Pepsico: Nguyên liệu nhập từ Trung Quốc là nguồn gốc rõ ràng
Tổng giám đốc Suntory Pepsico VN trần tình về nguyên liệu trà Ô Long Tea Plus có nguồn gốc Trung Quốc, về điều kiện ATTP của các nhà máy và nhiều vấn đề nóng khác của hãng.
Pepsico: Nguyên liệu nhập từ Trung Quốc là nguồn gốc rõ ràng
Kết luận của Thanh tra Bộ Y tế ngày 16/11 vừa qua khẳng định nhãn của 51 sản phẩm đang lưu hành của Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam có nội dung phù hợp với nhãn đã công bố.
Có vi phạm về ghi nhãn hàng hóa?
Nhiều người cho rằng doanh nghiệp này có biểu hiện vi phạm về nhãn hàng hóa vì họ chỉ ghi tên và địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm chứ không ghi đầy đủ cả tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… theo quy định. Cụ thể, các sản phẩm của Suntory Pepsico đã không cung cấp thông tin về nhà máy sản xuất trên nhãn hàng hóa.
Trả lời Zing.vn về vấn đề này, Tổng giám đốc Suntory Pepsico Việt Nam Uday Shankar Sinha khẳng định doanh nghiệp đang làm đúng.
Dây chuyền sản xuất trà Ô Long của Pepsico.
Không chỉ dẫn kết luận thanh tra, lãnh đạo Suntory Pepsico Việt Nam còn đính kèm thông tư hướng dẫn về việc ghi nhãn số 14 của Bộ Khoa học và Công nghệ (được ban hành từ năm 2007), Thông tư liên tịch số 34 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương (được ban hành vào năm 2014) để “minh oan” cho mình.
Đơn vị này nhấn mạnh điểm g, khoản 3, mục II, theo đó, “đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá có nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, các hàng hoá mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất, kinh doanh được phép ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá đó nếu được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận chất lượng của hàng hoá này phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá đó công bố”.
Đây là cơ sở để Pepsico không đề tên nhà máy sản xuất trên nhãn sản phẩm. Đơn vị cũng cho biết họ cũng tuân thủ hướng dẫn bằng văn bản của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế phúc đáp công văn của doanh nghiệp năm 2012.
Cấp Giấy chứng nhận ATTP khi đang thanh tra
Video đang HOT
Theo báo cáo của Suntory Pepsico Việt Nam, doanh nghiệp này có 5 nhà máy sản xuất tại các địa phương: TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Nam và Bắc Ninh. Các nhà máy đều đã được cấp Giấy chứng nhận hệ thống ATTP FSSSC 22000 và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Các giấy chứng nhận ATTP này được cấp phép trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay.
Cụ thể, cơ sở Cần Thơ có Giấy chứng nhận đầu tiên, cấp ngày 25/2 nhưng chỉ để sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng và nước giải khát các loại, không dành cho thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Ngày 12/4, hai cơ sở Đồng Nai và Quảng Nam được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm (với Quảng Nam là thực phẩm bao gói sẵn).
Hai cơ sở TP.HCM và Bắc Ninh được Cục An toàn Thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và nước giải khát các loại vào các ngày 17/5 và 21/7.
Hãng cũng thực hiện gia công 12 sản phẩm tại 4 doanh nghiệp, trong đó có công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam và công ty TNHH Tribeco Bình Dương.
Tribeco Bình Dương được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày 11/2/2015 còn công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam mới được cấp giấy chứng nhận này vào ngày 3/10 năm nay, ngay trong thời gian Bộ Y Tế mở đợt thanh tra toàn diện Pepsico Việt Nam.
Đợt thanh tra này trong 45 ngày (từ 7/9 vừa qua). Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2015 đến nay.
Theo những thông tin trên thì các giấy phép đều được cấp trong thời kỳ đang thanh tra.
Theo Suntory Pepsico thì trước đó nhà máy của Kirin Việt Nam hoạt động trên cơ sở Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Chi cục ATVSTP Bình Dương cấp.
Trao đổi với Zing.vn về việc này, ông Uday Shankar Sinha, Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam dẫn lại văn bản của Chi cục ATVSTP Bình Dương và nhấn mạnh: “Theo kết luận của Thanh tra Bộ Y tế, các đơn vị trên đã được cấp đủ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thẩm quyền cấp cho Kirin Việt Nam là của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế. Hiện Suntory Pepsico chưa thông tin rõ việc giấy chứng nhận của Chi cục ATVSTP Bình Dương cấp cho Nhà máy Kirin Việt Nam có đủ điều kiện để đơn vị này gia công sản phẩm cho Pepsico Việt Nam, gia công cái gì, bao bì nhãn mác sản phẩm hay lõi sản phẩm.
Nhập nguyên liệu từ Trung Quốc: Nguồn gốc rõ ràng?
Một vấn đề nóng khác là từng gây xôn xao dư luận liên quan đến sản phẩm của Pepsico nhưng không được đề cập cụ thể trong kết luận thanh tra của Bộ Y tế là chất lượng một số hàng nguyên liệu trà Ô Long Tea Plus mà hãng nhập từ Trung Quốc.
Trà Ô Long Tea Plus là sản phẩm được Suntory Pepsico Việt Nam quảng cáo sản xuất trên dây chuyền hiện đại của Nhật Bản, chất lượng Nhật Bản. Tuy nhiên, tờ khai nhập khẩu của công ty này từ tháng 6 đến tháng 12/2015 thể hiện mặt hàng nhập khẩu là “Bột trà ô long-Instant Oolong tea powder SUN60 (Qui cách đóng gói: 20kgs/1 carton)”, nơi nhập khẩu là Việt Nam, nguồn gốc xuất xứ ghi “CN” (viết tắt China, tức Trung Quốc – PV).
Nhiều lô hàng nguyên liệu trà Ô Long Tea Plus của Pepsico Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Giáo dục Việt Nam.
Ngày 22/1, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu Suntory Pepsico giải trình rõ vấn đề này. Trong văn bản báo cáo với Cục An toàn thực phẩm, Pepsico Việt Nam thừa nhận dùng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để chế tạo Trà Ô Long Tea Plus.
Kết luận thanh tra cho rằng sau khi xem xét kỹ lưỡng các tài liệu liên quan, kiểm tra tại nhà máy, kiểm tra các mẫu, Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính kết luận nguyên liệu, phụ gia thực phẩm dùng cho sản xuất thực phẩm của công ty này “có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ và được kiểm nghiệm định kỳ. Tại thời điểm thanh tra không phát hiện trong kho có nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục của Bộ Y tế hoặc hết hạn hoặc hỏng mốc”.
Theo báo cáo của Pepsico, đơn vị đang sử dụng 21 loại nguyên liệu và 57 loại phụ gia để sản xuất các sản phẩm trong đó về nguyên liệu doanh nghiệp tự nhập khẩu 15 loại từ nhiều quốc gia khác nhau, 6 loại mua trong nước. Về phụ gia, doanh nghiệp nhập khẩu 49 loại từ nhiều quốc gia, 8 loại mua trong nước.
Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/8/2016, Pepsico đã mua nguyên liệu để sản xuất 53.632 đơn hàng, trong đó có 1.204 đơn hàng tự nhập khẩu hoặc mua lại từ các nhà cung cấp.
Công ty khẳng định với Thanh tra Bộ Y tế toàn bộ nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia trên đều “có nguồn gốc, có hóa đơn chứng từ và được nhập khẩu khi hồ sơ công bố còn hiệu lực”.
Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính đã cho kiểm tra ngẫu nhiên 23 đơn hàng do công ty trực tiếp nhập khẩu và 27 đơn hàng do công ty mua của các nhà cung cấp trong nước và đưa ra kết luận toàn bộ 1.204 đơn hàng nhập khẩu/ mua lại “đạt yêu cầu”.
Dẫn kết luận thanh tra, trong văn bản trả lời Zing.vn ngày 28/11, ông Uday Shankar Sinha, Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam khẳng định: “Trong đợt thanh tra vừa qua, Bộ Y tế đã lấy một số lượng lớn mẫu sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm của công ty để kiểm nghiệm và 100% mẫu được kiểm nghiệm đều đạt chuẩn. Đây là minh chứng rõ nhất cho việc tuân thủ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của công ty”.
(Theo Zing News)
Nhiều vấn đề chưa làm rõ trong kết luận thanh tra Pepsico Việt Nam
Thanh tra Bộ Y tế vừa có kết luận thanh tra số 194/KL-TTrB về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Cty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (Pepsico Việt Nam) và chỉ chỉ ra được lỗi nhỏ do Cty này mắc phải. Pepsico Việt Nam chỉ phải chịu phạt 25 triệu đồng cho lỗi "đã được phát hiện".
Nguyên liệu nhập từ nước nào?
Tháng 9/2016 Thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra toàn diện Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam. Đợt thanh tra được thực hiện tại các Công ty nước giải khát Suntory Pepsico khu vực miền trung, miền nam và các chi nhánh tại khu vực phía bắc, nhằm phát hiện các sơ hở, bất cập trong cơ chế quản lý, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, phát hiện và xử lý vi phạm nếu có. Trước khi thanh tra Pepsico, doanh nghiệp cũng từng dính không ít tai tiếng. Công ty này đã nhiều lần bị khách hàng tố mua phải sản phẩm bị lỗi, có dị vật. Thế nhưng, doanh nghiệp này luôn chọn giải pháp "im lặng" trước những sản phẩm lỗi của mình.
Đình đám nhất là sản phẩm Trà Ô long Tea Plus do Pepsico Việt Nam sản xuất. Sản phẩm này sau đó được phát hiện có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng với hoạt chất OTPP. Sau đó, các cơ quan truyền thông cũng phát hiện sản phẩm này có nguồn gốc nguyên liệu được sản xuất từ Trung Quốc.
Nhiều vấn đề chưa làm rõ trong kết luận thanh tra Pepsico Việt Nam
Nguồn gốc nguyên liệu dùng sản xuất các sản phẩm đồ uống, thực phẩm bổ sung của Pepsico Việt Nam đang lưu hành trên thị trường được người tiêu dùng Việt đặc biệt quan tâm và mong muốn được cơ quan hữu trách làm rõ.
Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra vừa được hoàn tất của Bộ Y tế chỉ chỉ ra rằng báo cáo của Pepsico Việt Nam cho biết sử dụng 78 loại nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để sản xuất các sản phẩm thực phẩm của Cty, bao gồm 21 loại nguyên liệu thực phẩm và 57 loại phụ gia thực phẩm. Công ty Pepsico Việt Nam tự nhập khẩu 15 loại nguyên liệu thực phẩm có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau, còn 6 loại thì mua trong nước. Về phụ gia thực phẩm có 57 loại. Trong đó Pepsico Việt Nam tự nhập khẩu 49 loại có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau, 08 loại mua của các nhà sản xuất trong nước.
Vấn đề ở đây là cơ quan hữu trách đã không chỉ rõ việc các nguyên liệu này Pepsico Việt Nam nhập khẩu từ các quốc gia khác nhau, đó là những quốc gia hay vùng lãnh thổ nào thì lại không được làm rõ. Thông tin không được công khai, minh bạch.
Vì sao phải gia công sản phẩm?
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Y tế, Pepsico Việt Nam có 5 nhà máy trực thuộc công ty là: Nhà máy sản xuất nước giải khát đặt tại phường Thới An, Quận 12, TP. HCM; Chi nhánh Cty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam tại Đồng Nai, khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa, Đồng Nai; Chi nhánh Pepsico Việt Nam tại khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ; Chi nhánh Pepsico Việt Nam tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam; Chi nhánh Pepsico Việt Nam tại khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh. Từ năm 2015 đến nay Pepsico Việt Nam sản xuất kinh doanh 51 sản phẩm thực phẩm. Trong đó có 33 sản phẩm thuộc nhóm nước giải khát, 17 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bổ sung và 01 sản phẩm nước uống đóng chai.
Kết luận thanh tra của Bộ Y tế cũng cho thấy điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm của Pepsico Việt Nam tại các nhà máy là đạt chuẩn từ khu vực sản xuất đến công đoạn thổi chai và đóng gói sản phẩm. "Phôi chai được cấp vào máy thổi tạo thành chai có hình dáng và thể tích xác định. Sau đó được băng tải dẫn đến máy tráng rửa vỏ chai rồi sang máy chiết để rót thành phẩm, đi qua máy đóng nắp, máy làm ấm chai. Các công đoạn tiếp theo sau khi sản phẩm ra khỏi máy làm mát, làm ấm chai gồm: máy in phun NSX- HSD, dán nhãn, đóng thùng (hoặc bao phim) và chất xếp lên pallet đưa vào kho thành phẩm"- Thanh tra Bộ Y tế nêu. Như vậy có thể nói quy trình sản xuất sản phẩm của Pepsico Việt Nam là khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến ra sản phẩm.
Nhưng điều bất ngờ là ngoài các nhà máy như trên của Pepsico Việt Nam, Thanh tra Bộ Y tế cho biết là Pepsico Việt Nam còn hợp tác với các đơn vị khác gia công sản phẩm cho Pepsico Việt Nam. Đó là Nhà máy Tribeco (Khu công nghiệp VISIP, Bình Dương); Nhà máy Bia Sài Gòn miền Trung (Khu công nghiệp Phú Tài, tỉnh Bình Định); Nhà máy Nihon; Nhà máy Kirin Việt Nam Việt Nam ( đều ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương). Pepsico Việt Nam và các đơn vị gia công trên có hợp đồng trách nhiệm với nhau. Pepsico Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm.
Nhưng điều khiến dư luận không khỏi không băn khoăn nghi vấn về vấn đề gia công này của Pepsico Việt Nam. Đó là gia công toàn bộ sản phẩm hay một công đoạn nào đó của sản phẩm trong khi Pepsico Việt Nam có các nhà máy được cho là có các dây chuyền khép kín. Vấn đề này đã không được Thanh tra Bộ Y tế nêu rõ trong kết luận thanh tra.
(Theo An Ninh Tiền Tệ)
Bộ Y tế thanh tra Pepsico Việt Nam Bộ Y tế đã quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam. Bộ Y tế sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm ATTP của Công Pepsico Việt Nam trong 45 ngày Chánh Thanh...