PCT nước bức xúc vì bác sĩ “ăn của dân không từ một cái gì”
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, pháp luật không nghiêm nên xảy ra tình trạng “nhờn thuốc” đến báo động, vi phạm sau nghiêm trọng hơn vi phạm trước. Bà đưa ra cảnh báo: “ Không ai sợ pháp luật, không ai sợ bị trừng trị nữa rồi”.
PCT Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bức xúc trước những tiêu cực trong ngành y tế khi đề cập đến vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) trong phiên họp TVQH ngày 11/9.
“Một bệnh viện ở thủ đô mà lại lấy xét nghiệm của ông già đưa cho con nít. Làm thế đáng đưa ra bắn chứ không nói đến vấn đề hình sự nữa”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012 do Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày đã chỉ rõ, tính công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế và quyền lợi của người tham gia BHYT còn nhiều hạn chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch nước đều bức xúc trước vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại BVĐK Hoài Đức. Ảnh internet
Đa số người tham gia BHYT chưa biết rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. Người bệnh có BHYT phải đóng thêm một số khoản chi ngoài quyền lợi hưởng BHYT hoặc phải lặp lại các xét nghiệm chẩn đoán khi chuyển tuyến điều trị vừa gây tốn kém và bức xúc cho bệnh nhân, vừa lãng phí quỹ BHYT.
Liên quan đến vấn đề y đức, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đưa nhận định: “Thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một số cán bộ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện công đã làm giảm lòng tin của người bệnh, gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội”.
Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm trong quản lý nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, đến các bộ ngành, đoàn thể, ngành BHYT Việt Nam cũng như chính quyền các tỉnh, thành phố.
Đề cập đến vấn đề trách nhiệm, cũng như vấn đề y đức, PCT Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tỏ ra bức xúc trước 2 vụ việc tiêu cực được báo chí, dư luận đề cập trong thời gian qua: Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm máu ở BVĐK Hoài Đức, và trường hợp làm giấy giả, đóng dấu giả ở một trạm y tế.
Video đang HOT
“Một bệnh viện ở thủ đô mà lại lấy xét nghiệm của ông già đưa cho con nít. Làm thế đáng đưa ra bắn chứ không nói đến vấn đề hình sự nữa. Đọc báo cáo giám sát so với 2 vụ việc trên tôi thấy bức xúc. Tôi không hoan nghênh hay đánh giá quá cao báo cáo này. Báo cáo lấy lòng nhau là không được”.
Cho rằng trách nhiệm của những tồn tại, hạn chế thuộc về ai chưa được thể hiện rõ, PCT Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị xây dựng một nghị quyết sau báo cáo giám sát, không thể để tình trạng như hiện nay.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan – thành viên đoàn giám sát, và cũng là người rất gần gũi với người lao động, đặc biệt là người nghèo cũng thấy buồn với nhiều vụ việc “vô lương tâm, vô đạo đức” hiện nay.
Bà Doan cho rằng, pháp luật không nghiêm nên xảy ra tình trạng “nhờn thuốc” đến báo động, vi phạm sau nghiêm trọng hơn vi phạm trước. Bà đưa ra cảnh báo: “Không ai sợ pháp luật, không ai sợ bị trừng trị nữa rồi”.
Trước bức xúc mà Phó Chủ tịch Quốc hội vừa phản ánh, Phó Chủ tịch nước nêu:”Tại sao lại có tình trạng vô lương tâm, vô đạo đức như vậy? Ăn của dân không từ một cái gì. Liều vắc xin con con của trẻ em cũng ăn. Ngay tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng còn biển thủ. Đến Giám đốc bệnh viện còn có chuyện khám bệnh cho bệnh nhân, rồi kê đơn thuốc bảo ra quầy nhà mình mua. Vậy xã hội hóa đến đâu? Trách nhiệm thuộc về ai cần phải làm rõ”.
Không đi sâu về vấn đề này, tuy nhiên trước các ý kiến đề cập trong vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho đó là chuyện lạm dụng xét nghiệm. “Cái này không phải là y đức mà là rút ruột bảo hiểm” Bộ trưởng Tiến thanh minh.
Theo Infonet
Thâm nhập "lò" dạy "nghề"... ăn xin phố biển
Những tưởng ăn xin là cái "nghề" bất đắc dĩ, tận cùng của sự nghèo khó, tủi nhục, nhưng ngày nay có lẽ khái niệm ấy có thể không còn chính xác nữa. Không ít thanh, thiếu niên và cả những người trung tuổi đã tự nguyện "xin phép" tham gia vào các đoàn ăn xin được tổ chức rất quy củ, chia thành từng nhóm nhỏ, hoạt động trên một địa bàn được phân chia rõ ràng...
Những thành viên mới sẽ được đào tạo, kèm cặp một thời gian, sau đó được "đàn anh" khoán cho địa bàn làm việc rồi "thu thuế". Thâm nhập sâu vào thế giới này tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), người viết không khỏi ngạc nhiên trước sự bài bản của "công nghệ" chăn dắt ăn xin.
Thường vào chiều tối, chủ "lò chăn dắt" đến thu tiền của "nhân viên" (ảnh trái) và bọn trẻ trong đội "cái bang" ngủ lăn lóc trên đường Trưng Trắc Trưng Nhị (TP. Vũng Tàu) vào sáng sớm.
Học nghề kiểu "một kèm một"
Dạo một vòng xung quanh các hàng quán, tụ điểm vui chơi ở TP. Vũng Tàu, cả trong ngày thường cũng dễ dàng bắt gặp nhan nhản hình ảnh các "đệ tử cái bang" hoặc ăn xin "đội lốt" bán hàng dạo qua dạo lại, chèo kéo du khách. Họ thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ con còn bế ngửa cho đến những cụ già ở vào cái tuổi "xưa nay hiếm" cũng đổ ra đường...
Nếu trước kia, một số tay anh chị "trùm bảo kê", kiếm tiền bằng cách tập hợp những đứa trẻ lang thang từ khắp nơi đổ về, dùng vũ lực đánh đập, bắt đi xin ăn để cung phụng chúng, thì nay hình thức này đã được biến tướng theo một cách hoàn toàn mới.
Theo lời anh Dương, một người dân sống tại đường Bình Giã (phường 8, TP. Vũng Tàu), khu vực tập trung nhiều ăn xin kiểu này cho biết: "Sau khi cơ quan chức năng phanh phui nhiều vụ hành hạ, bắt trẻ em đi ăn xin, nhiều tay chăn dắt "cộm cán" bị bắt hoặc đưa đi cải tạo thì không thấy họ xuất hiện "hành nghề" trong thời gian dài.
Nhưng khoảng một năm trở lại đây, hình thức này bắt đầu trở lại với cách thức tổ chức, hoạt động hoàn toàn mới, tinh vi, hòng che mắt người ngoài cuộc. Các đối tượng bảo kê giờ ít sử dụng chiêu thức quản lý gắt gao, bao bọc theo sát những người ăn xin như trước kia, mà dùng "mồi nhử" để những người có hoàn cảnh khó khăn tự tìm đến "làm thuê" cho họ".
Anh Dương chỉ rõ chiêu trò của các "lò" đào tạo ăn xin: Chủ lò sẽ đi tìm những trẻ em lang thang, người già không nơi nương tựa, thậm chí cả các thanh niên đang thất nghiệp... Những người này sẽ được dụ dỗ về việc ăn chia: Mỗi ngày nộp cho chủ lò một số tiền nhất định, đổi lại sẽ được đảm bảo về địa bàn hoạt động, không bị tranh giành, không bị côn đồ trấn lột...
Lúc mới vào, chủ "lò" còn cho người mới vào nghề đi cùng với một nhóm đã hoạt động từ lâu để dễ bề "học việc", cũng như tránh bị các nhóm khác ăn hiếp... Sự "hợp tác" này có vẻ khá chuyên nghiệp và sòng phẳng, vừa hấp dẫn được người lang thang, cơ nhỡ, vừa là chiêu "hiệu quả" dễ dàng qua mặt được cơ quan chức năng hơn so với hình thức "bóc lột" tàn nhẫn như trước kia.
Theo lời một thanh niên đã từng trải qua một "lò" như thế tiết lộ, thoạt đầu, thấy bạn bè "đi làm" cho các "lò ăn xin" khá nhẹ nhàng mà lại kiếm được, anh này cũng tự nguyện xin vào "làm" ở một "lò". Sau một thời gian bị bớt xén tiền xin được theo đủ cách, người này mới hiểu các chủ "lò" luôn có đủ mánh khóe để bóc lột sức lao động người "làm thuê".
Đủ kiểu đào tạo ăn xin
Theo lời kể của Anh, một cậu bé trạc 12 tuổi, dáng người gầy gò, đen nhẻm, thường lang thang đi xin ở khu trung tâm TP. Vũng Tàu, hiện nay tất cả các khu vực "kiếm ăn" ở thành phố này đều đã được phân chia. Anh tỏ ra sành sỏi: "Nếu muốn ăn xin ở bất cứ địa bàn nào, phải tìm đến các đàn anh phụ trách khu vực đấy xin gia nhập. Khi được chấp nhận, họ sẽ cung cấp cho đồ đạc hành nghề".
Anh kể, nếu là trẻ con thì các em sẽ được chia thành 3 - 4 người một nhóm, mỗi người một nhiệm vụ, có em bán vé số, có em bán kẹo cao su trá hình nhưng tất cả các em vẫn làm việc chính là bám theo chèo kéo khách để xin tiền. Còn đối với thanh niên sức dài vai rộng, khó "làm ăn" hơn, sẽ được hóa trang trở thành người tàn tật, cắm chốt chủ yếu tại các chợ, tranh thủ sự thương hại của người dân đi mua sắm để hành nghề.
Đặc biệt với phụ nữ, họ sẽ được chăn dắt kèm những đứa trẻ còn bế ngửa tự nhận là hai mẹ con, nhiều người còn đóng giả như đang mang thai kèm theo câu chuyện lâm ly bi đát được soạn sẵn, khiến nhiều người phải mủi lòng thương xót. Còn những người già cả, đau ốm sẽ được "ưu tiên" hoạt động nhẹ nhàng, tại các hàng quán, chùa chiền.
Anh Quốc Dũng, một người bán hàng rong khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu cho biết, theo quan sát của anh, trước kia những người bảo kê ăn mày phải kè kè theo sát, chở trẻ ăn xin đến nơi nào thì phải đứng ở góc khuất hoặc quán cà phê để tiện theo dõi, cũng như chờ xong việc để chuyển những người này đến nơi khác.
Tuy nhiên, với cách chia địa bàn và giao khoán như bây giờ thì công việc đơn giản hơn rất nhiều, các ông bà chủ có quyền nghỉ ngơi, vắng mặt thường xuyên. Cứ ngày ba lần vào sáng sớm, chiều và tối muộn, họ sẽ đi kiểm tra và hối thúc thu tiền một lần, tùy theo thời gian mới vào nghề và "đặc thù công việc" mà tiền khoán sẽ giao động từ vài chục đến vài trăm nghìn một ngày. Sau khi đã đóng xong tiền thuế làm ăn trong ngày, số tiền dư ra những người đi xin sẽ được toàn quyền sử dụng. Nghe có vẻ dễ chịu như thế nhưng bọn "bảo kê" luôn có cách bóc lột, nắm đằng chuôi, để thu lợi nhiều nhất có thể.
Hải Anh, cậu bé bán vé số tại khu vực Bãi trước thành phố Vũng Tàu cho biết, khi mới vào nghề, cậu thường phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt ít ra vài ba tháng mới đủ trả số tiền nợ mua sắm đồ "hành nghề". Số tiền mua sắm đồ nghề, cung cấp vốn để mua kẹo và vé số ban đầu sẽ được chủ thu hồi dần vào số tiền kiếm được.
Mỗi ngày trung bình "đội quân" ăn xin này kiếm được 200 nghìn đồng, trừ chi phí ăn uống, tiền thuế thân và trả nợ chủ thì số tiền người ăn xin được giữ lại còn rất ít. Tuy vậy, chỉ cần theo nghề một vài năm thông thuộc địa bàn là các tay đàn em ở đây có thể hoạt động độc lập trở thành tay anh chị, đào tạo và bóc lột những người mới vào nghề. Viễn cảnh kiếm tiền khá dễ dàng, lại tự do nhàn hạ, nên nhiều khi chính những con người tưởng chừng như đáng thương, phải nai lưng lao động kiếm tiền cho các tay chăn dắt, lại tự đưa mình vào các lò kiểu này để nhận sự bảo kê, chỉ đạo.
Theo một cán bộ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em cơ nhỡ và người tàn tật TP Vũng Tàu, nhiều lần trung tâm tổ chức vận động, tập trung các em hành nghề ăn xin, bán dạo tại địa bàn vào trung tâm hoặc các cơ sở dạy nghề, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các em học tập, nhưng đều thất bại. "Chỉ đưa về trung tâm được vài ngày, sau đó đa phần những em này đều tìm cách bỏ trốn, xin ra ngoài hoặc có người nhà đến bảo lãnh về để tiếp tục "hành nghề", vị cán bộ này nói.
Việc một số đối tượng sức dài vai rộng sống ăn bám vào lòng thương hại của xã hội dành cho người già, trẻ nhỏ, người tàn tật... là một vấn nạn đáng lên án, vẫn ngày ngày âm thầm diễn ra. Tuy nhiên, cùng với sự truy quét gắt gao của các cơ quan chức năng, cũng cần nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nạn nhân của các "lò chăn dắt" có thể nhận thức được những "cái bẫy" tinh vi đang giăng sẵn. Cuộc đời họ mãi mãi sẽ chẳng thể nào thay đổi nếu cứ sống trong sự bóc lột, bảo kê của những trùm cái bang, thay vì có một công ăn việc làm lương thiện, kiếm tiền bằng sức lao động chính đáng.
Theo PLVN
Cái "nết" ăn như rồng cuốn...Hỡi ôi! "Người ta ăn của dân không từ cái gì..." - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/9. Cái "nết ăn" đáng kinh sợ này rất thích hợp với câu nói của người xưa: "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như..." (minh họa: Ngọc Diệp) Phó Chủ tịch nước...