Pakistan cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát sau thảm họa lũ lụt
Ngày 20/9, giới chức Pakistan cảnh báo nguy cơ các bệnh lây truyền qua đường nước vượt ngoài tầm kiểm soát sau thảm họa lũ lụt ở nước này.
Khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại huyện Jamshoro, tỉnh Sindh, Pakistan ngày 18/9/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại thủ đô Islamabad, Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan Ahsan Iqbal, người đứng đầu trung tâm ứng phó lũ lụt quốc gia, nêu rõ: “Dịch bệnh đã bùng phát”, đồng thời bày tỏ lo ngại dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát.
Hàng trăm nghìn người sơ tán tránh lũ hiện đang sống ngoài trời trong khi nước lũ kéo dài hàng trăm km bắt đầu rút dần mà giới chức Pakistan cho rằng phải mất từ 2-6 tháng, nước mới rút hoàn toàn. Nước đọng lâu ngày tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và gây ra các bệnh lây truyền như sốt rét, sốt xuất huyết, đau mắt, các bệnh về da và tiêu chảy nặng.
Tại Sindh, vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của lũ lụt, chính quyền tỉnh cho biết 9 người đã thiệt mạng vì các bệnh viêm dạ dày – ruột, tiêu chảy nặng và nghi sốt rét vào ngày 19/9, nâng tổng số người thiệt mạng do các bệnh lây truyền qua đường nước lên 318 người kể từ ngày 1/7 đến nay. Chính quyền tỉnh cho biết hơn 1.200 cơ sở y tế trong tỉnh vẫn ngập trong nước lũ.
Video đang HOT
Từ ngày 1/7 đến nay, hơn 2,7 triệu người đã được điều trị các bệnh lây truyền qua đường nước tại các lều tạm hoặc bệnh viện dã chiến được dựng tại các vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Chỉ riêng trong ngày 19/9, có 72.000 người đã được điều trị tại các cơ sở này.
Trong khi đó, 3 tỉnh khác của Pakistan cũng ghi nhận hàng nghìn ca bệnh liên quan. Số ca mắc gia tăng đã làm cho hệ thống y tế của Pakistan vốn đã mong manh, trở nên quá tải.
Theo Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Pakistan, các trận mưa gió mùa lớn chưa từng có trút xuống quốc gia Nam Á này kể từ giữa tháng 6 đến nay đã khiến 1.559 người thiệt mạng (trong đó có 551 trẻ em và 318 phụ nữ), nhấn chìm hàng triệu ha đất và hoa màu, ảnh hưởng tới 33 triệu người. Lũ lụt cũng cuốn trôi nhà cửa, đường sá, gia súc và phá hủy gần 400 cây cầu, gây thiệt hại ước tính khoảng 30 tỉ USD.
Chính phủ Pakistan thông báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể giảm từ mức dự đoán trước đây là 5% xuống 3% trong tài khóa 2022-2023.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính 16 triệu trẻ em ở Pakistan chịu ảnh hưởng của lũ lụt và ít nhất 3,4 triệu bé trai và bé gái vẫn cần được cứu trợ khẩn cấp.
WHO quan ngại về thảm họa thứ hai tại Pakistan
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, ngày 17/9, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ xảy ra thảm họa thứ hai ở Pakistan, đó là làn sóng bệnh tật và tử vong sau thảm họa lũ lụt.
Người dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt sơ tán tới khu lều tạm ở Sindh, Pakistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố của Tổng Giám đốc WHO nêu rõ nguồn cung nước sạch đã bị gián đoạn khiến người dân Pakistan phải uống nước không đảm bảo an toàn, có thể lây lan bệnh tả và các bệnh tiêu chảy khác. Nước đọng lâu ngày tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và gây các bệnh lây truyền như sốt xuất huyết và sốt rét. Ngoài ra, gần 2.000 cơ sở y tế đã bị hư hại hoàn toàn hoặc một phần và người dân phải di chuyển khỏi nhà khiến họ khó tiếp cận với các dịch vụ y tế thông thường. Tất cả những điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều ca sinh con không an toàn, nhiều bệnh tiểu đường hoặc tim không được điều trị, nhiều trẻ em không được tiêm chủng... Tuyên bố khẳng định nếu nhanh chóng hành động để bảo vệ sức khỏe và cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, có thể giảm đáng kể tác động của cuộc khủng hoảng cận kề này.
Tổng Giám đốc WHO cũng cám ơn các nhà tài trợ đã nhanh chóng phản hồi sau lời kêu gọi khẩn cấp, đồng thời khẳng định tiếp tục đánh giá quy mô của cuộc khủng hoảng và sẽ sớm đưa ra lời kêu gọi mới. Bên cạnh đó, ông Ghebreyesus kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ tài chính để ngăn chặn không để xảy ra thêm nhiều khó khăn cho người dân Pakistan.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết tính đến nay, nước này đã tiếp nhận 111 chuyến bay từ các quốc gia hữu nghị và các tổ chức quốc tế chở hàng cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt. Theo đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thực hiện 41 chuyến, Mỹ 21 chuyến, Thổ Nhĩ Kỳ 13, Trung Quốc 4, Qatar 4, Saudi Arabia 2, Oman 2 và 6 nước viện trợ 1 chuyến là Nepal, Anh, Pháp, Uzbekistan, Turkmenistan, Jordan. Ngoài ra, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) gửi 13 chuyến hàng viện trợ, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNCEF) gửi 2 chuyến và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cử 3 chuyến hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Pakistan.
Trong diễn biến khác, khi thăm các khu vực chịu ảnh hưởng do lũ tại huyện Sujawal thuộc tỉnh Sindh, Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Muhammad Amjad Khan Niazi, cho biết Hải quân Pakistan quyết tâm duy trì các hoạt động cứu hộ và cứu trợ cho đến khi tất cả những người bị nạn được đảm bảo an toàn.
Theo Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Pakistan, các trận mưa gió mùa lớn chưa từng có trút xuống quốc gia Nam Á này kể từ giữa tháng 6 đến nay đã khiến 1.545 người thiệt mạng, nhấn chìm hàng triệu ha đất và hoa màu, ảnh hưởng tới 33 triệu người, trong đó có khoảng 16 triệu trẻ em. Lũ lụt cũng đã làm hư hại 1,8 triệu ngôi nhà, cuốn trôi đường sá và phá hủy gần 400 cây cầu.
Liên quan tình hình dịch bệnh do lũ lụt triền miên, giới chức y tế sở tại thông báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực trên cả nước. Theo đó, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, miền Tây Bắc, ghi nhận tổng cộng 350 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại đây từ đầu năm đến nay lên 4.538 ca. Tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan, ghi nhận 388 ca mắc mới, nâng tổng số ca sốt xuất huyết tại đây lên 5.203 ca. Trong khi đó, tỉnh Punjab ở miền Đông cho biết có gần 190 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh này.
Ông Imran Baluch, người đứng đầu một bệnh viện ở Jafferabad thuộc tỉnh Baluchistan cho biết trong 300 người được xét nghiệm hằng ngày, gần 70% mắc bệnh sốt rét. Ngoài sốt rét còn ghi nhận nhiều trường hợp sốt thương hàn, nhiễm trùng da trong nhóm những người phải di dời khỏi nơi ở và sống hàng tuần trong điều kiện mất vệ sinh.
Nga đề nghị cung cấp lúa mì và khí đốt cho Pakistan Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 17/9, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif cho biết, Nga đề nghị cung cấp khí đốt và lúa mì cho Pakistan trong bối cảnh lũ lụt thảm khốc và đề phòng nguy cơ thiếu lương thực có thể xảy ra sau trận đại hồng thủy tại quốc gia Nam Á. Khu lều tạm của...