Patriot Mỹ “đấu” với S-300 Nga
Mỹ sẽ triển khai tên lửa phòng không Patriot và chiến đấu cơ F-16 đến Jordan, nước láng giềng sát nách Syria, trong tháng này. Trong khi đó, Nga được cho là cũng sắp gửi tên lửa S-300 cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Phải chăng giữa Nga và Mỹ đang có cuộc “đua” tên lửa phòng không ở chiến trường Syria?
Tên lửa S-300 của Nga
Jordan cho biết, Mỹ sẽ đưa máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không tối tân Patriot đến nước này như một phần của một cuộc tập trận thường niên được khởi động vào tuần cuối cùng của tháng 6. Các nguồn tin quân sự tiết lộ, cuộc tập trận lần này sẽ có sự tham gia của 18 nước với hơn 15.000 binh lính.
“Những cuộc tập trận hàng năm như vậy là nhằm để nâng cao tính sẵn sàng của quân đội Jordan. Năm nay, chúng tôi rất cần những vũ khí hiện đại”, Bộ trưởng Thông tin Jordan – ông Mohammad al-Momani cho biết.
Điều đáng nói là Mỹ đưa tên lửa tối tân Patriot và máy bay chiến đấu vào Jordan không chỉ để tập trận. Theo một số nguồn tin, Mỹ có ý định triển khai những thứ vũ khí tối tân này ở sát nách Syria trong một thời gian không xác định. Điều đó được thể hiện qua việc, hiện chưa có tuyên bố chính thức nào cho thấy, các tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ được rút ra khỏi Jordan sau khi cuộc tập trận kết thúc.
Jordan là đồng minh của Mỹ trong khu vực và là một trong những nước Ả-rập ủng hộ phe nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad.
Việc Mỹ triển khai tên lửa hiện đại Patriot vào thời điểm này đặc biệt gây tranh cãi đối với Nga – đồng minh chính của ông Assad. Moscow lo ngại rằng, tên lửa Patriot có thể được Mỹ sử dụng để áp đặt vùng cấm bay ở Syria, mở màn cho một chiến dịch can thiệp quân sự trực tiếp của phương Tây vào Syria như ở Libya trước đây.
“Chúng tôi đã hơn một lần nói rõ quan điểm của mình về việc bơm vũ khí nước ngoài vào một khu vực đang bùng nổ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – ông Alexander Lukashevich cho biết trong một tuyên bố.
Năm ngoái, Moscow đã phản đối mạnh mẽ khi Mỹ, Đức và Hà Lan triển khai các hệ thống tên lửa Patriot ở khu vực biên giới phía bắc giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên của NATO. NATO cho biết, họ triển khai Patriot như một biện pháp đề phòng trường hợp tên lửa từ Syria bay vào lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp lại, Moscow tuyên bố, quyết định trên của Mỹ là nhân tố khiến họ quyết định thúc đẩy việc thực hiện hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không tinh vi S-300 cho chính phủ của Tổng thống Assad. Moscow trong mấy tuần gần đây liên tục khẳng định, họ sẽ thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký với chính quyền Assad.
Video đang HOT
Mỹ, Nga “đua” tên lửa ở Syria?
Cuộc khủng hoảng ở Syria chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga-Trung và bên kia là Mỹ và phương Tây. Trong khi phương Tây muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì Moscow đã công khai phản đối nỗ lực này. Nga tuyên bố sẽ không để Syria biến thành Libya thứ hai.
Cả Nga và Mỹ đều “tố” nhau có mục đích, ý đồ riêng trong vấn đề Syria. Washington cho rằng, Nga muốn bảo vệ chính quyền Syria để giữ “căn cứ” duy nhất của họ còn lại ở khu vực Trung Đông. Đáp lại, Moscow cáo buộc, Mỹ đang muốn phá đổ chính quyền của Tổng thống Assad để dựng lên một chính quyền mới phục vụ lợi ích cho họ.
Dù cuộc nội chiến ở đất nước Syria đã kéo dài hơn 2 năm và đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người nhưng hai siêu cường Nga, Mỹ vẫn chưa thể gạt bỏ bất đồng, tìm tiếng nói chung trong cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này. Thay vào đó, hai nước dường như lại đang có “cuộc đua” vũ khí nguy hiểm ở chiến trường đẫm máu và ác liệt đó.
Thông tin về việc Mỹ “tung” tên lửa tối tân Patriot đến sát nách Syria được đưa ra sau khi Moscow liên tục khẳng định sẽ cung cấp S-300 cho chính quyền Tổng thống Assad bất chấp mọi nỗ lực của Mỹ và Israel nhằm ngăn cản bước đi này.
Giới quan chức hàng đầu Mỹ và Israel đã tìm đủ mọi cách, chỉ thiếu mỗi nước là quỳ xuống xin Nga không cung cấp những tên lửa phòng không thiện chiến hàng đầu cho chính quyền Syria. Tuy nhiên, Moscow không hề lay chuyển trong quyết định của mình. Nước này khẳng định sẽ cung cấp S-300 cho ông Assad đúng như theo hợp đồng.
Cách đây vài ngày, Tổng thống Assad đã hùng hồn tuyên bố, quân đội của họ đã có trong tay những tên lửa S-300 – thứ vũ khí có thể làm thay đổi “cuộc chơi’ ở Syria. Thông tin này đã khiến Mỹ và Israel thực sự lo lắng và tức giận.
Tuy nhiên, ngày hôm qua (4/6), Tổng thống Vladimir Putin lại cung cấp thông tin trái ngược, khẳng định Nga hiện vẫn chưa chuyển giao S-300 cho Damascus. Dù thế nào thì Syria sớm muộn cũng sẽ nhận được những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại này của Nga. Như vậy, “cuộc đua” tên lửa giữa Nga và Mỹ ở Syria đã bộc lộ rõ thêm mâu thuẫn giữa hai cường quốc này.
Tên lửa S-300 có tầm bắn lên tới hơn 200km và có khả năng phát hiện, tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu với độ chính xác rất cao. Giới quan chức Nga cho biết, S-300 của họ còn có thể bắn hạ các đầu đạn của tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
Nga tự hào khoe rằng, S-300 của họ ưu việt hơn tên lửa Patriot của Mỹ. Ngày hôm qua, Tổng thống Putin thậm chí còn miêu tả, S-300 “có lẽ là vũ khí tốt nhất loại này trên thế giới”.
Ngoài phục vụ trong quân đội Nga, S-300 còn là vũ khí quý giá của nhiều nước cựu Xô viết. Các nước khác có S-300 gồm Trung Quốc, Venezuela và Hy Lạp.
Tuy nhiên, S-300 chưa bao giờ được sử dụng trong chiến đấu. Trong khi đó, hệ thống Patriot của Mỹ đã từng được sử dụng trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và cuộc chiến tranh Iraq năm 2003
Theo vietbao
Tướng Vịnh: Phải tự bảo vệ được mình
Bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - trưởng đoàn quốc phòng của VN - đã trả lời phỏng vấn một số báo.
- Mấy ngày nữa thì ông đi dự đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc. Xin ông cho biết nội dung chuẩn bị?
Chuẩn bị của phía Việt Nam rất kỹ và phong phú. Có bốn nội dung lớn, trong đó có nội dung về an ninh liên quan tới Trung Quốc - Việt Nam, liên quan tới quan hệ song phương trong quan hệ đa phương và sẽ tập trung bàn về vấn đề biển Đông. Đề xuất các quan điểm về mặt quốc phòng nhằm đảm bảo tuyệt đối không xảy ra xung đột trên biển Đông.
Cũng nhân dịp này, hai nước sẽ ký chính thức thỏa thuận thiết lập đường dây liên lạc giữa hai bộ quốc phòng. Đây là bước tiến mới rất có ý nghĩa trong quan hệ giữa hai nước.
- Liên quan tới các hoạt động của ngư dân trên biển thì sao thưa ông?
Vấn đề biển Đông đương nhiên sẽ gắn với vấn đề ngư dân. Quan điểm của Việt Nam là đối với ngư dân trước hết phải đảm bảo thực thi pháp luật của mỗi nước. Nhưng về mặt quốc phòng thì tuyệt đối không được sử dụng vũ lực với ngư dân. Ngược lại phải đối xử nhân đạo với ngư dân. Không chỉ thế, lực lượng quân sự quốc phòng phải có hành động giúp đỡ ngư dân, ví dụ như tránh bão hay gặp khó khăn hay trục trặc ngoài khơi.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam
- Trong vấn đề biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc thì đâu là thách thức lớn nhất?
Thách thức lớn nhất là quan điểm hai bên còn khác nhau nhiều. Phát ngôn, tuyên bố của hai bên về chủ quyền còn rất xa nhau. Cả hai bên đều rất kiên định về chủ quyền - đó là đương nhiên rồi. Việt Nam chúng ta xác định chủ quyền phải luôn tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc tế. Ví dụ, những chứng lý về Hoàng Sa - Trường Sa rõ ràng là Việt Nam quản lý trong lịch sử cũng như thực tế.
- Về vấn đề biển Đông, Trung Quốc gần đây nói nhiều về chuyện thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Nhưng có cảm giác đó như là bước lùi khi DOC đã được ký cách đây hơn 10 năm, trong khi Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) thì vẫn giậm chân tại chỗ?
Về nguyên tắc, khi hai bên đang đàm phán về tranh chấp chủ quyền thì một điều kiện tối thiểu là trong quá trình tiến tới thực hiện đầy đủ, thực hiện tốt DOC cũng như chuẩn bị COC, các bên phải đảm bảo ổn định, giữ nguyên trạng, không được sử dụng vũ lực. Còn COC bao giờ mới có thì còn phải chờ thời gian. Nhưng nếu các bên thực hiện cho đủ, cho đúng DOC thì anh không được sử dụng vũ lực, anh không được thay đổi nguyên trạng. Ví dụ ngư trường của tôi đây đang đánh mà anh đuổi tôi là anh thay đổi nguyên trạng, nghĩa là không được.
Giờ Trung Quốc không cho ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa, trước hết là không đúng với đạo lý. Ở Hoàng Sa, mình đánh bắt cả ngàn đời rồi mà giờ họ ra đuổi bắt là vì lý do gì? Thứ nữa là vi phạm DOC. Mình đấu tranh là sẽ trên cơ sở đó.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 12 ngày 2-6 - Ảnh: THANH TUẤN/Tuổi trẻ
- Các quan chức và học giả đều nói Trung Quốc gần đây đưa ra đàm phán COC như kiểu mồi nhử vì đổi lại họ muốn ASEAN phải ép Philippines từ bỏ vụ kiện của mình?
Không ai có thể ép buộc được. Chẳng ai ép được Philippines. Họ nói vậy thôi chứ ASEAN không bao giờ làm được điều đó. ASEAN là tổ chức hợp tác mà nguyên tắc đồng thuận là cao nhất.
Ở đây cần nói là đừng quá trông chờ nhiều vào DOC hay COC. Bảo vệ lợi ích chính đáng của một quốc gia không thể chỉ trông chờ vào hợp tác đa phương hay thiện chí của một quốc gia nào mà phải dựa vào chính mình, tự bảo vệ được mình.
Theo vietbao
So sánh tiềm lực quân sự Nhật - Trung Nhật Bản đang nghiêm túc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với các nước láng giềng - là tiêu đề chính của bài bình luận trên VOR. Và đối thủ chính của Nhật sẽ là Trung Quốc. Vậy so sánh tiềm lực quân sự giữa hai quốc gia đến đâu? Ngày 30/5, Hội đồng quốc phòng của Đảng Dân chủ Tự do...