Panama rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội vì thiếu lương thực, vật tư y tế
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Mỹ, làn sóng biểu tình triền miên trong ba tuần qua đang khiến Panama rơi vào tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, vật tư y tế và nông nghiệp.
Người di cư chờ được đưa từ làng Bajo Chiquito tới trung tâm tiếp nhận di cư ở Lajas Blancas, tỉnh Darien, Panama, ngày 23/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ở quốc gia Trung Mỹ với hơn 4 triệu dân, các cuộc biểu tình của liên minh các công đoàn và nghiệp đoàn đã bùng nổ từ đầu tháng Bảy nhằm phản đối tình trạng chi phí sinh hoạt đắt đỏ, quản lý công thiếu minh bạch và các bê bối tham nhũng liên tiếp. Ngày 19/7 vừa qua, các tổ chức này cuối cùng cũng nhất trí về các yêu sách đối với chính phủ, bao gồm giảm giá nhiên liệu, thực phẩm, điện và thuốc men, tăng ngân sách cho giáo dục và tăng cường chống tham nhũng.
Dưới sức ép biểu tình, chính quyền Tổng thống Laurentino Cortizo đã chấp thuận trợ giá tạm thời cho nhiên liệu và một số mặt hàng thực phẩm, cũng như cắt giảm 10% chi tiêu công, tuy nhiên các đoàn hội cho rằng những biện pháp này là không đủ. Các bên hiện đang chuẩn bị tham gia cuộc đàm phán do Tổng giáo phận Panama làm trung gian.
Video đang HOT
Người biểu tình đã chặn nhiều tuyến đường quan trọng, trong đó có Cao tốc quốc tế liên Mỹ, khiến các xe tải chở khí đốt để vận hành các nhà máy phát điện bị mắc kẹt. Công ty điện lực phải cắt nguồn cung ở tỉnh Darien giáp ranh Colombia xuống còn 11 giờ/ngày, ảnh hưởng đến khoảng 7.000 hộ gia đình.
Ngành nông nghiệp Panama ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu USD do các cuộc biểu tình, chưa kể những tác động đối với thương mại nông sản do khâu vận chuyển bị tắc nghẽn. Chợ nông sản đầu mối ở thủ đô Panama City, cung cấp thực phẩm cho các siêu thị, doanh nghiệp và người dân, chứng kiến tình trạng người mua thưa thớt do thiếu thốn hàng hóa. Phần lớn nguồn cung đến từ tỉnh Chiriquí giáp ranh Costa Rica, cũng là nơi cung cấp nông sản chính cho các nước. Do Cao tốc quốc tế liên Mỹ bị phong tỏa, nhiều chuyến xe chở hàng đã không thể đến nơi, số ít còn lại đến quá muộn, khiến hàng hóa bị hư hỏng. Việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Làn sóng biểu tình nổ ra trong thời điểm Panama bắt đầu phục hồi sau thảm họa đại dịch. Sau khi sụt giảm 17,9% trong năm 2020, năm ngoái nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 15,3% và 13,6% trong quý I/2022. Tháng 6 vừa qua, tỉ lệ lạm phát ở Panama đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, một hiện tượng ít thấy ở một quốc gia đã “đô la hóa”, với nền kinh tế phụ thuộc vào dịch vụ.
Theo cơ quan xếp hạng Moody’s, Chính phủ Panama đã đề xuất chính sách thắt lưng buộc bụng, trợ giá xăng dầu và mở rộng tạm thời một số chương trình xã hội, song điều này có thể khiến quốc gia này không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt hàng năm. Ông Rubén Castillo, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Tư nhân Quốc gia (Conep), cho rằng trợ cấp là cần thiết, nhưng cần tập trung vào đúng mục tiêu và phải rà soát hiệu quả. Ông Castillo nhấn mạnh không thể xây dựng nền kinh tế bền vững bằng cách tăng trợ cấp, mà phải tăng năng suất, việc làm và thu hút đầu tư.
El Salvador tiếp tục mua bitcoin
El Salvador vừa mua thêm 80 bitcoin với giá 1,5 triệu USD, trong lúc giá trị của đồng tiền số phổ biến nhất đã tuột dốc trong năm nay.
Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 30/6 vừa qua, Tổng thống Nayib Bukele đã thông báo bằng tiếng Anh trên mạng xã hội: "El Salvador đã mua 80 #BTC (bitcoin) với giá 19.000 USD/đơn vị! #Bitcoin là tương lai! Cảm ơn vì đã bán giá rẻ".
Trước lần thu mua mới nhất, quốc gia Trung Mỹ đã sở hữu 2.301 bitcoin, tuy nhiên Chính phủ không công bố chi tiết số lượng tiền điện tử dự trữ hoặc đã bán.
Đồng tiền kỹ thuật số nổi tiếng nhất trên thị trường tiếp tục rơi tự do. Dữ liệu từ Bloomberg cho biết, đến ngày 21/6, giá bitcoin phần lớn không vượt quá 19.000 USD/đơn vị. Kết thúc nửa đầu năm 2022, đồng tiền ảo này đã mất gần 60% giá trị. So với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 11/2021, khi giá bitcoin chạm ngưỡng 69.000 USD, tài sản kỹ thuật số này đã lao dốc 72%.
Giữa tháng 6/2022, Bộ trưởng Tài chính El Salvador Alejandro Zelaya đã tuyên bố quốc gia này "không chịu bất kỳ khoản lỗ nào" vì bitcoin rớt giá, vì chưa bán đi số tài sản kỹ thuật số này. Tuy nhiên, truyền thông địa phương tiết lộ rằng chính quan chức này đã thông báo El Salvador có bán một số bitcoin để xây bệnh viện thú y.
Hiện El Salvador đang đàm phán một thỏa thuận tín dụng trị giá 1,4 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong bối cảnh nợ công đã tương đương 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, IMF đã kêu gọi El Salvador "giới hạn phạm vi của Luật Bitcoin theo hướng bỏ công nhận bitcoin là đồng tiền hợp pháp" và bày tỏ lo ngại về kế hoạch phát hành trái phiếu bitcoin trị giá 1 tỷ USD của El Salvador. Tổ chức này dự báo, theo các chính sách hiện tại, nợ công của El Salvador sẽ tăng lên mức 96% GDP vào năm 2026.
Các cơ quan xếp hạng rủi ro đã cảnh báo nhu cầu tài chính của Chính phủ El Salvador sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2023 quốc gia này sẽ phải thanh toán 800 triệu USD trái phiếu châu Âu (Eurobond).
Vụ người di cư tử vong trong xe thùng đầu kéo tại Mỹ: Các nước Trung Mỹ hợp tác điều tra Ngày 29/6, Bộ Ngoại giao Mexico cho biết chính phủ nước này cùng các nước Mỹ, Guatemala và Honduras đã nhất trí phối hợp hành động để điều tra vụ 51 người di cư tử vong trong thùng xe đầu kéo ở Texas, Mỹ. Hiện trường phát hiện thi thể người nhập cư trong xe thùng đầu kéo ở San Antonio, bang Texas,...