Pakistan: Hơn 300 người thương vong do đụng độ trong biểu tình
Theo truyền thông Pakistan, ít nhất tám người đã thiệt mạng và gần 310 người bị thương trong cuộc biểu tình biến thành đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh nước này xảy ra tối 30/8 tại thủ đô Islamabad.
Những người ủng hộ thủ lĩnh Imran Khan biểu tình chống Chính phủ ở thủ đô Islamabad. (Nguồn: THX/TTXVN)
Bạo lực bùng phát vào chiều 30/8 sau khi khoảng 25.000 người biểu tình chống chính phủ, theo lời kêu gọi của các thủ lĩnh đối lập, tuần hành từ toà nhà Quốc hội tới tư dinh của Thủ tướng Nawaz Sharif ở trung tâm Islamabad.
Một số người biểu tình đã tìm cách di dời các hàng rào an ninh, buộc cảnh sát phải bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông. Đến sáng 31/8, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Nisar Ali Khan và Cảnh sát trưởng thành phố Islamabad Khalid Khattak cùng khẳng định lực lượng an ninh đã rất kiềm chế, song người biểu tình mang theo nhiều loại vũ khí như rìu, kìm và búa lớn xông vào các khu vực cấm như phủ Tổng thống.
Về con số thương vong do đụng độ, Chủ tịch Phong trào Nhân dân Pakistan (PAT) đối lập, giáo sĩ Tahir ul-Qadri cho biết đã có bảy thành viên PAT thiệt mạng và 75 người bị thương.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Imran Khan, Chủ tịch đảng Pakistan Tehrik-e-Insaf (PTI) cũng thông báo có một người thiệt mạng và hàng trăm thành viên đảng này bị thương trong cuộc đụng độ này.
Trong khi đó, theo các nguồn tin y tế, Viện khoa học y tế Pakistan ở Islamabad đã tiếp nhận 180 người bị thương, phần lớn trong số đó gặp vấn đề về hô hấp do bị ngạt hơi cay.
Ít nhất 128 trường hợp hiện được cấp cứu tại Bệnh viện chuyên khoa Poly ở thủ đô, trong đó có hai trường hợp nguy kịch.
Ghi nhận của hai bệnh viện này cho thấy trong số các trường hợp nhập viện do bị thương có ít nhất 57 phụ nữ, 12 trẻ em, 34 cảnh sát và bốn nhân viên truyền thông.
Sau khi xảy ra cuộc đụng độ tối 30/8, các thủ lĩnh PAT và PTI đã kêu gọi biểu tình trên khắp cả nước nhằm phản đối chính phủ, một số đảng đối lập khác tại Pakistan đã hưởng ứng lời kêu gọi này, trong đó có Phong trào Muttahida Quami (MQM).
Hiện MQM ra yêu sách đòi Thủ tướng Sharif từ chức ngay lập tức, đồng thời tuyên bố tổ chức ngày tưởng niệm trong ngày 31/8 tại thành phố Karachi ở miền Nam Pakistan.
Trong khi đó, những người ủng hộ PAT và PTI lại tiếp tục tổ chức biểu tình, phong tỏa các tuyến đường chính tại các thành phố lớn, trong đó có Rawalpindi, Lahore, Faisalabad và Karachi.
Theo một số nguồn tin, chính phủ đã yêu cầu cảnh sát bắt giữ hai thủ lĩnh tổ chức biểu tình để ổn định tình hình, trong khi khoảng 500 người biểu tình hiện bị tạm giam vì tiến hành các hoạt động gây rối trật tự.
Cùng ngày 30/8, phát biểu ở thành phố miền Đông Lahore, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif một lần nữa tuyên bố ông không từ chức và cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay chỉ là một “cơn bão nhỏ” và sẽ sớm chấm dứt trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông thừa nhận cuộc biểu tình ngồi do phe đối lập phát động ở Islamabad đang gây ra những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế nước này, đặc biệt ảnh hưởng đến các dự án phát triển.
Bắt đầu từ trung tuần tháng Tám, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ PAT và PTI đã tuần hành từ thành phố miền Đông Lahore và tiến về thủ đô Islamabad vào ngày 15/8.
Tới ngày 19/8, người biểu tình đã tiến vào “vùng Đỏ,” khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt với nhiều cơ quan chính phủ quan trọng và đại sứ quán các nước phương Tây, và tổ chức biểu tình ngồi trước Toà nhà Quốc hội trong hai tuần qua.
Nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị, Chính phủ Pakistan đã tiến hành nhiều vòng đàm phán với PTI và PAT song mọi nỗ lực này đều rơi vào bế tắc.
PTI và PAT phát động biểu tình đòi Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức vì cho rằng ông đã gian lận trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013.
Bên cạnh kêu gọi cải cách chính trị, ông al-Qadri còn đề nghị cảnh sát cáo buộc tội giết người đối với ông Sharif liên quan đến vụ ít nhất 10 người ủng hộ phe đối lập bị sát hại trong các cuộc đụng độ ở thành phố Lahore hồi tháng Sáu vừa qua.
Các động thái căng thẳng trên đang làm dấy lên quan ngại về tính ổn định của chính phủ dân sự tại quốc gia Nam Á này, nhất là trong bối cảnh Pakistan phải vật lộn với cuộc chiến chống phiến quân Taliban.
Theo Vietnam
Chính phủ Pakistan và phe đối lập nối lại đàm phán
Một phái đoàn chính phủ Pakistan cuối ngày 22/8 đã nối lại các cuộc đàm phán với Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaaf (PTI) đối lập nhằm giải quyết căng thẳng chính trị và chấm dứt làn sóng biểu tình ngồi đang làm ảnh hưởng tới các hoạt định kinh tế-chính trị tại thủ đô Islamabad.
Những người biểu tình tại khu vực gần trụ sở các bộ của chính phủ Pakistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ ngày 14/8, những người ủng hộ PTI đã phát động cuộc biểu tình ngồi bên ngoài tòa nhà quốc hội để gây sức ép buộc Thủ tướng Nawaz Sharif phải từ chức.
Chủ tịch PTI Imran Khan hôm 20/8 đã mở cuộc đối thoại với chính quyền, song sau đó quyết định đình chỉ đàm phán vì một vụ "đàn áp" nhằm vào các nhà hoạt động của đảng này. Chính phủ Pakistan phủ nhận việc bắt giữ các công nhân PTI và cũng loại trừ việc sử dụng vũ lực nhằm giải tán các đám đông biểu tình.
Bộ trưởng Nội vụ Chaudhry Nisar Ali Khan cùng ngày khẳng định chính phủ đề nghị đối thoại để thảo luận về các yêu sách của PTI. Trong khi đó, phát biểu với báo giới trước khi đàm phán, Phó Chủ tịch PTI Shah Mehmood Qureshi: "Chúng tôi đã nối lại cuộc đàm phán nhưng không rút các yêu cầu của mình, trong đó có việc thủ tướng phải từ chức".
Theo Baotintuc
Pakistan đối mặt nguy cơ đảo chính quân sự Theo nhận định hôm 17/8 của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), làn sóng biểu tình, tuần hành của những người ủng hộ chính khách Imran Khan đang đẩy Pakistan lâm vào tình trạng hỗn loạn khi họ yêu cầu Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức. Thực tế đó làm dấy lên những quan ngại rằng Pakistan sẽ trải qua một cuộc đảo...