Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc quan ngại biến động ở Afghanistan
Việc Taliban kiểm soát thủ đô Kabul ngày 15/8 đã khiến toàn thế giới phải chú ý, đặc biệt là 3 quốc gia lân cận Afghanistan là Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc.
Tay súng Taliban đứng gác trước cửa chính dẫn đến Dinh Tổng thống Afghanistan. Ảnh: AP
Tờ The Washington Post (Mỹ) đánh giá đối với Pakistan, việc Taliban quay trở lại nắm quyền lực ở Afghanistan có thể dẫn đến khả năng nhóm Taliban Pakistan, còn có tên gọi là Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), nổi dậy và gây rủi ro cho Pakistan. Ấn Độ trong khi đó quan ngại về tình hình tại Kashmir ở thời điểm nước này xảy ra nhiều vụ việc ở biên giới với cả Pakistan và Trung Quốc.
Về phần Trung Quốc, nước này quan ngại việc Mỹ rút quân khiến các nhóm vũ trang nhắm đến dự án cơ sở hạ tầng Bắc Kinh đầu tư. Ngoài ra Trung Quốc còn cảnh giác trước các vụ tấn công nhằm vào công dân nước này tại Pakistan. Trong tháng 7, một vụ tấn công liều chết đã xảy ra với chiếc xe buýt chở công nhân xây dựng Trung Quốc ở Tây Bắc Pakistan khiến 13 người tử vong. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi ngày 13/8 cho biết Taliban Pakistan đứng sau vụ tấn công này.
Ông Andrew Small tại Quỹ Marshall Đức đánh giá: “Từ Islamabad (Pakistan) đến New Delhi và Bắc Kinh, có mức độ lo lắng khác nhau về việc Taliban đã dễ dàng và mạnh mẽ nắm quyền kiểm soát”.
Theo ông Andrew Small, sẽ có áp lực để “đảm bảo ổn định trong khu vực”.
Vào ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Pakistan kêu gọi các lãnh đạo Afghanistan cùng hợp tác và cơ quan này khẳng định “một giải pháp chính trị là rất cần thiết”. Trung Quốc trong khi đó tuyên bố “tôn trọng ý chí và sự lựa chọn của người dân Afghanistan”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng đề cập coi Taliban là nhóm chính trị khác biệt với phiến quân Hồi giáo hoạt động ở Pakistan. Hồi cuối tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tiếp và hội đàm với một phái đoàn các nhân vật cấp cao của Taliban tại thành phố Thiên Tân.
Nhà nghiên cứu Dan Markey tại Trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao Johns Hopkins nhận định: “Đối với Trung Quốc, an ninh là vấn đề lo ngại hàng đầu về Afghanistan. Tất cả những thứ khác sẽ theo sau. Đó là rủi ro về dòng người di chuyển, hệ tư tưởng và các chiến binh được đào tạo”.
Tại Ấn Độ, nhiều quan chức lo ngại rằng khi Taliban kiểm soát Afghanistan, các nhóm phiến quân Hồi giáo sẽ kích động bạo lực tại Kashmir. Nhưng Tướng về hưu Deependra Hooda, người từng chỉ huy lực lượng quân đội Ấn Độ đóng tại Kashmir cho đến năm 2016, nhận định rằng sẽ khó có tình trạng chiến binh nước ngoài tràn vào Kashmir từ Afghanistan để kích động nổi dậy bởi Ấn Độ đã thắt chặng đáng kể an ninh biên giới trong nửa thập niên qua. Ngoài ra, ông Hooda cũng cảnh báo Taliban sẽ trở thành tấm gương cho nhiều nhóm phiến quân tại Pakistan như Lashkar-e-Taiba, Jaish-e-Mohammed và Taliban Pakistan.
Bất ổn tại Afghanistan còn có thể gây ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận theo yếu tố khác. Pakistan và Iran mỗi nước đều đang đón nhận trên 2 triệu người tị nạn Afghanistan.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong tháng 6 cho biết nước này sẽ đóng biên giới với Afghanistan để ngăn dòng người tị nạn đổ về nếu Taliban nắm quyền kiểm soát. Trong khi đó, Iran vào ngày 16/8 tuyên bố sẽ thiết lập các lán trại dành cho người tị nạn Afghanistan tại 3 tỉnh biên giới.
Kabul trước giờ thất thủ
Cuối tuần trước, cuộc sống ở thủ đô Afghanistan vẫn diễn ra bình thường, người dân có lẽ không bao giờ nghĩ Kabul sẽ thất thủ chóng vánh đến vậy.
Khoảng giữa tuần trước, Sonia Sarkar, phóng viên đến từ New Delhi, Ấn Độ, đáp chuyến bay tới thủ đô Kabul, Afghanistan, để đưa tin về cuộc xung đột giữa chính phủ nước này và lực lượng Taliban sau khi Mỹ rút quân. Khi xuống sân bay quốc tế Hamid Karzai lúc trời chạng vạng tối 11/8, cô nhận thấy cuộc sống tại đây vẫn diễn ra bình thường.
Mở điện thoại lên, cô nhận được hàng loạt tin nhắn chào đón nồng ấm từ các đầu mối liên lạc ở Afghanistan, dù họ không quên dặn cô phải cảnh giác. "Hãy nhìn xem, mọi thứ vẫn bình thường ở Kabul, cuộc sống vẫn tiếp diễn", một người bạn nói.
Người dân vượt biên từ Afghanistan sang Pakistan để trốn chạy Taliban. Ảnh: AP.
Nhưng cuộc sống bình thường ấy không kéo dài lâu. Khi bình minh ló rạng ngày 15/8, bầu không khí tại thủ đô Afghanistan bỗng chốc rơi vào hỗn loạn với tin tức về việc Taliban đã chiếm được Jalalabad, thành phố hơn 350.000 dân cách Kabul khoảng 150 km, mà không phải giao tranh.
Các đầu mối tại Afghanistan bắt đầu nhắn tin điên cuồng cho Sarkar, khuyên cô "hãy rời đi sớm nhất có thể" hay "đến bất cứ đâu cũng được nhưng phải đi ngay".
"Trớ trêu thay, chỉ khoảng 6 tiếng trước khi biết tin Jalalabad thất thủ, tôi đã lên kế hoạch tới đó để tìm hiểu vì sao nó lại là thành phố lớn duy nhất không rơi vào tay Taliban ngoài Kabul", cô nói.
8h sáng, khi Sarkar rời khách sạn, một khung cảnh khác thường hiện ra trước mắt cô. Mọi người xếp hàng dài trước các ngân hàng và cây ATM, ai cũng lo lắng, bồn chồn. Nhiều người cố gắng xông vào một ngân hàng tại khu Shahr-e Naw ở trung tâm thành phố, dù nhân viên bảo vệ cố gắng xua họ đi.
"Tôi đã đi quãng đường một km trong 1,5 tiếng vì giao thông hoàn toàn lộn xộn. Tất cả mọi người đều vội vã, một số cố gắng xin hộ chiếu từ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, số khác xếp hàng bên ngoài các đại sứ quán để xin thị thực. Hầu hết các cửa hàng và doanh nghiệp đều đã đóng cửa", cô kể.
Trong đám đông xếp hàng có hàng nghìn người là công dân Afghanistan từng hỗ trợ các nhà ngoại giao từ Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan hay Canada suốt nhiều năm và nay muốn nhờ họ giúp đỡ rời khỏi Kabul đến nơi an toàn. Tại Quảng trường Sadarat ở trung tâm thành phố, các họa sĩ vẽ những bức tranh kêu gọi "ngừng bắn" trên những bức tường của văn phòng thống đốc Kabul.
Đám đông tập trung bên ngoài một ngân hàng ở khu Shahr-e Naw, trung tâm Kabul. Ảnh: SCMP/Sonia Sarkar.
Nỗi tức giận với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani dâng tới đỉnh điểm khi ông được xác nhận là đã rời đất nước, bỏ lại 38 triệu dân đối mặt với Taliban.
Theo các cuộc phỏng vấn giữa Sarkar và người dân Afghanistan, Ghani là người bị ghét nhất ở Kabul lúc này, có lẽ hơn cả Tổng thống Mỹ Joe Biden hay thậm chí lực lượng Taliban. Chỉ chưa đầy 24 giờ trước khi chạy trốn, ông vẫn nói dối người dân rằng đang huy động lực lượng chống lại Taliban và sẽ không từ chức bất chấp áp lực từ tất cả các bên.
Ngay cả khi giới phân tích đã cảnh báo về kịch bản Afghanistan sụp đổ, người dân ở Kabul vẫn không thể tin nổi vào những gì đang diễn ra.
Một tháng qua, lần lượt các tỉnh của Afghanistan rơi vào tay Taliban, khiến hàng nghìn người ở các tỉnh như Kunduz, Ghazni, Herat và Kandahar rời bỏ nhà cửa kéo về thủ đô Kabul. Họ lánh nạn tại công viên hay bãi đất trống ở khu dân cư ngoại ô Khair Khana. Trong khi đó, phần còn lại của thủ đô vẫn náo nhiệt. Các trung tâm mua sắm vẫn chật kín người, đường phố vẫn ùn tắc và người dân vẫn tham dự những đám cưới xa hoa trong hôn trường nguy nga.
Đến những nơi người tị nạn tập trung, Sarkar bị vây quanh bởi hàng trăm người khổ sở cùng cực, không có cả tiền lẫn thức ăn. Một số người phải bới rác để kiếm miếng ăn. Nhiều người được đưa tới các nhà thờ Hồi giáo để lánh nạn. Hầu hết đều tỏ thái độ giận dữ đối với người dân Kabul và chính phủ vì "thờ ơ trước nỗi đau và tình cảnh khốn khổ" của họ.
Dự đoán Kabul sẽ sớm thất thủ, một nữ nghị sĩ Afghanistan hôm 14/8 nói với Sarkar rằng những người này nên quay về nơi họ xuất phát bởi họ sẽ không nhận được bất kỳ trợ giúp nào ở thủ đô. Khác biệt giữa cuộc sống của người dân ở Kabul và những nơi khác luôn rất lớn, bây giờ, nó thậm chí còn lớn hơn bao giờ hết.
"Đây là Kabul vào ngày 13/8, người dân đi lại trên những chiếc xe thời thượng mà không mảy may lo sợ bị tấn công. Đây là Kabul nơi mà các quán cà phê được bảo vệ nghiêm ngặt chỉ dành cho người giàu và người có quyền lực. Đây là Kabul nơi người dân sống trong các tòa nhà cao tầng. Đây là Kabul mà vào hôm 12/8, tôi vừa dự một đám cưới tráng lệ với hơn 1.500 khách và là nơi các cô gái trẻ đeo mạng che kín mặt nhảy múa, lắc lư theo các bản nhạc Pashto và Bollywood do nữ DJ đội khăn trùm chơi", Sarkar mô tả.
Phụ nữ Afghanistan có lẽ là những người đầu tiên nhận ra rằng mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng tồi tệ. Hôm 14/8, tâm trạng của họ bắt đầu lay động. Một ngôi sao trên mạng xã hội Instagram mới hôm trước còn tiệc tùng thâu đêm giờ đây vội vã xin visa Ấn Độ cho bản thân cô và các cộng sự trong tuyệt vọng.
Ôtô bị bỏ lại trên đường ở thủ đô Kabul, Afghanistan, khi Taliban tiến vào thành phố ngày 15/8. Video: Twitter/@ABC.
Những nữ sinh viên tại Đại học Kabul nói với Sarkar rằng họ sợ sẽ phải bỏ học sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Taliban đã áp đặt các luật lệ Hồi giáo hà khắc trong thời gian nhóm cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, áp dụng những hình phạt khắc nghiệt như ném đá, quất roi, treo cổ và cấm phụ nữ làm việc.
Phụ nữ Afghanistan nay phải lẩn trốn trong nhà và chỉ biết trút giận vào Mỹ, Tổng thống Ghani và các chính trị gia "biến chất" khác, những người mà theo họ là chỉ biết vơ vét của cải, không màng đến người dân và cuối cùng chạy trốn khi đất nước lâm nguy.
Tối muộn ngày 15/8, khi Sarkar đang viết bài, một nữ sinh ở Đại học Kabul nhắn tin cho cô, nói rằng "cuộc sống của chúng tôi đã hết. Chúng tôi sẽ không bao giờ được bước ra khỏi nhà nữa".
"Tôi hiểu nỗi sợ của cô ấy bởi chỉ vài giờ trước, tôi đã nghe thấy tiếng phụ nữ và trẻ em la hét bên ngoài phòng khách sạn của mình. Vài giây sau, có người chạy lên tầng và bắt đầu đập cửa từng phòng, trong đó có cả phòng tôi. Lúc bấy giờ, tôi nghĩ chẳng lẽ Taliban đã đến", Sarkar nhớ lại. "Trùm kín đầu bằng một chiếc khăn đen dài, tôi trốn trong phòng tắm và cố liên lạc với quản lý khách sạn qua điện thoại nhưng ông ta không bắt máy. Tôi thử gọi cho một nhà báo địa phương. Anh ấy rất nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi tắt đèn, để điện thoại về chế độ im lặng và bình tĩnh".
Người bạn của Sarkar đã liên lạc được với quản lý. Người này giải thích rằng có hai gia đình đến từ Kandahar đang lưu trú tại khách sạn đã xảy ra cãi vã dẫn đến xô xát. Họ đã được yêu cầu rời đi nhưng điều đó không đủ trấn an Sarkar. Cô bắt tay tìm kiếm một nơi ở mới và nhờ một nữ phóng viên địa phương giúp đỡ.
Tài xế người Afghanistan đã đồng hành cùng Sarkar trong suốt những ngày qua giúp cô di chuyển dù anh đang phải điều trị tại bệnh viện vì huyết áp giảm đột ngột. Anh khuyên cô không nên ngồi ở ghế phụ như thường lệ mà hãy chuyển xuống ngồi ở ghế sau xe nhằm đảm bảo an toàn.
Người dân chạy theo và đu bám vào thân máy bay Mỹ khi phi cơ cất cánh tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul ngày 16/8. Video: Twitter/@TOLONews.
"Tôi đang cố kìm nén những giọt nước mắt. Gạt những trải nghiệm sợ hãi của tôi sang một bên, thật đau đớn khi chứng kiến cảnh hàng nghìn người Afghanistan tập trung tại sân bay Kabul để tìm những chuyến bay rời khỏi đất nước, trong lúc những người khác cảm thấy chua chát vì bị chính lãnh đạo của họ bỏ rơi và những phụ nữ thì lo lắng cuộc sống của họ sẽ chấm dứt", Sarkar viết. "Các đồng nghiệp của tôi tại sân bay Kabul nói họ đã nghe thấy tiếng súng nổ và có 5 người chết. Không rõ bao giờ các chuyến bay dân sự cất cánh. Ngày 16/8, tất cả các chuyến bay thương mại đều đã bị hủy".
Afghanistan áp đặt lệnh giới nghiêm tại địa phương có đụng độ vũ trang Ngày 17/7, tờ Times of India cho biết lệnh giới nghiêm đã được thực thi tại thành phố Kandahar của Afghanistan để kiềm chế bạo lực leo thang do các cuộc đụng độ giữa lực lượng Afghanistan và các tay súng Taliban. Các hạn chế về di chuyển sẽ được áp dụng từ 21h đến 5h sáng hôm sau. Lực lượng an ninh...