PGS.TS Trần Đắc Phu: Tiếp xúc xã hội càng hạn chế bao nhiêu, càng phòng dịch COVID-19 tốt bấy nhiêu
Việc tiếp xúc xã hội càng hạn chế được bao nhiêu thì chúng ta càng phòng dịch COVID-19 tốt bấy nhiêu. Vậy chúng ta cần hạn chế bằng cách không đi lại nữa, không tiếp xúc với nhau nữa và không tập trung đông người nữa.
Trao đổi về ý nghĩa của việc “ cách ly toàn xã hội” theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 1/4/2020, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Việc tiếp xúc xã hội càng hạn chế được bao nhiêu thì chúng ta càng phòng dịch COVID-19 tốt bấy nhiêu. Vậy chúng ta cần hạn chế bằng cách không đi lại nữa, không tiếp xúc với nhau nữa và không tập trung đông người nữa.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trong giai đoạn đầu chống dịch COVID-19, Việt Nam tập trung vào ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào, Việt Nam tổ chức phát hiện những ca bệnh xâm nhập, kể cả việc cách ly những người nhập cảnh.
Lúc đầu là cách ly từng bước, sau dịch bùng lên toàn thế giới thì Việt Nam thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh. Khi phát hiện người dương tính với virus SARS-CoV-2 thì chúng ta thực hiện cách ly ở cơ sở y tế.
“Việt Nam làm rất tốt ở giai đoạn này nên đã hạn chế được việc lây nhiễm trong cộng đồng. Một số nước không làm tốt giai đoạn này nên dịch bùng phát rất nhanh”- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, không một quốc gia nào có thể hạn chế được 100 % dịch bệnh, bởi vì trước khi chúng ta thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh thì trên những chuyến bay trước đó có thể đã có những người đã mắc bệnh COVID-19 ở trong cộng đồng- nghĩa là có sự lây lan trong cộng đồng.
Giải thích đơn giản về “cách ly xã hội”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, tiện tại, chỗ thì dùng cách ly xã hội, chỗ dùng ngăn cách xã hội, chỗ dùng giãn khoảng cách địa lý…
“Theo tôi chẳng qua là làm sao hạn chế một cách tối đa việc người bị bệnh tiếp xúc với những người lành hoặc là hạn chế tối đa những người lành tiếp xúc với người bệnh để không lây nhiễm sang nhau, bởi vì virus lây theo tiếp xúc gần, khi chạm vào dụng cụ, bề mặt có virus của người bệnh thải ra bám vào”- PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh
PGS.TS Trần Đắc Phu nói thêm: Việc tiếp xúc xã hội càng hạn chế được bao nhiêu thì chúng ta càng phòng bệnh tốt bấy nhiều. Vậy thì, chúng ta cần hạn chế bằng cách không đi lại nữa, không tiếp xúc với nhau nữa và không tập trung đông người nữa. Chúng ta cần hạn chế bằng cách thực hiện các yêu cầu trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như nhà nào ở nhà đấy, xã nào ở xã đấy, huyện nào ở huyện đấy, tỉnh nào ở tỉnh đấy, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp… những yêu cầu này là để hạn chế việc tiếp xúc với nhau để tránh lây lan dịch bệnh.
Nói tóm lại, các biện pháp mà Chính phủ đưa ra chính là để hạn chế đến mức tối đa người bị bệnh không tiếp xúc với người lành, hạn chế tối đa việc người lành tiếp xúc người bệnh để dịch không lây từ người này sang người khác, không lây từ vùng này sang vùng khác.
“Vì vậy, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm bởi vì việc chấp hành rất quan trọng trong giai đoạn chống dịch hiện nay. Nhà nước dù có xử phạt cũng không làm sao kiểm tra hết được, chỉ mỗi người dân phải có ý thức mới hạn chế được dịch bệnh lây lan”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc người dân lại đổ dồn vào các siêu thị, cửa hàng mua sắm, tích trữ hàng hoá, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng người dân không nên đổ xô đi mua hàng hoá vào lúc này, vì Nhà nước đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá cho người dân. Nếu chúng ta mua nhiều gây nên hiện tượng thiếu “ảo”.
Người dân chỉ nên mua khi cần thiết, mua đủ dùng tránh trường hợp người khác không có mà mua. Chỉ khi thật sự cần thiết mới ra đường và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng bệnh như đứng cách xa nhau 2 mét, đeo khẩu trang đầy đủ. Trách nhiệm này không chỉ của người dân mà còn là trách nhiệm của người quản lý siêu thị, bảo vệ siêu thị phải nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp này.
Thời điểm này, càng hạn chế tập trung ở siêu thị càng tốt vì chúng ta không biết có thiếu vật chất hay không nhưng chúng ta rất có thể đã bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ở những chỗ tập trung đông người rồi
KHUYẾN CÁO: Để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đề nghị người đân thực hiện tốt 5 điểm sau đây:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Video đang HOT
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa; lau rửa thường xuyên các bề mặt, các điểm hay tiếp xúc; sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến trên tokhaiyte.vn; cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế.
Thái Bình
"Ai phải cách ly, cách ly thế nào trong dịch COVID-19?"
Dịch COVID-19 là dịch bệnh mới và một trong những biện pháo ngăn chặn dịch bệnh lây lan là cách ly. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu cách ly y tế là gì. Để giải đáp những thắc mắc trên, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19.
Các cán bộ y tế chuẩn bị dụng cụ thực hiện test nhanh COVID-19. Ảnh: Tô Thế.
51. Cách ly y tế là gì?
Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.
52. Tại sao khi có dịch COVID-19 lại phải tiến hành cách ly y tế?
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nên bắt buộc phải tiến hành các biện pháp cách ly y tế.
53. Có những hình thức cách ly y tế nào?
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: Áp dụng với các bệnh dịch thông thường, ít có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng;
- Cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện): Áp dụng với các bệnh dịch có nguy cơ cao, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng;
- Cách ly nghiêm ngặt: Là hình thức cách ly cao nhất "nội bất xuất - ngoại bất nhập". Nghĩa là người đang ở khu vực cách ly nghiêm ngặt thì không được ra khỏi khu vực cách ly cho đến khi có quyết định kết thúc cách ly của cơ quan có thẩm quyền. Ngược lại, người đang ở ngoài khu vực cũng không được vào cho đến khi kết thúc cách ly.
54. Thế nào là cách ly y tế tập trung?
Cách ly y tế tập trung là khi một nhóm người có nguy cơ mắc bệnh (ví dụ : Nhóm người này vừa từ vùng có dịch trở về) thì được tập trung tại một khu vực (có thể là doanh trại quân đội, bệnh viện dã chiến...) để cách ly theo quy định.
55. Thế nào là tự cách ly?
Tự cách ly là việc tự cá nhân bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhưng chưa có triệu chứng bị bệnh hoặc đã xét nghiệm âm tính với mầm bệnh nhưng nghi ngờ chưa thực sự hết khả năng lây nhiễm chủ động cách ly bản thân nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.
56. Những người nào thuộc diện phải cách ly trong đợt dịch COVID-19 này?
Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh COVID-19 đều phải được cách ly.
a. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú:
Những người không có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:
- Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Có tiếp xúc gần trong vòng 2m với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào.
- Ngồi cùng hàng hoặc trước - sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;
- Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
b. Cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện):
Những người đã mắc bệnh COVID-19 sẽ được cách ly tại bệnh viện theo quy định và theo chỉ định của bác sĩ cho đến khi khỏi bệnh và hết thời gian cách ly sẽ được về nhà.
c. Cách ly nghiêm ngặt:
Áp dụng với toàn bộ những người đang ở trong một khu vực xác định (ví dụ: Một thôn/bản hoặc một xã) hoặc ở một đơn vị, cơ quan nào đó mà có quyết định cách ly nghiêm ngặt thì đều phải cách ly. Không ai được ra khỏi khu vực cách ly cho đến khi có quyết định kết thúc cách ly của cơ quan có thẩm quyền, bất kể người đó có hay không có nguy cơ mắc bệnh.
57. Người đang bị bệnh COVID-19 chưa khỏi thì phải áp dụng hình thức cách ly nào và thời gian cách ly trong bao lâu?
Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh. Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người đang bị bệnh phải áp dụng cách ly nghiêm ngặt và cách ly cho đến khi điều trị khỏi, hết triệu chứng, có xét nghiệm virus tối thiểu 2 lần âm tính. Sau khi ra viện, vẫn phải tự cách ly ở nhà đủ trong 14 ngày.
58. Người đang bị ho, sốt, khó thở mới chỉ nghi ngờ bị bệnh COVID-19 chưa có khẳng định chắc chắn thì phải áp dụng hình thức cách ly nào, thời gian cách ly trong bao lâu và tại sao?
Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người đang bị sốt, ho, khó thở nghi ngờ mắc COVID-19 phải đến ngay cơ sở y tế khám, nhập viện và thực hiện cách ly bắt buộc. Thực hiện ngay bằng các biện pháp dự phòng lây nhiễm gồm vệ sinh đường hô hấp khi ho, hắt hơi (đeo khẩu trang, rửa tay khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc với người khác, nếu có thì phải cách xa>2m), thực hiện cách ly bắt buộc nếu có yếu tố dịch tễ (trở về từ vùng có dịch, tiếp xúc hoặc tiếp xúc gần với người bệnh mắc COVID-19...). Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để xác định ca bệnh.
Thời gian cách ly tối thiểu là 14 ngày kể từ ngày phát hiện triệu chứng hoặc đến khi có xét nghiệm COVID-19 âm tính.
59. Người không có biểu hiện bệnh mới chỉ nghi ngờ bị mắc COVID-19 (do trước đó nghi có tiếp xúc với mầm bệnh) thì phải áp dụng hình thức cách ly nào, thời gian cách ly trong bao lâu và tại sao?
Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người không có triệu chứng gì nhưng trước đó có tiếp xúc với người bệnh/nghi ngờ mắc bệnh thì chỉ cần áp dụng cách ly tại nhà nhưng phải thông báo cho cơ sở y tế biết. Người này nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau khi có tiếp xúc với dịch tiết của cơ thể. Thông báo ngay khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở. Thời gian cách ly cũng là 14 ngày.
60. Tại sao người đi về từ vùng có dịch dù không có biểu biện bị bệnh hoặc nghi ngờ tiếp xúc với mầm bệnh vẫn phải tiến hành cách ly?
Vì những người này hoàn toàn có thể lây nhiễm virus từ vùng có dịch nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Nhóm người này cần cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Nếu không cách ly nhóm người này mà họ có xuất hiện triệu chứng bệnh thì số người phải cách ly tiếp theo là rất lớn và rất khó kiểm soát triệt để.
Mời độc giả đón đọc phần 7: "Người về từ vùng có dịch COVID-19 phải làm gì?" trên Lao Động điện tử vào 9h30 ngày 2.4
PGS.TS.BS LÊ VĂN ĐÔNG (HỌC VIỆN QUÂN Y) - TỔ TRƯỞNG TỔ BIÊN SOẠN
Cần tiếp thêm sức mạnh cho các thầy thuốc nơi tuyến đầu Đã có hai nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam mắc Covid-19. Đây là điều đã được dự tính từ trước. Vì thế, ngay lúc này, Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng đoàn kết, ủng hộ tinh thần và tiếp thêm sức mạnh để các thầy thuốc - những người chiến sĩ đang ở tuyến đầu tiếp tục đứng vững...