Pakistan đòi Liên Hiệp Quốc họp khẩn, nhờ Mỹ can thiệp Kashmir
Pakistan thừa nhận khả năng thắng Ấn Độ về vấn đề Kashmir là một cuộc đấu tranh về lâu dài.
Đúng như đã tuyên bố vài ngày trước, ngày 13-8, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) Joanna Wronecka triệu tập một cuộc họp khẩn về tình hình bang Jammu and Kashmir (Ấn Độ).
Bang Jammu and Kashmir là lãnh thổ thuộc Ấn Độ nhưng nằm trong phần lãnh thổ Kashmir đang được tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Quan hệ hai nước luôn căng thẳng liên quan đến tranh chấp này. Và căng thẳng dâng cao từ ngày 5-8, sau khi Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind ký sắc lệnh bãi bỏ điều 370 hiến pháp nước này vốn ban quy chế đặc biệt cho bang Jammu and Kashmir quyền tự trị.
Cuộc đấu tranh lâu dài
Trong thư gửi lên bà Wronecka mà hãng tin Sputnik thu thập được, ông Qureshi chỉ trích quyết định của Ấn Độ đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, hủy hoại tình trạng tranh chấp của bang Jammu and Kashmir mà quốc tế công nhận. Ông Qureshi cũng cáo buộc Ấn Độ muốn đơn phương thay đổi cấu trúc nhân khẩu lãnh thổ này và vi phạm các quyền con người cơ bản.
Theo ông Qureshi, trước khi ra quyết định hủy bỏ quy chế đặc biệt của bang Jammu and Kashmir, Ấn Độ đã áp đặt lệnh giới nghiêm, cắt mọi dịch vụ viễn thông, đóng cửa trường học, lệnh các bệnh viện chuẩn bị cho “tình trạng khẩn cấp”, ngoài ra còn bắt giữ nhiều lãnh đạo chính trị người Kashmir. Từ sau khi tuyên bố hủy bỏ quy chế đặc biệt ngày 5-8, đã có nhiều vụ vi phạm nhân quyền dẫn tới thương vong xảy ra ở bang Jammu and Kashmir và có liên quan đến binh sĩ Ấn Độ, theo ông Qureshi.
Trong thư ông Qureshi dự đoán có nguy cơ Ấn Độ khả năng sẽ kích động một cuộc xung đột nữa với Pakistan để lái sự chú ý khỏi vấn đề bang Jammu and Kashmir bị hủy bỏ quy chế độc lập. Và dù đề nghị HĐBA LHQ họp nhưng ông Qureshi cũng thừa nhận khả năng thắng Ấn Độ về vấn đề Kashmir là một cuộc đấu tranh lâu dài.
Video đang HOT
Người Hồi giáo Kashmir biểu tình ở TP Srinagar của bang Jammu and Kashmir (Ấn Độ) phản đối việc bang này bị hủy bỏ quy chế đặc biệt. Ảnh: AP
Vận động Mỹ can thiệp
Trong một bài viết trên báo Washington Post ngày 12-8, đại sứ Pakistan tại Mỹ, ông Asad Majeed Khan, đã kêu gọi Mỹ can thiệp. Ông Khan nhắc tới chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump có nói ông sẽ giúp làm trung gian thương lượng giữa Pakistan và Ấn Độ về tình trạng Kashmir khi ông tiếp Thủ tướng Pakistan Imran Khan tại Nhà Trắng tháng trước. Theo ông Khan, giờ là lúc Mỹ cần thực hiện đề nghị đứng ra hòa giải mà ông Trump đã nói.
Thực tiễn cho thấy trong nhiều sự vụ trước đây, sự ủng hộ về ngoại giao từ các nước đồng minh đã giúp giảm căng thẳng nên ông Khan kêu gọi Mỹ khẩn cấp vào cuộc can thiệp, không để Ấn Độ kích động một cuộc khủng hoảng nữa.
Trả lời phỏng vấn báo New York Times một ngày trước đó, ông Khan nói Pakistan có thể triển khai binh sĩ từ biên giới với Afghanistan sang vùng Kashmir. Không biết đây có phải là lời đe dọa với Mỹ hay không, tuy nhiên theo New York Times, nếu Pakistan làm thế thì đây sẽ một bước đi làm phức tạp thêm quá trình đàm phán hòa bình giữa Mỹ và phiến quân Taliban ở Afghanistan vốn đã ở giai đoạn cuối.
Trong tuyên bố ngày 9-8, Bộ Ngoại giao Mỹ nói nước này không thay đổi gì trong chính sách với Kashmir và tiếp tục xem đây là một lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Mỹ đánh giá Kashmir là một vấn đề quan trọng và sẽ tiếp tục theo dõi chặt diễn biến.
Pakistan sẽ không kích động xung đột. Tuy nhiên, Ấn Độ không nên hiểu sai chuyện kiềm chế của chúng tôi là sự yếu đuối.
Ngoại trưởng Pakistan SHAH MAHMOOD QURESHI viết trong thư gửi Chủ tịch HĐBA LHQ Joanna Wronecka
Tới Bắc Kinh tranh thủ Trung Quốc
Ngày 10-8, Ngoại trưởng Qureshi đã đến Bắc Kinh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và một số quan chức hàng đầu của Trung Quốc. Theo lời ông Qureshi thì Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ chuyện Pakistan đưa vấn đề Kashmir ra HĐBA LHQ.
Trong khi Pakistan muốn các nước bên ngoài, đặc biệt các nước lớn can thiệp giải quyết vấn đề Kashmir thì Ấn Độ cho rằng chuyện quản lý bang Jammu and Kashmir – một phần của vùng Kashmir tranh chấp – là chuyện nội bộ của mình và bác mọi can thiệp.
Trong khi Pakistan ra sức vận động Mỹ, Trung Quốc thì phía Ấn Độ lại khá bình tĩnh. Trao đổi với một kênh truyền hình Mỹ, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Harsh Vardhan Shringla lại nói ông Trump đã nói rất rõ rằng chuyện ông đề nghị làm trung gian về vấn đề Kaskmir tùy thuộc vào sự chấp nhận của cả hai nước Ấn Độ và Pakistan. Và vì Ấn Độ không chấp nhận nên đề nghị này không còn được cân nhắc.
Giới nghiêm tại thủ phủ Kaskmir
Theo hãng tin Reuters, gần 10 ngày sau khi Ấn Độ hủy bỏ quy chế đặc biệt tại bang Jammu and Kaskmir, TP Srinagar – thủ phủ của bang này vẫn trong tình trạng bị giới nghiêm với hàng rào kẽm gai, rào chắn bằng thép, trực thăng, máy bay không người lái bay tuần tra trên trời. Phần lớn người dân vẫn ở trong nhà, tránh ra đường. Ngày 13-8, Tòa án Tối cao Ấn Độ tuyên bố chuyện tăng cường an ninh ở bang Jammu and Kashmir sẽ còn tiếp tục. Lý do cho việc này là tình hình ở Kashmir vẫn “nhạy cảm” và chính phủ cần thêm thời gian để giải quyết.
Chưa biết tình hình giới nghiêm sẽ kéo dài đến lúc nào. Theo Tổng chưởng lý Ấn ĐộKK Venugopal, lệnh giới nghiêm có thể kéo dài từ vài ngày cho tới vài tháng nữa. Hàng chục cá nhân và tổ chức nhân quyền, luật sư, nhà báo, học giả Ấn Độ đã cùng ký một bức thư gửi đến Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đề nghị chính phủ rút lệnh giới nghiêm và khôi phục quy chế đặc biệt cho bang Jammu and Kashmir theo điều 370 hiến pháp.
ĐĂNG KHOA
Theo PLO
Nga kêu gọi Ấn Độ-Pakistan giảm căng thẳng
Theo tờ Times of India, Nga đã kêu gọi Ấn Độ-Pakistan không làm trầm trọng tình hình, sau khi Ấn Độ bãi bỏ điều 370 Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt cho bang Jammu và Kashmir và tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang.
Người dân Kashmiris đốt cờ Ấn Độ để phản đối việc hủy bỏ Điều 370. (Nguồn: Getty Images)
Hôm 8/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng hối thúc Ấn Độ và Pakistan kiềm chế tối đa, đồng thời nhấn mạnh đến Hiệp định Simla, vốn bác bỏ bất cứ vai trò trung gian nào của một bên thứ 3 về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi của báo giới hôm 9/8, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ: "Moscow hy vọng Ấn Độ và Pakistan sẽ không làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực do việc New Delhi thay đổi quy chế của bang Jammu và Kashmir. Việc thay đổi quy chế của bang Jammu và Kashmir và tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang được thực hiện trong khuôn khổ hiến pháp Ấn Độ. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan không làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực do những quyết định trên. Nga nhất quán ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Ấn Độ và Pakistan và hy vọng những bất đồng giữa hai nước có thể được giải quyết thông qua biện pháp chính trị và ngoại giao trên cơ sở song phương phù hợp với các điều khoản của Hiệp định Simla 1972 và Tuyên bố Lahore 1999".
Sau khi được Quốc hội thông qua, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã ký ban hành đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir 2019. Hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh không có cơ quan lập pháp và Jammu và Kashmir có cơ quan lập pháp sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31/10 tới.
Trong một diễn biến liên quan, Pakistan đã đình chỉ dịch vụ xe buýt hữu nghị tuyến Lahore-Delhi sau khi đình chỉ 2 tuyến đường sắt kết nối với Ấn Độ, như biện pháp để phản đối các quyết định trên của New Delhi.
Hôm 7/8, Pakistan đã quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ mọi hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ.
Theo baoquocte/Times of India
Lựu đạn phát nổ tại bến xe buýt làm ít nhất 18 người bị thương Ít nhất 18 người đã bị thương ngày 7/3 khi một quả lựu đạn phát nổ tại một bến xe buýt ở thành phố Jammu, thuộc bang Jammu và Kashmir ở miền Bắc Ấn Độ. Phát biểu với báo giới, cảnh sát trưởng Jammu, MK Sinha cho biết quả lựu đạn dường như được ném từ bên ngoài bến xe buýt và lăn...