Parlour tiết lộ thời “bợm nhậu” ở Arsenal
“Văn hóa nhậu” ngoài sức tưởng tượng của nhiều fan ở Arsenal trước đây được Ray Parlour tiết lộ trong tự truyện sắp phát hành của cựu tiền vệ lừng danh này. Từng có thời Parlour và các đồng đội tại Arsenal say sưa chè chén đến độ mà anh miêu tả: “nếu thời đó có smartphone và mạng xã hội thì chúng tôi bị đuổi việc từ lâu rồi”.
NHỮNG BỢM NHẬU ĐÁ BÓNG
Parlour đã thi đấu tổng cộng hơn 450 trận cho Arsenal trong giai đoạn 1991-2004. Cựu tiền vệ 43 tuổi người Anh cùng Pháo thủ 3 lần vô địchPremier League, giành 4 cúp FA, 1 cúp C2 châu Âu. Bảng vàng của Parlour và Arsenal đã có thể còn huy hoàng hơn thế nếu như anh và các đồng đội không có thời đắm chìm trong hơi men.
Trong cuốn tự truyện sắp phát hành có tên “The Romford Pele: It’s only Ray Parlour”, Parlour kể ngay từ hồi cắp sách đi học, anh đã là cơn đau đầu của các thầy cô giáo. Cậu học trò Parlour nghịch nhất trường. 18 tuổi, Parlour bắt đầu khoác áo đội A của Arsenal. Tố chất quậy của Parlour càng có điều kiện phát triển khi anh được chơi cạnh “những tấm gương mẫu mực về… nhậu nhẹt và bài bạc” như Tony Adams và Paul Merson.
Video đang HOT
Parlour có duyên từng lần lượt làm bạn cùng phòng với Merson rồi Adams. Và anh “học rất nhanh” những thói hư tật xấu của 2 đàn anh này.
“Hồi đó Arsenal là tập hợp của phần lớn các cầu thủ hàng nội tự đào tạo và văn hóa tụ tập quán xá thịnh hành. Sểnh ra là chúng tôi lại nhậu”, Parlour tâm sự.
Rượu vào không chỉ lời ra. Parlour kể tiếp: “Có lần tập huấn trước mùa bên Mỹ, chúng tôi quá chén, phóng xe chơi golf đâm thẳng vào gốc cây bên đường đến sứt đầu mẻ trán”.
Lần khác, Parlour và Adams “ba say chưa chai” còn vác trộm cả chậu cây cảnh trong khách sạn về làm quà Giáng sinh tặng mẹ. Cả hai bị gô cổ về đồn cảnh sát.
Tệ nhất là vụ Parlour bị bắt tại Hong Kong vào tháng 5/1995 vì đánh nhau với một tài xế taxi. Phải thuê luật sư danh tiếng, anh mới thoát được án tù 6 tháng. Đổi lại, Parlour mất số tiền bằng 6 tháng lương cho luật sư.
“Thú thực mà nói, nếu ngày ấy mà có smartphone với mạng xã hội như bây giờ thì chắc tôi đã bị Arsenal tống cổ từ rất lâu rồi”, Parlour thú nhận.
TỈNH CƠN SAY
Parlour và các đồng đội như Adams, Merson ngày ấy say hết trận này qua trận khác một phần vì họ không bị smartphone ghi lại bằng chứng, không bị mạng xã hội “ném đá” như bây giờ. Phần khác, các ông thầy của họ đã quá lỏng tay trong quản lý học trò.
“Văn hóa nhậu” ở Arsenal bắt đầu bị kiểm soát và dần bị xóa bỏ kể từ khi HLV Arsene Wenger nắm quyền dẫn dắt Pháo thủ từ ngày 1/10/1996. Ông thầy người Pháp nghiêm khắc hơn hẳn những người tiền nhiệm của mình. “Văn hóa nhậu” ở Arsenal còn bị đẩy lùi bởi sự xuất hiện của những lính đánh thuê đầy tinh thần chuyên nghiệp như Dennis Bergkamp, Patrick Vieira, Thierry Henry, Marc Overmars,… Không thể “đồng hóa” những ngoại binh “thanh niên nghiêm túc” vừa kể và không thể chống lại kỷ luật thép của Wenger, Parlour cùng nhóm bợm rượu người Anh phải học cách cai dần “văn hóa nhậu”.
Parlour càng tỉnh cơn say sau khi thói chè chén vô độ khiến anh không giữ nổi cuộc hôn nhân với cô vợ đầu, Karen. Các HLV ở Arsenal có thể bỏ qua cho Parlour hoặc cho anh cơ hội sửa sai sau mỗi trận say. Chứ Karen thì không. Bị Karen lôi ra tòa ly dị, Parlour phải chia cho cô 1/3 gia tài của anh.
Nguồn gốc “It’s only Ray Parlour” và “The Romford Pele”
Pha ghi bàn tuyệt đẹp của Ray Parlour trong trận chung kết FA Cup 2002 “It’s only Ray Parlour” là câu cảm thán bất hủ của BLV truyền hình nổi tiếng người Anh, Tim Lovejoy thốt lên khi Ray Parlour ghi bàn thắng quá đẹp trong trận chung kết FA Cup 2002 giữa Arsenal và Chelsea. Còn “The Romford Pele” là biệt danh mà Marc Overmars gán cho Parlour sau một lần cựu tuyển thủ Hà Lan chứng kiến ngôi sao sinh ra ở thị trấn Romford (London, Anh) đi bóng qua 4 hay 5 đồng đội và ghi bàn tuyệt đẹp trên sân tập của Pháo thủ. Parlour đã chọn ghép 2 kỷ niệm đẹp này làm tên sách của mình.
Theo Bongdaplus