Persona – Dòng game đã khiến tôi và nhiều game thủ Việt mất ăn mất ngủ hàng chục năm trời
Persona luôn được xem là một trong những series hay nhất nằm trong dòng Shin Megami Tensei tại Nhật Bản.
Ở thời điểm ra mắt, dòng Shin Megami Tensei được cho là có chiều sâu rất lớn, độ thử thách thuộc hàng nhất nhì trên hệ máy SNES. Persona khi ấy có vai trò giống như một nhánh sản phẩm thử nghiệm của Atlus nhằm tạo ra một game Shin Megami Tensei nhập vai phổ cập hơn. Phép thử này đã đem đến thành công lớn cho hãng, đỉnh điểm là Persona 3 – thắng lợi đã mang lại tiếng thơm cho cả dòng Shin Megami Tensei.
Nhân dịp bom tấn JRPG sắp ra mắt, trong bài viết ngày hôm nay hãy cùng nhìn lại chặng đường phát triển của Persona, đồng thời nhắc lại một số khái niệm cơ bản cho những người còn xa lạ với series này.
Bối cảnh
Tất cả những phiên bản Persona đều được đặt trong cùng một thế giới với nhiều yếu tố đồng nhất. Dòng game thường xoay quanh một nhóm học sinh trung học trong bối cảnh xã hội hiện đại Nhật Bản, bị cuốn vào một cốt truyện kỳ bí và đen tối hơn hẳn những dòng JRPG khác.
Nhân vật trong game sử dụng những Persona để thi triển phép thuật và các kỹ năng đặc biệt trong chiến đấu. Phần lớn các phiên bản đều dùng hệ thống khám phá hầm ngục (Dungeon Crawling) phổ biến cho lối chơi. Trên đường, bạn cũng có thể củng cố đội hình của mình bằng cách thu phục thêm Persona sau mỗi trận chiến.
Định nghĩa Persona
Persona (cách viết khác là personas hoặc personae) tiếng Latin có nghĩa là mặt nạ. Theo nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung, mỗi con người đều ít nhiều mang một chiếc “mặt nạ” che dấu đi tính cách thật để đối diện và giao tiếp với thế giới xung quanh. Để tạo dựng một persona, con người phải che dấu một phần nhân cách của mình. Phần nhân cách đó chứa đựng cả mặt tốt và mặt xấu, bị chính cái tôi dồn nén lại và không bao giờ nhận biết được, đó là tất cả những mặt tối của con người.
Chủ đề này đóng vai trò thiết yếu trong cốt truyện của cả dòng game. Persona và Shadow giờ đây được hình thức hóa, mang ngoại hình cùng tên gọi ảnh hưởng nặng từ những câu chuyện thần thoại từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Các Persona được chia thành nhiều phân lớp khác nhau được gọi là arcana, mỗi arcana ứng với một lá trong bộ bài tarot.
Video đang HOT
Mọi thông số, yếu điểm và kỹ năng của nhân vật đều do persona được trang bị của nhân vật đó quyết định. Để giành chiến thắng, bắt buộc bạn phải sử dụng đa dạng các persona hiện có. Trong Persona 1 và 2, tất cả nhân vật đều có khả năng dùng được nhiều loại arcana, đến Persona 3 và 4, riêng nhân vật chính mới làm được điều này. Các nhân vật khác tuy chỉ có thể sở hữu một persona duy nhất, nhưng họ có thể tiến hóa chúng theo diễn biến câu chuyện, với diện mạo và kỹ năng hoàn toàn mới.
Persona
Persona là tựa game đầu tiên của dòng JRPG Persona phát hành năm 1996, được biết đến với tên gọi Megami Ibunroku: Persona: Be Your True Mind ở Nhật Bản, Revelations: Persona và Shin Megami Tensei: Persona ở Bắc Mỹ cho hai phiên bản trên PlayStation và PSP.
Người chơi vào vai một học sinh trung học cùng bạn chơi trò chơi tiên tri có tên gọi là “Persona”, cách chơi tương tự như “Bloody Mary” ngoài đời thực (nếu bạn nhìn vào gương trong phòng tối và tụng tên Bloody Mary liên tục, thì quỷ dữ sẽ hiện hình). Khi trò chơi vừa kết thúc, một ma nữ hiện ra và tấn công nhóm học sinh bằng sét. Tất cả đều bất tỉnh và gặp được Philemon, người đã ban cho họ khả năng triệu hồi Persona – bản sao nhân cách của mình.
Hệ thống chiến đấu của game là dạng bàn cờ (grid-based), các nhân vật và kẻ địch di chuyển trên mỗi ô cờ theo lượt. Người chơi dựa vào tầm đánh và chiến thuật để quyết định điểm đến hoặc tấn công tiếp theo. Khi ở trong ngục, bạn sẽ di chuyển dưới góc nhìn người thứ nhất, nhưng tại một số phòng, game sẽ chuyển sang góc nhìn người thứ ba để tương tác với các nhân vật khác. Hệ thống này tiếp tục được sử dụng trong Persona 2 và thay thế kể từ Persona 3.
Việc bản địa hóa quá tệ của Revelations: Persona là lý do chính khiến tựa game không được biết đến nhiều ở các thị trường khác trên thế giới. Sau thành công ngoài sức tưởng tượng của Persona 3, Atlus đã quyết định tái phát hành tựa game này trên hệ PSP với bản dịch lại hoàn toàn, các đoạn cắt cảnh được cải thiện chất lượng, giao diện tối ưu hơn, một số tinh chỉnh trong cân bằng game và đặc biệt là phần âm nhạc hoàn toàn mới thực hiện bởi Shoji Meguro.
Persona 2
Persona 2 là bản game gồm hai chương phát hành vào năm 1990-2000.
Chương đầu – Innocent Sin kể về Tatsuya Shou, một học sinh trung học ở thành phố Sumaru. Có tin đồn trong thành phố rằng nếu ai gọi tới số di động của chính mình, một kẻ bí ẩn có tên “Joker” sẽ xuất hiện sau lưng và ban cho họ bất kì điều ước nào. Tatsuya và bạn cậu quyết định làm rõ thực hư câu chuyện, Joker đã hiện hình và gán cho cả nhóm án tử, buộc tội những việc họ đã làm với hắn trong quá khứ mà không ai còn nhớ. Diễn biến sự việc ngày càng xấu đi khi những lời đồn dần trở thành sự thực, buộc cả nhóm phải đứng lên ngăn chặn Joker và khám phá sự thật về tổ chức “The Masked Circle” ẩn chứa đằng sau.
Chương thứ hai – Eternal Punishment đặt mốc thời gian một vài tháng sau Innocent Sin, theo chân Maya Amano, nhà báo trong thành phố Sumaru. Vẫn là tin đồn tương tự, nhưng lần này JOKER sẽ giết bất cứ ai được yêu cầu. Trong quá trình viết bài về JOKER, Maya và hai người bạn đã chạm mặt hắn. Khi bị dồn đến chân tường, cô đánh thức được Persona của mình và thoát chết. Trong lúc bất tỉnh, họ đã gặp Philemon và được giao nhiệm vụ giải cứu “This Side” bí ẩn cũng như tiêu diệt JOKER.
Lối chơi của Persona 2 được cho là ưu việt hơn phiên bản trước. Vẫn là chiến đấu trong những ô bàn cờ quen thuộc, nhưng thêm vào yếu tố thời gian theo lịch Trăng rằm. Hệ thống Contact lần đầu xuất hiện, cho phép nhân vật tiếp xúc và đàm phán với Persona của mình để có được vật phẩm và bài tarot. Các Persona cũng có thể phối hợp với nhau thông qua cơ chế “Fusion Spells”, cho phép hai hoặc nhiều Persona cùng thi triển những chiêu thức đặc biệt.
Không như Innocent Sin chỉ lưu hành nội địa, Eternal Punishment được anh hóa và phát hành tại Bắc Mỹ năm 2000. Cốt truyện của hai phần khá độc lập nên người chơi vẫn có thể hiểu diễn biến nếu chỉ chơi một phần. Bản làm lại của Innocent Sin trên hệ PSP phát hành vào năm 2011 hỗ trợ thêm màn hình rộng, nền đồ họa mới, cải tiến lối chơi cùng với các bản nhạc được hòa âm và căn chỉnh từ đầu. Eternal Punishment cũng được làm lại trên PSP, thêm thắt những tình tiết mới nhưng chỉ được phát hành tại Nhật Bản. Sau đó bản quốc tế hệ PSX của tựa game đã có mặt trên PlayStation Network (PSN) dưới dạng tải về.
Persona 3
Có thể nói Persona 3 (P3) là bước ngoặt của cả dòng Persona nói riêng lẫn SMT nói chung. Tựa game được phát hành trên PS2 năm 2006 tại Nhật Bản. Phần bổ sung với đoạn kết mới có tên gọi Persona 3 FES được phát hành năm 2007, và bản tùy chỉnh cho PSP là Persona 3 Portable (P3P) ra mắt năm 2009 tại Nhật.
Trong P3, một ngày có 25 tiếng. Thời điểm kim đồng hồ điểm đúng nửa đêm, ngày sẽ bước sang giờ thứ 25, gọi là “The Dark Hour”. Trong quá trình xảy ra hiện tượng, người bình thường bị biến đổi thành vật trông như quan tài và không cảm nhận được giờ này. Những ai vẫn tồn tại sẽ bị Shadow – sinh vật chuyên săn lùng tâm trí con người truy bắt. Nếu tiếp xúc với nó, nạn nhân sẽ mất hết tinh thần, chỉ còn là xác sống và trở thành “The Lost”.
Bạn sẽ vào vai một học sinh mới chuyển đến trường trung học Gekkoukan. Sau khi đặt chân đến ký túc xá, bạn phát hiện ra mình vẫn còn ý thức trong Dark Hour và thức tỉnh được Persona để chống lại các Shadow. Các học sinh khác trong ký túc đều có khả năng này, họ đã thành lập một nhóm tiêu diệt Shadow có tên SEES (Specialized Extracurricular Execution Squad) và bạn là thành viên mới nhất. Thời gian có hạn – ngoài hiểm họa Shadow ra, bạn sẽ phải cân bằng giữa quan hệ xã hội, nghĩa vụ học tập cũng như tình trạng sức khỏe của mình để đạt hiệu quả tốt nhất.
Mọi hoạt động của bạn đều mất đi một khoảng thời gian nhất định (thường là một buổi), diễn biến câu chuyện sẽ dần hé lộ qua hệ thống tính ngày theo lịch năm. Lần đầu tiên yếu tố mô phỏng đời sống (sim dating) được thêm vào dòng game. Bạn sẽ dành thời gian trong ngày để tạo lập và cải thiện các mối quan hệ của mình qua hệ thống Social Links, mỗi mối quan hệ tương ứng với một arcana.
Cấp Social Links càng cao, Persona của arcana đó càng mạnh, cho phép bạn mở khóa được những Persona mới. Ngoài ra, còn có ba chỉ số điều kiện để tăng cấp Social Links, đó là Lực Học (Academic), Sức Quyến Rũ (Charm) và Can Đảm (Courage) – ba chỉ số này cũng có thang cấp độ riêng, mọi hoạt động thường ngày của bạn đều có ảnh hưởng đến chúng.
Vào cuối ngày, bạn sẽ bước vào Dark Hour. Mục tiêu của bạn là chinh phục Tartarus – tòa tháp quỷ, nguồn gốc của Shadow – bị biến đổi đổi từ chính trường Gekkoukan trong Dark Hour. Mỗi tầng của Tartarus là một dungeon thiết kế dạng mê cung, với kiến trúc được thay đổi ngẫu nhiên sau mỗi lần bạn đi qua. Game có hệ thống chiến đấu theo lượt, phụ thuộc chủ yếu vào yếu điểm tương khắc giữa các nguyên tố.
Nếu bạn đánh trúng yếu điểm của đối phương, chúng sẽ bị đánh gục (knock-down), và bạn được thêm một lượt cho nhân vật đang điều khiển. Một khi tất cả kẻ địch đều knock-down, bạn sẽ có cơ hội “úp sọt” bằng đòn tổng lực (All-Out Attack) của tất cả các nhân vật gây ra lượng sát thương lớn. Nên nhớ, chính bạn cũng có thể bị knock-down. Vì vậy, sử dụng đa dạng Persona là việc tối cần thiết trong mỗi trận chiến, đặc biệt đối với những con boss.
Theo GameK