Palestine và Hiệp ước Oslo: Buông để níu giữ
Palestine tuyên bố sẽ ngừng thực thi Hiệp ước hoà bình Oslo. Thông điệp mà Palestine gửi tới Israel là nếu cứ như vậy thì “tương lai sẽ là quá khứ” đối với khu vực Trung Đông. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Viễn cảnh Hiệp ước hòa bình Oslo, 25 năm sau. Biếm họa của Stephff. (Twiter)
Tại một sự kiện ở Ramallah, tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết, chính quyền tự trị Palestine sẽ ngừng thực thi Hiệp ước hoà bình giữa Palestine và Israel ký kết ở Oslo, thủ đô của Na Uy, năm 1993 và một Uỷ ban sẽ được thành lập để thực hiện quyết định này.
Có lý do để lo ngại
Cho tới nay, Hiệp ước Oslo vẫn là thoả thuận hoà bình duy nhất giữa Palestine và Israel. Nó đưa đến việc thành lập chính quyền tự trị Palestine, đặt nền móng và đưa ra định hướng cho tiến trình đàm phán hoà bình tiếp theo giữa Israel và Palestine, hướng tới cái đích là hình thành nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ, tồn tại trong hoà bình với nhà nước Israel.
Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Abbas tuyên bố Palestine ngừng tuân thủ Hiệp ước Oslo nhưng lại là lần đầu tiên, chính quyền tự trị Palestine đi xa hơn cả với việc xác định bước đi cụ thể để triển khai tuyên bố đó. Cho nên, cả trong lẫn ngoài Palestine, giờ đã có nguyên do xác đáng để thật sự lo ngại là, thoả thuận hoà bình quan trọng này giữa Israel và Palestine, sau khi bị Israel vi phạm và bất chấp, giờ lại không được cả phía Palestine tuân thủ, như thế sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền tự trị Palestine và cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine ở khu vực Trung Đông sẽ lại trở nên bạo lực và quyết liệt.
Video đang HOT
Trên thực tế, việc phía Israel xây dựng những khu định cư cho người Do Thái trên các vùng lãnh thổ của người Palestine và không mặn mà với việc thúc đẩy tiến trình đàm phán hoà bình với Palestine đã thách thức ngày càng nghiêm trọng sự tồn tại và hiệu lực trên thực tế của Hiệp ước Oslo. Rồi đến những quyết sách của tổng thống Mỹ Donald Trump: công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về Jerusalem, ngừng cung cấp tài chính cho chính quyền tự trị Palestine bất chấp luật pháp quốc tế và trái ngược với những cam kết của các chính quyền Mỹ trước đấy đối với giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, tất cả đều báo hiệu chiều hướng Hiệp ước Oslo chỉ còn giá trị trên giấy đối với Israel và Mỹ.
Phía chính quyền tự trị Palestine cũng không hoàn toàn vô can trong chuyện Hiệp ước Oslo trở nên “đầu voi đuôi chuột” đến như thế. Fatah và Hamas bất hoà nhau sâu sắc và đối kháng nhau quyết liệt. Palestine có chính quyền tự trị nhưng gần như bất lực cả về chính trị lẫn tài chính và an ninh trong việc đảm bảo những lợi ích chính đáng và cấp thiết của người Palestine ở Trung Đông.
Giọt nước làm tràn cốc
Giọt nước làm tràn cốc ở quyết định mới nói trên của tổng thống Abbas là việc Israel phá huỷ những ngôi nhà của người Palestine trên khu vực lãnh thổ của người Palestine mà chính quyền tự trị Palestine không thể ngăn cản được và cả Liên hợp quốc cũng chưa thấy lên tiếng phản đối.
Phía Israel cứ tiếp tục dấn tới như thế bởi đã từ lâu chủ ý không để bị ràng buộc vào thoả thuận hoà bình này, bởi ỷ vào ưu thế quân sự, bởi dựa vào Mỹ, bởi tận dụng sự phân rẽ trong nội bộ Palestine và bởi biết rằng, sự ủng hộ về chính trị của thế giới bên ngoài dành cho chính quyền tự trị Palestine không đủ hiệu lực trên thực tế để ngăn cản Israel theo đuổi và thực hiện ý đồ chiến lược riêng với Palestine.
Cái gọi là Thoả thuận thế kỷ của ông Trump cho Trung Đông khích lệ Israel tiếp tục chính sách và hành động như lâu nay, trong thực chất đi ngược với mục tiêu và định hướng của Hiệp ước Oslo chứ không thúc đẩy việc thực hiện Hiệp ước Oslo, vì thế chỉ càng thêm bất lợi cho Palestine.
Ngừng thực thi Hiệp ước Oslo trong thực chất là bước đi cuối cùng và bất đắc dĩ của phía chính quyền tự trị Palestine, là chiêu sách “được ăn cả, ngã về không” bởi rủi ro lớn nhất ở đây là sự tồn tại của chính quyền tự trị Palestine bị đe doạ trực tiếp, đẩy nguy cơ xung khắc giữa Israel và Palestine trở lại trạng thái như ở thời trước khi có Hiệp ước Oslo. Chính quyền tự trị Palestine quyết định buông bỏ hiệp ước này trong vọng ước thức tỉnh thế giới bên ngoài hành động chung để cứu vãn Hiệp ước Oslo bởi nếu để kịch bản tồi tệ nhất xảy ra thì hậu quả và hệ luỵ trước mắt cũng như lâu dài về an ninh khu vực và chính trị thế giới sẽ vô cùng tai hại đối với Trung Đông và cả thế giới.
Thông điệp của phía Palestine gửi tới Mỹ là đến số phận của Hiệp ước Oslo còn như thế thì làm gì có được tương lai tốt đẹp hay triển vọng sáng sủa nào cho kế hoạch Thoả thuận thế kỷ của cặp bố vợ-con rể nhà ông Trump. Thông điệp của chính quyền tự trị Palestine gửi tới Israel là nếu cứ như vậy thì “tương lai sẽ là quá khứ” đối với khu vực Trung Đông.
Khi ấy, không chỉ có một tình huống mới xuất hiện mà còn cả một cục diện mới định hình ở khu vực này. Hamas phấn khích trong khi Mỹ và Israel bối rối. Khi chỉ còn là hữu danh vô thực, Hiệp ước Oslo vô nghĩa và bất lợi cho chính quyền trị Palestine bao nhiêu thì vẫn hữu ích bấy nhiêu cho chính quyền hiện tại ở Israel và Mỹ.
Dịch Dung
Theo baoquocte
Palestine hối thúc cộng đồng quốc tế can thiệp nhằm chấm dứt xung đột tại Gaza
Ngày 5/5, một quan chức cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) hối thúc cộng đồng quốc tế can thiệp nhằm chấm dứt xung đột leo thang ở Gaza.
Rocket được bắn từ dải Gaza sang lãnh thổ Israel ngày 4/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, bà Hanan Ashrawi, một thành viên Ban chấp hành PLO, lên án các vụ tấn công của Israel nhằm vào "những dân thường không có phòng bị" ở Gaza, cho rằng đây là "âm mưu gây đau khổ cho người Palestine để phục vụ những lợi ích chính trị". Bà Hanan Ashrawi hối thúc cộng đồng quốc tế hành động giúp "chấm dứt leo thang xung đột và bảo vệ các quyền cũng như tính mạng của 2 triệu người Palestine".
Một thành viên khác của Ban chấp hành PLO, Ahmad Majdalani cho biết Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang tiến hành các cuộc đàm phán ở cấp khu vực và quốc tế nhằm ngăn Israel tiếp tục tiến hành các cuộc không kích vào Dải Gaza.
Trong một thông cáo báo chí ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Palestine cáo buộc Israel tiếp tục các cuộc tấn công ác liệt vào Dải Gaza. Cơ quan trên hối thúc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) khẩn trương mở cuộc điều tra về "những tội ác của Israel" tại Gaza.
Trước đó, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov kêu gọi Palestine và Israel lập tức thực thi một lệnh ngừng bắn tại Gaza.
Theo Tân Hoa xã, ít nhất 12 người Palestine đã thiệt mạng và gần 50 người bị thương do các cuộc không kích của Israel từ tối 4/5.
Trong khi đó, quân đội Israel cho biết đã tiêu diệt Hamed Ahmed Abed Khudri, một chỉ huy của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tại Dải Gaza ngày 5/5. Theo thông báo của quân đội Israel, nhân vật Khudri phụ trách chuyển các quỹ tài trợ của Iran cho các nhóm vũ trang tại Gaza.
Trước đó, phía Israel thông báo khoảng 450 quả rocket hoặc đạn cối từ Dải Gaza đã bắn sang lãnh thổ Israel từ ngày 4/5 và lực lượng phòng không của Israel đã đánh chặn hơn 1/3 trong số đó.
Theo thông báo, phía Israel đã đáp trả, trong đó xe tăng và các máy bay chiến đấu của Israel đã bắn trúng khoảng 200 mục tiêu thuộc Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad tại Gaza. Trong số các mục tiêu bị bắn trúng có trụ sở cơ quan tình báo và các cơ quan an ninh của Hamas.
Theo Nguyễn Hằng (TTXVN)
Kế hoạch hòa bình Trung Đông - Nảy sinh nhiều nghi vấn mới Ngày 19-4, đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt cho biết, Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không bao gồm việc chuyển nhượng đất từ bán đảo Sinai của Ai Cập cho người Palestine. Trong khi đó, các vụ xung đột giữa người Palestine và binh lính quân đội Israel ở Dải Gaza khiến...