Palestine chỉ trích Israel gây căng thẳng tình hình khu vực
Ngày 9/4, chính quyền Palestine (PA) đã lên tiếng chỉ trích hành động của phía Israel mà PA cho rằng đã xâm phạm đền thờ Al-Aqsa (phía Israel gọi là Núi Đền) ở Đông Jerusalem và tấn công các tín đồ Hồi giáo nhằm xua đuổi họ ra khỏi ngôi đền thiêng, có thể thổi bùng căng thẳng tình hình khu vực.
Cảnh sát Israel gác tại khu vực đền Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền) ở Jerusalem ngày 5/4/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn Anadolu dẫn lời người phát ngôn Chính quyền Palestine Nabil Abu Rudeineh cho rằng những hành động nêu trên trong tháng lễ Ramadan là hành động không thể chấp nhận và đáng bị lên án, đồng thời khẳng định người dân Palestine sẽ kiên quyết bảo vệ đất đai và các địa điểm linh thiêng của họ.
Đối với người Hồi giáo, đền Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng quan trọng thứ ba, trong khi người Do Thái gọi đây là Núi Đền và khẳng định đây là địa điểm của hai ngôi đền cổ của họ. Trong ngày 9/4, khoảng 900 người định cư Israel đã tới khu vực Núi Đền dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát Israel.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Jordan cũng lên án việc người Do Thái tới khu vực đền thờ Al-Aqsa/Núi Đền, cảnh báo nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trong nếu Israel không chấm dứt hành động mà Jordan coi là vi phạm nguyên trạng của địa điểm linh thiêng này.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6/4 tuyên bố rằng Israel không có ý định thay đổi hiện trạng tại Núi Đền, mà phía Palestine gọi là đền Al-Aqsa, đồng thời sẽ có các biện pháp mạnh đối với những phần tử cực đoan sử dụng bạo lực. Ngoài ra, ông Netanyahu cũng lưu ý rằng người Israel sẽ tiếp tục đoàn kết để đối phó những mối đe dọa từ bên ngoài bất chấp sự khác biệt về lập trường chính trị.
Dưới lời kinh là những đốm than hồng
Tháng lễ Ramadan đã chính thức bắt đầu kể từ ngày 23/3, đối với toàn thể tín đồ Hồi giáo trên thế giới.
Bởi vậy, cộng hưởng cùng hàng loạt các mâu thuẫn vẫn còn chưa được gỡ bỏ, bầu không khí bao trùm trên thánh địa Jerusalem lại càng trở nên ngột ngạt, bất kể những thông điệp lạc quan về tiến trình hòa đàm Palestine - Israel.
Mồi lửa chực chờ
Mới ngày 20/3, Tổng Thư ký Ủy ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein al-Sheikh phấn khởi nhận định: "Tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine đã được hồi sinh hiệu quả, thông qua hai hội nghị an ninh vừa qua (ngày 26/2 tại Jordan và ngày 19/3 tại Ai Cập".
Video đang HOT
Nhưng, chỉ 5 ngày sau, cả chính quyền Palestine (PA) lẫn Bộ Ngoại giao nước láng giềng Jordan đã lại đồng loạt lên tiếng, bằng những ngôn từ ở mức độ thực sự gay gắt, về việc Chính phủ Israel xây dựng nhiều nhà ở mới tại các khu định cư Efrat, Beita Ilit và Đông Jerusalem.
Xung đột và mâu thuẫn vẫn luôn âm ỉ trên mảnh đất này.
Dẫn nguồn tin từ tổ chức Peace Now chuyên theo dõi các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái, tờ Jerusalem Post cho biết: Chính phủ Israel đã mời thầu xây 1.029 nhà ở mới, trong đó có 940 nhà tại Efrat và Beita Ilit cùng 89 nhà ở Đông Jerusalem. Và Peace Now nhấn mạnh: "Bất chấp những cam kết (với cả các đồng minh trên thế giới), Israel có dấu hiệu tiếp tục thúc đẩy hoạt động xây dựng làm tổn hại cơ hội đạt được một thỏa thuận chính trị và khiến căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn".
Do đó, Bộ Ngoại giao Jordan chỉ trích hành động của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế cũng như Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Người phát ngôn của bộ này - ông Sinan Majali cho rằng, toàn bộ chính sách định cư của Israel đã "phá hoại các nỗ lực đạt được hòa bình và cơ hội đối với giải pháp hai nhà nước trên cơ sở các nghị quyết quốc tế".
Đồng thời, PA nhấn mạnh việc Israel thông qua kế hoạch xây dựng các nhà định cư mới đi ngược với những tuyên bố của Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu và phá hoại các thỏa thuận đạt được giữa Palestine và Israel. Cùng lúc, Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza kêu gọi PA ngay lập tức ngừng hợp tác an ninh với Israel. Theo người phát ngôn Hazem Qassem của Hamas, quyết định của Israel xây dựng các căn hộ mới "phản ánh chính sách thù địch và nỗ lực Do Thái hóa nhằm vào đất đai cũng như nhân dân Palestine".
Israel thông báo sẽ có những sự nới lỏng về quy định nhập cảnh trong tháng lễ Ramadan.
Sau những lời hứa hẹn
Tất cả những động thái này khiến bức tranh toàn cảnh một lần nữa lại nhuốm màu u ám. Cho dù, ngày 19/3, trong tuyên bố chung khép lại hội nghị an ninh Palestine - Israel (có sự hiện diện của các quan chức chính trị và an ninh cấp cao đại diện cho Ai Cập, Palestine, Israel, Jordan và Mỹ) tổ chức tại thành phố Sharm El Sheikh (Ai Cập), Chính phủ Israel và chính quyền Palestine đã "tái khẳng định cam kết hành động ngay lập tức để chấm dứt các biện pháp đơn phương trong khoảng thời gian 3-6 tháng".
Và đặc biệt, phía Israel đã đồng ý thực hiện một loạt biện pháp nhằm xoa dịu tình hình, đặc biệt là trong thời gian diễn ra tháng lễ Ramadan.
Cụ thể, Cơ quan điều hành các hoạt động của Nhà nước Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine (COGAT) sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát người Palestine xuất nhập cảnh vào Israel trong thời gian diễn ra tháng lễ.
Bên cạnh đó, Israel cũng đồng ý đình chỉ các chiến dịch quân sự sâu trong lãnh thổ của Palestine ở Bờ Tây, cũng như không bắt giữ các nghi phạm Palestine (trừ phi có bằng chứng rõ ràng những người này âm mưu thực hiện tấn công).
Những mùa thánh lễ vẫn luôn diễn ra nóng bỏng.
Đây là một vấn đề mang tính cốt lõi, đối với mọi tiến trình hòa bình Trung Đông: Israel ngừng thảo luận các kế hoạch xây dựng và mở rộng khu định cư, đồng thời hoàn trả các khoản thu thuế hộ người Palestine (vốn bị Chính phủ Israel cưỡng chế giữ lại từ năm 2022 đến nay).
Đó là "những cách thức đã được thảo luận kỹ lưỡng nhằm giảm căng thẳng trên thực địa và tạo điều kiện hướng tới giải pháp hòa bình giữa người Israel và Palestine" - nói như ông Hussein al-Sheikh.
Nhưng, đến hiện tại, với các tin tức về dự án mời thầu khu định cư Do Thái mới, câu chuyện đang ngoặt trở về một đoạn nghẽn muôn thuở. Do đó, nó lại càng khiến tình hình trở nên đáng lo lắng, khi lòng tin cậy dành cho nhau từ hai phía còn chưa thực sự bắt đầu được xây dựng đã lại một lần nữa bị sứt mẻ nghiêm trọng.
Không phải ngẫu nhiên, ngày 22/3, đặc phái viên Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Tor Wennesland, đã buộc phải lên tiếng bày tỏ quan ngại trước tình trạng gia tăng căng thẳng giữa Israel và Palestine, đồng thời kêu gọi đảm bảo tình hình ổn định trước thời gian diễn ra các dịp thánh lễ (Ramadan, Vượt qua/Quá hải và Phục sinh).
Phát biểu tại phiên họp hằng tháng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc xung đột Israel - Palestine, ông Wennesland hối thúc các bên kiềm chế trong thời gian diễn ra các hoạt động tín ngưỡng hòa bình này, tránh các bước đi đơn phương làm leo thang căng thẳng. Trong buổi họp ấy, ông đã thẳng thắn đề cập đến chuyện Israel công nhận 9 khu định cư bị luật pháp quốc tế coi là bất hợp pháp, đồng thời lên kế hoạch thúc đẩy xây dựng khoảng 7.000 căn hộ định cư mới.
Khu định cư Do Thái - vấn đề tồn tại dai dẳng ngăn trở tiến trình hòa bình.
Ở một diễn biến liên quan khác nữa, 4 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm: Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp đồng loạt phản đối tình trạng leo thang bạo lực tại Israel và Bờ Tây, cũng như việc Quốc hội Israel hủy bỏ luật rút quân năm 2005.
Cùng ngày 22/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu Đại sứ Israel tại Washington để bày tỏ quan ngại về việc Israel bãi bỏ một phần luật rút quân năm 2005. Cụ thể, năm 2004, Thủ tướng Israel khi đó - ông Ariel Sharon đã hứa với Tổng thống Mỹ George Bush rằng ông sẽ sơ tán người Israel khỏi 24 khu định cư ở Gaza và 4 khu định cư ở phía Bắc thành phố Samaria thuộc Bờ Tây.
Điều này đồng nghĩa với việc cho phép người Israel trở lại 4 khu định cư gồm Homesh, Sa-Nur, Kadim và Ganim nếu như nhận được sự đồng ý từ quân đội Israel. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Bờ Tây nhiều tháng qua.
Bởi vậy, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vendat Patel cho rằng Israel đã vi phạm các cam kết với Washington khi bãi bỏ một phần của luật rút quân năm 2005 và nhấn mạnh: Động thái mới nhất của Israel đã đi ngược lại với những nỗ lực nhằm khôi phục không khí hòa bình trước thềm các tháng lễ sắp tới. Cùng quan điểm, EU nhận xét: Việc Israel bãi bỏ luật rút quân đã "phủ bóng đen lên khả năng nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông".
Ở vai trò trung gian, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị các bên ngay lập tức thực hiện các nội dung trong thỏa thuận Sharm el-Sheikh đã ký hôm 19/3 tại Ai Cập, đặc biệt là việc tôn trọng nguyên trạng lịch sử của thành phố Jerusalem và các thánh địa linh thiêng, đồng thời kiềm chế và phối hợp nhằm đảm bảo cho khoảng thời gian diễn ra tháng lễ Ramadan (trùng với lễ Quá hải của người Do Thái) được diễn ra trong hòa bình.
Cơ hội nào cho hòa bình?
Nhưng, vào lúc này, dường như "hòa bình" vẫn chỉ là một khái niệm mới được phác thảo trên giấy, còn quá mờ nhạt và mong manh.
Một cách ngắn gọn, bởi tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo có thời gian diễn ra trùng với ngày lễ Quá hải (hay còn gọi là lễ Vượt qua) của tín đồ Do Thái giáo, nên năm nào cũng vậy, nguy cơ xung đột tại các địa điểm tôn giáo chung là vô cùng lớn. Thí dụ điển hình có thể nhắc đến, không gì khác, là khu vực đền Al-Aqsa (theo cách gọi của người Arab Hồi giáo) hay Núi Đền (theo cách gọi của người Do Thái). Tại đây, vào tháng 1/2023, việc Bộ trưởng An ninh công cộng Israel - ông Itama Ben Gvir tới thăm đã làm dậy lên một đợt căng thẳng bạo lực dữ dội và khiến Phong trào Hamas của phía Palestine đưa ra cảnh báo: Israel đã chạm "giới hạn đỏ".
Bất ổn chính trị ở Israel có thể khiến nhiều bất trắc phát sinh.
Trong bối cảnh bạo lực gia tăng kể từ đầu năm đã khiến nhiều người thiệt mạng, ngày 23/3, lực lượng an ninh Israel tại Jerusalem tuyên bố: Những người không theo đạo Hồi (bao gồm cả người Do Thái) sẽ bị cấm đến Núi Đền, trong thời gian cầu nguyện của tín đồ Hồi giáo.
Song, đừng quên, bên ngoài câu chuyện này, xã hội Israel cũng đang cực kỳ rối ren, với việc hàng nghìn người xuống đường phản đối cải cách tư pháp. Vô hình trung, những biến chuyển này lại sẽ tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan từ cả hai phía (Palestine và Israel) hoạt động mạnh mẽ hơn, nhằm "tận dụng thời cơ" để tạo nên áp lực.
Nguy cơ mất kiểm soát, vì thế, lại càng trở nên rõ rệt, đặc biệt là với sự xói mòn của lòng tin, xoay quanh câu chuyện về "giữ nguyên hiện trạng lịch sử của các thánh địa ở Jerusalem", bên cạnh vấn đề xây dựng cơ chế cải thiện điều kiện sống của người dân Palestine.
Vì thế, cho dù tinh thần hòa giải có đang được nhắc đến nhiều như thế nào, trong những ngôi đền cổ, dưới những lời kinh nguyện vẫn là than hồng âm ỉ, luôn sẵn sàng bùng lên.
Palestine đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình ở Bờ Tây Ngày 23/2, hãng thông tấn chính thức của Palestine dẫn nội dung một báo cáo cho biết Chính quyền Palestine sẽ đề nghị tổ chức phiên họp khẩn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) liên quan các vụ đụng độ giữa lực lượng Israel và người Palestine ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng khiến 11 người thiệt...