Pato và số phận của thần đồng sớm nở tối tàn
Alexandre Pato từng được ví trở thành “Pele mới”, thế nhưng anh lại mắc kẹt trong ánh hào quang đến quá sớm. Để rồi khi nhắc tới Pato lúc này, người ta chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Ngày 29/6/1958, Pele – khi ấy mới 17 tuổi – lập cú đúp giúp tuyển Brazil nhấn chìm Thụy Điển 5-2 trong trận chung kết World Cup. 50 năm sau, Brazil lại chạm trán Thụy Điển trong một trận giao hữu trên sân Emirates (Anh), và một chàng trai tuổi teen khác của Selecao cũng tạo ra cú đột phá trên sân khấu quốc tế.
Trước góc sút hẹp và xác suất thành bàn rất thấp, Pato vẫn làm tung lưới đối thủ bằng cú lốp bóng đẳng cấp. Daily Mail gọi pha xử lý của tiền đạo người Brazil bằng chữ “táo bạo”. Những người trẻ luôn có khoảnh khắc như vậy. Liều lĩnh, nhưng khát khao thể hiện mình. Đó là Pato, tiền đạo làm xôn xao làng túc cầu thế giới khi chơi cho AC Milan lúc mới 18 tuổi.
Pato thành danh từ sớm và cũng lụi tàn nhanh.
Sự trêu ngươi của số phận
Trong phòng họp báo sau chiến thắng 1-0 của tuyển Brazil trước Thụy Điển, HLV Carlos Dunga, người hiếm khi bị kích động trước bất cứ điều gì, của Selecao nói với phóng viên: “Phong cách của cậu ấy giống như Ronaldo vậy. Tôi không nghĩ đây là tài năng bình thường”.
Từ Pele đến Ronaldo và “Kaka mới” ở AC Milan, dường như không có so sánh nào quá trác tuyệt với Pato. Tất cả kỳ vọng ở chân sút người Brazil rất nhiều. Họ tin vào thứ được gọi là số mệnh. Năm 1958, Pele bước ra ánh sáng và liên tục tạo ra điều thần kỳ. 50 năm sau, Pato được chờ đợi kế thừa bậc tiền bối.
Tuy vậy, chặng đường vươn ra biển lớn của Pato không hề bằng phẳng. Lúc 11 tuổi, cánh tay tiền đạo này xuất hiện khối u, và tưởng rằng các bác sĩ phải cắt cụt tay mới có thể chữa lành. May mắn mỉm cười với Pato khi ca phẫu thuật sau đó thành công tốt đẹp, và cánh tay vẫn được giữ nguyên vẹn.
Sau đó, bước ngoặt trong sự nghiệp Pato xuất hiện. Anh bùng nổ dưới màu áo đội trẻ Internacional và nhanh chóng được đôn lên đội một lúc mới 17 tuổi. Tháng 12/1006, chân sút mang biệt danh “Vịt con” phá kỷ lục do Pele nắm giữ với tư cách cầu thủ trẻ tuổi nhất ghi bàn ở một giải đấu thuộc FIFA.
Danh tiếng Pato lan tỏa khắp châu Âu, và AC Milan nhanh chân hơn tất cả. Mùa hè 2007, đội chủ sân San Siro chiêu mộ cây săn bàn chưa tròn 18 tuổi người Brazil với giá 24 triệu. Lúc ấy, đó là con số lớn.
Bước vào phòng thay đồ, Pato bị choáng ngợp bởi dàn sao thượng hạng của AC Milan với Ronaldo, Kaka, Andrea Pirlo, Filippo Inzaghi.
“Khi tới Milan, tôi được gặp nhiều huyền thoại. Trong phòng thay đồ, chỗ của tôi cạnh Maldini và Ronaldo. Anh ấy hỏi tôi muốn gia nhập phe cánh của mình, rồi đưa cho tôi xem một quyển tạp chí Playboy, hay gia nhập nhóm của Kaka, người rất sùng đạo”, Pato nhớ lại.
Video đang HOT
Ba mùa giải đầu tiên của Pato với AC Milan là những tháng ngày ngọt ngào nhất. Dù phải cạnh tranh với nhiều ngôi sao lớn, chân sút người Brazil vẫn biết cách tỏa sáng. Sau 92 trận trên mọi đấu trường, “Vịt con” ghi 41 bàn, con số không hề tệ.
Khi sự nghiệp trên đà thăng tiến, vận rủi lại xảy đến với Pato vào giai đoạn cuối mùa 2009/10. Từng chấn thương lần lượt gõ cửa, đẩy anh tới sự xuống dốc. Số phận dường như đang trêu ngươi Pato. May mắn dành hết cho anh ở cuộc phẫu thuật lấy khối u khỏi cánh tay lúc 11 tuổi, và gieo rắc những gì tệ hại nhất cho đôi chân.
Vấn đề gân khoeo trở thành cơn ác mộng với “Vịt con”. Chỉ trong 1 năm, anh dính 3 lần chấn thương này. Hết gân khoeo, Pato lại gặp tổn thương ở vùng cơ. Số lần anh phải hẹn với bác sĩ tăng dần. Trong 2 năm cuối đá cho AC Milan, thần đồng người Brazil chỉ chơi 25 trận ở mọi đấu trường và ghi 6 bàn.
Vì chấn thương, Pato bỏ lỡ vòng chung kết World Cup 2010, sân khấu bóng đá đẳng cấp có thể nâng tầm sự nghiệp của anh. Lúc ấy, tuyển Brazil lại đang trong tình cảnh khô hạn những trung phong. Neymar, một ngôi sao xuất chúng sau này của Selecao, khi đó vẫn chưa được công chúng biết tới.
Tại Italy, Pato rất đào hoa. Anh liên tục vướng lưới tình của nhiều người đẹp.
Sa đà vào những chuyến phiêu lưu tình ái
Pato có cuộc sống phóng túng. Một lần, anh thừa nhận “thích chuyện tình với các cô bạn gái”. Nhờ vẻ ngoài điển trai lại có túi tiền rủng rỉnh, Pato dễ dàng “đốn hạ” nhiều người đẹp. Chỉ vài tháng sau khi tới Italy, “Vịt con” ngã vào lòng người mẫu đồ tắm Sthefany Brito.
Một đám cưới xa xỉ giữa họ nhanh chóng diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Copacabana tại Rio de Janeiro (Brazil) vào tháng 7/2009. Lúc đó, tiền đạo người Brazil mới 20 tuổi. Yêu nhanh cưới vội, thời gian hạnh phúc giữa Pato và Brito kéo dài không tới 1 năm. Đúng 9 tháng sau ngày kết hôn, cả hai đường ai nấy đi.
Pato được cho là người có lỗi trong cuộc hôn nhân đổ vỡ. Anh gia nhập nhóm cầu thủ Brazil sống phóng túng là Ronaldinho, để rồi được mời tham dự nhiều bữa tiệc tùng ăn chơi trác táng nhiều hơn. Chia tay người mẫu đồ tắm, Pato rơi vào bẫy tình của chân dài Debora Lyra vào năm 2010. Tuy vậy, mối quan hệ này chỉ kéo dài vài tháng.
Năm 2011, hình ảnh Pato xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn, nhưng không phải gắn với các siêu phẩm. Anh bất ngờ chinh phục được trái tim ái nữ Barbara của nhà Silvio Berlusconi, ông chủ đại diện thành Milan. Lúc này, “nàng” hơn “chàng” tận 5 tuổi. Giữa họ đã có 2 năm rưỡi mặn nồn, trước khi chia tay vào năm 2013.
Trái tim của Pato dường như không được dành để thuộc về riêng biệt người phụ nữ nào. Sau vài tháng, người ta lại phát hiện anh cặp kè với một bóng hồng khác. Đó là Camila Oliveira, nữ ring-girl nóng bỏng của UFC, hay Fiorella Mattheis, người dẫn chương trình truyền hình và gần nhất có người mẫu Danielle Knudson.
Pato không bao giờ có thể trở thành một ngôi sao lớn của thế giới.
“Vịt con” chưa bao giờ lớn
Ngày Pato rời AC Milan, sự nghiệp của anh lụi tàn dần. Anh trở lại quê nhà và phiêu bạt từ Corinthians đến Sao Paulo. Đá ở đâu, “Vịt con” cũng ghi được bàn thắng, nhưng thế giới dường như bỏ quên mũi nhọn này. Daily Mail giải thích vấn đề của Pato nằm ở sự ổn định. Anh không thể duy trì phong độ tốt mãi.
Báo giới còn bình luận Pato luôn mắc kẹt trong cái mác thần đồng và mức lương rất cao bỏ túi mỗi tháng. Điều đó tạo cho anh áp lực kinh khủng. Lúc chơi cho Corinthians vào năm 2013, Pato suýt bị đồng đội cho ăn đòn vì đá hỏng quả penalty trong trận đấu thuộc cúp quốc gia.
Khi ấy, anh có nhiều lựa chọn khi đứng trên chấm 11 m, nhưng quyết định thực hiện cú panelka sau đó lại quá tệ, để thủ thành Dida dễ dàng hóa giải.
“Tôi nhớ phải rất khó khăn mới can ngăn đồng đội đừng đánh Pato. Các cổ động viên cũng muốn trừng phạt anh ấy. Nếu không có 2-3 đồng đội cố gắng làm dịu những cái đầu nóng, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với Pato”, hậu vệ trái Fabio Santos của Corinthians kể lại.
Thất bại ở quê nhà, Pato tìm lại cơ hội tại châu Âu trong màu áo Chelsea và Villarreal. Tuy vậy, anh đánh mất chính mình và không bao giờ có thể trở lại đỉnh cao nữa. Ở các mùa 2017 và 2018, tiền đạo người Brazil tìm đến Trung Quốc và tung hoành trong màu áo Tianjin Quanjian.
Chỉ sau 2 mùa chơi bóng tại châu Á, Pato lại khăn gói ra đi. Tình hình tài chính của CLB lao đao, Pato đổ thêm dầu vào lửa bằng cách mất tích bí ẩn rồi đột ngột trở lại mà không báo trước. Ngày trở lại, trong buổi ra mắt chuẩn bị cho mùa giải mới của Tianjin Tianhai (tên cũ Tianjin Quanjian), cựu sao AC Milan công khai thừa nhận việc anh không hạnh phúc.
Năm 2019, Pato trở lại Brazil và khoác áo Sau Paolo. Anh lúc này đã 30 tuổi. Dù vẫn ghi được những bàn thắng, tất cả dường như đã bỏ mặc “Vịt con”. Để rồi, khi nhắc tới Pato lúc này, HLV Juergen Klopp của Liverpool thốt lên: “Lời khuyên của cá nhân tôi cho bạn là đừng bao giờ theo dấu chân Pato”.
Ronaldinho và dàn sao Brazil từng sang Việt Nam giờ ra sao?
Sau 12 năm kể từ trận Olympic Brazil đá giao hữu cùng tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình, Ronaldinho đang chịu cảnh ngồi tù vì dùng hộ chiếu giả.
Renan (thủ môn): Renan trưởng thành ở CLB Internacional, từng được đánh giá là thủ môn triển vọng hàng đầu Brazil. Anh để lại dấu ấn trên sân Mỹ Đình với 2 tình huống cản phá cú sút của Việt Thắng (phút 46) và Minh Đức (phút 66). Hai năm trước, Renan tuyên bố giải nghệ trong màu áo San Bento.
Rafinha (hậu vệ phải): Rafinha được triệu tập dự Olympic 2008 sau khi thể hiện phong độ tốt tại Schalke 04. Anh gia nhập Bayern Munich vào hè 2011, gắn bó cùng "Hùm xám" 9 mùa giải và trở về quê nhà khoác áo Flamengo từ 2019. Rafinha vẫn bền bỉ ra sân ở tuổi 34.
Diego (tiền vệ): Diego được giới chuyên môn đánh giá rất cao ở giai đoạn anh cùng đội Brazil dự Olympic 2008. Dẫu vậy, Diego không thể vươn lên đẳng cấp hàng đầu trong màu áo Juventus. Tháng 7/2019, Diego dính chấn thương kinh hoàng khi phần cổ chân gần như gãy vụn, song vẫn kiên trì tiếp tục sự nghiệp ở tuổi 35.
Hernanes (tiền vệ): Giống như Diego, Hernanes là tiền vệ tiếp theo của bóng đá Brazil không thể thành ngôi sao, dù sở hữu tiềm năng lớn. Hernanes từng có giai đoạn sang Trung Quốc chơi bóng, hiện đã trở về Brazil khoác áo Sao Paulo. Sau Olympic 2008, Hernanes được triệu tập lên tuyển Brazil, đến nay đã ra sân 23 trận.
Lucas Leiva (tiền vệ): Trong đội hình Olympic Brazil tại Mỹ Đình, Lucas là cầu thủ quen mặt với CĐV Việt Nam khi anh chơi bóng tại Ngoại hạng Anh cho Liverpool. Lucas hiện 33 tuổi, là trụ cột ở tuyến giữa Lazio. Anh không có duyên với màu áo tuyển Brazil khi chỉ chơi 23 trận, không được triệu tập kể từ 2013.
Anderson (tiền vệ): Trước khi cùng Brazil dự Olympic, Anderson trải qua mùa giải đầu tiên thành công cùng Man United. Anh là một trong những cầu thủ thực hiện thành công quả penalty, trong lượt sút luân lưu 11 m ở chung kết Champions League 2007/08. Anderson là cầu thủ triển vọng hàng đầu thế giới thời đó, song không thể phát triển vì chấn thương và lười tập luyện. "Cậu bé vàng" một thời giải nghệ từ 2019.
Ronaldinho (tiền đạo): Ronaldinho dự Olympic 2008 theo suất quá tuổi. Anh đeo băng đội trưởng, dẫn dắt đội Brazil bước ra sân Mỹ Đình. Ronaldinho của 12 năm trước là cầu thủ được CĐV Việt Nam ngưỡng mộ nhất với thâm niên thi đấu đỉnh cao ở CLB Barca và tuyển Brazil. Còn hiện tại, "Rô vẩu" có số phận đen tối nhất trong dàn cầu thủ Olympic Brazil khi ngồi tù vì tội dùng hộ chiếu giả. Khối tài sản hàng chục triệu USD sau nhiều năm chơi bóng đỉnh cao của Ronaldinho cũng đã "bốc hơi".
Alexandre Pato (tiền đạo): Phút thứ 6, Ronaldinho tung cú chích bóng tinh tế, Pato thoát xuống và dễ dàng sút tung lưới tuyển Việt Nam. Đó là pha bóng thể hiện phẩm chất tốt nhất của Pato, anh giỏi trong di chuyển và dứt điểm lạnh lùng. Pato một thời là chân sút triển vọng hàng đầu thế giới, song một loạt chấn thương khiến cựu tiền đạo AC Milan trượt dốc. Ở tuổi 30, Pato vẫn chật vật tìm lại chính mình ở giải Brazil.
Ronaldinho và những ngôi sao bóng đá Brazil 'trượt dốc' vì thói ăn chơi sa đọa Nhiều ngôi sao bóng đá của Brazil như Ronaldinho, Ronaldo de Lima hay Adriano đã đánh mất phong độ cũng như sự nghiệp vì đời tư bất ổn và thói ăn chơi sa đọa. Ronaldinho là cái tên không có gì xa lạ với người hâm mộ bóng đá. Anh là một tài năng hiếm thấy và tiếc nuối nhất của bóng đá...