niên khỏe mạnh, sở dĩ chúng để lại ba đôi găng tay nữ nhằm đánh lạc hướng điều tra.
SA LƯỚI
Lần theo dấu vết của băng nhóm tội phạm, ngày 14-8-2006 cơ quan điều tra bắt giữ Nguyễn Khắc Điệp, Nguyễn Văn Tuân cùng một con cọp đã bị mổ bụng cất trong tủ cấp đông loại lớn giấu tại một ngôi nhà ở P. Tân Thới Hiệp, Q12, TPHCM. Hai ngày sau, CA bắt giữ thêm ba đối tượng liên quan đến vụ án là Nguyễn Quốc Bảo, Bùi Chí Toàn và Lê Anh Tuấn.
Khoảng 10 giờ sáng 24-8-2006, một người đàn ông nhỏ con, da ngăm đen đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang tự thú, khai đã tổ chức trộm cọp. Đó là Huỳnh Văn Khầu, đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trăn và thịt thú rừng xuyên quốc gia. Để có đủ lượng "hàng" cung cấp theo yêu cầu của các mối làm ăn, hắn đã liên kết với băng nhóm chuyên trộm động vật quý hiếm khác do Vũ Văn Kiệm cầm đầu để cùng ra tay.
Trong vai người mua bán thịt thú rừng, Khầu dễ dàng thâm nhập những nơi có nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm để điều nghiên, sau đó tổ chức đàn em ra tay. Chỉ trong thời gian ngắn, Khầu và đồng bọn đã thực hiện 30 vụ "ăn hàng" khắp các tỉnh thành từ Đông đến Tây Nam bộ (chủ yếu ở Đồng Nai và Bình Dương) trộm 3 con gấu, 25 con nhím, 2 con hươu, 17 đà điểu, 10 cá sấu, 70kg kỳ đà, 43 con trăn cùng 80kg da... trị giá nhiều tỷ đồng. Chúng đem số "hàng" trên bán, lấy tiền chia nhau tiêu xài.
Liên quan đến vụ trộm cọp ở TRĐT, Khầu khai nhận sau khi cho đàn em Nguyễn Văn Cung đến trại "điều nghiên", Khầu liền vạch ra kế hoạch "xử" chúa sơn lâm. Ngày 28-6-2006, hắn cùng cả nhóm đi xe máy đi từ Đồng Nai đến Tiền Giang, mang theo đồ nghề, chất độc và bao đựng cọp. Cùng đi với băng Khầu có Hai Hổ và nhóm đàn em là Lộc Mằng Phùng (tự Lợi, SN 1982), Nguyễn Văn Đông (SN 1984, cùng ngụ ấp Lợi Hà, Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai); Trần Xuân Thành (SN 1981) và Trần Quốc Đạt (SN 1980), cùng ngụ thị trấn Vĩnh An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai; Đinh Bùi Sơn Lâm (SN 1985, ngụ ấp Tân Kim, Gia Kiệm, Thống Nhất), Nguyễn Văn Đông (SN 1984, ngụ ấp Lợi Hà, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom).
Đến Tiền Giang lúc chạng vạng tối, nhóm Khầu thuê bốn phòng trọ gần khu vực TRĐT để chờ đến "giờ G" ra tay. Khoảng 11 giờ đêm, cả nhóm đột nhập vào trại, Khầu ở lại chỉ huy từ xa. Chờ khi đàn em thực hiện xong, hắn tới địa điểm tập kết thuê ôtô chở cọp về Đồng Nai và ghé vào nhà một người quen ở chợ Tân Hiệp, P. Tân Tiến, TP. Biên Hòa gởi nhờ. Cả bọn về thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu tắm giặt rồi đem cọp đi bán giá "hữu nghị" 250 triệu đồng. Trừ các "chi phí", Khầu "luận công" và chia cho đám đàn em mỗi tên từ 12 - 18 triệu đồng. Khầu khai, việc trộm động vật quý hiếm rất khó nên mỗi vụ chúng ra tay phải bán được 50 triệu đồng trở lên.
Bắt giữ một số đối tượng trong băng trộm
Từ lời khai của Khầu, cơ quan điều tra bắt nhóm do Hai Hổ cầm đầu, tạm giữ Phạm Văn Tuấn (SN 1972, ngụ xóm 3, ấp Nam Lâm, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), nhân vật chính trong vụ tiêu thụ cọp, cũng là người chuyên "sản xuất" cao hổ cốt ở các tỉnh phía Bắc.
Ngay khi Khầu tự thú, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cử người đến làm việc với Cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang về vụ mất cọp ở trang trại của ông Huỳnh Phi Ngọc ở xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương vào đêm 9-1-2006. Băng nhóm của Khầu và Hổ khai nhận đã thực hiện vụ trộm này.
Có đến 29 đối tượng ra hầu tòa, trong đó tên Huỳnh Văn Khầu lãnh mức án 19 năm tù. Một số đồng bọn của hắn cũng bị xử phạt nghiêm khắc: Lưu Ngọc Tân 19 năm tù, Nguyễn Văn Chất 17 năm, Vũ Văn Kiệm 7 năm. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 12 tháng tù đến 3 năm tù treo...
Theo CATP
Chủ lò nấu cao hổ giữa Hà Nội lĩnh án tù Khám nhà vợ chồng bà Dung, cảnh sát thu nhiều bộ xương hổ cùng hàng trăm cân xương các loại động vật hoang dã; phát hiện một lò nấu cao hổ trên tầng 4... Ngày 19/12, TAND Hà Nội mở phiên xử Nguyễn Thế Giới (55 tuổi) và vợ Nguyễn Thùy Dung (50 tuổi) cùng 4 người khác về tội vi phạm các...