PGS Philippines: “Mong Việt Nam hành động mạnh hơn về biển Đông”
“Từ lý do đó, chúng tôi nhận thấy rằng cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam, và chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam có thể là bên thứ ba mặc nhiên chịu ảnh hưởng trong vụ kiện đường lưỡi bò”.
LTS: Việt Nam và Philippines đang trong quá trình tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn PGS. Richard Javad Heydarian của Đại học De La Salle (Philippines) về vấn đề này. PGS. Heydarian đồng thời là Cố vấn chính sách của Hạ viện Philippines, và cây bút trên Huffington Post, The National Interest, Aljazeera…
PGS. Richard Javad Heydarian. (Ảnh: Huỳnh Phan)
Philippines và Việt Nam đang tiến tới mối quan hệ đối tác chiến lược. Xin ông cho biết việc 2 nước có mối quan tâm chung là tình hình an ninh Biển Đông và cùng có tranh chấp với Trung Quốc, điều này có phải là quá muộn không, khi Việt Nam với Thái Lan và Singapore đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trước đó?
Theo tôi hiểu, đây là quá trình khá dài để chuẩn bị cơ sở cho việc thiết lập mối quan hệ này. Tôi đã hy vọng là nó được ký kết sớm hơn, ít nhất là một năm trước.
Bởi vì tôi nghĩ rằng, trước những diễn tiến ở Biến Đông, kể từ năm 2011, cả Việt Nam và Philippines đều ở trên cùng một con thuyền, khi mà Trung Quốc đã có những hành động khiêu khích cả hai nước, đối với những thực thể mà họ chiếm giữ. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên là mãi đến tận bay giờ Việt Nam và Philippines mới tiến tới mối quan hệ gần gũi như thế này, nhưng tôi hiểu tại sao lại như vậy, nhất là từ Philippines.
Chúng tôi đã có Mỹ, với tư cách là đồng minh hàng đầu, và chúng tôi đã nghĩ rằng khi có sự cố nào xảy ra với Philippines, người Mỹ sẽ bảo vệ chúng tôi. Ngoài Mỹ ra, chúng tôi còn có đồng minh khác là Nhật. Chính vì vậy, trong một khoảng thời gian dài, Philippines không dựa vào ASEAN, nhất là Việt Nam, liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo. Chúng tôi cũng đã không mấy quan tâm rằng Việt Nam chia sẻ với Philippines những nội dung nào mà Philippines khởi kiện Trung Quốc.
Vì sao? Bởi vì đất nước chúng tôi không chia sẻ biên giới với Trung Quốc, và không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế hùng mạnh của họ, như Việt Nam. Trung Quốc chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines, sau Nhật và Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam cũng có chính sách ngoại giao là không đồng minh với nước nào, và vì vậy Việt Nam phải đa dạng hoá mối quan hệ.
Chính vì lẽ đó, chúng tôi không nghĩ rằng Việt Nam có cùng quan điểm với chúng tôi liên quan đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho đến năm 2012, sau khủng hoảng Scarborough, chúng tôi mới vỡ nhẽ ra rằng chúng tôi không thể chỉ dựa vào Mỹ, bởi Mỹ hoàn toàn bị hạn chế trong khả năng bảo vệ chúng tôi. Sau sự kiện Scarborough, người Mỹ nói rằng họ chỉ ủng hộ giải pháp hoà bình, chứ không giúp Philippines đánh lại Trung Quốc. Và chúng tôi, theo lời khuyên của Mỹ, đã tiến hành đàm phán với Trung Quốc, và rút lực lượng quân sự ra khỏi Scarborough. Người Trung Quốc cũng rút, nhưng họ đã quay lại và ngăn chặn không cho chúng tôi quay trở lại Scarborough. Philippines đã không còn cách nào khác trừ cách khởi kiện Trung Quốc.
Từ lý do đó, chúng tôi nhận thấy rằng cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam, và chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam có thể là bên thứ ba mặc nhiên chịu ảnh hưởng trong vụ kiện này.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài về lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam. Đó là một tuyên bố chính trị, chúng tôi còn mong muốn Việt Nam hành động mạnh hơn nữa.
Video đang HOT
Nếu Việt Nam và Philippines ký đối tác chiến lược, việc này sẽ đem lại những lợi ích gì cho hai nước?
Trước hết nói về sân chơi ASEAN, việc Việt Nam và Philippines xích gần lại với nhau làm cho các cuộc gặp ở ASEAN có thêm tiếng nói về sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Singapore, Malaysia and Indonesia ngày càng thể hiện quan điểm giống với hai nước chúng ta, nhất là về đường lưỡi bò và quan điểm pháp lý của giải quyết tranh chấp Biển Đông của họ là phải dựa trên Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982.
Về 2 nước Việt Nam và Philippines, tôi nghĩ rằng quan hệ đối tác chiến lược rất quan trọng bởi vì nó mở ra cơ hội để 2 nước có những hợp tác hơn nữa, cụ thể hơn nữa trên con đường bảo vệ chủ quyền.
Hơn nữa, nhìn ra bên ngoài ASEAN, chúng tôi thấy rằng Việt Nam cũng đã nhận thấy phải tăng cường hơn nữa quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, như Philippines đã làm.
Vậy điểm khác biệt cơ bản của đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Thái Lan và Singapore, và quan hệ đối tác chiến lược sắp tới với Philippines, có phải là một bên là kinh tế, một bên là an ninh biển?
Đúng. Hai nước kể trên không quan tâm đến Biển Đông như mức Việt Nam và Philippines. Vì vậy, đối tác chiến lược với Thái Lan và Singapore chủ yếu là về kinh tế, chứ Philippines không có khả năng hợp tác với Việt Nam về sản xuất và đầu tư như hai nước kể trên. Philippines chỉ có nhiều khả năng hợp tác về an ninh biển.
Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm và cải tạo đất, xây thành đảo nhân tạo. (Ảnh: CSIS/IHS Jane’s)
Ông nghĩ thế nào về việc Trung Quốc tăng cường xây dựng ở các nơi mà họ chiếm đóng tại Biển Đông?
Về mặt pháp lý, trọng tài quốc tế không thể làm gì với hành động gia cố và mở rộng các đảo của Trung Quốc, dù cho đó là phần lãnh thổ chiếm đóng trái phép. Nhưng, về mặt thực tế, những hành động trên của Trung Quốc đã góp phần tăng cường sự khẳng định yêu sách lãnh thổ của nước này.
Một điều quan trọng nữa là chuyện tự do hàng hải. Chúng ta phải nhìn xa hơn nữa, tức là lúc Trung Quốc thiết lập vùng định vị phòng không (ADIZ), bởi khi đó, tự do hàng hải ở khu vực đó sẽ bị nguy hiểm. Mỹ không quan tâm đến việc nước nào khẳng định chủ quyền trên Biển Đông mà chỉ quan tâm đến tự do hàng hải tại đó. Câu hỏi dành cho họ là đường lưỡi bò là gì, và đó là lý do tại sao Mỹ ủng hộ việc Philippines kiện Trung Quốc ra toà.
Những người theo chủ nghĩa tối đa cho rằng bên trong đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và điều đó vi phạm hoàn toàn quyền tự do hàng hải.
Những người theo chủ nghĩa trung bình cho rằng các thực thể bên trong đường lưỡi bò và phần nước phụ cận thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và điều đó không ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải. Trung Quốc có vẻ ủng hộ quan điểm này, nhưng lại cho rằng quyền tự do hàng hải chỉ có hiệu lực đối với vận chuyển thương mại, chứ không phải với quân sự.
Điều này làm cho Mỹ tức giận, bởi vì Mỹ với tư cách làm cường quốc hàng hải đứng đầu thế giới có quyền được có mặt ở khắp nơi, và nếu hải quân Mỹ không được phép có mặt ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới quyền lực của hải quân Mỹ.
Còn những người theo chủ nghĩa tối thiểu cho rằng đường lịch sử tạo ra vùng nước lịch sử. Tức là đường lưỡi bò chỉ ảnh hưởng tới khu vực đánh cá của Trung Quốc.
Đối với tham vọng xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo của TQ, điều mà Việt Nam, Philippines phải làm là gì?
Việc chúng ta phải làm là cố gắng chống lại sự mở rộng những vùng chiếm được của Trung Quốc từ cuối những năm 1980, hay những năm 1990, hay Scarborough năm 2012.
Ông đánh giá thế nào về phản ứng của các nước, nhất là ASEAN, về việc Trung Quốc củng cố và mở rộng các đảo ở Biển Đông?
Malaysia trong cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao hồi tháng 2 đã tuyên bố lưu tâm đến sự phàn nàn của Việt Nam và Philippines đối với Trung Quốc về việc xây dựng đảo và ngược đãi các ngư dân ở Scarborough. Hay việc Malaysia gợi ý về việc thành lập đội tuần tra chung ở Biển Đông. Như vậy, với Malaysia làm chủ tịch, chúng ta thấy có nhiều sáng kiến giải quyết khủng hoảng chung hơn thời Myanmar, Brunei, và đặc biệt là Campuchia.
Tôi nghĩ Malaysia, hay Singapore, hoặc Indonesia, đề xuất thì tốt hơn là Việt Nam, hay Philippines đề xuất, bởi trong cuộc chiến tâm lý, chống lại 5 nước ASEAN khó hơn so với 2 nước là Việt Nam và Philippines. Ví dụ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng lại phát biểu trên tờ Manila Times của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh về việc 4 nước ASEAN không thể chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc, và cho rằng ông Lê Lương Minh đã thiên vị, và không đúng với vai trò là Tổng Thư ký ASEAN.
Tôi nghĩ Trung Quốc quan tâm đến cuộc chiến tâm lý còn lớn hơn cuộc chiến thực sự về chủ quyền, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối giải pháp đa phương về vấn đề Biển Đông, và nói rằng đó là việc riêng của Trung Quốc với từng nước, chứ không phải vấn đề của ASEAN.
Xin cảm ơn ông.
Theo Huỳnh Phan
Vietnamnet
Thăm Philippines từ 29 đến 30/1 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao nước này, ông Albert del Rosario, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng người đồng cấp đồng chủ trì cuộc họp của UB công tác chung về đối tác chiến lược. Hai Bộ trưởng đã thảo luận về lộ trình và thống nhất những nội hàm cơ bản để tiếp tục trình lên lãnh đạo cấp cao hai nước xem xét, tiến tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược nhân chuyến thăm cấp cao trong thời gian tới. Theo Thông cáo báo chí chung về chuyến thăm, hai bên khẳng định việc bắt đầu trao đổi việc hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược cũng như nội hàm của mối quan hệ đó nhằm đưa quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới và tăng cường trao đổi song phương giữa hai nước. VN và Philippines sắp thiết lập đối tác chiến lược. (VietNamNet, 30/01/2015).
Đối phó những thách thức an ninh mới
Chưa đầy một năm sau chuyến công du Nhật Bản cuối tháng 6-2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa rời Manila đi thăm Nhật Bản từ ngày 2 đến 5-6. Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á Benigno Aquino hiện diện tại đất nước Mặt trời mọc kể từ khi nhậm chức năm 2010.
Thế nhưng chuyến thăm đang diễn ra lại mang một tầm vóc mới vì đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông B.Aquino trên cương vị Tổng thống Philippines tới Nhật Bản với nhiều kỳ vọng trong quan hệ hai nước thời gian tới.
Philippines và Nhật Bản vừa tổ chức cuộc diễn tập chống cướp biển ngoài khơi Philippines
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh hai nước đang phải đối phó với những thách thức an ninh khi Trung Quốc liên tục có hành xử đơn phương gây căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng có những động thái làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông khi ráo riết xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, bất chấp phản đối mạnh mẽ của các nước có chủ quyền liên quan cũng như luật pháp quốc tế.
Trước những thách thức đó, cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống B.Aquino với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe tại Tokyo vào ngày 4-6 tới sẽ tập trung bàn thảo một loạt vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai quốc gia ở khu vực Châu Á. Trong đó, lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ nhất trí khởi động đàm phán để sớm ký kết một thỏa thuận về chuyển giao trang thiết bị quốc phòng cũng như thảo luận một hiệp ước về quy chế dành cho quân nhân Nhật Bản đến Philippines tham gia các cuộc huấn luyện chung.
Sau khi nới lỏng quy tắc khắt khe về xuất khẩu vũ khí hồi tháng 4-2014, Nhật Bản hiện đã có thể xuất khẩu trang thiết bị và công nghệ quốc phòng với điều kiện nước nhập khẩu ký một thỏa thuận về cấm chuyển giao công nghệ Nhật Bản cho nước thứ ba. Vì thế, qua chuyến thăm, Nhật Bản và Philippines sẽ đẩy nhanh tiến độ để có thể sớm ký một thỏa thuận như vậy. Trong đó, máy bay tuần tra P3-C và các thiết bị radar của Nhật Bản được xem là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng cho Philippines.
Trước đó, trong chuyến công du Philippines tháng 7-2013, Thủ tướng S.Abe đã cam kết giúp đỡ củng cố năng lực giám sát biển của Philippines bằng cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển nước này nhằm giám sát những vùng lãnh hải tranh chấp. Dự kiến cuối năm nay Philippines sẽ nhận chiếc tàu tuần tra đầu tiên trong số 10 tàu tuần tra có chiều dài 40m mà Nhật Bản đang đóng cho Manila.
Là một trong hai đối tác chiến lược quan trọng của Philippines cùng với Mỹ, Nhật Bản ngày càng xích lại gần Philippines là dễ hiểu, đặc biệt những hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Đầu tháng 5 vừa qua, lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines và Nhật Bản cũng đã tiến hành cuộc diễn tập chung chống cướp biển; đồng thời, hai tàu khu trục Nhật Bản và một trong số tàu chiến mới nhất của Philippines đã có cuộc tập trận hải quân lịch sử trên Biển Đông.
Cuộc tập trận dài ngày này, vốn là cuộc diễn tập hải quân song phương đầu tiên giữa Nhật Bản và Philippines, được thao luyện cách bãi đá ngầm Scarborough do Manila tuyên bố chủ quyền, song hiện do Trung Quốc kiểm soát và gọi là đảo Hoàng Nham, chỉ chưa đầy 300km. Dù Philippines khẳng định cuộc tập trận chỉ nhằm tăng cường năng lực quân sự nhưng các nhà phân tích an ninh cho rằng đây là dấu hiệu gia tăng sức mạnh hải quân của nước chủ nhà liên quan tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua.
Không chỉ với Philippines, các động thái gần đây cho thấy Nhật Bản ngày càng coi trọng hợp tác với ASEAN thông qua những thay đổi trong chính sách đối ngoại cũng như an ninh. Nhằm thể hiện sự can dự hơn vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 mới đây ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã nêu đề xuất của nước này về "Sáng kiến Đối thoại Shangri-La" nhằm tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực.
Sáng kiến tập trung vào ba yếu tố gồm: Hoàn thiện các quy tắc chung và pháp luật trên biển trong khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy các cuộc tập trận chung và xem xét những biện pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến tàu ngầm.
Rõ ràng, với vai trò cầu nối giữa Nhật Bản với ASEAN, chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống B.Aquino không chỉ khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước mà còn cho thấy vai trò không thể thiếu của Nhật Bản trong duy trì an ninh khu vực.
Theo Đình Hiệp
Hà Nội mới
Sự thật, điều hư cấu và Biển Đông Chỉ trong vài tuần tới, các thẩm phán quốc tế sẽ bắt đầu xem xét tính hợp pháp của yêu sách "đường chữ U" của Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông. LTS: Một quan điểm dứt khoát về yêu sách của TQ ở Biển Đông của ký giả Bill Hayton, một chuyên gia nổi tiếng đã có nhiều năm gắn bó với khu...