Paris, Saint -Denis, Nice… Còn chốn nào bình yên?
Lại một lần nữa, nước Pháp thức trắng đêm với những hình ảnh kinh hoàng, phập phồng theo dõi diễn biến và con số nạn nhân.
Một lần nữa, những người vô tội vui tươi, yêu đời bỗng nhiên phải từ giã cuộc sống này mà không hiểu tại sao mình phải chết.
… Một chiếc xe tải khuya 14-7-2016 đã lao thẳng vào đám đông hàng ngàn người đang xem bắn pháo bông nhân Quốc khánh Pháp với tốc độ cao trên quãng đường dài gần 2 km, làm ít nhất 84 người chết trong đó có 10 trẻ em và cả trăm người bị thương. Theo tổng thống Pháp, hiện có khoảng 50 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Đại lộ xinh đẹp thành nghĩa trang
… Những xác chết nằm đầy trên mặt đất dọc theo La Promenade des Anglais, được phủ lên tấm drap sơ sài, vốn là khăn phủ bàn ăn do những nhân viên nhà hàng tốt bụng gần đó mang đến. Những con người bàng hoàng đẫm lệ bên lề đường nhuộm máu, trên đại lộ xinh đẹp chạy dọc theo bờ biển, đã trở thành nghĩa trang chung cho bao nhiêu người vô tội. Những hình ảnh gợi nhớ lại những khán giả trẻ hốt hoảng chạy ra khỏi nhà hát Bataclan ở Paris ngập xác người đêm 13-11 năm ngoái.
Tổng thống Pháp Franois Hollande đang dự Festival Avignon đã vội vàng quay về Paris và đến 3 giờ 40 sáng đã lên truyền hình khẳng định tính chất khủng bố của vụ thảm sát. Tình trạng khẩn cấp mà mới trước đó vài giờ ông Hollande tuyên bố sẽ kết thúc từ ngày 26-7, được kéo dài thêm ba tháng. Lực lượng Sentinel huy động 10.000 quân nhân tham gia, định giảm dần còn 7.000 người, nay được giữ nguyên, huy động thêm quân dự bị. Cả nước để tang ba ngày kể từ ngày 16 đến 18-7.
Cảnh sát đang điều tra xem làm thế nào chiếc xe đông lạnh màu trắng trọng tải 19 tấn, được thuê vài ngày trước đó từ Saint-Laurent-du-Var (vùng Alpes-Maritimes), có thể chạy vào La Promenade des Anglais bị cấm lưu thông và giữ an ninh nghiêm ngặt trong ngày quốc khánh. Người lái xe còn nổ nhiều phát súng trước khi bị cảnh sát bắn hạ. Chuyến xe tử thần dừng lại gần Palais de la Méditerrannée, một cụm khách sạn sang trọng, bánh xe bị xẹp và kính trước đầy vết đạn. Trong cabin xe, cảnh sát tìm thấy một khẩu súng 7,65 ly cùng với băng đạn, một súng trường tự động giả, hai khẩu Kalachnikov và M16 giả, một quả lựu đạn không nổ.
Nhiều người tạm lánh nạn tại một phòng khách sạn sang trọng ở Nice đêm 14-7-2016.
Video đang HOT
Kẻ sát nhân tên Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, sinh năm 1985 tại Msaken, ngoại ô Sousse, Tunisia. Hắn ta có một số tiền án, tiền sự nhưng không nằm trong số Hồi giáo cực đoan bị theo dõi, hôm 24-3 đã bị tòa án Nice tuyên sáu tháng tù treo vì đánh nhau trong một vụ va chạm giao thông. Người tài xế chở hàng mang quốc tịch Tunisia, có vợ và ba con nhưng đã ly thân, không hề đến các đền thờ Hồi giáo. Anh ta hôm đó hành động một mình, hiện chưa biết có đồng phạm nào giúp chuẩn bị trước đó hay không. Buổi sáng cảnh sát khám xét căn hộ của nghi phạm ở tầng 12 một tòa nhà thuộc khu phố bình dân ở Nice, các láng giềng mô tả hắn là một người cô độc và ít nói. Một gia đình ở tầng trên cho biết Mohamed Lahouaiej-Bouhlel chưa bao giờ chào hỏi họ. Vợ cũ của nghi phạm hiện bị câu lưu.
Lễ quốc khánh đẫm máu
Lễ quốc khánh Pháp 14-7 – ngày phá ngục Bastille năm 1789 – theo với thời gian đã trở thành dịp lễ hội vui chơi cho người dân và các đời tổng thống Pháp nhân dịp này chuyển tải những thông điệp quan trọng. Có thể nói đây là một quốc khánh đẫm máu nhất.
Địa điểm được chọn để tấn công – La Promenade des Anglais (thường được gọi tắt là Prom’) là nơi dạo mát ưa chuộng của du khách đến Nice, thành phố nổi tiếng luôn thu hút nhiều khách du lịch chỉ đứng sau Paris, hầu hết là những nhà giàu. Thời điểm quốc khánh và ngay trong mùa du lịch cũng đầy ý nghĩa. Nhưng thủ phạm dường như còn cố ý chờ đợi cúp bóng đá châu Âu Euro 2016 kết thúc để du khách quay lại thành phố duyên hải này và mùa chay Ramadan chấm dứt, những vị khách Ả Rập rủng rỉnh tiền sang nghỉ mát.
18 tháng sau các vụ khủng bố đẫm máu chưa từng thấy tại nước Pháp, người dân như thấy lại cơn ác mộng cũ. Các đài phát thanh, truyền hình phát liên tục chương trình đặc biệt từ khuya cho đến sáng và suốt cả ngày hôm sau: Nhân chứng, hình ảnh những người hốt hoảng chạy trốn, xe cấp cứu, bệnh viện, phân tích của chính khách, chuyên gia… Trên mạng xã hội tràn ngập những tấm ảnh, video ghi lại cảnh tượng khủng khiếp có thể gây mất ngủ.
Nhưng đây cũng là dịp để bày tỏ tình tương trợ. Mạng Twitter đầy những thông báo tìm kiếm người thân, những thông tin tìm chỗ trú hoặc cho ngủ nhờ qua đêm. Những khách sạn sang trọng mở cửa cho người qua đường trú chân, có khi đến hai chục người không quen biết chen chúc trong những căn phòng dành cho khách du lịch giàu có. Nhiều quán cà phê giúp những người hoảng loạn chạy qua chỗ ẩn nấp: dưới gầm bàn, trong toilette… Các tài xế taxi ở Nice tối 14-7 sẵn sàng đưa về miễn phí. Một gia đình bị lạc mất em bé tám tháng trong cơn hoảng loạn đã tìm lại được con thông qua Facebook.
Người Pháp sống trong sợ hãi triền miên
Đã bị khủng bố Hồi giáo tấn công hai đợt trong năm ngoái (17 người chết từ ngày 7 đến 9 tháng Giêng và 130 người chết hôm 13-11), nước Pháp giờ đây sống trong nỗi sợ triền miên cho dù đã triển khai lực lượng an ninh ở mức cao nhất.
Từ 18 tháng qua, nước Pháp phải trả giá đắt cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Al Qaeda, hai mạng lưới thánh chiến chủ yếu trên thế giới. Pháp còn bị tấn công vì là biểu tượng cho dân chủ, cho lối sống thưởng lãm những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà Hồi giáo cực đoan không thể chấp nhận. Trong cuộc chiến để bảo vệ những giá trị đang gánh vác, nước Pháp có vẻ dễ tổn thương nhất, trong một châu Âu không phải là không can dự.
Còn chốn nào bình yên? Đêm 13-11-2015 một Paris hoa lệ thức trắng, đêm 14-7 năm nay một Nice vô tư bỗng trằn trọc khôn nguôi. Thế kỷ 21 với những ác quỷ mang khuôn mặt người sẽ đi về đâu?
Một tháng sau vụ khủng bố 13-11, những quán cà phê, nhà hàng Paris lại bắt đầu đông khách. Ngay tối nay 15-7, La Promenade des Anglais lại được mở cho khách bộ hành. Một rừng hoa và nến, hàng trăm người tụ tập mặc niệm ở Nice, ở Paris, Tours, Bordeaux… Trước bạo tàn, cây đời vẫn mãi xanh tươi.
Những tiếng thở dài ai oán “Lại một Mohamed”, có người kêu lên khi danh tính thủ phạm được công bố. “Tình trạng khẩn cấp” hiệu quả đến đâu? Chỉ một người lính trang bị súng phóng lựu là có thể bắn hạ tài xế chiếc xe tử thần khi không tuân lệnh dừng lại, tại sao một kẻ khủng bố với cách tấn công đơn giản có thể sát hại từng ấy con người? Đó là câu hỏi của một chính khách cánh hữu. Bên cạnh quyết tâm chống khủng bố, tranh luận lại được khơi dậy trong chính giới, trên mặt báo… “Mệt mỏi”, “Quá chán ngán”, “Stop”, “Đã quá đủ”… đó là những hashtag phổ biến trên các mạng xã hội sau vụ tấn công. “Những người đi mừng lễ hội, vui thú với gia đình, bạn bè bỗng dưng phải từ giã cõi đời”. “Tôi đã quá chán phải trông thấy những điều này trên đất nước tôi. Không thể chấp nhận được các vụ khủng bố xảy ra thêm nhiều lần nữa”. “Tôi là một người Pháp, muốn được sống an bình trên nước Pháp xinh đẹp của chúng ta”. Có những ý kiến gay gắt hơn: “Cần phải tái lập án tử hình đối với bọn hèn nhát này. Chúng nó muốn tử vì đạo, vậy thì tại sao những công dân đóng thuế lại phải trả án phí cũng như chi phí nuôi chúng trong tù? Thế đủ rồi!!! Những kẻ nào muốn thí mạng thì hãy cho chúng nó được toại nguyện”.
NGUYÊN VĨNH, Paris
Theo PLO
Thư Paris: Nice-Quốc khánh, pháo bông và chiếc xe tử thần
Fabien Lallemand, một phóng viên của tờ báo địa phương Nice Matin, có mặt tại chỗ kể lại chiếc xe tử thần màu trắng lao như tên bắn vào đám đông, chạy theo kiểu zic-zắc nhằm sát hại một số lượng lớn nạn nhân.
Bài của Nguyễn Vĩnh, cộng tác viên báo Pháp Luật TP.HCMgửi về từ Paris.
Chiếc xe tải đông lạnh màu trắng đã phóng đi với tốc độ 60-70 km/giờ trên quãng đường gần hai cây số, xông thẳng vào đám đông hàng ngàn người lúc lễ hội pháo bông sắp kết thúc, vào khoảng 23 giờ đêm.
Chỉ đứng cách chiếc xe này có vài mét, người phóng viên ban đầu vừa mới hoàn hồn, đã kể lại:
"Đó là một buổi tối dễ chịu. Không khí rất vui, pháo bông tưng bừng, các em bé ném những viên sỏi xuống nước. Con đường La Promenade des Anglais đen đặc những người, như mọi dịp 14-7 hằng năm. Tôi chọn đi chơi tối ở bờ biển, gần High-Club, khúc đường dành cho người đi bộ.
Buổi diễn vừa kết thúc, tất cả đều đứng lên, đổ xô về phía cầu thang chật kín người. Tôi len lỏi qua những người khác, để tìm đến chỗ đậu chiếc xe máy gần đó. Đằng xa, tôi nghe thấy tiếng động và những tiếng kêu la. Ý nghĩ đầu tiên là ai đó đã vụng về đốt pháo bông... Nhưng không.
Chỉ trong chớp mắt, một chiếc xe tải lớn màu trắng điên cuồng lao thẳng vào đám đông, lạng qua lạng lại với mục đích cán chết càng nhiều người càng tốt. Chiếc xe tải tử thần này lướt qua tôi chỉ cách có vài mét. Còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra, tôi trông thấy những xác người bắn tung lên như những chiếc quille trong trò chơi bowling trên đoạn đường nó phóng qua. Những tiếng động, tiếng gào thét mà tôi sẽ không bao giờ quên được.
Tôi sững sờ, không thể nhúc nhích, dõi nhìn theo chiếc xe tang tóc này. Xung quanh tôi là cảnh tượng hoảng loạn. Người ta chạy trốn, la hét, kêu khóc. Tôi sực tỉnh và cùng chạy về hướng Cocodile, nơi mọi người đến trú ẩn. Tôi ở đó chỉ vài phút nhưng cảm thấy dài như vô tận. Tiếng người lao xao " Trốn vào nơi nào đi", "Đừng ở đó", "Con trai tôi đâu rồi, con tôi đâu?"...
Phải tìm hiểu cho được chuyện gì đã xảy ra - tôi tự nhủ và ra khỏi nơi trú ẩn. La Promenade des Anglais đã trở nên hoang vắng. Không có tiếng động nào, không tiếng còi hụ. Tôi bèn băng qua khoảng đất để trở lại nơi chiếc xe tải đã phóng qua. Raymond, khoảng 50 tuổi, vừa khóc vừa nói với tôi: " Người chết ở khắp nơi".
Ông có lý. Ngay phía sau ông, cứ khoảng 5 m lại thấy những xác chết, những bộ phận cơ thể người và máu, những tiếng rên rỉ... Nhân viên bãi biển là những người đến nơi đầu tiên. Họ mang nước uống đến cho những người bị thương và những tấm chăn đắp cho những ai không còn hy vọng. Vào lúc đó, tôi không còn can đảm nữa. Tôi muốn giúp một tay, làm một điều gì đó, nhưng không nổi. Vẫn còn rụng rời.
Một làn sóng hoảng loạn thứ hai đẩy tôi trở lại Cocodile. " Nó tới, nó lại tới!". Nhưng không phải thế. Chiếc xe tải giết người đã kết thúc cuộc đua cách đó vài chục mét, ghim đầy vết đạn. Tôi không nghe tiếng súng nào, chỉ có tiếng kêu. Và nay là những tiếng khóc. Toàn là những tiếng khóc.
Tôi đi thẳng, tìm lại chiếc xe máy để chạy đi thật xa khỏi địa ngục này. Tôi quay về phía La Promenade des Anglais và ý thức được tầm cỡ của thảm kịch. Những xác chết và người bị thương nằm rải rác đầy đường, đến tận Lenval. Những chiếc xe cấp cứu đầu tiên bắt đầu đến... Một buổi tối vô cùng khủng khiếp".
NGUYỄN VĨNH, Paris 15-7-2016
Theo PLO
IS chính thức nhận trách nhiệm vụ khủng bố Quốc khánh Pháp Tổ chức khủng bố IS đã chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công bằng xe tải đúng ngày Quốc khánh Pháp 14-7. Theo The Guardian, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chính thức nhận trách nhiệm vụ tấn công bàng xe tải ở TP Nice. Vụ khủng bố xảy ra đúng vào dịp...