‘Parasite’: Tấn bi kịch ‘kinh dị’ về giai cấp xã hội
‘ Parasite’ ( Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho thực sự là màn kịch kinh dị, đầy kịch tính cần phải thưởng thức đối với bất cứ ai trong xã hội ngày nay.
Trong kỳ Liên hoan phim Cannes mà rất nhiều “quái kiệt” của làng điện ảnh thế giới trở lại tham gia tranh tài như Queen Tarantino với Once Upon time in Hollywood hay “thánh” Terrence Malick với A hidden life rồi cả Marco Bellocchi – niềm tự hào của điện ảnh hiện thực Ý… giải Cành Cọ Vàng lại bất ngờ gọi tên Parasite ( Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho.
Từ cốt truyện mà đạo diễn không nghĩ thế giới sẽ hiểu
Mang tác phẩm thứ 7 của mình đi dự LHP Cannes 2019, Bong Joon Ho ban đầu cũng không đặt quá nhiều hi vọng vì bộ phim chứa đầy những từ ngữ, văn hóa có đặc thù riêng xứ Hàn mà ông không nghĩ người phương Tây sẽ hiểu được toàn bộ.
Parasite với câu chuyện đậm màu sắc Hàn Quốc hiện đại
Ký sinh trùng xoay quanh hai gia đình ở hai thái cực đối lập hoàn toàn trong xã hội Hàn Quốc. Trưởng nam của gia đình thất nghiệp Ki Woo (Choi Woo Shik) có bản tính lạc quan trời sinh, đã trượt đại học 4 lần, được một người bạn là sinh viên của trường đại học danh giá giới thiệu đến làm gia sư tiếng Anh cho cô con gái Da Hye của giám đốc Park. Da Hye luôn cảm thấy buồn vì bị bỏ rơi bởi vì bố mẹ dành hết sự chú ý cho em trai. Cô bé đã đặc biệt chú ý đến gia sư mới Ki Woo ngay lần đầu gặp mặt. Sau đó, Ki Woo lại giới thiệu em gái mình Ki Jeong (Park So Dam) đến làm gia sư cho con trai Da Song (Jung Hyun Joon) của gia đình này với một danh phận giả: “Jessica, là con một, mới trở về từ Illinois Chicago”. Da Song là một cậu bé đặc biệt yêu thích người da đỏ. Mặc dù mẹ cậu tin rằng cậu là một thiên tài nhưng tính cách có phần kì dị và “hoang dại” của cậu khiến cho không gia sư mỹ thuật nào có thể trụ quá một tháng.
Theo đạo diễn 49 tuổi, câu chuyện sẽ dần dần chuyển biến sau khi hai người con của Kim Ki Taek (Song Kang Ho) được nhận vào làm gia sư cho gia đình giám đốc Park (Lee Sun Kyu). Nói về chủ đề của phim, anh cũng cho biết: “Trong thế giới buồn bã này, có những lúc người với người không thể giữ được mối quan hệ cùng tồn tại hoặc cộng sinh và một nhóm người yếu thế bị đẩy vào mối quan hệ ký sinh”.
Sự chỉn chu trong bối cảnh
Nhà thiết kế sản xuất Lee Ha Jun thực sự có công lớn trong việc tạo nên ấn tượng ban đầu với hình ảnh đối lập hai khu dân cư của hai gia đình có sự khác biệt mười mươi về đẳng cấp cùng lối sống. Một ngôi nhà dưới tầng hầm rách nát, bẩn thỉu vì rác rưởi, còn ngôi nhà kia thì giống như một công trình nghệ thuật, nổi bật giữa khu phố gồ ghề và nhem nhuốc, được bao bọc bởi cây cối và bụi rậm tạo nên sự riêng tư hoàn hảo.
Ngôi nhà ông Park với sự hoàn hảo tuyệt đối về kiến trúc
Theo nhận xét của tạp chí Variety, từ không gian, ánh sáng cùng những mảng màu đan xen đều được sử dụng rất tài tình, gợi nên khác biệt rõ nét về giai cấp. Thứ ánh sáng rạng ngời mà Bong Joon Ho sử dụng trong các trường đoạn ở gia đình Park như một “đặc quyền” mà chỉ có kẻ giàu mới xứng đáng được hưởng. Bên cạnh đó, ngôi nhà lát gỗ của ông Park còn tạo không gian mở, cung cấp cho ê- kíp một “sân chơi” hiện đại về mặt kiến trúc để Bong Joon Ho thoải mái sử dụng nhiều góc máy táo bạo và đạt hiệu quả cao.
Khán giả sẽ như một “chiếc đồng hồ quả lắc”
Nhân vật người vợ Chung Sook (Chang Hyae Jin) của Kim Ki Taek đã để lại một câu nói ấn tượng về gia đình giám đốc Park: “Tôi giàu thì tôi cũng sẽ tốt như họ, tiền có thể xóa tan đi mọi nếp nhăn”. Và chắc chắn, vợ chồng ông Park đã sống một cuộc sống xa hoa chưa bao giờ bị vấy bẩn, dù có “nếp nhăn” nào đó, cũng chỉ ở mũi của họ khi ngửi thấy mùi khó chịu của sự nghèo khó. Nhưng một khi họ đã hưởng quyền lợi từ đồng tiền, đạo diễn Bong Joon Ho dễ dàng khiến họ đáng ghét, điển hình là sự ích kỷ khủng khiếp với những kẻ thấp kém, vậy mà ChungSook thì vẫn làm người xem phát bực vì nhất mực khẳng định: “Bà ấy tốt vì giàu”.
Dù thực hiện việc lừa đảo gia đình ông Park nhưng Ki Woo vẫn luôn mong muốn được đến trường, được học đại học như một cách giải thoát, minh họa cho suy nghĩ của rất nhiều gia đình nghèo mỗi khi lâm vào bế tắc, ngay cả khi Bong Joon Ho mạnh dạn thể hiện rõ hiện thực: một sinh viên mới ra trường không thể nhanh chóng làm “vị cứu tinh” cho cả gia đình mình.
Khán giả xem phim sẽ giống như “chiếc đồng hồ quả lắc” bị hỏng, cứ lắc qua lắc lại và luôn tự nhủ cần có một người thợ sửa đồng hồ để giúp họ cân bằng xúc cảm giữa sự tuyệt vọng của kẻ nghèo cùng sự căm ghét nhàn rỗi của những kẻ coi tiền là trên hết. Hơn nữa càng về sau, chúng ta sẻ trở nên bị loạn trí, có chăng thấy mình cùng bị lừa đảo, không biết bên nào mới là kẻ vô lại giữa các tình tiết đen tối cùng chất kinh dị được đẩy mạnh đan xen tài tình chất bi hài.
Bong Joon Ho cũng không quên đem đến cho gia đình Ki Taek “chiếc gương” để họ nhìn vào gia đình ông Park, ngụ ý có nên “vừa giàu vừa tốt” như họ hay không? Thêm vào đó là nhiều dấu hiệu nhỏ được cài cắm như hình ảnh đèn nhấp nháy cùng một vài trường đoạn liên quan tới ý nghĩa nào đó thuộc về Công giáo nhưng dù thế nào, chắc đây cũng là điều ông mong các nhà phê bình đừng khai thác quá nhiều trước khi phim được chiếu rộng rãi để khán giả có thể tận hưởng và tự mình tìm ra.
Lý do đạo diễn phải “quỳ” trước nam chính Song Kang Ho
Khi lên nhận giải Cành Cọ Vàng tại Cannes, sự khiêm nhường của Bong Joon Ho thể hiện ở hành động vị đạo diễn quỳ gối trao tặng lại giải Cành Cọ Vàng danh giá cho nam diễn viên chính Song Kang Ho, như một lời tri ân sâu sắc nhất dành cho người bạn đồng hành suốt chục năm qua của mình. Hình ảnh này được báo chí gọi là “khoảnh khắc đẹp nhất 100 năm qua của nền điện ảnh Hàn Quốc”.
Song Kang Ho với diễn xuất bậc thầy
Vai diễn ông bố thất nghiệp Ki Taek của “cây đại thụ” của điện ảnh Hàn Quốc đương đại gây ấn tượng hơn cả, đóng vai trò dẫn dắt mạch phim cực tốt. Ngôi sao kỳ cựu sinh năm 1967 được hàng loạt báo chí đánh giá xuất sắc ở biểu cảm gương mặt, nâng đỡ cảm xúc của đàn em.
Khoảnh khắc đẹp tại Cannes
Ngày 16/5 vừa qua, ban tổ chức LHP Quốc tế Locarno lần 72 thông báo Song Kang Ho thắng giải Excellence Award, đánh dấu lần đầu giải thưởng cao quý được trao cho diễn viên châu Á. Đạo diễn nghệ thuật Lili Hinstin nhận xét: “Song Kang Ho có nhiều khía cạnh đa dạng, truyền đạt xuất sắc cảm xúc phong phú và mãnh liệt… Gương mặt anh dễ dàng khắc họa mọi loại phim, từ hiện thực, lịch sử đến trinh thám, giật gân. Không ai ngoài Song Kang Ho có thể gói gọn thành tựu vượt trội của điện ảnh Hàn suốt 20 năm qua”. Tháng 8 này anh sẽ đến Locarno, Thụy Sĩ nhận giải.
Trailer phim
Trailer phim
Trở về từ Cannes 2019, Parasite ( Ký sinh trùng) được trình chiếu tại Việt Nam từ hôm nay, 21/6/2019.
Theo thegioidienanh.vn
'Parasite: Ký sinh trùng' mở màn ấn tượng tại Pháp, giành giải Sydney Film Prize
Parasite ( Ký sinh trùng) hiện đã vượt mốc 8 triệu lượt người xem tại Hàn Quốc. Bộ phim cũng có doanh thu mở màn ấn tượng nhất tại Pháp từ trước đến nay trước khi giành giải Sydney Film Prize 2019.
Khởi chiếu tại Pháp vào ngày 5/6 vừa qua, bộ phim cũng đạt thành tích xuất sắc khi đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng doanh thu tuần, chỉ sau bom tấn X-Men: Dark Phoenix của Marvel. Với 259.737 lượt khán giả trong tuần đầu tiên, Ký sinh trùng đã trở thành phim Hàn có doanh thu mở màn ấn tượng nhất tại Pháp từ trước đến nay, vượt qua kỉ lục 235.371 lượt xem trước đó của Chuyến tàu băng giá - một bộ phim cũng của đạo diễn Bong Joon Ho phát hành năm 2013. Nhờ sự đón nhận nồng nhiệt và phản ứng tích cực của khán giả Pháp, số lượng màn chiếu của bộ phim sẽ được tăng từ 179 lên 300 vào tuần tiếp theo.
Chỉ vài tuần sau khi đoạt Cành cọ vàng cao quý tại Liên hoan phim Cannes 2019, đạo diễn Bong Joon Ho tiếp tục nhận được giải thưởng Sydney Film Prize - giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Sydney 2019 với bộ phim Ký sinh trùng (tựa tiếng Anh: Parasite). Hiện bộ phim vẫn tiếp tục làm mưa làm gió tại phòng vé Hàn Quốc với tổng lượt xem tích lũy đã lên tới 8.344.822 lượt.
Đạo diễn Bong Joon Ho đã vượt qua 11 đối thủ chính thức tham dự tranh giải năm nay để giành giải Sydney Film Prize. Giải thưởng tiền mặt 60.000 đô la Úc (41.288 $) đã được trao cho Bong Joon Ho tại lễ bế mạc của liên hoan phim vào ngày Chủ nhật vừa qua. Bộ phim Okja của Bong Joon Ho cũng từng được trình chiếu trong Liên hoan phim Sydney năm 2017.
Giải thưởng Sydney Film Prize được trao hàng năm với các tiêu chí: bộ phim "táo bạo, tiên tiến và dũng cảm nhất". Các bộ phim tranh giải tại Liên hoan phim năm nay gây chú ý vì tập trung vào vấn đề bất bình đẳng xã hội và vai trò giới tính. Chủ tịch hội đồng John Maynard đã dành nhiều lời khen ngợi cho Ký sinh trùng: "Bộ phim đã vượt qua mọi thể loại quy chuẩn phim thông thường - nó vừa tinh tế vừa tàn bạo, vừa đẹp đẽ vừa khắc nghiệt, vừa hài hước vừa bi thảm, một kiệt tác về sự phân chia giai cấp xã hội".
Ký sinh trùng sẽ được phát hành tại Úc vào ngày 27/06. Phim khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 21/06 tại các rạp chiếu trên toàn quốc.
Trailer Parasite
Theo thegioidienanh.vn
Sau Cành Cọ Vàng Cannes, "Ký sinh trùng" tiếp tục đạt nhiều thành tích "khủng" Sau Cành cọ vàng danh giá của Cannes, "Ký sinh trùng" tiếp tục nhận về nhiều giải thưởng cao quý khác của giới chuyên môn và tạo ra nhiều kỷ lục phòng vé tại Hàn Quốc. Chỉ vài tuần sau khi đoạt Cành Cọ Vàng cao quý tại Liên hoan phim Cannes 2019, đạo diễn Bong Joon Ho tiếp tục nhận được giải...