Paris hoa lệ hóa ‘thành phố ma’ sau ngày đầu phong tỏa vì dịch Covid-19
Paris như biến thành ‘thành phố ma’ sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc của Tổng thống Macron có hiệu lực.
Không cón cảnh chen chúc đến nghẹt thở ở Louvre hay dòng người tập trung dưới chân tháp Eiffel, Paris trở nên yên tĩnh khác thường.
Bên ngoài siêu thị, đám đông xếp thành hàng dài để mua nhu yếu phẩm cho những ngày phong tỏa sắp tới. Sự lo lắng xuất hiện trong mắt một số người.
Hai du khách hiếm hoi đứng chụp ảnh trước Bảo tàng Louvre. (Ảnh: NYT)
Vài người Paris ra ngoài chạy bộ trên những con phố vắng hoặc dắt chó đi dạo. Một số phụ huynh gắng kết nối con cái với giáo viên trên máy tính xách tay ở nhà.
Vào buổi trưa, ngay sau thời điểm lệnh giới nghiêm có hiệu lực, cảnh sát tuần tra dọc đại lộ Champs-Élysées, gần Khải Hoàn Môn, bắt đầu thực thi các quy tắc mới có hiệu lực trên toàn Pairs và các khu vực còn lại của Pháp trong 15 ngày.
Đây là biện pháp mạnh tay nhất của chính phủ nước này trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, trong bối cảnh có gần 6.600 người bị nhiễm bệnh và 148 ca thiệt mạng ở Pháp.
Trong lịch sử hiện đại nước Pháp, đây là những hạn chế hà khắc nhất liên quan tới sức khỏe. Theo đó, mọi người chỉ được ra ngoài vì những lý do cụ thể trong 15 ngày tới. Những người rời khỏi nhà phải ký vào một tờ cam kết và mang theo để giải thích lý do ra ngoài nếu không muốn nộp phạt.
Trên khắp các con phố, cảnh sát bắt đầu chặn người đi bộ, dừng các ô tô để kiểm tra giấy tờ của họ.
Video: Pháp huy động 100.000 cảnh sát và hiến binh giám sát lệnh phong toả
Trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, Nana Zhou, sinh viên Trung Quốc 24 tuổi chia sẻ: “ Tôi chỉ đang tận hưởng những giờ phút cuối cùng trước khi bị giam lỏng“.
Đây là lần thứ 3 Zhou phải đối mặt với lệnh tự cách ly trong vòng chưa đầy 2 tháng. Tháng 1 vừa qua, cô trở về nhà ở Trung Quốc và phải cách ly 14 ngày. Quay lại Pháp, cô phải tự cách ly thêm 2 tuần nữa và giờ cô phải đối mặt với một khoảng thời gian không xác định trong căn hộ của mình.
Zhou đã cảnh báo với những người bạn Pháp về sự nguy hiểm của virus, nhưng hầu hết mọi người đều phớt lờ.
“Họ nói với tôi nó chỉ như bệnh cúm thôi. Tôi cảm thấy Pháp bây giờ như Trung Quốc hồi tháng 1. Tôi sợ hãi về những gì sắp diễn ra”, Zhou cho hay.
Cảnh sát Pháp đi tuần trong ngày đầu phong toả.
Lệnh phong tỏa được Tổng thống Macron công bố trong bài phát biểu quốc gia hôm 16/3 đưa ra sau hơn 1 tuần thông tin hỗn loạn từ Chính phủ Pháp.
Chỉ 10 ngày trước đó, ông Macron và vợ vẫn đến nhà hát ở Paris, kêu gọi mọi người tiếp tục ra ngoài bất chấp dịch bệnh bùng phát.
Cuối tuần trước, mặc dù tuyên bố đóng cửa trường học và dừng hoạt động các doanh nghiệp không quan trọng, ông Macron vẫn cho phép các cuộc bầu cử diễn ra ở Paris. Đây được coi là sai lầm đáng kể khiến người Pháp đánh giá thấp rủi ro của dịch bệnh.
Chuyến tàu đông đúc chở người di tản khỏi Paris ở ga Gare Montparnasse. (Ảnh: NYT)
“Nó giống như một cuộc di cư”, Jeanne Bacca, 23 tuổi nói khi ngồi giữa nhà ga Gare Montnasse để chờ chuyến tàu về với gia đình ở Bordeaux.
Không có khẩu trang, Bacca trông khá hoảng loạn với chiếc khăn xám quấn tạm lên mặt. Bacca nói bài phát biểu của Tổng thống khiến cô tháo chạy khỏi Paris, mặc dù nhận thức được rằng nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng.
“Tàu hỏa là thứ khiến tôi sợ hãi nhất”, Bacca cho hay.
Ga Montparnasse là nơi tập trung những tin đồn, nghi ngờ và lo lắng trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Nhiều người cố gắng rời Paris để trở về gia đình hoặc chạy trốn khỏi thủ đô vì lo sợ những ngày tháng mắc kẹt trong căn hộ nhỏ bé trong nhiều tuần.
“Tôi cố gắng quay lại Toulouse”, Robin Pereira, 20 tuổi cho hay.
Nhiều hành khách đứng chật cứng trên các chuyến tàu tới Nantes hoặc Bordeaux, một số ngồi trên sàn, bỏ qua quy tắc giữ khoảng cách một mét với người khác mà các quan chức y tế khuyến cáo. Họ đặt mình trong một không gian có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng không màng về điều đó hoặc cố quên đi nguy cơ nhiễm bệnh.
Anne Rasmussen, nhà sử học chuyên về các cuộc khủng hoảng sức khỏe nói rằng mọi dịch bệnh, từ dịch hạch tới cúm Tây Ban Nha đều được đánh dấu bằng các cuộc di cư từ Paris.
“ Đó là phản ứng bình thường của người dân“, Anne nói. “ Phong tỏa trên phạm vi rộng là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại“.
Người dân đứng xếp hàng cách nhau 1 m trước một cửa hàng tạp hóa ở Paris. (Ảnh: NYT)
Nhưng chạy trốn khỏi Paris cũng đặt ra những nguy hiểm khác.
“Các cuộc di cư khỏi Paris đặt ra câu hỏi về sự lây lan sang các vùng lãnh thổ khác. Ở gần biển hay gần gũi với thiên nhiên không đồng nghĩa khả năng lây nhiễm với virus sẽ ít đi”, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho hay.
Ở Trocadéro, một địa điểm ưa thích của du khách khi tới thăm Tháp Eiffel, nhân viên bưu điện Katian Kibio cố gắng giải thích về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh với người qua đường.
Cách đó vài dãy nhà, đám đông xếp thành hàng dài bên ngoài siêu thị U Express, mỗi người đứng cách nhau hơn 1m. Một người phụ nữ tỏ ra cáu kỉnh khi người đứng sau xích lại quá gần mình.
Đứng trong hàng, Pascale Chedin nói đang cố giữ bình tĩnh mặc dù ánh mắt của cô tràn ngập sự lo âu. Chedin đã lên kế hoạch rời Paris nhưng chủ nhà không cho cô làm vậy.
Ở Trocadéro, một nhóm người Malaysia vô tư tạo dáng chụp ảnh trước tháp Eiffel. Bất chấp đại dịch, họ quyết không hủy chuyến đi được lên kế hoạch từ lâu và không được hoàn tiền nếu hủy bỏ.
“Ít nhất chúng tôi cũng đi thăm tháp Eiffel”, Fátilah Nor, 34 tuổi nói nhóm của mình tới từ 16/3 và sẽ quay trở lại khách sạn của họ.
Trên đại lộ Champs-Élysées, cặp vợ chồng đến từ Mỹ chụp ảnh tự sướng với Khải Hoàn Môn. Họ cũng tới từ đầu tuần và dự định ở lại bốn ngày trong chuyến đi đầu tiên đến Paris.
“Tôi nghĩ rằng đó là một trải nghiệm độc đáo và tuyệt vời khi đến đây mà không có nhiều người. Chúng tôi không phải giành giật một vị trí trên tàu hay cố chiếm lấy không gian để chụp ảnh trước cổng vòm. Nó làm cuộc sông trở nên dễ dàng hơn”, Alcausin, 41 tuổi nói.
Nhưng tới gần trưa, một nhóm cảnh sát tiền về phía họ và yêu cầu họ rời đi.
SONG HY (Nguồn: New York Times)
Theo vtc.vn
Người Paris bị chỉ trích vì đổ xô "về quê" tránh dịch trước lệnh phong tỏa
Nhiều người tại các tỉnh thành ở Pháp đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây lan virus corona khi nhiều người ở thủ đô Paris sơ tán tới các vùng miền quê trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực.
Một người đàn ông mang vác các đồ đạc trên đường phố Paris, Pháp (Ảnh: Reuters)
Reuters đưa tin, nhiều người dân Paris đã đổ xô tới các nhà ga tàu trong thành phố và ra đường cao tốc vào sáng sớm nay để thoát khỏi thủ đô trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực kể từ trưa ngày 17/3 giờ địa phương nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Cuộc di cư của người dân thủ đô đã vấp phải sự lo lắng của người dân tại các tỉnh thành ở Pháp, nơi nhiều người lo ngại rằng người thủ đô có thể mang theo virus và làm gia tăng sự phát tán.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết chính phủ không có ý định ngăn cản mọi người sơ tán tới các vùng nông thôn nơi họ sở hữu ngôi nhà thứ 2, nhưng cho hay các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vẫn được áp dụng đối với các vùng ven biển giống như ở thủ đô.
Tại Gare du Nord - nhà ga lớn nhất Paris, các hành khách, nhiều trong số họ đeo khẩu trang, chăm chú quan sát các biển thông báo khởi hành.
"Chúng tôi tốt hơn nên ở trong môi trường mở hơn, trong ngôi nhà rộng hơn có vườn, thay vì một căn hộ ở Paris", một nhà báo viết về giáo dục đang sơ tán cùng bạn đời tới ngôi nhà của mẹ cô ở miền bắc nước Pháp cho biết. Cả hai đều có kế hoạch làm việc từ xa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối ngày 15/3 lên truyền hình tuyên bố đất nước đang "trong thời chiến" với virus corona và công bố các biện pháp hạn chế chưa có tiền lệ tại Pháp hậu thế chiến. Ông đề nghị người dân nên ở trong nhà kể từ trưa ngày 17/3 và chỉ nên ra ngoài để mua đồ thiết yếu, đi làm nếu thực sự cần thiết, tập thể thao hoặc khám sức khỏe. Quân đội sẽ được huy động để trợ giúp đưa những người bị ốm tới bệnh viện.
Thứ trưởng Giao thông Pháp Jean-Baptiste Djebbari cho hay các dịch vụ tàu cao tốc liên thành phố sẽ giảm bớt do lệnh phong tỏa để hạn chế lây nhiễm.
Nhưng nhiều người tại các tỉnh vẫn tỏ ra lo ngại về cuộc sơ tán của người dân thủ đô.
"Người Paris chạy khỏi thành phố và sẽ làm ảnh hưởng tới các tỉnh, chỉ để dễ thở. Cuộc so tán này là không thể tưởng tượng nổi, ích kỷ và giống một quả bom hẹn giờ", một cư dân mạng viết trên Twitter.
Cho tới nay, Pháp đã ghi nhận 148 người tử vong và 6.600 nhiễm virus corona. Theo lệnh phong tỏa được Tổng thống Macron công bố, kể từ trưa ngày 17/3, Pháp đóng cửa các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cafe, nhà hàng, rạp chiếu phim, và hạn chế đi lại tối đa của người dân.
An Bình
Theo dantri.com.vn/Reuters
Vietnam Airlines tạm dừng đường bay tới Pháp, Malaysia Vietnam Airlines sẽ tạm dừng khai thác tất cả đường bay giữa Việt Nam - Pháp, Malaysia từ 17/3. Cụ thể, hãng sẽ huỷ chuyến bay VN11 từ TP.HCM đến Paris (Pháp) trong đêm 17/3. Vietnam Airlines liên tục cắt giảm các chuyến bay giữa Việt Nam và các nước có dịch Covid-19. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Pháp trong những...